Các nhà khoa học của đạo Hồi

(Tranh: Museum of The History of Science and Technology in Islam, Nikos Niotis chụp, Flickr, CC BY-NC 2.0)

Hiện nay, các danh từ như đại số (algebra = al-jabr), thuật giả kim (alchemy = al-kimiya), chất kiềm (alkali = al-qili), độ phương vị (azimuth = al-sumut) cùng nhiều danh từ khoa học khác đều có nguồn gốc từ tiếng Ả Rập và từ đạo Hồi, như vậy các nhà toán học, hóa học, kinh tế, bác sĩ… đều mang nợ các nhà khoa học của đạo Hồi sống vào thời Trung Cổ. Trong suốt 5 thế kỷ, từ thế kỷ 9 tới thế kỷ 14, trong đạo Hồi đã có các nhà vật lý, hóa học, toán học, thiên văn học, địa dư học… họ không những làm sống lại nền khoa học của xứ Hy Lạp mà còn nới rộng, đào sâu, xây dựng nền móng của nhiều bộ môn kiến thức ngày nay.

Nền khoa học của đạo Hồi không những chỉ quan tâm tới môi trường vật lý của con người mà còn tìm cách phân tích con người theo tinh thần, theo xã hội trong đó con người sinh sống. Tinh thần tìm hiểu này đã phát triển tốt đẹp khiến cho nhiều người phương Tây thời bấy giờ đã phải hướng về các nhà khoa học của đạo Hồi để học hỏi.

Các nền khoa học của Hồi giáo đã căn cứ vào sự hiểu biết của người Hy Lạp thuộc nhiều thế kỷ về trước. Theo đó, ngự trị trong vũ trụ trông có vẻ phức tạp này, thực ra có các định luật tổng quát mà con người có thể hiểu rõ bằng lý trí (reason), nhờ đó nhiều hiện tượng tưởng chừng như không liên hệ với nhau mà thực ra đã bị chi phối bởi cùng một nguyên lý. Chẳng hạn như về thiên văn học, nếu một nhà khoa học hiểu rõ định luật đã khiến cho các thiên thể đi theo các quỹ đạo, thì nhà khoa học này có thể tiên đoán vị trí của một ngôi sao trong nhiều năm tới.

Sự hiểu biết vũ trụ, theo danh từ Ả Rập, được gọi là “falsafa”, bao gồm mọi kiến thức của con người, cả về phương diện lý thuyết cũng như thực hành, gồm cả các khoa vật lý, tự nhiên và triết học cũng như các học thuyết tôn giáo. Như vậy một triết gia về khoa học (a scientist philosopher) của thời đại bấy giờ không phải là một chuyên gia về một ngành học eo hẹp mà là một học giả hiểu rõ nhiều phạm vi học thuật như y khoa, thiên văn, hóa học, toán học, luận lý, siêu hình và ngay cả âm nhạc hay thơ văn. Thời đại đó không có nhiều học giả với trình độ cao, những vị này đã sinh sống nhờ sự bảo trợ của một triều đình hay của vài gia đình giàu có, và sự uyên bác của họ đã khuyến khích việc tìm hiểu kiến thức tại các thành phố thuộc thế giới Hồi giáo, và đã thu hút các học viên từ khắp nơi theo học các trường học của đạo Hồi.

Trong khi kiến thức được tìm hiểu và mở rộng, thì các áp dụng thực tế đã mang lại ích lợi cho đời sống hàng ngày, chẳng hạn như: bộ môn toán học đã đáp ứng các nhu cầu trong các ngành thương mại và đo đạc; bộ môn thiên văn đã xác định giờ cầu nguyện, ngày mặt trăng xuất hiện đầu tiên trong tháng Ramadan, phương hướng nhắm về thành phố Mecca; và sự hiểu biết các tinh tú trên bầu trời đã hướng dẫn các kẻ đi xa trên đất liền và trên mặt biển.

