Nói đến âm nhạc và những công dụng kỳ diệu mà âm nhạc mang đến
cho nhân loại, không ít người sẽ liên tưởng đến đức âm nhã nhạc,
đến tác dụng trị bệnh của âm nhạc mà khoa học hiện nay đang
tiến hành nghiên cứu đưa vào ứng dụng.
Năm 1950, nhà sinh vật học nước Anh Julian Sorell Huxley đến bang Tamil, Ấn Độ, thăm Tiến sĩ T.C. Singh, chủ nhiệm khoa Thực vật của trường đại học Annamalai. Được biết Tiến sĩ Singh dùng kính hiển vi quan sát sự lưu động của tế bào loài Rong mái chèo, Huxley nảy ra ý định nhờ Tiến sĩ Singh thí nghiệm xem thực vật có chịu ảnh hưởng của âm thanh hay không. Trong kết quả được công bố trên Tạp chí Học viện Nông nghiệp bang Bihar, Tiến sĩ Singh bày tỏ chắc chắn rằng: Âm nhạc hài hòa sẽ thúc đẩy thực vật sinh trưởng, phát triển, ra trái, kết hạt. Gần đây, trên phạm vi toàn cầu đã dấy lên trào lưu “cho thực vật nghe nhạc cổ điển”, rất nhiều nông trường thực vật sinh thái xanh đã được xây dựng, rất nhiều các hộ trồng trọt áp dụng phương pháp này đều thu được hiệu quả rõ rệt.
Năm 1993, tập san định kỳ “Tự nhiên” nổi tiếng của nước Anh đã đăng kết quả công trình nghiên cứu lớn của nhà tâm lý học trường đại học California, bà Frances Rauscher và các đồng nghiệp. Theo đó, nghe âm nhạc của các bậc thầy sáng tác nhạc cổ điển như Mozart có thể gia tăng năng lực phân tích không gian ba chiều của các sinh viên. Vậy là trên phạm vi toàn thế giới đã xuất hiện cơn sốt “Hiệu ứng Mozart”, dẫn đến lượng tiêu thụ đĩa CD nhạc cổ điển tăng trưởng liên tục không dừng.
Năm 2010, theo đưa tin của nhiều tòa báo, một thí nghiệm âm nhạc đã được thực hiện tại Christchurch, thành phố lớn thứ ba New Zealand, nơi có các vụ phạm tội cao làm đau đầu giới chức địa phương. Từ tháng 6 năm 2009 trở đi, trung tâm thương mại bắt đầu phát tác phẩm của các nhạc sĩ thế kỷ 18 toàn bộ 24 giờ trong ngày. Người ta phát hiện ra âm nhạc cổ điển có hiệu quả kinh ngạc đối với việc giảm thiểu các vụ phạm tội và bạo lực. Theo thống kê, tháng 10 năm 2008, các vụ phạm tội khu vực này cao đến 77 vụ trong 1 tuần, nhưng đến tháng 10 năm 2010 giảm mạnh xuống còn 2 vụ. Các vụ gây rối liên quan đến ma túy, say rượu năm 2008 có 16 vụ, năm 2010 không có vụ nào xảy ra.
Những công dụng không ngờ nói trên đã khiến con người hiện đại phải nhìn nhận và suy ngẫm lại về âm nhạc. Âm nhạc xuất sinh từ đâu? Nội hàm của nó là gì? Vì sao nó lại có được những công dụng thần kỳ đến như vậy? Để có cái nhìn sâu và toàn diện hơn, có lẽ cần phải truy tìm lại từ cội nguồn xuất sinh ra âm nhạc, tìm về những chân giá trị vĩnh hằng của âm nhạc lưu truyền từ ngàn đời nay.
Cội nguồn của âm nhạc
Trong lời tựa của “Kinh Thi” có câu thế này: “Tình cảm trong lòng nảy sinh, cảm kích, không thể nén nổi, bèn thông qua ngôn ngữ biểu đạt. Nếu ngôn ngữ không đủ biểu đạt tình cảm, thì sẽ nảy sinh xuýt xoa than thở. Khi xuýt xoa than thở vẫn chưa đủ biểu đạt tình cảm thì kéo dài giọng mà hát lên. Khi hát lên vẫn không đủ biểu đạt tình cảm thì tay múa chân nhảy, nhảy múa tung tăng”. Vào thời cổ, thơ ca, âm nhạc và vũ đạo, ba lĩnh vực là một thể thống nhất, trong thơ có nhạc, trong nhạc có múa, trong múa có thơ, ba hợp một, gọi chung là “Nhạc”. Nhạc có nội hàm rất to lớn, tinh tế và sâu sắc đã xuất hiện từ văn minh tiền sử xa xưa.
