Danh tướng Hàn Thế Trung và người vợ có biệt tài đánh trống trận

Hàn Thế Trung là danh tướng nổi tiếng thời Nam Tống, ông cùng với tướng quân Nhạc Phi đã nhiều lần đánh tan quân Kim. Vợ Hàn Thế Trung là Lương Hồng Ngọc cũng sát cánh bên chồng, giúp ông lập được nhiều chiến công lớn. Đặc biệt sử sách ghi chép rằng Lương Hồng Ngọc là một nữ tướng có biệt tài đánh trống trận, làm tăng sức chiến đấu cho binh lính.

Tranh miêu tả các danh tướng nhà Tống. Nhạc Phi ở vị trí thứ 2 từ trái qua. Hàn Thế Trung ở vị trí thứ 5 từ trái qua. (Tranh: Liu Songnian, Wikipedia, Public Domain)

Tướng giỏi bị tước công trạng

Hàn Thế Trung là người Diên An, Thiểm Tây, ông dũng mãnh lại giỏi cưỡi ngựa và bắn cung.

Năm 1105, Tây Hạ đưa quân đánh Tống ở các vùng gần biên giới, trong đó có Diên An. Năm 1106, Hàn Thế Trung đầu quân địa phương, nhờ tài năng và lập nhiều chiến công nên thăng tiến nhanh chóng trong quân ngũ, trở thành tướng quân.

Hàn Thế Trung đánh cho quân Tây Hạ tan tác, tiêu diệt tướng Tây Hạ, khiến quân Tây Hạ phải rút chạy về.

Chiến công của Thế Trung được báo về triều, nhưng gian thần Đồng Quan lại tự ý tước giảm công lao của ông xuống, nhiều chiến công cũng bị người khác cướp mất, cuối cùng chỉ thăng cho Thế Trung một cấp.

Mối nhân duyên kết thành phu thê

Cảm thấy bất công, Hàn Thế Trung liền ghé vào tửu lâu uống rượu. Lương Hồng Ngọc được giao cho hầu rượu Thế Trung. Trong bàn rượu, Hàn Thế Trung chú ý đến kiến thức cũng như cung cách hầu rượu của Hồng Ngọc khác hẳn so với chốn tửu lâu.

Lương Hồng Ngọc kể rằng năm 15 tuổi thì gia đình gặp phải biến cố lớn, phải làm kỹ nữ tại Kinh Khẩu. Vì thế, Hồng Ngọc chỉ phục vụ và ca hát chứ không cho khách ngủ cùng. Cảm mến Lương Hồng Ngọc, không lâu sau Hàn Thế Trung đem tiền chuộc và lấy làm vợ. Từ đó nhờ có sự trợ giúp của vợ, Hàn Thế Trung lập được rất nhiều công lao cho nhà Tống.

Nam Tống thành lập

Năm 1120, Hàn Thế Trung đến Giang Nam đánh quân khỏi nghĩa Phương Lạp và lập công lớn, được phong làm Thừa tiết lang.

Sau đó tướng Lý Phục dấy binh làm phản, Hàn Thế Trung tham gia đánh dẹp và lần này lại lập công, được phong làm Tả vũ đại phu.

Năm 1125, nước Kim tiến đánh nhà Bắc Tống, đến năm 1127 thì đánh bại Bắc Tống, bắt được cả Thượng Hoàng Huy Tông và Hoàng Đế Khâm Tông.

Em của Khâm Tông là Triệu Cấu chạy xuống phía nam sông Dương Tử lập Triều đình nhà Nam Tống. Triệu Cấu lên ngôi hiệu là Tống Cao Tông.

Hoàng đế Cao Tông sợ quân Kim, không dám khôi phục lại phần đất bị mất, mà chỉ muốn dời đô về phía nam là Lâm An thuộc Hàng Châu.

Hàn Thế Trung bấy giờ làm tướng, không đồng tình, cùng nhiều tướng sĩ kiến nghị không nên bỏ đất Giang-Hoài, thế nhưng Cao Tông không nghe theo.

Hai tướng Miêu Phó và Lưu Chính Ngạn tiến hành binh biến, ép Cao Tông nhường ngôi cho thái tử Triệu Phu. Lương Hồng Ngọc khuyên chồng nên giải cứu Cao Tông. Hàn Thế Trung nghe lời vợ, phối hợp cùng các tướng khác giải cứu được Cao Tông.