Ngành y khoa

Trong nhiều phạm vi học thuật, các nhà khoa học Hồi giáo rất hiểu rộng nhưng họ xuất sắc nhất về ngành y khoa. Trước kia, người Ả Rập thường tin tưởng vào những điều dị đoan, gồm cả việc dùng bùa ngải, dùng các lời cầu nguyện và một số thuốc men sơ khai như loại phẩm đỏ (henna) để chữa bệnh sưng khớp xương, mật ong để trị bệnh nhức đầu và bệnh sốt, họ cũng dùng một số lá cây để cầm máu.

Tiệm bán thuốc.

Qua thế kỷ thứ 8, trường y khoa của xứ Ba Tư tại thành phố Jundishapur bắt đầu giảng dạy các phương pháp trị bệnh căn cứ vào những điều thực hành hữu lý của các y sĩ Hy Lạp. Tới năm 765, khi nhà cai trị thành phố Baghdad là Mansur bị chứng đau dạ dày kinh niên và các lương y của thành phố kể trên không thể chữa khỏi, vị giáo chủ đạo Hồi đã phải trông cậy vào vị y sĩ chính của thành phố Jundishapur, tên là Jurjis Ibn Bakhtishu, một người theo đạo Thiên Chúa. Ông Jurjis đã thành công và được bổ nhiệm làm y sĩ của triều đình.

Thành phố kiến thức đã thu hút các học giả vào đầu thế kỷ 9 là Baghdad. Khi cai trị từ năm 813 tới năm 833, giáo chủ đạo Hồi Ma’mun đã thiết lập một trung tâm học thức gọi là “Tòa nhà Hiểu biết” (The House of Wisdom), bên trong gồm có một thư viện, một cơ sở phiên dịch và một trường học. Giống như nhiều nhà lãnh đạo đương thời, giáo chủ Ma’mun lúc đầu rất do dự khi lý luận về vũ trụ của Thượng Đế, nhưng rồi, theo chuyện kể lại, ông ta đã gặp vong hồn của nhà triết học Aristotle trong một giấc mơ và Aristotle đã bảo đảm với giáo chủ rằng sẽ không có sự xung khắc giữa lý trí (reason) với tôn giáo, do đó giáo chủ Ma’mun đã ra lệnh thiết lập trung tâm học thức kể trên.

Từ nay, trong khoảng thời gian 75 năm, các tư tưởng cao siêu và các tác phẩm của các học giả của xứ Hy Lạp và của các dân tộc khác đã được chuyển dịch sang tiếng Ả Rập. Trong số này đáng kể là các tác phẩm của Aristotle, Plato (triết học), các khảo cứu chính yếu của Euclid (toán học), Ptolemy (thiên văn), Archimedes (vật lý) và của nhóm y sĩ Hy Lạp danh tiếng như Hippocrates, Dioscorides và Galen cũng như nhiều công trình khoa học của người Ba Tư, người Ấn Độ… Những bản văn gốc một phần từ những chiến lợi phẩm khi quân đội Hồi giáo xâm chiếm xứ Byzantium và Ba Tư, một phần do các phái viên của giáo chủ Ma’mun gửi đi xa, chẳng hạn tới tận thành phố Constantinople để thu thập các văn bản Hy Lạp rồi mang về Baghdad.

Bác sĩ và bệnh nhân.

Tại Tòa nhà Hiểu biết, các học giả Hồi giáo đã chuyển dịch hàng ngàn tác phẩm, mở đầu các công tác trí thức. Một trong các nhà bác học của tòa nhà kể trên là Hunayn ibn Ishaq, dịch giả của nhiều tác phẩm của Galen. Sinh ra tại Hira thuộc miền tây của xứ Ba Tư, ông Hunayn đã theo học y khoa tại Baghdad dưới sự hướng dẫn của một vị bác sĩ đã từng giảng dạy tại trường y khoa Jundishapur, một nơi đã tạo nên các ảnh hưởng sâu sắc tới nền y học Hồi giáo. Một hôm Hunayn đã hỏi thầy dạy các câu hỏi khó trả lời, khiến cho ông thầy nổi giận, đuổi Hunayn ra khỏi lớp học. Cậu sinh viên này do bất mãn, đã theo học nhiều vị giáo sư khác, học thêm tiếng Hy Lạp và được các học giả mướn đi tìm kiếm các tác phẩm y học của Galen đang bị thất lạc. Vì mục đích này, Hunayn đã đi tới thành phố Damascus, tới miền Mesopotamia, các xứ Palestine, Ai Cập và Syria.

