Đầu năm 2018, cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc có đăng tải bài viết giới thiệu về “chuyện nhà” của lãnh đạo tối cao Trung Quốc Tập Cận Bình, trong đó vấn đề được nhiều người quan tâm là chuyện gia đình ông Tập từng bị bức hại.
Ngày 20/2/2018, Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc đăng tải bài viết tựa đề “Tập Cận Bình và cha mẹ của ông”, phần mở đầu giới thiệu trên kệ sách của ông Tập Cận Bình có treo hình ông Tập nắm tay cha mẹ đi tản bộ, qua đó cho biết ông Tập rất hiếu kính người mẹ ruột Tề Tâm, đồng thời nhận định phẩm chất này đến từ người cha Tập Trọng Huân.
Bài viết cũng mô tả gia phong và thái độ sống của gia đình họ Tập là “cần cù tiết kiệm”, cũng nhắc đến ông Tập Trọng Huân trong “thời kỳ trên chặng đường cực tả” bị bức hại: “Chịu bất công từ năm 1962, bà Tề Tâm phải đi lao động tại nông trường ở Hoàng Phiếm tỉnh Hồ Nam và mang con nhỏ Tập Cận Bình đi theo, hai chị gái của ông Tập thì vào đội sản xuất, sau đó ông cũng vào một đội sản xuất ở Thiểm Bắc.”
Bài viết kể lại: “Trong những năm đó, ông Tập Cận Bình đã làm mọi công việc gian khổ như trồng lúa, làm than, đắp đập, gánh phân…”
Ông Tập Trọng Huân sinh năm 1913, qua đời ngày 24/5/2002, từng giữ chức Hiệu trưởng Trường Đảng Trung ương tại vùng Tây Bắc, Bí thư Đảng khu Tuy Đức (thuộc tỉnh Thiểm Tây), Bí thư Trung ương Đảng vùng Tây Bắc, Ủy viên Chính trị Quân bảo vệ vùng Thiểm Tây-Cam Túc-Ninh Hạ, Ủy viên Chính trị Quân khu Tây Bắc. Sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) xây dựng chính quyền, ông Tập Trọng Huân lại được giao các chức như Ủy viên Chính trị Quân Dã chiến thứ Nhất, Bí thư thứ hai Trung ương ĐCSTQ vùng Tây Bắc, Trưởng ban Tuyên truyền Trung ương ĐCSTQ, Phó Thủ tướng kiêm Tổng Thư ký Quốc vụ viện, Bí thư thứ nhất Tỉnh ủy Quảng Đông, Phó Ủy viên trưởng Ban Thường vụ Nhân đại toàn quốc.
Mặc dù ông Tập Trọng Huân là cán bộ cao cấp của ĐCSTQ nhưng cuộc đời lại đầy gian truân, thời Mao Trạch Đông đã bị giam lỏng 16 năm vì liên quan đến tiểu thuyết “Lưu Chí Đan”, phải sống tách khỏi gia đình trong thời gian dài, trải qua một cuộc sống đầy ảm đạm, con trai là ông Tập Cận Bình cũng đã bị bắt giam vài năm trong Trại Quản lý Thanh thiếu niên ở Hải Định – Bắc Kinh.
Rắc rối bắt đầu từ năm 1962, cuộc sống gia đình ông Tập bị rơi từ tầng xã hội cao nhất xuống tầng thấp nhất, khi đó ông Tập Trọng Huân đang là Phó Thủ tướng thì bị xử lý vì vấn đề tiểu thuyết “Lưu Chí Đan”.
