“Dịch hạch ở Ashdod”: Một tác phẩm độc đáo của Nicolas Poussin

Trong các tác phẩm hội họa cổ điển mô tả dịch bệnh thì bức “The Plague of Ashdod” (Dịch hạch tại Ashdod) của Nicolas Poussin có lẽ là tác phẩm nổi tiếng nhất. Rất nhiều bức tranh vẽ về dịch bệnh đã sử dụng nó như một tài liệu tham khảo. Bức tranh này không chỉ kể lại một câu chuyện trong Kinh Cựu Ước, mà còn hàm chứa những hiểu biết hiếm hoi về sự lan truyền của bệnh dịch, từ nguyên nhân bề mặt đến nguyên nhân sâu xa. Có thể nói đây là một tác phẩm toàn diện, hiếm có ở thời của Nicolas Poussin, khi mà hiểu biết về bệnh dịch hạch còn rất hạn chế.

Nicolas Poussin (1594-1655) là một danh họa người Pháp thuộc trường phái Baroque cổ điển. Hầu hết các tác phẩm của ông đều lấy cảm hứng từ Kitô giáo và các câu chuyện Thần thoại thời bấy giờ. Ông chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ tác phẩm của các danh họa Phục Hưng tại Ý, đặc biệt là danh họa Raphael.

Tác phẩm “Dịch hạch ở Ashdod”, dù mô tả một câu chuyện trong Kinh Cựu Ước, đã lấy cảm hứng từ thực tế rằng Poussin từng tự mình trải qua một đợt dịch hạch bùng phát tại Ý từ năm 1629 đến 1631. Mặc dù không bị lây nhiễm nhưng Poussin đã tận mắt chứng kiến tình cảnh hỗn loạn và sợ hãi bên trong xã hội Ý thời bấy giờ, đồng thời chứng kiến và chiêm nghiệm về nguyên nhân bệnh dịch lây truyền cả trên bề mặt lẫn nguyên nhân sâu xa đằng sau.

Bức “The Plague of Ashdod” (Dịch hạch ở Ashdod), còn có tên là “The Miracle of the Ark in the Temple of Dagon” (Phép lạ của Hòm Bia Giao Ước trong Đền thờ Dagon), do Nicolas Poussin vẽ năm 1630. (Tranh: Wikipedia, Public Domain)

Câu chuyện đằng sau

Bức “Dịch hạch ở Ashdod” còn có tên là “Phép lạ của Hòm Bia Giao Ước trong Đền thờ Dagon”. Hòm Bia Giao Ước là một thánh vật quan trọng của người Do Thái. Tương truyền rằng đây là một chiếc rương bằng gỗ nạm vàng, chứa hai tấm thạch bi khắc Mười Điều Răn mà Thiên Chúa truyền cho Moses – Nhà tiên tri đã dẫn dắt người Do Thái đi tìm Miền Đất Hứa và triển hiện nhiều Thần tích như tiến đoán về 10 đại nạn ập xuống Ai Cập hay rẽ nước đưa người Do Thái vượt qua biển Đỏ (Xem bài: Truyền thuyết Moses rẽ nước Biển Đỏ).

Hòm Bia Giao Ước này sau đó được người Do Thái mang đi cùng trong suốt chuyến đi của họ tìm Miền Đất Hứa suốt 40 năm, bên trong sa mạc. Thậm chí, nó còn giúp cho người Do Thái công phá thành Jericho. Sau khi người Do Thái đánh chiếm các vùng đất của người bản địa thuộc vùng Ngã tư Tây Á để ổn định trong Miền Đất Hứa của mình, Hòm Bia Giao Ước được trao cho một linh mục cấp cao của người Do Thái là Eli.

Người Do Thái mang theo Hòm Bia Giao Ước. Bức “Joshua passing the River Jordan with the Ark of the Covenant”, họa sĩ Benjamin West, vẽ năm 1800. (Tranh: Wikipedia, Public Domain)

Mặc dù Eli là người sùng đạo, tôn kính Thiên Chúa, nhưng các con ông thì không như vậy. Khi hai con trai của Eli thay thế cha trong công việc thờ cúng, họ không chỉ tìm cách chiếm đoạt những phần có lợi nhất bên trong đồ tế tự, mà còn gian dâm với những người phụ nữ gác cổng đền thờ. Dù Eli biết hành động của hai con, nhưng ông không trách phạt chúng cẩn thận, khiến chúng tiếp tục những hành vi tội lỗi. Thế là Eli nhận được lời tiên tri rằng dòng tộc của ông sẽ bị Thiên Chúa trừng phạt, tất cả những người con trai trong tộc từ đó trở đi sẽ chết khi còn trẻ, đặc biệt hai người con trai của Eli sẽ chết trong cùng một ngày.