Về sau Hunayn được nhận làm phụ tá cho vị y sĩ của giáo chủ Ma’mun rồi từ đây phụ trách Tòa nhà Hiểu biết để trông coi tất cả các bản dịch thuật. Với sự trợ giúp của người con trai, người cháu và khoảng 90 đệ tử, học giả Hunayn và các người cộng tác đã sản xuất được các tác phẩm chuyển ngữ rất chính xác và quan trọng. Đầu tiên, các tác phẩm này được dịch sang tiếng Syriac là ngôn ngữ mà ông Hunayn rất giỏi, rồi sang tiếng Ả Rập để sau vài thế kỷ, được chuyển đổi sang tiếng La Tinh và truyền qua phương tây qua ngả Sicily và Tây Ban Nha.

Công trình của học giả Hunayn và các giáo sư đạo Hồi khác đã là nền móng của nhiều bộ môn khoa học hiện nay, đặc biệt là ngành y khoa. Những nhà trí thức này đã được vị giáo chủ đánh giá cao đến nỗi theo chuyện kể, ông Hunayn được trả công bằng số vàng cân nặng ngang với số sách. Ngoài các công trình phiên dịch, học giả Hunayn còn viết ra nhiều cuốn sách thuộc bộ môn nhãn khoa (ophthalmology).

Vào thời Trung Cổ, phần lớn các y sĩ Ả Rập là người gốc Ba Tư, trong số này nhân vật danh tiếng nhất là ông Razi, có tên La Tinh là Rhazes, đã viết ra hơn 200 cuốn sách từ bộ môn y khoa tới thuật giả kim (alchemy), thiên văn và thần học. Ông Razi sinh sống trong khoảng thời gian từ năm 865 tới năm 925. Nhiều người của thời đại này đã gọi ông là “vị y sĩ nhiều kinh nghiệm” và trong cách trị bệnh, ông Razi được coi như ngang hàng với Hippocrates. Ông Razi đã khuyên cách điều trị bệnh nhân là nghỉ ngơi, môi trường dưỡng bệnh phải sạch sẽ và phải giữ cho bệnh nhân được thoải mái. Dù cho không hề biết tới vi trùng, ông Razi đã đề cập tới các nguyên tắc vệ sinh. Trong công việc chọn lựa nơi xây dựng một bệnh viện cho thành phố Baghdad, ông Razi đã treo các miếng thịt sống tại nhiều nơi và đã lựa nơi nào có miếng thịt bị hư thối chậm nhất.

Trong bộ sách đồ sộ 100 cuốn viết về y khoa, ông Razi đã biên tập nhiều hiểu biết từ các nhà lương y người Hy Lạp, Syria, Ba Tư, Ấn Độ và Ả Rập, và các tác phẩm này đã ảnh hưởng sâu rộng tới nền y khoa Tây phương.

