Chân dung những gian thần khiến các Triều đại sụp đổ (P2)
- Trần Hưng
- •
Các Triều đại qua giai đoạn cường thịnh ban đầu, đến giai đoạn suy vong, đều có các gian thần thao túng Triều đình, hại dân hại nước. Thời nào không trị được đám gian thần này thì Triều đình sẽ ngày càng suy yếu rồi mất.
- Tiếp theo phần 1
Hoạn quan Hoàng Công Phụ
Hoàng Công Phụ sinh ra ở Thăng Long, lúc sinh ra đã có khuyết tật, năm 14 tuổi được vào hầu trong phủ chúa Trịnh, dần dần được Chúa tin dùng, có được uy quyền.
Chúa Trịnh Giang khi mới lên ngôi đã làm một số việc tích cực như bãi bỏ và giảm một số loại tô thuế như thuế thổ sản, thuế muối. Tuy nhiên sau đó lại nghe theo lời của thái giám Hoàng Công Phụ mà chơi bời, cất nhắc nhiều vị trí do Hoàng Công Phụ giới thiệu.
Ai không được lòng Hoàng công Phụ thì bị gièm pha lên Chúa, chúa Trịnh Giang nghe lời gièm pha mà giết chết nhiều đại thần. Chúa ngay cả Vua cũng không tha, cho phế truất rồi sau đó giết chết vua Lê Duy Phường, lập Lê Duy Thận lên ngôi tức vua Lê Ý Tông.
Trước đây triều đình có hai ban văn võ, nay Thái giám lộng hành, Trịnh Giang vì mê chơi bời nghe theo Thái giám liền đặt thêm một ban nữa gọi là “Giám ban”. Đây chỉ là các vị trí Thái giám phục dịch trong cung, nhưng lại cho “Giám ban” này ngang hàng với ban văn võ.
Chưa dừng lại, ai muốn vào “Giám ban” cũng phải trải qua kỳ thi, vì thế mà các quan văn võ thấy hổ thẹn. Hoạn quan trong triều thì ra sức thao túng triều đình, Trịnh Giang chỉ chú tâm ăn chơi vô độ, bỏ bê việc triều chính. Trịnh Giang cho xây nhiều cung quán như Hồ Thiên, Hành cung Quế Trạo, Từ Dương, phủ đệ ở các làng ngoại Tử Dương, Mi Thử.
Chúa lo chơi bời khiến quốc khố cạn kiệt, lại tăng thuế và bắt dân lao dịch khiến lòng dân oán thán. Để có tiền phục vụ cho việc chơi bời, Trịnh Giang cho phép buôn bán quan tước, từ quan đến dân nếu ai có tiền nộp sẽ được cất nhắc các chức phẩm.
Sau 10 năm ở ngôi, Trịnh Giang bị sét đánh gần chết, rồi mắc bệnh “kinh quý”, tinh thần bất định, hay hoảng hốt sợ hãi, bọn hoạn quan Hoàng Công Phụ cho rằng: “Đấy là vì dâm dục mà bị ác báo. Muốn không bị hại chỉ có cách là trốn xuống đất.” (Theo “Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục”).
Hoàng Công Phụ cho đào hầm dưới đất cho Chúa ở, gọi là cung Thưởng Trì. Sau khi Chúa xuống hầm, Hoàng Công Phụ tác oai tác quái, một mình nắm hết mọi quyền hành.
Dân chúng bất bình, khởi nghĩa nổ ra khắp nơi, Hoàng Công Phụ phải đích thân cầm quân đi đánh. Nhân cơ hội Hoàng Công Phụ thân chinh đi đánh dẹp các cuộc khởi nghĩa, Trịnh thái phi Vũ thị cho tập hợp các quan văn võ nhằm đưa Trịnh Doanh lên ngôi Chúa, dẹp được loạn hoạn quan.
Gian thần Trương Phúc Loan
Ở Đàng Trong, Chúa Nguyễn Phúc Khoát thể hiện là bậc minh quân, tiếp tục sự nghiệp của tổ tiên khai phá xuống phía nam, người dân thường gọi là chúa Võ. Năm 1758, chúa Võ đã thu phục được cả vùng đất Nam bộ, công cuộc nam tiến của các đời chúa Nguyễn đến đây cũng kết thúc.
