Khi dịch ‘viêm phổi Vũ Hán’ (COVID-19) có vẻ như đã lắng xuống tại Đại lục và lan nhanh trên thế giới, Trung Quốc đang rất nỗ lực làm nổi bật thành công của mình trong việc dập dịch, đổ lỗi cho Mỹ, đồng thời không ngừng đưa ra lời trợ giúp với thế giới về việc cung cấp nhân lực, thiết bị và “kinh nghiệm” phòng dịch. Các nhà quan sát cho rằng đây là cách để chính phủ Trung Quốc tạo ảnh hưởng, gây dựng uy thế trước thế giới trong lúc Mỹ đang phải vật lộn với việc kiểm soát dịch bệnh.
Khi cuộc khủng hoảng virus Trung Cộng lan ra khắp thế giới, Trung Quốc bắt đầu hành động. Sau khi gửi nhân viên y tế và vật tư y tế tới Ý, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã điện đàm với lãnh đạo các nước châu Âu gồm Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Serbia, đề nghị sẵn sàng hợp tác và hỗ trợ chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong việc phòng chống dịch, hay phát triển vắc xin.
“Nếu Đức có nhu cầu, Trung Quốc sẵn sàng hỗ trợ trong khả năng của chúng tôi”, Tân Hoa Xã dẫn lời ông Tập trong cuộc điện đàm hôm 21/3 với Thủ tướng Đức Angela Merkel.
“Trung Quốc sẵn sàng cùng Pháp thúc đẩy hợp tác quốc tế trong ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh, đồng thời hỗ trợ vai trò cốt lõi của Liên Hợp Quốc và Tổ chức Y tế Thế giới trong việc hoàn thiện quản lý y tế công cộng toàn cầu”, ông Tập nói với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
“Trung Quốc và Serbia là đối tác chiến lược toàn diện. Tình hữu nghị bền chặt như sắt đá giữa hai quốc gia cũng như người dân sẽ tồn tại mãi mãi”, ông Tập nói với Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic. Đáp lại, ông Vucic đã bày tỏ sự tin tưởng vào sự giúp đỡ từ Trung Quốc và tỏ ra thất vọng với Liên minh châu Âu.
> Trong 2 tháng, 3 nhà mạng Trung Quốc giảm gần 15 triệu thuê bao
Là trung tâm sản xuất của thế giới, Trung Quốc có khả năng khai thác năng lực công nghiệp khổng lồ để cung cấp khẩu trang, quần áo chống độc và nguyên liệu thô dùng để chế tạo đồ bảo hộ cho các quốc gia có nhu cầu.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nhân viên y tế trên toàn thế giới cần 89 triệu khẩu trang, 76 triệu đôi găng tay phẫu thuật và 1,6 triệu cặp kính bảo hộ mỗi tháng.
Trong thời kỳ chống dịch cao điểm vào tháng 1 và tháng 2, Trung Quốc đã thiếu hụt nghiêm trọng các vật tư y tế đó, nhưng khi các công xưởng bắt đầu trở lại làm việc, cỗ máy sản xuất khổng lồ đã hoạt động trở lại.
Kể từ ngày 29/2, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc cho biết số lượng khẩu trang được sản xuất hàng ngày đã tăng gấp 12 lần từ đầu tháng lên tới 116 triệu chiếc/ngày.
Bắc Kinh đã tận dụng cơ hội này để xuất khẩu khẩu trang và đem đi cho các nước đang hứng chịu sự bùng phát mạnh của dịch bệnh, gồm cả Nhật Bản và Hàn Quốc.
“Khẩu trang đã trở thành mặt hàng chiến lược nhất thế giới, được hầu hết các chính phủ thèm muốn”, ông Gal Luft, đồng giám đốc của Viện phân tích an ninh toàn cầu ở Washington cho biết, theo SCMP. Ông còn nhận định rằng năng lực sản xuất sẽ mang lại một lợi thế rất lớn cho Trung Quốc trên trường quốc tế.
WHO trước đó đã ca ngợi phản ứng của Bắc Kinh đối phó với dịch viêm phổi Vũ Hán là “nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh nhanh nhạy và quyết liệt nhất trong lịch sử.”