Một nhân vật cũng có danh tiếng như ông Razi tên là Ibn Sina, với tên La Tinh là Acevina, sống trong các năm từ 980 tới 1037. Người thời bấy giờ gọi ông là “Hoàng tử của các nhà triết học” (the Prince of Philosophers) và cho tới ngày nay, ông Acevina vẫn còn được coi là một trong các bộ óc lớn lao của mọi thời đại. Người ta còn kể lại rằng khi lên 10 tuổi, ông Acevina thuộc lòng quyển kinh Koran, 18 tuổi trở thành y sĩ riêng của vua Hồi giáo tại Bukhara trong xứ Turkestan. Ông Acevina đã viết xong 170 cuốn sách về y khoa, triết học, toán học, thiên văn, thơ phú và tôn giáo. Tác phẩm danh tiếng nhất của ông tên là “Các quy tắc của y khoa” (Canon of Medicine), một bộ sách bách khoa đề cập tới mọi cách trị bệnh. Không một tác phẩm nào được nhiều người dùng tới hơn cuốn sách này bởi vì trong suốt chiều dài 6 thế kỷ, từ thế kỷ 12 tới thế kỷ 17, các trường đại học của châu Âu đã dùng bộ sách 5 cuốn này làm căn cứ. Ông Acevina còn nhận ra bản chất lây lan của bệnh lao phổi, ông cũng mô tả các bệnh ngoài da, bệnh xáo trộn tâm lý, bệnh tương tư và ông còn cho rằng các bệnh tật truyền đi do nước và đất.

Một học giả khác rất danh tiếng là vị y sĩ người Tây Ban Nha tên là Ibn Rushd, có tên viết theo tiếng La Tinh là Averroes. Học giả này đã viết nhiều sách về y khoa, luật khoa, triết học và thiên văn, và do tài năng đa diện, ông Averroes này đã vừa là y sĩ chính của vua Abu Yaqub Yusuf, nhà cai trị xứ Tây Ban Nha từ năm 1163 tới năm 1184, vừa là quan tòa tại hai thành phố Seville và Cordoba. Hơn nữa ông Averroes còn được người đời biết tới do là một trong những học giả quan trọng viết về nhà triết học Hy Lạp Aristotle. Nhờ các bài khảo luận của ông liên quan tới các nhà tư tưởng Hy Lạp mà người phương Tây đã chú ý đến nền triết học này, và như vậy ông đã đóng góp vào công cuộc phổ biến các tư tưởng triết học của châu Âu.

Ảnh hưởng tới thế giới Tây Phương còn do một y sĩ Do Thái khác sinh ra tại Tây Ban Nha, là ông Ibn Maymun, có tên khác là Maimonides. Ông này đã viết sách y khoa, thiên văn, thần học, triết học và cũng là y sĩ triều đình của vua Saladin, vị vua Hồi giáo của hai xứ Ai Cập và Syria vào thế kỷ 12. Người đời sau ca tụng trí khôn ngoan và tầm hiểu rộng của ông do cuốn sách triết học “Hướng dẫn những người chưa xác tin” (Guide for the Perplexed). Đây là một khảo luận triết học làm hòa hợp các tư tưởng tôn giáo với các lời giảng dạy khoa học của Aristotle. Trong các tác phẩm viết về y khoa, học giả Maimonides đã bình luận về hai danh y Hippocrates và Galen, ngoài các nhận xét riêng của ông với phần lớn về vệ sinh cá nhân và chế độ ăn uống.

Mặc dù ngành giải phẫu bị coi là một phần nhỏ của y khoa, các y sĩ đạo Hồi cũng làm phát triển ngành này. Bị lãng quên cho tới thế kỷ 10, lương y Abulcasis sinh trưởng tại xứ Tây Ban Nha, đã viết sách giải phẫu căn cứ vào công trình của vị y sĩ Hy Lạp Paul of Aegina và trong các tác phẩm của ông có nhiều hình vẽ mô tả các dụng cụ và phương pháp giải phẫu.

