In đậm dấu ấn trong tín ngưỡng phương Tây là những lời dạy về sự ăn năn, hối lỗi, xưng tội, và rửa tội. Kitô giáo coi trọng điều này hơn cả việc không lầm lỡ. Tại sao lại như vậy? Có một dụ ngôn trong Kinh Thánh được chúa Giê-su kể cho những người lãnh đạo Do Thái giáo, khi họ chỉ trích ngài vì đã chào đón và ăn uống cùng những người có tội. Đó chính là câu chuyện về “Sự trở lại của đứa con hoang đàng”…
Ở vùng nọ, có một người cha già sống cùng hai con trai. Một hôm, vì muốn ăn chơi mà không phải làm lụng, người con thứ đã xin cha chia cho phần tài sản mình sẽ được hưởng và người cha già đồng ý.
Chỉ ít ngày sau khi sở hữu số của cải đó, người con thứ gom góp tất cả tài sản của mình và lên đường đi xa. Tuy nhiên, anh ta không chịu dựa trên số tiền đó để làm lụng, mà lại sống rất phóng đãng và phung phí tiền bạc của mình.
Vào lúc người con thứ ăn tiêu hết sạch tiền của thì cũng là lúc vùng đất anh dừng chân xảy ra một nạn đói lớn. Lâm vào cảnh túng thiếu, người con thứ phải đi nuôi lợn cho một người dân nơi đây. Anh ta thậm chí không còn cả một manh áo lành lặn, và cũng chẳng có gì để ăn.
Nhìn đàn gia súc ăn, anh đói đến nỗi chỉ ao ước được nhét cho đầy bụng thức ăn của chúng, ấy vậy mà cũng không được.
Lâm vào cảnh túng quẫn đến cùng cực, người con thứ chợt nhớ tới gia đình, nơi anh được hưởng tình yêu của cha, với cơm áo no đủ. Mặc dù anh phải làm lụng trong gia đình, nhưng cha chưa để anh một ngày phải đói.
Tuy nhiên, người con thứ cũng rất ngượng ngùng không dám nhìn mặt người thân. Anh biết rằng, mình đã không xứng với phận làm con nữa. Anh chỉ mong được trở thành một người làm công cho cha mà thôi. Nghĩ vậy, người con thứ lên đường trở về nhà.
Khi người con thứ còn đang loạng choạng đi ở đằng xa, người cha đã trông thấy anh. Thấu hiểu và chạnh lòng thương, ông chạy ra ôm hôn con trai mình…
Không để con kịp nói gì hết, người cha đã vội vàng nói đầy tớ mang quần áo đẹp ra cho con thay, và làm thịt một con bê để ăn mừng con trai trở về.
Lúc ấy, người con cả từ đồng đi về nhà, nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa, mới ngạc nhiên hỏi chuyện đầy tớ. Biết được sự việc, người anh cả vô cùng giận dữ và đã không chịu vào nhà. Khi cha ra năn nỉ, anh nói: “Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè. Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng!”
Nhưng người cha trả lời rằng: “Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy được.”
Câu chuyện “Sự trở lại của đứa con hoang đàng” không chỉ là lời cảnh tỉnh về lối ăn chơi bừa bãi của người con thứ, và tâm ganh ghét oán hận của người con cả, mà còn nhấn mạnh vào tấm lòng bao dung rộng lớn và cơ hội rộng mở cho những ai biết hối lỗi. Nó cũng là lời răn ẩn ý mà chúa Giê-su dành cho những người lãnh đạo Do Thái giáo đang chất vấn mình.
Tại sao văn hóa phương Tây nhấn mạnh vào sự ăn năn? Bởi vì con người không thể thập toàn thập mỹ, ai cũng đều có thể mắc lỗi lầm, chỉ có điều người ta có nhận ra hay không mà thôi. Cũng giống như người con cả, khi anh ta tức giận trước sự đối xử của cha với em thì cũng chính là lúc tâm đố kỵ của anh ta bộc lộ. Bản thân anh ta cứ nghĩ rằng mình không sai, nhưng ngay khi anh ta đố kỵ thì chính là anh ta đã sai rồi.
Có rất nhiều người nghĩ rằng, việc rửa tội trong tín ngưỡng phương Tây thật là phi lý, vì kẻ làm điều sai trái sau khi ăn năn rửa tội là đã “trong sạch” rồi. Thật ra không thể lý giải như vậy. Rửa tội chỉ là một hình thức nghi thức mà thôi. Người thật sự biết ăn năn sẽ không tái phạm lỗi lầm của mình. Trong quá trình tìm ra cái xấu của bản thân mà dần dần xưng tội, dần dần loại bỏ các tâm xấu của con người, từ đó mà đạt được sự thăng hoa nội tâm. Còn kẻ xưng tội để né tránh hậu quả do tội lỗi của mình gây ra, và liên tiếp phạm điều xấu thì không phải là ăn năn thật sự. Nói cách khác, dù là phương Đông hay phương Tây thì tín ngưỡng đều dạy con người ta tu tâm, còn tôn giáo chỉ là hình thức. Nếu chỉ chú trọng đến hình thức mà quên đi ý nghĩa thật sự thì chính là “kẻ làm công” trong tôn giáo mà thôi, làm sao có thể gọi là tín đồ?
Quang Minh
Xem thêm:
Mời xem video:
Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa được thành lập để tiếp nhận nguồn viện…
Chứng khoán có dấu hiệu hồi phục nhưng thanh khoản vẫn duy trì ở mức…
Bắc Kinh đang chuẩn bị trở thành nước nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân uranium…
Vì đại diện và biện hộ cho nhiều người tập Pháp Luân Công, ông Vương…
Ông Medvedev tuyên bố cuộc xung đột giữa Moskva và Kiev có thể nhanh chóng…
Mình bỗng nhận ra rằng không cần phải làm thuyết khách thuyết phục bất cứ…