“Tôi luôn hy vọng người Việt có thể có một cái nhìn vô tư và cởi mở đối với văn hóa Trung Quốc nói chung và nghệ thuật thủy mặc họa nói riêng… Tôi luôn cho rằng nghệ thuật là giá trị chung của toàn nhân loại, nghệ thuật đích thực thì không có biên giới, đó là tinh thần nhân văn cao thượng mà rất nhiều nghệ thuật gia từ cổ chí kim luôn muốn hướng đến và nó khiến cho các kiệt tác nghệ thuật có sức mạnh vượt ra ngoài mọi giới hạn của không gian và thời gian…”. Chân thành, từ tốn, khiêm nhường, họa sĩ thủy mặc Tạ Duy đã kết lại câu chuyện về hội họa Trung Hoa truyền thống với những lời tâm sự như vậy.
Có lẽ có không ít độc giả phổ thông, khi nhắc đến tranh Trung Quốc truyền thống, thường nghĩ ngay đến khái niệm “tranh thủy mặc”, thậm chí đồng nhất tranh Trung Quốc truyền thống với “tranh thủy mặc”. Vậy “tranh thủy mặc” là gì? Có phải đó là toàn bộ Hội họa Trung Hoa truyền thống hay không?
Thủy mặc họa hiểu đơn giản là nghệ thuật vẽ tranh bằng nước và mực. Nhưng thủy mặc họa theo truyền thống Trung Quốc thì lại không đơn giản như vậy, không phải bất cứ tác phẩm nghệ thuật nào được vẽ bằng mực hòa với nước đều gọi là tranh thủy mặc. Hội họa phương Tây cũng sử dụng mực và nước để vẽ, nhưng đó hoàn toàn không phải là tranh thủy mặc Trung Quốc. Tranh thủy mặc truyền thống của Trung Quốc có những đặc điểm riêng, không chỉ ở vấn đề chất liệu và còn ở vấn đề họa pháp và tinh thần. Mặc dù hội họa truyền thống Trung Quốc có rất nhiều thể loại, nó không chỉ có mỗi thủy mặc, nhưng vì thủy mặc họa luôn chiếm một địa vị rất cao suốt hàng thiên niên kỷ nên nó luôn được coi như đại diện tiêu biểu nhất của nền hội họa này và nhiều khi được dùng thay thế cho khái niệm Trung Quốc họa.
Tranh Trung Quốc truyền thống có sử dụng các màu sắc khác ngoài đen, trắng không? Các bậc tiền nhân đã sử dụng chất liệu gì để làm các màu vẽ này?
Đương nhiên là có, màu sắc là một phần không thể thiếu của hội họa Trung Quốc truyền thống. Người Trung Quốc xưa thường dùng các loại màu có nguồn gốc tự nhiên, điều chế từ khoáng chất, động vật hoặc thực vật. Như màu Thạch Lục được điều chế từ đá Malachite, màu Thạch Thanh được điều chế từ đá Azurit, màu trắng được nghiền từ vỏ sò, màu đỏ chu sa được điều chế từ đá sulfide thủy ngân, màu đỏ yên chi được lấy từ con rệp son, màu hoàng đằng được lấy từ rễ cây hoàng liên…
Anh có thể giới thiệu một bức tranh vẽ màu mà anh yêu thích hay không?
Tôi hiếm khi thích tranh màu mà thường thích tranh đen trắng hơn. Nhưng nếu phải chọn ra một tác phẩm thì tôi sẽ chọn bức “Thiên lý giang sơn đồ” của Vương Hy Mạnh thời Bắc Tống. Đây là một kiệt tác của dòng tranh sơn thủy thanh lục, vì được vẽ chủ yếu bằng hai màu thanh (xanh lam) và lục (xanh lá cây) nên có tên như vậy. Vương Hy Mạnh vẽ tác phẩm này khi mới ngoài 20 tuổi, và một thời gian ngắn sau đó ông lâm bệnh qua đời, nên đây là tác phẩm còn lại duy nhất của ông. Ông là một họa sinh xuất sắc trong họa viện thời đó, đến nỗi hoàng đế Tống Huy Tông đã đích thân nhận ông làm môn đệ, thật tiếc là ông tài hoa bạc mệnh.”