Vào thời kỳ văn minh đạo Hồi, các y sĩ đã thực hiện được nhiều ca giải phẫu rất phức tạp đối với thời bấy giờ, gồm cả mổ óc, mổ mạch máu và phần bụng, cắt bỏ tay và chân bị bệnh. Danh y Acevina đã khuyên nên cắt đi các tế bào bị ung thư vào thời kỳ sơ khởi. Trong khi giải phẫu, các y sĩ đạo Hồi đã gây mê bệnh nhân bằng cách dùng thuốc phiện, đôi khi lại trộn với rượu để làm cho liều thuốc mạnh hơn. Ngoài ra chuyện còn kể rằng có nhà hóa học đã khám phá ra một chất gây mê khiến cho bệnh nhân bất tỉnh trong 7 ngày và vì sự nguy hiểm lớn lao này mà nhà hóa học kể trên đã mang theo bí mật khi qua đời.

Vào thời kỳ văn minh Hồi giáo, các y sĩ giải phẫu phải học lý thuyết y khoa của Galen, phải đậu kỳ thi về cơ thể học và học chuyên môn về một ngành. Một bác sĩ mắt ngoài tầm hiểu biết về con mắt, còn phải biết pha chế vài hợp chất trị bệnh đau mắt. Có lẽ do cát bụi nơi sa mạc nên các y sĩ đạo Hồi rất giỏi về cách chữa mắt trong thời Trung Cổ, họ đã viết ra nhiều sách nhãn khoa, phát minh ra cách cắt màng mắt (soft cataract) cũng như nhiều dụng cụ y khoa khác.

Việc chữa bệnh bằng thuốc men cũng rất tiến bộ. Nhiều y sĩ đạo Hồi biết điều chế các liều thuốc và tại thành phố Baghdad đã có các hiệu thuốc tây chế thuốc theo toa của y sĩ. Các loại thuốc này làm từ cây cỏ và sinh vật và cũng từ những khoáng chất như sulphate đồng dùng làm chất cầm máu và làm lành vết thương.

Người theo đạo Hồi thời đó đã coi thuốc men là nguy hiểm nên trong ngành thuốc có loại nhà thanh tra theo dõi việc bào chế các thuốc chữa bệnh, kiểm soát cả sự sạch sẽ của các chai lọ đựng thuốc. Dù cho dược sĩ không biết khi nào viên thanh tra tới kiểm soát nhưng vẫn có các vụ gian lận, vụ bán ra các thứ thuốc giả và đã có các hình phạt đối với những người phạm pháp.

Nhà cầm quyền đạo Hồi cũng đòi hỏi các y sĩ phải có bằng cấp. Vào năm 931, một công dân của thành phố Baghdad bị chết do nhầm thuốc, vì thế vua Hồi giáo Muqtadir đã ra lệnh cho lương y của triều đình Sinan Ibn Thabit kiểm tra tất cả y sĩ và 860 người hành nghề y khoa đã phải qua kỳ thi, dù cho vẫn có các sơ sót. Các y sĩ có giấy phép phải điều trị bệnh nhân tại bệnh viện giống như hiện nay. Qua thế kỷ 9, thành phố Baghdad xây dựng bệnh viện đầu tiên theo kiểu mẫu của bệnh viện trong trường y khoa Jundishapur và các địa phương khác cũng bắt chước, nhờ vậy đã có 34 bệnh viện trong thế giới Hồi giáo. Vài bệnh viện rất tiến bộ do có các chuyên ngành để chữa trị vài thứ bệnh đặc biệt, chẳng hạn chữa các người loạn trí, và các người bị thương nhẹ được cho về nhà sau khi chăm sóc tại bệnh viện. Bệnh viện của đạo Hồi còn có thư viện chứa nhiều sách y khoa.

Vào thế kỷ 11, đã có các bệnh viện lưu động nhờ đoàn lạc đà đi tới các làng mạc và các nơi hẻo lánh. Khi tới một địa điểm chữa bệnh, các bác sĩ dựng lều rồi khám bệnh và cho thuốc. Vào thời kỳ có các bệnh dịch, các bệnh viện lưu động này rất hữu ích trong việc chữa trị.