Sau chiến công này, Thế Trung được phong làm Chiêu Khánh quân tiết độ sứ.

Hàng Thế Trung cùng phu nhân cầm chân 10 vạn đại quân Kim

Cuối năm 1129, quân Kim vượt sông xuống phía nam đánh quân Tống ở cả đông lẫn tây. Cánh phía tây chiếm được Giang Tây và Hồng Châu (Nam Xương ngày nay). Cánh phía đông với 10 vạn quân do Hoàng tử Ngột Truật chỉ huy vượt sông Dương Tử đánh xuống phía nam.

Bản đồ Nam Tống. (Ảnh: Wikipedia, CC BY-SA 4.0)

Tướng Đỗ Sung chỉ huy quân Tống phòng ngự nhưng không cản nổi quân Kim, các tuyến phòng thủ quân Nam Tống bị vỡ và đầu hàng, Đỗ Sung tử trận.

Cao Tông bỏ chạy qua các nơi xuống phía nam, yêu cầu Thế Trung hộ giá. Nhưng Thế Trung phân tích tình hình quân Kim không thể ở lâu nên xin được đóng quân ở Trường Giang để cản đường rút của quân Kim và được đồng ý.

Cao Tông chạy trốn các nơi, cuối cùng phải dong buồm ra biển. Quân Kim truy đuổi theo Cao Tông trên biển nhưng không biết Hoàng đế Nam Tống trốn ở đâu, đành quay trở về. Lúc này quân Kim vấp phải cuộc chiến của các tướng Nhạc Phi và Hàn Thế Trung.

Hàn Thế Trung đóng quân ở Trấn Giang nghĩ cách chặn đường rút của quân Kim, Hồng Ngọc bàn mưu ra kế sách với chồng nhằm đưa quân Kim vào bẫy.

Hàn Thế Trung cho giăng đèn mở hội kết hoa ở Tú châu nhằm đánh lạc hướng quân Kim, rồi cho quân bí mật mai phục ở Trấn Giang. 10 vạn quân Kim rút qua đây thì Thế Trung đưa 8.000 quân mai phục bất ngờ tiến đánh, quân Kim tháo chạy thì bị Lương Hồng Ngọc đưa quân chặn lại.

Trong trận này, Lương Hồng Ngọc đã thể hiện tài năng đánh trống khiển binh tuyệt vời, khi dẫn đầu thủy quân và sử dụng các tiết tấu trống trận khác nhau để giúp quân Nam Tống làm hoảng sợ hàng vạn quân Kim.

Tranh vẽ Lương Hồng Ngọc chỉ huy quân bằng trống trận. (Tranh qua Pinterest)

Bị cầm chân không thoát ra được, Ngột Truật phải thương lượng với Thế Trung, định đưa hết cho ông số của cải cướp được ở Giang Nam và ngựa quý để được trở về, nhưng Hàn Thế Trung không đồng ý.

Quân Kim ở Giang Bắc đến chi viện nhưng bị thủy quân của Hàn Thế Trung cản lại và bị đánh bại.

Ngột Truật chạy dọc theo sông tìm đường khác nhưng bị quân của Thế Trung bám sát, quân Kim không phá vây đựơc và bị dồn vào vũng Hoàng Thiên.

Quân Kim bị cầm chân ở đây hơn 40 ngày, một người Mân hiến kế cho quân Kim đào kênh thông ra sông Trường Giang để có lối thoát.

Thế Trung phát hiện ra nên đưa quân đang bao vây ở ngoài đánh vào. Tuy nhiên Thế Trung chủ quan vì các chiến thắng trước đó mà không nhận ra địa thế ở vũng Hoàng Thiên có lợi cho thuyền nhỏ của quân Kim hơn cho thuyền lớn của quân Tống. Quân Nam Tống bị đánh bại và phải rút lui. Quân Kim chạy thoát.

Dù không diệt được quân Kim, nhưng vợ chồng Hàn Thế Trung đã cầm chân quân Kim đông hơn rất nhiều suốt thời gian dài. Lương Hồng Ngọc lúc này đã viết thư cho Thái hậu, xin không nhận công, mà nhận tội. Tuy nhiên mấy ngày sau có chiếu thư phong cho Thế Trung làm Võ Thành Cảm Đức quân tiết độ sứ.