Thể loại thanh lục sơn thủy cực thịnh dưới thời nhà Đường với hai đại diện tiêu biểu là cha con Lý Tư Huấn, Lý Chiêu Đạo. Nhưng trải qua giai đoạn Ngũ đại không còn thấy xuất hiện thêm một sáng tác nổi bật nào ở thể loại này. Đến đầu thời Bắc Tống, phong cách sơn thủy của hai nhà Lý Thành và Quách Hy được thế nhân sùng mộ noi theo, thanh lục sơn thủy cũng không mấy được coi trọng. Nhưng đến Vương Hy Mạnh, nó đã bất ngờ tái xuất với một diện mạo kỳ vỹ vô tiền khoáng hậu. Chẳng những nổi trội về kích thước mà cả về trình độ tạo tác cũng khiến người xem phải kinh ngạc. Tác phẩm thể hiện một đại cảnh sơn thủy mênh mông hùng tráng, núi đồi gò đống, bờ xa bãi gần liên miên không dứt, ẩn hiện trong đó là cây cối nhà cửa đền đài lầu gác, xa gần phân minh, không một chi tiết nào không tinh công tỷ mỷ, xứng đáng được coi là một trong những giai phẩm số một trong lịch sử Trung Quốc họa.
Trong cuốn sách “Lược sử Trung Quốc họa”, anh có viết rằng: “Hội họa Trung Quốc có thể coi là nền hội họa duy nhất trên thế giới có sự kế thừa và tiếp nối liên tục không đứt đoạn suốt nhiều thiên niên kỷ…” điều này khá bất ngờ, bởi nhiều độc giả Việt Nam có thể chỉ từng nghe đến một vài tên tuổi họa sĩ gần đây như Từ Bi Hồng hay Tề Bạch Thạch, cùng một số bức tranh sơn thủy. Anh có thể nói tóm tắt ngắn gọn, và giới thiệu một số đỉnh cao của hội họa Trung Quốc truyền thống qua mỗi triều đại Trung Quốc xưa hay không?
Đúng là đa số những người Việt nam mà tôi từng gặp chỉ biết đến một vài họa gia Trung Quốc như Ngô Đạo Tử, Hàn Cán, Tề Bạch Thạch, Từ Bi Hồng… và cho rằng nền hội họa gần hai ngàn năm của nước láng giềng chỉ có vài ba tên tuổi như vậy. Tôi không ngạc nhiên vì thông tin về hội họa Trung Quốc ở Việt Nam rất ít ỏi, gần như chưa từng có ai viết về nó một cách đầy đủ. Nhưng nếu phải kể tên những đỉnh cao thì quả đúng là không hề nhiều, mỗi thời đại chỉ có một hai họa gia được coi như đỉnh cao.
Theo ý kiến cá nhân của tôi thì đỉnh cao của thời Đường chắc chỉ có Ngô Đạo Tử, đỉnh cao của thời Ngũ đại – Lưỡng Tống thì có Lý Thành, Đổng Nguyên, đỉnh cao của thời Nguyên có Triệu Mạnh Phủ, đỉnh cao thời Minh có Đổng Kỳ Xương, thời Thanh có Ngô Xương Thạc, hiện đại thì có Tề Bạch Thạch, Hoàng Tân Hồng. Nhưng đó chỉ là ý kiến cá nhân của tôi thôi, còn với những người khác, quan niệm thế nào là đỉnh cao hẳn có sự khác biệt vì thế thật khó có thể kết luận ai mới thật sự là đỉnh cao.
Sự truyền thừa liên tục qua hàng ngàn năm này, theo anh là đến từ nguyên nhân nào? Vì sao Hội họa Trung Quốc có thể đạt được điều đó?
Nguyên nhân chính đến từ ý thức tôn sùng cổ học, coi trọng cổ nhân của người Trung Quốc xưa và kể cả bây giờ. Nói thế không có nghĩa là các dân tộc khác không có ý thức tôn sùng cổ học và coi trọng cổ nhân, nhưng tôi có cảm giác với người Trung Quốc cái ý thức đó diễn ra mạnh mẽ hơn rất nhiều. Ý thức này tồn tại trong mọi lĩnh vực chứ không riêng gì hội họa, và đó theo tôi là nguyên nhân chính dẫn đến sự truyền thừa liên tục không gián đoạn của hội họa truyền thống Trung Quốc.
Văn hóa kính ngưỡng sâu xa của người Trung Quốc đối với cổ nhân, học hỏi Thánh hiền, có thể nói từ góc độ hội họa là được cô đọng trong Phép tắc thứ 6: “truyền di mô tả” (sao chép tranh của tiền nhân) trong Lục pháp luận của Tạ Hách chăng? Lục pháp luôn được coi là “khuôn vàng thước ngọc” cho các họa sĩ Trung Quốc, liệu có phải cũng là căn bản để giúp người xem tranh biết được cách thưởng ngoạn một bức tranh Trung Quốc truyền thống hay không?