Ngành hóa học và các ngành khác

Ngoài các đóng góp quan trọng trong ngành y khoa, các nhà khoa học Hồi giáo còn đặt nền móng cho ngành hóa học. Nhiều kỹ thuật và danh từ đã được phát minh từ môn giả kim (alchemy) của thời Trung Cổ. Nhà giả kim học danh tiếng nhất của vua Hồi giáo Harun, tên là Jabir Ibn Hayyan đã tin tưởng rằng mọi hợp chất có căn bản là thủy ngân và lưu huỳnh (sulphur) và ông này đã tốn nhiều công sức để tìm cách chế ra vàng và bạc. Ông Jabir đã khám phá ra nhiều kỹ thuật mới dùng vào việc tinh lọc kim loại, chế tạo phẩm nhuộm, dùng dấm để tạo nên acít acêtic và làm ra thủy tinh từ manganese dioxide. Ông ta cũng khảo sát nhiều hợp chất, biến nhiều chất thành tinh thể… và các danh từ mà ông Jabir sử dụng đã được truyền qua ngôn ngữ của châu Âu, chẳng hạn như alkali, alembic, antimony và aludel.

Sau khi ông Jabir qua đời, các nhà khoa học đạo Hồi khác cũng đóng góp vào các công cuộc nghiên cứu. Một trong những người này là y sĩ Razi nổi danh về y khoa và thuật giả kim. Trong số 12 cuốn sách viết về kỹ thuật sau này, tác phẩm được nhiều người nhắc nhở nhất là cuốn “Sách ghi các Bí mật” (The Book of the Secret of Secretes) có chủ đích trình bày thành phần hóa học của nhiều khoáng chất. Ông Razi không chỉ mô tả các hóa chất và các dụng cụ cần thiết trong một phòng thí nghiệm hóa học chẳng hạn như các loại bình, đĩa thủy tinh (beakers, flasks, dishes) mà còn phân loại sự vật theo sinh vật (animal), khoáng vật (mineral), thảo mộc (vegetable)… và cách phân loại này ngày nay còn được dùng tới.

Ngoài các đóng góp vào các phạm vi y khoa và hóa học, các học giả đạo Hồi còn làm tiến bộ ngành toán học bằng cách dùng các quan niệm toán của các xứ Ấn Độ và Hy Lạp, khai triển và tinh lọc những ý thức trừu tượng rồi sau này được truyền qua thế giới Tây phương. Các toán gia đạo Hồi đã áp dụng 3 dụng cụ toán căn bản là “số không” (zero), hệ thống thập phân và hệ thống “số Ả Rập” (Arabic numerals) nhờ đó mọi người có thể tính toán bằng các con số lớn hơn trước một cách tiện lợi hơn, hoặc bằng các chữ dùng làm biến số. Khởi đầu, các nhà toán học Ả Rập đã viết ra số không bằng một vòng tròn nhỏ với tên là “sifr” có nghĩa là “một vật trống” (an empty object). Khi dịch sang tiếng La Tinh, danh từ “sifr” trở nên “zephyrum” rồi sang tiếng Ý là “zero”. Về sau danh từ tiếng Anh “cipher” có nguồn gốc từ chữ “sifr”.

Các nhà toán học đạo Hồi cũng đã bỏ nhiều thời giờ nghiên cứu các bài toán phức tạp của các người Hy Lạp và Ấn Độ trước kia, kể cả các khung ô vuông con số (magic boxes) với cùng tổng số cộng theo đường ngang, đường dọc và đường chéo. Do áp dụng “số không”, các nhà toán học từ đó có thể sử dụng các quan niệm trừu tượng, diễn tả hiệu số của hai lượng bằng nhau và số không còn được dùng trong nhiều bộ môn khoa học khác như vật lý, hóa học, thiên văn.