Vậy rốt cuộc nhạc sinh ra sớm nhất là khi nào? Trong truyền thuyết, từ thuở sơ khai, Thần đã bảo hộ nhân loại đi qua thời kỳ mông muội, truyền thụ văn hóa để nhân loại bước vào nền văn minh. Đó là Nữ Oa đội đá vá trời, là Prometheus trao lửa cho loài người, là Thần Nông dạy dân làm ruộng, hay như Lạc Long Quân dạy người Việt cách làm nhà sàn, v.v.. Cũng từ “văn hóa Thần truyền” đó mà âm nhạc ra đời.
Ở phương Tây, trong Thần thoại cổ Hy Lạp, văn minh nhân loại đều do Thần sáng tạo và cai quản. Chẳng hạn văn học nghệ thuật là do Thần Apollo cai quản, dưới Thần Apollo có 9 vị Nữ Thần Muse cai quản âm nhạc, lịch sử, thơ ca, kịch, v.v.. Do đó từ âm nhạc trong tiếng Anh (music) có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp cổ (mousike), ý nghĩa là “Nghệ thuật của nữ Thần Muse”.
Ở phương Đông, nền văn hóa Trung Hoa trải qua hơn 5.000 năm lịch sử cũng không thiếu những điển cố về âm nhạc. Phục Hy phát minh ra Đàn sắt, đồng thời sáng tác nhạc vũ “Lập cơ”, “Giá biện”, v.v.. Bà Nữ Oa đã phát minh ra khèn, đồng thời thống nhất thanh luật thiên hạ, sáng tác bài nhạc vũ “Phù lê”. Ngoài ra còn có đàn sắt ngũ huyền của ông Chu Tương, nhạc vũ “Bát khuyết” của ông Cát Thiên…
Về mặt khảo cổ học mà nói, từ năm 1984 đến 2001, tại di chỉ Giả Hồ ở Vũ Dương, Hà Nam, Trung Quốc, người ta khai quật được hơn 30 cây sáo xương được chế tạo từ xương hạc. Theo khảo sát, những cây sáo xương này cách đây 7.800 – 9.000 năm bị chôn vùi trong đất. Qua thử nghiệm cho thấy, những cây sáo xương này có hai âm vực quãng tám, hơn nữa các nốt bán âm trong âm vực đều đầy đủ, không những có thể diễn tấu nhạc phủ ngũ âm hoặc 7 thanh điệu truyền thống, mà còn có thể diễn tấu được các nhạc khúc các dân tộc thiểu số nhiều biến âm hoặc nhạc nước ngoài, các âm giai của nó cấu thành hết sức khoa học, hoàn chỉnh đầy đủ. Điều đó chứng minh, trên 8.000 năm trước, cổ nhân đã có tri thức lý luận âm nhạc rất tiên tiến và hoàn chỉnh. Tri thức đó từ đâu mà có? Đó quả là một vấn đề không thể khảo chứng.
Công dụng của âm nhạc thời cổ đại
Âm nhạc dùng để tế Thần tế Trời
Thời kỳ viễn cổ, trong tình huống âm dương không điều hòa, vạn vật lệch khỏi Đại Đạo, phép tắc tự nhiên bị phá hoại, thì cổ nhân sáng tác ra nhạc vũ để cân bằng âm dương, khai thông dẫn đạo vạn vật, làm cho tự nhiên trở về trạng thái hài hòa, làm cho thiên hạ lại trở về với Đại Đạo.
Trong “Lã Thị xuân thu” viết: “Khi Đế Khốc tại vị, lệnh cho Hàm Hắc sáng tác mấy bài nhạc vũ ‘Cửu chiêu’, ‘Lục liệt’, ‘Lục anh’. Lại có một người tên là Thùy đã phát minh ra nhiều loại nhạc cụ. Đế Khốc bèn sai người dùng các nhạc cụ này diễn tấu, biểu diễn những bài nhạc vũ này, đã dẫn được các loài chim thần như phượng hoàng, gà trời, v.v.. bay đến, nhảy múa bay lượn theo điệu nhạc. Đế Khốc mừng lắm, bèn dùng các bài nhạc vũ này để tế Trời, ca tụng ân đức của Thiên đế.”