Đúng thế, kể từ khi Tạ Hách viết ra Lục pháp luận, nó luôn được các thế hệ họa gia và người thưởng ngoạn đời sau kế thừa và phát triển, coi đó là khuôn vàng thước ngọc cả trong sáng tác và phê bình, mà cho đến giờ vẫn còn nguyên giá trị. Vậy nên khi đánh giá một tác phẩm Trung Quốc họa, chúng ta không nên chỉ biết đánh giá nó theo sự cảm nhận của riêng chúng ta, mà còn phải đánh giá dựa trên những nguyên tắc thẩm mỹ của riêng loại hình nghệ thuật này nữa, trong đó Lục pháp luận của Tạ Hách là sáu nguyên tắc kinh điển hơn cả.
* Tạ Hách (479 – 502) là họa gia thời Nam Tề. Ông có khả năng ghi nhớ rất mạnh, người mà ông đã từng gặp qua là sẽ không thể quên, có thể vẽ lại được người đó. Chỉ có rất ít các bức tranh của ông còn được lưu lại đến đời sau. Tuy nhiên, “Lục pháp luận” của Tạ Hách được chép trong “Cổ họa phẩm lục” thì được truyền lại nguyên vẹn và có ảnh hưởng rất lớn đến hội họa Trung Hoa.
* Sáu nguyên tắc của Lục pháp luận bao gồm: “khí vận sinh động”, “cốt pháp dụng bút”, “ứng vật tượng hình”, “tùy loại phú thái”, “kinh dinh vị trí” và “truyền di mô tả”.
Ở Trung Quốc, “Khí” là một ý niệm trừu tượng có từ thời cổ đại, nó tồn tại trong cả triết học, tôn giáo và y học, người cổ đại coi Khí là nguyên tố cơ bản của vạn vật. Lý giải về “khí vận sinh động” thì có rất nhiều, nhưng hiểu đơn giản nó giống như một thứ năng lượng vô hình chuyển vận trong sự vật, và công việc của họa gia là phải thể hiện được cái năng lượng vô hình đó trên mặt tranh. Một tác phẩm hội họa đích thực phải cho người xem thấy được thần thái và sức sống nội tại của đối tượng được miêu tả, đó là điều mà Tạ Hách đã đúc rút được qua các kinh nghiệm của người đi trước, và cho đến giờ nó vẫn chiếm địa vị cao nhất trong các tiêu chuẩn của hội họa truyền thống Trung Quốc.
Có một lý giải thế này về “khí vận sinh động” trên Vision Times:
“Trong hội họa, khí vận là cái thần của bức tranh, là giá trị của Đạo ẩn tàng trong bức tranh.
Tranh Trung Hoa chú trọng đến ý tứ, những chi tiết đã được định liệu từ trước, sự liên tục không đứt quãng và tính ăn khớp, mạch lạc. “Khí vận sinh động” không chỉ nói đến thần khí, sự mạch lạc cuốn hút bên trong của bức tranh mà nó còn yêu cầu phải sinh động, giao cấp cho bức tranh một sinh mệnh, truyền cho bức tranh một sức sống, khiến bức tranh đạt được cảnh giới “dùng hình viết thần”, hình thần đầy đủ. Nhìn vào bức tranh người ta thấy được thần khí, ý vị và sự sống của nó. Từ quan điểm này mà xét, có thể thấy “khí vận sinh động” là linh hồn của “Lục pháp”.”
Anh nghĩ thế nào về nhận định này?
Nó hoàn toàn trùng khớp với những lý giải của tôi trong câu hỏi trước.
Anh yêu thích họa sĩ cổ Trung Hoa nào? Chúng ta có thể cùng xem một số tranh của các họa sĩ đó không?
Tôi thường thích tranh của các thiền sư, tác phẩm của họ luôn toát lên một tinh thần khác biệt, tôi không thể nói rõ tinh thần đó là gì, có lẽ nó đến từ sự phá chấp, buông xả không trói buộc của Thiền tông hay là đến từ một phẩm chất vượt ngoài thế tục nào đó mà tôi chưa đủ tầm để hiểu. Một vài cái tên tôi có thể kể đến như họa tăng Mục Khê Pháp Thường đời Tống, Nhân Đà La đời Nguyên, Bát Đại Sơn Nhân, Thạch Đào, Khôn Tàn đời Thanh…Qua tác phẩm của họ chúng ta có thể thấy một tinh thần thô dã phóng túng, đôi khi hơi kỳ quái, hơi khó coi, nhưng nó ấn tượng và khác biệt hoàn toàn với những xu hướng thẩm mỹ thế tục.
Anh đã học Hội họa Trung Hoa truyền thống như thế nào? Vì sao anh lựa chọn đi con đường này?