Nhà toán học đạo Hồi danh tiếng nhất vào đầu thế kỷ 9 là ông Khwarizmi, rất bận tâm về môn đại số (Algebra), đã viết ra cuốn sách giáo khoa đầu tiên của môn học này, với tên sách là “Nghệ thuật mang các ẩn số lại với nhau để hợp với một lượng đã biết” (The art of bringing together unknowns to match a known quantity = Hisab al-Jabr wa’l Mulqabala). Sách toán của ông Khwarizmi được dịch sang tiếng La Tinh vào thế kỷ 12, đã mở đường cho môn đại số vào châu Âu và cuốn sách này đã được dùng làm sách dạy toán chính thức cho tới thế kỷ 16.

Các nhà toán học đạo Hồi còn làm phát triển và truyền qua châu Âu các bộ môn toán phức tạp, gồm cả môn hình học phẳng (plane geometry), lượng giác phẳng và lượng giác cầu (plane and spherical trigonometry) với các kiến thức căn bản phát xuất từ các nhà toán học Hy Lạp. Nhờ các khảo sát này, các nhà khoa học thời đó đã tính ra khoảng cách của các ngôi sao, tốc độ của một vật rơi tự do, diện tích của một thửa ruộng hay thể tích ngũ cốc chứa trong một vựa lúa.

Một ngành mà bên trong toán học đã giữ một vai trò rất quan trọng, đó là bộ môn quang học. Nhà vật lý danh tiếng của bộ môn này tên là Alhazen, người Ba Tư, sinh sống trong thế kỷ 10. Cho tới thời bấy giờ, người ta đều tin rằng con mắt phát ra các tia sáng chiếu tới đồ vật, khiến cho chúng ta nhìn rõ sự vật. Nhưng ông Alhazen đã dùng hình học để chứng minh rằng các tia sáng đã từ đồ vật phản chiếu tới con mắt.

Nhưng có lẽ áp dụng toán học quan trọng nhất của các nhà khoa học đạo Hồi là vào môn thiên văn. Từ thời còn sinh sống trong sa mạc, người theo đạo Hồi đã đặc biệt quan tâm tới các hành tinh và các ngôi sao bởi vì họ đã theo hướng của các thiên thể này mà đi qua sa mạc. Họ đặt tên cho từng thiên thể trên bầu trời và các tên gọi này vẫn còn tồn tại cho tới ngày nay, chẳng hạn như “Algol”, “Betelgeuse”“Vega”. Sự quan tâm về Thiên Văn thực sự bắt đầu khi vua đạo Hồi Harun al-Rashid ra lệnh dịch tác phẩm thiên văn “Almagest” của nhà thiên văn lừng danh người Hy Lạp Ptolemy.

Vào năm 830, một đài thiên văn được dựng lên tại thành phố Baghdad do vua Hồi giáo Ma’mun, cùng thời với “Tòa nhà Hiểu biết” (The House of Wisdom). Tại đài thiên văn này, các nhà khoa học đạo Hồi đã quan sát bầu trời, kiểm chứng các khám phá của Ptolemy và tìm ra các ngôi sao mới. Họ thường dùng kính trắc vị (astrolabe), một dụng cụ của người Hy Lạp trước kia, trên đó có vòng tròn chia theo độ để tính vị trí của các ngôi sao, chuyển động của các hành tinh và cho biết thời giờ, và họ đạt được các con số khá chính xác. Các nhà thiên văn đạo Hồi đã vẽ ra các bản đồ bầu trời và bản đồ địa dư, nhờ vậy họ tin tưởng rằng trái đất thì tròn, họ cũng tìm ra chu vi và đường kính của trái đất.

Trong khi các nhà thiên văn lập ra các bản đồ ngôi sao thì các học giả khác cũng viết ra danh sách các con đường, địa điểm các thành phố cùng với khoảng cách. Các báo cáo của các thương nhân đi xa đã mô tả xứ Trung Hoa và xứ Ấn Độ vào năm 851 và các du khách người Hồi đầu tiên tới nước Nga vào năm 921, đã gửi về các bản báo cáo gồm bên trong nhiều kinh nghiệm du lịch. Một trong những du khách này là nhà khoa học Biruni, đã đi tới xứ Ấn Độ vào thế kỷ 11 và đã mô tả nhiều chi tiết.