Thời kỳ Ngũ Đế đã sáng tạo ra “Lục đại nhạc vũ” bao gồm: “Vân môn đại quyển” của Hoàng Đế, “Đại hàm” của Nghiêu Đế và “Đại thiều” của Thuấn Đế dùng để tế Trời, “Đại hạ” của Đại Vũ tế núi sông, “Đại hoạch” của Thương Thang và “Đại vũ” của Chu Vũ tế ông bà tổ tiên. Bản “Đại hàm” của Nghiêu Đế còn có tên gọi là “Đại chương”, khi diễn tấu bài nhạc vũ này, trăm loài thú đều nhảy múa, vạn vật tự nhiên đều chung sống hài hòa. Còn “Đại thiều” của Thuấn Đế có 9 chương, cũng được gọi là “Cửu thiều”, “Tiêu thiều”, khi diễn tấu xong 9 chương, cũng lại có phượng hoàng đến chầu bái, nhảy múa, trăm loài thú cũng nhảy múa theo.
Âm nhạc trong giáo hóa và lễ nghi
Bởi vì nhạc ban đầu căn bản không phải dùng để nhân loại giải trí, mà dùng để điều tiết tự nhiên, quy chính trật tự vạn vật trong trời đất, nên nó phỏng theo trí huệ siêu nhiên của Thần, lấy phép tắc Thiên đạo hoàn mỹ làm tiêu chuẩn. Cũng chính vì thế, nhạc còn có công dụng giáo hóa nhân tâm.
Trong “Lễ ký – Ngọc tảo” có viết: “Thời cổ, người quân tử phải đeo ngọc bội. Ngọc bội bên phải va vào nhau phát ra âm thanh, là âm chủy và âm giốc, bên trái phát ra âm thanh là âm cung và âm vũ, ngọc bội hai bên trái phải như thế này, khi đi có thể phát ra tiếng của âm nhạc. Khi đi nhanh phải phù hợp với nhạc ‘Thái tề’, khi đi chậm phải phù hợp với nhạc ‘Tứ hạ’. Đi đường khi quay người đi phải phù hợp với khuôn phép, thành hình tam giác vuông. Khi tiến lên, phải hơi cúi người, giống như vái. Khi lùi phải hơi ngửa người, như thế này, ngọc bội sẽ theo thay đổi tư thế cơ thể mà phát ra âm thanh hài hòa. Người quân tử khi ngồi xe, có thể nghe được âm thanh của chuông loan, chuông hòa trên xe, khi đi bộ, nghe được âm thanh ngọc bội đeo bên người tấu lên, do đó tất cả các tà niệm sẽ không tiến nhập vào trong tâm được”.
Thời nhà Chu, con em quý tộc từ 13 tuổi bắt đầu học “Lục tiểu vũ”, 15 tuổi phải học “Tượng vũ”, 20 tuổi phải học “Lục đại vũ”, những bài múa này nếu không học được thì không cách gì bước chân vào xã hội. Nhà Chu lập riêng cơ cấu giáo dục lớn cấp quốc gia là “Đại tư nhạc” để dạy những bài nhạc vũ này. “Chu lễ – Đại tư nhạc” còn chép: “Khi thiên tử đi chậm phải hợp với tiết tấu ‘Tứ hạ’, khi đi nhanh phải hợp với tiết tấu ‘Thái tề’, khi ngồi xe xuất hành cũng như vậy. Quay về phía sau, quay trái quay phải, cúi người hành lễ v.v.. đều phải hợp với nhịp phách của chuông trống.” Có thể nói, toàn bộ xã hội nhà Chu say mê nhạc, chính là một thế giới của nhạc vậy.