Theo ghi chép thì Lương Hồng Ngọc mỗi lần ra trận đều lên ngựa chỉ huy hàng nghìn quân, dũng cảm xông pha ở những nơi nguy hiểm.

Năm 1133, Tống Cao Tông phong cho Hàn Thế Trung làm Khai phủ nghi đồng Tam ty, Tuyên phủ sứ hai lộ đông và tây Hoài Nam.

Hàn Thế Trung không theo lệnh Hoàng đế

Năm 1134, danh tướng nổi tiếng nhất của nhà Nam Tống là Nhạc Phi hùng dũng đánh bại quân Kim, thu lại 6 quận ở Tương Dương cho nhà Tống. Quân Kim tập trung 10 vạn quân tấn công vào vùng Giang – Hoài do Hàn Thế Trung nắm giữ.

Nhưng tại triều đình, bị vây quanh bởi các gian thần và tham quan, Tống Cao Tông đã bị ảnh hưởng. Ông một mặt cho sứ sang nhà Kim cầu hòa, mặc khác lệnh cho Hàn Thế Trung rút lui về giữ Trấn Nam để ngăn quân Kim tiến vào Giang Nam.

Thế Trung không ủng hộ việc lui binh, nhưng không thể cãi lệnh. Cuối cùng ông lệnh cho quân rút lui theo chiếu chỉ, gỡ các doanh trại, nhưng lại bí mật mai phục sẵn.

Quân Kim nghe tin Thế Trung đã rút liền cho quân tiến vào và bất ngờ bị mai phục, bị tử trận rất nhiều, tướng Biệt Đạt Bội và 200 quân Kim bị bắt. Các hướng tấn công khác của quân Kim cũng bị các bộ tướng của Thế Trung đánh bại, quân Kim thua to phải rút chạy.

Hàn Thế Trung cũng cho quân chặn đứng quân của Ngột Truật ở Tứ châu. Quân Kim không sao tiến được, hết lương và phải rút lui.

Cao Tông hèn nhát

Hàn Thế Trung tự ý đánh Kim, trái lệnh Hoàng đế, nhưng nhờ đó mà quân Tống thắng lớn, binh sĩ hết lời ca tụng. Cao Tông cũng không thể trách phạt mà khao thưởng cho toàn quân của Hàn Thế Trung.

Thế nhưng Cao Tông vẫn muốn thương lượng hòa hoãn với nhà Kim. Năm 1138, Cao Tông thăng chức cho Tần Cối và giao cho ông ta đảm nhận việc này. Các tướng nhà Tống mà tiêu biểu là Nhạc Phi và Hàn Thế Trung đều phản đối nghị hòa.

Khi sứ nhà Kim đến bàn các điều kiện nghị hòa, Cao Tông bỏ áo Hoàng Đế, mặc áo đại thần, quỳ về phương bắc tiếp nhận chiếu chỉ của vua Kim. Sự việc này khiến cả Triều đình chấn động, Hàn Thế Trung đến can ngăn nhưng không được chấp nhận.

Hàn Thế Trung cho quân bắt sứ thần nhà Kim trên đường quay về, nhưng sứ nhà Kim trốn đi đường khác nên thoát được.

Năm 1138, Tống và Kim có được Hiệp ước, theo đó chọn sông Hoàng Hà làm giới tuyến, Tống Cao Tông trở thành “thần dân” của nhà Kim. Thế nhưng Hiệp ước này không bao giờ có hiệu lực vì vấp phải sự phản đối của Triều đình.

Nhạc Phi khiến Cao Tông và nhà Kim khiếp sợ

Đầu năm 1140, Ngột Truật lại dẫn quân tiến đánh Nam Tống nhưng bị quân Tống chặn lại. Nhạc Phi cùng đội quân Nhạc gia của mình đã giúp các tướng Tống chặn đứng quân Kim, đồng thời tấn công quân Kim lấy lại các vùng đất đã mất.

Nhạc Phi đưa quân trực chỉ tiến thẳng đến Trung Nguyên, lần lượt chiếm lại Yển Thành, Trịnh châu, Lạc Dương. Ông lập các chiến công vang dội đánh bại đội kỵ binh tinh nhuệ của Ngột Truật ở Yển Thành, đánh bại quân chủ lực của Kim ở Chu Tiên.