Steve Tsang, giám đốc Viện SOAS Trung Quốc tại London, nhận xét việc WHO tập trung vào các vấn đề kỹ thuật và mang tính ngoại giao nhất có thể với Trung Quốc đã tạo điều kiện cho Trung Quốc có nhiều cơ hội để duy trì chiến lược tuyên truyền của mình.
“Nhưng nhiều người, cả ở Trung Quốc và trên thế giới đều thấy rõ sự thất bại nghiêm trọng của chính phủ Trung Quốc trong giai đoạn đầu dịch bệnh. Các biện pháp hà khắc sau đó cũng là điều không thể chấp nhận được. Việc che giấu dịch bệnh cùng với sự phong tỏa có kiểm soát ở Vũ Hán và các thành phố khác thuộc tỉnh Hồ Bắc đã buộc hàng triệu người phải cách ly và dẫn đến tỷ lệ tử vong cao ở tâm dịch,” ông nói.
“Tuy nhiên, nhiều người đang bắt đầu tin tưởng vào câu chuyện của Trung Quốc, đặc biệt là khi virus giảm lây lan ở Trung Quốc trong khi tiếp tục tăng cao ở những nơi khác,” theo ông Tsang.
Huang Yanzhong, một thành viên cao cấp về sức khỏe toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại có trụ sở tại New York cho biết, việc Bắc Kinh xử lý dịch bệnh có thể là bài học tham khảo hữu ích cho các quốc gia khác.
“Kinh nghiệm đối với việc chống dịch của Trung Quốc cho thấy rõ tầm quan trọng của tính minh bạch và sự cần thiết phải có hành động quyết định. Nó cũng chỉ ra tầm quan trọng của việc điều trị kịp thời các trường hợp nghiêm trọng và ngăn ngừa nhiễm trùng trong bệnh viện,” ông nói.
Do đó, theo ông Huang, cho dù Trung Quốc có đang “thành công” trong việc ổn định tình hình dịch bệnh, thì đó cũng là trường hợp có một không hai và khó có thể nhân rộng ở các nước khác. “Thật vậy, cho đến nay, chúng ta đã nhìn thấy không có bất kỳ quốc gia nào sao chép cách làm của Trung Quốc.”
> Nhà bình luận Hồng Kông: 8 bước xử lý dịch bệnh của Bắc Kinh
Tuy nhiên, Đảng Cộng sản Trung Quốc rất muốn quảng bá thành công của mình trong việc quản lý khủng hoảng và muốn thế giới công nhận giá trị của hệ thống chính trị độc đảng.
Ban Tuyên giáo của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ đã xuất bản một cuốn sách có tựa đề “Cuộc chiến lớn chống lại bệnh dịch,” được Tân Hoa Xã công bố vào tuần trước với 6 thứ tiếng.
Wang Yiwei, giáo sư viện quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh nói rằng, cuốn sách có thể được đón nhận ở Trung Quốc, không có nghĩa là nó cũng được tiếp nhận ở những nơi khác. Ông cho biết rất nhiều người dân đã phải trả giá bằng tính mạng của họ.
Ông nói, “Hệ thống chính trị khác nhau nên cách hành xử của người dân cũng khác nhau. Người Trung Quốc đã quen làm theo những gì chính quyền nói, người dân ở các quốc gia khác coi trọng nhân quyền và tự do cá nhân.”
Sourabh Gupta, một chuyên gia chính sách tại Viện Nghiên cứu Trung – Mỹ ở Washington, cho rằng Bắc Kinh muốn được thế giới xem như là người có trách nhiệm, đóng góp cho phúc lợi y tế công cộng của các nước đang phát triển, các nước nghèo và cũng như cộng đồng quốc tế. Tuy vậy, cần cảnh giác với khả năng họ đang tham gia vào chủ nghĩa cơ hội trong thảm họa, tỏ vẻ gánh đỡ sự khốn khó của cộng đồng quốc để để thể hiện sự “tử tế” và hào phóng của mình.
Thanh Vân (theo SCMP)
Xem thêm:
Theo ĐBQH Dương Minh Ánh, biện pháp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với vàng…
Do có các sai phạm, khuyết điểm trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm…
Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…