Bài viết nhắc lại chuyện trong sách “Hai mươi năm khó quên: Những tháng ngày làm việc bên Tập Trọng Huân” của tác giả Trương Chí Công (Zhang Zhigong), người từng là thư ký của ông Tập Trọng Huân. Theo tác giả Trương Chí Công kể lại thời ông Tập Trọng Huân bị phe tạo phản (do Mao Trạch Đông chỉ đạo) đấu tố, bị ép phải khai báo tại sao đến thăm Đông Đức lại trông ngóng về Tây Đức, bị cáo buộc có liên kết với nước ngoài, ở nhà có “điện đài bố trí bí mật”. Sách chỉ ra, trong giai đoạn “Cách mạng Văn hóa”, ông Tập Trọng Huân bị phe tạo phản ở Tây An đấu tố từ Lạc Dương lên đến Tây An, có thời bị giam tại Đại học Tây Bắc.
Mùa hè và mùa thu năm 1967, một tổ chức phe tạo phản tại Tây An đã tổ chức đấu tố ông Tập Trọng Huân tại hội trường Đại học Sư phạm Thiểm Tây, Hồng Vệ binh ép ông Tập Trọng Huân phải khai báo cái gọi là “tội ác chống Đảng”. Cáo buộc ông Tập Trọng Huân bố trí điện đài bí mật tại nhà, ép phải khai báo. Những khi phái tạo phản nghe cảm thấy không hài lòng là lại hô to “đả đảo” và “đánh mạnh”. Ông Tập Trọng Huân bị Hồng Vệ binh đánh đến nỗi đôi tai bị điếc.
Tác giả Trương Chí Công tiết lộ, vào năm 1962, Đại sứ Vương Bính Nam (Wang Pingnan) trú tại Ba Lan đã tặng ông Tập Trọng Huân một thiết bị đơn giản để rửa ảnh, họ thiết kế một căn phòng tối nhỏ đơn giản tại nhà để rửa ảnh, nhưng hình ảnh cho ra không tốt, đành gác lại. Căn phòng tối đơn sơ này sau đó bị tố là “phòng điện đài bí mật”.
Liên quan đến câu chuyện nhà họ Tập này, Nhật báo Apple (Hồng Kông) cũng từng chỉ ra, ông Tập Trọng Huân bị bức hại tàn bạo trong thời “Cách mạng Văn hóa”, bị thẩm tra, giam cầm và theo dõi suốt 16 năm, đã bị tra tấn đến “tinh thần thất thường”, có giai đoạn ông phải giả phát điên, vì để bảo vệ gia đình không bị liên lụy.
>> Đào mộ nhục thi trong thời “Cách mạng Văn hóa” Trung Quốc
Một bài viết của tác giả tên Mã Phương (Ma Fang) đăng trên Tạp chí “Đảng sử Tung hoành” kỳ 12/2012 có kể lại, giai đoạn ông Tập Trọng Huân bị bỏ tù trong thời Cách mạng Văn hóa, người vợ Tề Tâm và các con của ông cũng bị liên lụy. Vì bà Tề Tâm không giữ khoảng cách với ông Tập Trọng Huân nên bị thẩm tra, phải lao động cải tạo gần 7 năm tại “Trường cán bộ 57”. Hai con gái của họ là Kiều Kiều và An An bị đưa vào binh đoàn sản xuất, con trai đầu Tập Cận Bình bị đưa vào công xã Văn An Dịch (Wenanyi) thuộc huyện Diên Xuyên, tỉnh Thiểm Tây, con trai thứ Tập Viễn Bình theo bà Tề Tâm đến nông trường khu Hoàng Phạm và được học trung học.
Mùa đông năm 1972, bà Tề Tâm ở trường cán bộ biết tin thân mẫu ở Bắc Kinh không còn sống được bao lâu nữa, nên đã xin phép cho về thăm mẹ và được chấp nhận. Sau đó bà Tề Tâm cũng xin được cho cùng các con đi gặp ông Tập Trọng Huân trong nhà tù. Khi đó ông Tập Trọng Huân đang trong tình trạng trọng thương và trí não thất thường, không thể nhận ra hai con trai đã lớn của mình.
Trí Đạt
Xem thêm:
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…