Vài năm sau, trong cuộc giao chiến với người Philistines, người Do Thái gặp bất lợi, và các bậc trưỡng lão Do Thái quyết định mang Hòm Bia Giao Uớc đến doanh trại, cho rằng họ sẽ được Thiên Chúa bảo vệ. Không ngờ trong trận đánh này, 30.000 quân Do Thái tử trận. Hai người con trai của Eli bị giết. Hòm Bia Giao Uớc bị người Philistines cướp đi. Eli bấy giờ đã quá giá, hai mắt gần mù, ngồi ở cổng thành để nhận tin chiến trận. Khi biết Hòm Bia Giao Uớc bị cướp đi, hai con trai bị giết, ông ngã vật ra sau ghế, gãy cổ mà chết.

Tranh khắc gỗ mô tả cái chết của Eli trong bộ “Die Bibel in Bildern”, 1860, tác giả Julius Schnorr von Carolsfeld. (Ảnh: Wikipedia, Public Domain)

Nói về người Philistines, họ mang Hòm Bia Giao Uớc linh thiêng về như một chiến lợi phẩm. Tuy nhiên ở những nơi họ đi qua, tai họa đều ập đến. Khi họ mang Hòm Bia Giao Uớc tới ngôi đền của Dagon ở Ashdod, nơi thờ phụng vị Thần trong tín ngưỡng của họ, thì bức tượng đổ xuống trước cái hòm. Sau khi đặt lại ổn thỏa, ngày hôm sau, họ lại phát hiện ra rằng tượng Dagon không chỉ đổ xuống đất, mà còn bị vỡ ra.

Cùng lúc đó, Ashdod xảy ra dịch hạch. Người Philistines kẻ chết, người đau đớn vạn phần.

Sau khi thỉnh xin lời Thần dụ, người Philistines nhận được câu trả lời rằng việc cướp đi Hòm Bia Giao Uớc là căn nguyên gây ra dịch bệnh. Họ đã làm theo chỉ dẫn của nhà tiên tri người Philistines và trả lại Hòm Bia Giao Uớc cho người dân Do Thái, kèm theo lễ vật bồi hoàn làm bằng vàng.

Bức “Dịch hạch ở Ashdod”

Khi Poussin vẽ tác phẩm “Dịch hạch ở Ashdod”, dịch hạch đang bùng phát ở Ý. Trải nghiệm này đã cung cấp sự tham chiếu cho sáng tác của Poussin. Do đó, thời gian và bối cảnh không gian của bức tranh khá giống với thành Rome rộng lớn, hơn là khu định cư của người Philistines từ hàng nghìn năm trước.

Ở gần người xem nhất và trực tiếp nhất là cảnh một người mẹ da xám ngoét, nằm trên mặt đất. Một đứa con của cô đã chết. Một đứa trẻ khác đang đợi được cho bú. Một người đàn ông bịt mũi cúi xuống, dường như đang dỗ dành đứa trẻ còn sống. Ở ngay bên phải, một bà lão đang ngắc ngoải ngồi, dường như tuyệt vọng. Ngay cạnh đó, một người đàn ông bịt mũi, đồng thời ngăn con tiến lại gần. Ở bên trái, một người đang trong tư thế cẩn thận, dường như cố gắng tránh tiếp xúc với những người đã chết.

Xa hơn một chút, đám đông đang kinh hãi nhìn lên Hòm Bia Giao Uớc. Ở trong ngôi đền, tượng Dagon sụp đổ, gãy tay và đầu, nằm rạp xuống trước Hòm Bia Giao Uớc. Ở bên ngoài, người Philistines đang tỏ vẻ hoảng loạn, kinh sợ.

Xa hơn nữa, mọi người đang xử lý những xác chết. Các con chuột, vốn là một trong những nhân tố lây truyền dịch hạch đang chạy ở bên dưới bậc thềm.

Xa hơn nữa, đường phố vắng tanh, dường như người Philistines đang sợ hãi dịch hạch lây lan và rút về đóng cửa để tự bảo vệ cho gia đình mình.