Tuy nhiên lúc này chúa Võ lại gần gũi và bị gian thần Trương Phúc Loan dẫn dắt. Ông ta muốn nắm lấy quyền lực nên luôn gần gũi rủ rê Chúa đi dần vào con đường tửu sắc. Trương Phúc Loan cũng ngỏ ý giúp đỡ, muốn Chúa dành thời gian chơi vui hưởng lạc, còn việc nước thì cứ để ông ta xử lý giúp.
Từ một vị minh quân mở cõi, chúa Võ sa vào con đường ăn chơi tửu sắc, gian thần Trương Phúc Loan thao túng toàn bộ triều chính.
Năm 1765, chúa Võ mất, di chiếu truyền ngôi lại cho con là Nguyễn Phúc Luân (phụ thân của vua Gia Long) năm ấy 33 tuổi. Trương Phúc Loan thấy Nguyễn Phúc Luân đã trưởng thành, lại thông minh quyết đoán, không thể thao túng được. Vì thế Trương Phúc Loan đem bắt giam Nguyễn Phúc Luân, giết chết những người thân tín, rồi lập chiếu chỉ giả đưa Nguyễn Phúc Thuần mới 12 tuổi lên ngôi Chúa hiệu là Định Vương. Nguyễn Phúc Luân bị giam rồi lâm bệnh mà mất vào tháng 10/1765.
Trương Phúc Loan rất tham lam, vơ vét quốc khố, lại tăng thuế nhưng chỉ đưa vào quốc khố 1,2 phần, còn lại cho vào túi riêng. Loan cũng cho mua quan bán chức, ai có tiền thì được phong quan.
Tương truyền có năm nước lũ lên làm ngập một dinh thự của Trương Phúc Loan, khi nước rút ông ta đem vàng bạc ra sân phơi khiến sáng cả một góc trời.
Đàng Trong đang hưởng cảnh thái bình, trù phú bỗng trở nên điêu tàn, quốc khố đầy ắp trở nên trống rỗng, người dân ca thán gọi Trương Phúc Loan là Trương Tần Cối (Tần Cối là gian thần hãm hại Nhạc Phi thời nhà Tống).
Lợi dụng tình thế đó, năm 1771, ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ khởi nghĩa ở ấp Tây Sơn. Khẩu hiệu ban đầu của quân Tây Sơn là diệt Trương Phúc Loan, phò hậu duệ chúa Nguyễn là Nguyễn Phúc Dương. Dân chúng oán ghét Trương Phúc Loan nên gia nhập quân Tây Sơn.
Đàng Trong dưới thời Trương Phúc Loan, quan tướng có được chức tước là do mua bán nên quân đội rất yếu, lúng túng đối phó với quân khởi nghĩa Tây Sơn, loạn càng thêm loạn. Nhân cơ hội này chúa Trịnh sai Hoàng Ngũ Phúc cầm quân nam tiến với khẩu hiệu diệt Trương Phúc Loan để lấy lòng dân chúng Đàng Trong.
Trước tình thế bị cả quân Tây Sơn và quân Trịnh đánh, chúa Nguyễn Phúc Thuần cho gọi Trương Phúc Loan rồi lừa bắt lại giao cho Hoàng Ngũ Phúc. Trương Phúc Loan sai con mang rất nhiều châu báu của cải đút lót cho Hoàng Ngũ Phúc cùng các tướng quân Trịnh nhưng vẫn bị giải đến Thăng Long, và bị chết trên đường đi.
Chúa Võ chỉ vì nghe theo gian thần mà khiến cơ đồ 8 đời chúa Nguyễn bị mất, đó là bài học lịch sử đắt giá.
(Hết)
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video “4 kiểu người cổ nhân thường giữ khoảng cách, tránh kết giao”:
Từ khóa lịch sử Việt Nam chúa Nguyễn nhà Lê Trịnh