Trong các học giả đạo Hồi, nhân vật danh tiếng nhất là nhà sử học Ibn Khaldun, người đầu tiên cứu xét xã hội một cách khoa học. Ông Khaldun không chỉ sưu tầm mọi biến cố của quá khứ như những sử gia đi trước, mà còn cố gắng tìm ra các định luật hữu lý để cắt nghĩa các cách hành xử của con người và nhờ vậy khiến cho lịch sử có được một chiều hướng mới. Trong cuốn lịch sử tổng hợp Muqaddimah, sử gia Khaldun đã trình bày lý thuyết đầu tiên về sự phát triển theo quan điểm sử học căn cứ vào các yếu tố như khí hậu, địa dư và kinh tế cũng như các ảnh hưởng từ luân lý và tinh thần tới vận mệnh của con người.

Giống như nhiều nhà tư tưởng đạo Hồi, ông Ibn Khaldun đã đi du lịch nhiều nơi, phục vụ cho nhiều ông hoàng, làm đại sứ tại nhiều triều đình ở Tây Ban Nha và châu Phi, vì vậy ông đã phối hợp tầm hiểu rộng của mình vào các hoạt động chính trị, đã đưa ra các nhận xét sâu sắc do quan sát các xáo trộn chính trị. Khi nhìn thế giới Hồi giáo đi xuống vào thế kỷ 14, học giả Ibn Khaldun đã nêu lên những vấn đề quan trọng khiến cho các xã hội trở nên mạnh lên hay yếu đi. Học giả này đã nói rõ sự suy tàn của xã hội sau 2 hay 3 thế hệ ích kỷ và ham thích sa hoa, và tác phẩm Muqaddimah đã hàm chứa các hiểu thấu không những của thời đại tác giả mà còn của các thời đại về sau.

Nền văn minh và văn hóa của đạo Hồi đã suy tàn do cuộc xâm lăng của quân Mông Cổ đánh chiếm thành Baghdad vào năm 1258, do các nhân vật Hồi giáo chính thống (orthodox Muslims) trong các thế kỷ về sau đã dùng quyền lực và uy tín để chống lại các cải cách và tiến bộ.

Phạm Văn Tuấn
Trích đăng từ Đặc San Lâm Viên (www.dslamvien.com)

Xem thêm:

Mời xem video:

Phạm Văn Tuấn

Published by
Phạm Văn Tuấn

Recent Posts

TP.HCM: Thêm một ca tử vong do sởi, là bé gái 12 tháng tuổi

Tích lũy từ đầu năm 2024 đến nay, TP.HCM ghi nhận 2.438 ca bệnh sởi,…

4 giờ ago

[VIDEO] Câu chuyện xúc động về “chuyến đi cuối cùng” của một tài xế taxi ở New York

Một ngày nọ, một tài xế taxi ở New York nhận được cuộc gọi xe…

5 giờ ago

38 du khách Việt Nam “mất tích” ở Jeju, Hàn Quốc

The Korea Times ngày 3/12 dẫn tin từ nhà chức trách cho biết một nhóm…

7 giờ ago

Xe cơ giới sử dụng năng lượng sạch sẽ có màu tem kiểm định riêng

Từ 1/1/2025, xe cơ giới sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh, thân thiện…

8 giờ ago

Tổng Công ty Đường sắt VN nợ hàng trăm tỷ đồng, giữ 630 cơ sở nhà đất sau cổ phần hóa

Chỉ riêng tại Cơ sở 551 Nguyễn Văn Cừ (Hà Nội), Tổng công ty Đường…

9 giờ ago

Nguồn tin nội bộ: Bộ trưởng TQ tham vọng dùng Pháp Luân Công làm bàn đạp

Trần Nhất Tân là một Bộ trưởng mới của Bộ An ninh Quốc gia, với…

9 giờ ago