Trước sức mạnh của Nhạc Phi, Ngột Truật đã gửi thư cho Tần Cối rằng: “Triều đình nhà ngươi xin cầu hòa với triều đình đại Kim ta, nhưng Nhạc Phi cứ muốn đoạt Trung Nguyên khỏi tay chúng ta. Ngươi nhất định phải tìm cách giết Nhạc Phi, chúng ta mới đồng ý nghị hòa”.

Tần Cối lo sợ nếu Nhạc Phi tiến ra bắc, âm mưu hàng Kim trước đó của mình bị bại lộ. Vua Tống Cao Tông thì sợ rằng nếu Nhạc Phi tiến ra bắc và giành chiến thắng, quân Kim thua trận phải nghị hòa trao trả lại Thượng Hoàng Tống Huy Tông và vua Tống Khâm Tông, thì Đế vị của Cao Tông sẽ mất.

Trong một ngày liên tiếp 12 kim bài lệnh Nhạc Phi phải lui quân. Tần Cối cũng yêu cầu các tướng Tống không được tham gia, để chỉ Nhạc Phi cùng quân Nhạc Gia của mình tấn công.

Tượng Nhạc Phi tại miếu thờ ông ở Hàng Châu. (Ảnh: Morio, Wikipedia, CC BY-SA 4.0)

Nhạc Phi bị buộc lui quân, chỉ có thể than thở rằng: “Mười năm gắng sức, hủy hết một khi! Giang sơn xã tắc, khó bề trùng hưng! Càn khôn thế giới, vô phương hồi phục!”

Tần Cối cho một số gian thần vu cáo Nhạc Phi và phó tướng là Trương Hiến làm phản lên triều đình. Tống Cao Tông cho bắt Nhạc Phi cùng con trai là Nhạc Vân và phó tướng Trương Hiến vào ngục.

Hàn Thế Trung bị thu hết binh quyền

Tống Cao Tông và Tần Cối muốn có được Hiệp ước hòa bình với nhà Kim nên khống chế bớt quyền hành của các tướng chống Kim. Hàn Thế Trung bị giáng chức và thu hết binh quyền, lui về ở nhà, ít ra ngoài.

Năm 1141, Nhạc Phi, Nhạc Vân và Trương Hiến bị Tần Cối vu cho là làm phản, khép tội chết. Hàn Thế Trung hay tin liền đến chất vấn Tần Cối bằng chứng đâu. Tần Cối đáp rằng: “Không có, nhưng cũng không cần có”.

Năm 1151, Hàn Thế Trung qua đời do tuổi cao, 2 năm sau vợ ông là Lương Hồng Ngọc cũng mất. Lương Hồng Ngọc là nữ tướng luôn sát cánh bên chồng trong cuộc chiến chống quân Kim. Hàn Thế Trung và Nhạc Phi được xem là những người anh hùng trong lịch sử.

Đến thời nhà Minh có xây dựng “Miếu Lịch đại Đế Vương” hay còn gọi là “Đế Vương miếu” nhằm tưởng nhớ những nhân vật có ảnh hưởng đến lịch sử. Thời Nam Tống có 5 người được thờ tại đây gồm: Nhạc Phi, Hàn Thế Trung,  Lý Cương, Triệu Đỉnh, Văn Thiên Tường.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video:

Trần Hưng

Published by
Trần Hưng

Recent Posts

Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong việc bảo vệ di sản văn hóa các dân tộc thiểu số

Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa được thành lập để tiếp nhận nguồn viện…

45 phút ago

Kinh tế tuần 18-22.11: Vàng tăng phi mã, tỷ giá kịch trần

Chứng khoán có dấu hiệu hồi phục nhưng thanh khoản vẫn duy trì ở mức…

2 giờ ago

Trung Quốc tăng gấp ba lần lượng uranium nhập khẩu từ Nga

Bắc Kinh đang chuẩn bị trở thành nước nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân uranium…

3 giờ ago

Luật sư nhân quyền TQ kể chuyện bị tra tấn bức hại vì ủng hộ Pháp Luân Công

Vì đại diện và biện hộ cho nhiều người tập Pháp Luân Công, ông Vương…

3 giờ ago

Cựu tổng thống Nga Medvedev chỉ ra cách chấm dứt xung đột ở Ukraine

Ông Medvedev tuyên bố cuộc xung đột giữa Moskva và Kiev có thể nhanh chóng…

3 giờ ago

Cố gắng thay đổi điều bất khả…

Mình bỗng nhận ra rằng không cần phải làm thuyết khách thuyết phục bất cứ…

4 giờ ago