Âm nhạc giúp an bang trị quốc
Cảnh giới âm nhạc cao không chỉ giúp ổn định nhân tâm, mà còn giúp an bang trị quốc. Tôn Tử cho rằng “không đánh mà khuất phục được quân địch” chính là cảnh giới cao nhất của dụng binh. Trong lịch sử Trung Quốc, có không ít câu chuyện lưu truyền về “cảnh giới” cao nhất này – chính là nhờ dùng nhạc. Theo sử sách ghi chép, khi Võ Vương phạt Trụ quyết chiến nơi cánh đồng ở Triều Ca, chỉ dẫn theo 300 cỗ binh xa, 4 vạn 5 nghìn binh sĩ, 3 nghìn quân xung phong, trong khi quân đội của Trụ Vương là 70 vạn người, tương quan chênh lệch một trời một vực. Đúng lúc hai bên giao tranh, tiếng trống chấn động trời xanh, quân đội Võ Vương bước chân theo tiết tấu của nhịp trống, vừa ca múa vừa đánh, phía trước hát, phía sau múa, nghênh đón đại quân Trụ Vương, “ca hát át quân Ân”. Trước thế trận như thế này, đại quân triều Thương bất ngờ lâm trận quay ngược mũi giáo, dẫn quân Võ Vương tiến công Triều Ca, khiến Võ Vương nhỏ yếu đã đánh bại triều Thương hùng mạnh dễ như bẻ cành cây mục, trở thành thiên tử. Sự kiện này đều được ghi chép trong “Hoa Dương Quốc Chí” và “Bạch Hổ Thông”.
Thông qua nhạc, cổ nhân còn có thể dự đoán hưng suy, tồn vong, họa phúc của một quốc gia. “Nhạc ký” chép rằng: “Xem xét âm nhạc một quốc gia, có thể biết trạng thái chính trị của quốc gia đó, cũng có thể từ đó biết được nên trị sửa thế nào. Nhạc thái bình thịnh thế, an tường lại vui vẻ, quốc gia đó nhất định chính trị thông đạt, con người hài hòa; Nhạc loạn thế, chứa đầy ai oán và phẫn nộ, quốc gia đó nhất định thực hiện các chính sách ngược lòng người trái đạo trời; Nhạc vong quốc, chứa đầy bi ai và ưu tư, bách tính sẽ rơi vào khốn cảnh tuyệt vọng. Đạo âm thanh, là tương thông với chính trị. Trong ngũ âm, âm cung đại diện cho quân vương, âm thương đại diện cho bề tôi, âm giốc là dân, âm chủy là sự việc, âm vũ là vật. Quân, thần, dân, sự, vật năm cái này không loạn, thì sẽ không có âm thanh không hài hòa. Nếu âm cung loạn, thì tiếng nhạc hoang loạn, quân vương quốc gia này nhất định ngạo mạn phóng túng vô độ; Âm thương loạn, thì tiếng nhạc khuynh loát, biểu thị quan lại quốc gia này bại hoại; Thanh giốc loạn, thì tiếng nhạc ưu thương, bách tính ắt oán hận nhiều; Âm chủy loạn, thì tiếng nhạc bi ai, quốc gia ắt nhiều sự việc không yên ổn; Tiếng vũ loạn, thì khúc điệu khuynh nguy, biểu thị quốc gia này tài vật kiệt quệ. Nếu cả năm âm thanh đều loạn, xâm lăng lẫn nhau, thì gọi là khinh mạn. Quốc gia này cách diệt vong chẳng còn bao xa nữa”.
Âm nhạc chữa bệnh kỳ diệu
Trong khi âm nhạc trị bệnh mới chỉ được khoa học phương Tây nghiên cứu gần đây, thì mấy nghìn năm trước, “Hoàng Đế Nội Kinh” – một trong tứ đại kinh điển Trung y – đã nêu rõ cơ sở lý luận của âm nhạc trị bệnh. “Hoàng Đế Nội Kinh” có chép: “Ngũ tạng của con người đối ứng với ngũ âm, lục phủ đối ứng với lục luật. Lục luật lại chia thành lục âm luật và lục dương luật, gộp vào gọi là 12 luật lữ, lần lượt đối ứng với 12 tháng, 12 thời thần, 12 tiết (24 tiết khí), 12 đường thủy kinh của trái đất và 12 kinh mạch cơ thể người”. “Hoàng Đế Nội Kinh” còn lấy ngũ âm lần lượt đối ứng với ngũ tạng, ngũ hành và ngũ tình (5 loại tình cảm). Có thể căn cứ vào ngũ âm chẩn đoán bệnh tình, đồng thời cũng có thể lấy ngũ âm điều phối thành âm nhạc hài hòa, để đối ứng điều chỉnh cân bằng lục phủ ngũ tạng của cơ thể con người, lưu thông tuần hoàn kinh lạc cơ thể người, từ đó giúp cho thân thể con người trở về với trạng thái hài hòa tự nhiên, đạt được mục đích trị bệnh và dưỡng thân. Do đó danh y thời Nguyên là Chu Chấn Hanh nói: “Nhạc cũng là thuốc vậy”.
Đạo Sinh