Nhân tính trong đợt dịch bệnh này cũng được Poussin thể hiện rất sâu sắc, có người trốn chạy, có người sợ hãi, có người quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau, có người lạnh lùng chỉ trích, dường như tất cả đang hòa trộn vào nhau. Nhưng mọi thứ đều được sắp xếp theo trật tự nghiêm ngặt

Điểm đặc biệt trong bức tranh còn nằm ở chỗ Poussin chú trọng vào các tác nhân lây bệnh ở bề mặt, một điều không phải ai cũng biết thời bấy giờ:

  • Những cái tay chạm hờ, cho thấy việc tiếp xúc trực tiếp với người bệnh có thể khiến dịch hạch lây lan.
  • Những con chuột, cho thấy hiểu biết rằng chuột đã lây lan dịch hạch sang người.
  • Làn da xám của bệnh nhân, việc không thấy các hạch xuất hiện trên thân thể (vì hạch xuất hiện chủ yếu ở những vùng tương đối kín), cùng các biểu hiện triệu chứng mỏi mệt, không thể đi lại.
  • Việc bịt mũi, tránh xa xác chết và việc người dân đóng cửa ở nhà, đường phố vắng tanh, cho thấy một số người đã biết cách phòng tránh sự lây lan.

Nguyên nhân gây ra dịch hạch

Ở trên bề mặt, Poussin đã tổng hợp hầu hết các con đường lây lan dịch hạch vào trong tranh vẽ. Ông cũng khắc họa thành công tâm thái của những kiểu người khác nhau trong xã hội khi dịch hạch xảy ra.

Ở phần sâu xa hơn, Poussin lại nhắn nhủ người xem về một bài học trong Kinh Cựu Ước. Đó là dẫu con người có thể hiện niềm tin vào Thần linh, dẫu con người có thể hiện niềm tin vào các tín ngưỡng khác nhau, nhưng nếu họ làm sai, thì họ vẫn sẽ gặp phải tai họa:

  • Eli và hai người con trai tội lỗi đều là linh mục Do Thái, mà đều chết tức tưởi. Ở một mức nào đó, sự sa đọa của linh mục Do Thái còn biểu hiện cho sự trượt dốc của đạo đức trong xã hội Do Thái lúc đó, khi các phụ nữ gác cổng điện thờ lại dám gian dâm với linh mục. Đây là ứng với câu: “Áo cà sa không làm nên thầy tu”.
  • Những người Do Thái mang Hòm Bia Giao Uớc tới chiến trường, hy vọng rằng Thiên Chúa có thể bảo hộ cho họ. Nhưng họ không tự suy xét xem tình cảnh đạo đức bên trong xã hội của mình có phải điều Thiên Chúa mong muốn hay không. Nên tất nhiên là Thiên Chúa không bảo hộ cho họ. Từ đây có thể thấy sự tình nào cũng có nhân quả của nó.
  • Những người Philistines mang Thần trong tín ngưỡng của người khác đến lăng nhục trong điện thờ tín ngưỡng của mình. Nhưng mà Thần của họ cũng không bảo vệ họ, mặt khác lại phán bảo họ phải mang trả Hòm Bia Giao Uớc và phải đền bù cho người Do Thái. Từ đây có thể thấy được việc vu khống hay lăng mạ những tôn giáo chính tín khác với đức tin của mình, ​​cũng sẽ chiêu mời thảm họa.

Bởi vì có nhiều tầng ý nghĩa như vậy, lại được thực hiện bên trong một thảm họa dịch hạch do chính người họa sĩ chứng kiến, nên bức “Dịch hạch ở Ashdod” mang đến cho người xem rất nhiều cảm khái, trở thành một tác phẩm hội họa về dịch bệnh vô cùng nổi tiếng.

Dựa theo bài viết đăng trên The Epoch Times tiếng Trung
Lý Mai biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: Bức tranh đặc biệt đạt giải vàng cuộc thi vẽ tranh quốc tế NTDTV 

Lý Mai

Published by
Lý Mai

Recent Posts

Bị phạt 20 tháng tù vì hỗ trợ ĐCSTQ đàn áp Pháp Luân Công tại Mỹ

Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…

8 phút ago

Biểu tình bảo vệ quyền lợi ở Trung Quốc tăng mạnh – Báo cáo của Freedom House

Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…

26 phút ago

Ngoại trưởng Ukraine Andrey Sibiga bác bỏ khả năng nhượng bộ lãnh thổ

Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…

32 phút ago

Chuyện danh y thời Tống tích âm đức cải biến mệnh

Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…

42 phút ago

Cuộc sống vốn dĩ là một vòng xoay…

Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…

47 phút ago

Bộ Tư pháp Mỹ: Google cần bán Chrome để chấm dứt độc quyền tìm kiếm trực tuyến

Đề xuất của Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Google phải bán trình duyệt Chrome…

47 phút ago