Tôi sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, bố là người đã truyền cho tôi tình yêu đối với văn hóa Á đông nói chung và nghệ thuật Trung Quốc họa nói riêng. Từ nhỏ tôi đã tự mầy mò vẽ tre vẽ trúc bằng mực tàu, nhưng phải đến khi vào đại học tôi mới được gặp một người thầy dạy thủy mặc đầu tiên, đó là họa sĩ Lê Xuân Dũng, người đã chỉ dạy cho tôi một số kỹ năng nền tảng và sau đó tôi tiếp tục quá trình học tập của mình một cách bài bản hơn tại học viện mỹ thuật Trung Quốc, một trong những ngôi trường đào tạo hội họa truyền thống lớn nhất đại lục. Mặc dù biết đây là một loại hình nghệ thuật khá mới mẻ với người Việt, điều đó đồng nghĩa với việc khán giả của nó sẽ không nhiều, nhưng tôi vẫn quyết định đi theo con đường này, đơn giản vì nó là đam mê của tôi.
Anh có thể giới thiệu cho độc giả tác phẩm của bản thân mà anh tâm đắc hay không?
Mỗi giai đoạn sáng tác tôi lại có những tác phẩm tâm đắc riêng. Chẳng hạn như giai đoạn còn học bên Trung Quốc, tác phẩm tâm đắc nhất của tôi là bài tốt nghiệp. Đây là một bộ tranh gồm 5 bức chân dung lớn, mỗi bức cao 140 cm rộng 70 cm, đối tượng tôi chọn là những người thợ mỏ, đây là một đề tài hoàn toàn mới lạ đối với hội họa truyền thống, hơn nữa thủ pháp mà tôi sử dụng cũng khác biệt rất nhiều so với các kỹ thuật cổ điển. Tác phẩm này đã được bạn bè và giảng viên Trung Quốc đánh giá rất tích cực, và riêng bản thân tôi cũng lấy làm tâm đắc, nó là một cái kết có hậu cho quá trình học tập bốn năm bên Trung Quốc và cũng mở ra một hướng đi mới nhiều triển vọng cho phong cách cá nhân của tôi sau này.
Đối với người yêu mến Hội họa Trung Hoa truyền thống, cuốn “Lược sử Trung Quốc họa” của anh là một món quà quý và quan trọng hơn nữa, nó kịp thời và đúng thời điểm. Anh đã viết cuốn sách rất dày dặn và công phu này như thế nào? Tâm nguyện của anh khi viết nó là gì?
(Nói vui một chút, cuốn sách với tôi không hề quá “nặng”, tôi vẫn có thể mang nó theo người để đọc được).
Ban đầu tôi không định viết một cuốn sách dày như vậy đâu. Tôi có thói quen ghi chép lại những gì mình đọc được từ sách ngoại văn vào mấy cuốn sổ nhỏ, coi như một cách để lưu trữ thông tin. Đến một ngày tôi nhận thấy mình hoàn toàn có thể liên kết những thông tin này lại để viết thành một cuốn sách. Vì hàng ngày tôi vẫn phải dành phần lớn thời gian cho việc giảng dạy và sáng tác nên việc viết sách chỉ được tiến hành với một quỹ thời gian rất ít ỏi, nhưng được cái là tôi luôn giữ cho mình một kỷ luật làm việc đều đặn, hầu như ngày nào tôi cũng viết, ngày rảnh thì viết vài ba trang, ngày nào bận thì chỉ viết vài dòng. Sự làm việc đều đặn quả đã đem đến một giá trị không nhỏ, sau gần 3 năm cuốn sách đã hoàn thành, đến chính tôi còn ngạc nhiên khi mình đã làm được điều đó.
Khi viết cuốn sách này quả thực tôi cũng chẳng ấp ủ tâm nguyện lớn lao gì, chỉ đơn giản là chia sẻ những gì mình biết đến với những người cùng sở thích, có vậy thôi.
Ở Việt Nam hiện nay, có nhiều người đi theo con đường về Hội họa Trung hoa truyền thống giống như anh hay không? Về thị trường tranh, khách hàng, triển lãm?
Với những gì tôi được biết thì hội họa Trung Hoa truyền thống ở Việt Nam vẫn còn rất ít người thực hành, ngay cả số lượng khán giả [thưởng tranh] cũng hết sức khiêm tốn chứ chưa nói đến vấn đề thị trường, thị trường tranh thủy mặc tại Việt Nam là thứ gần như chưa tồn tại.
Người yêu thích hội họa Trung hoa truyền thống ở Việt Nam có thể tìm học ở đâu? Nghe nói anh có mở lớp dạy?
Tôi cũng không rõ lắm về tình hình đào tạo thủy mặc tại Việt Nam, tôi có nghe nói một số họa sĩ gốc Hoa trong thành phố Hồ Chí Minh có dạy vẽ thủy mặc, ngoài ra ở miền bắc và miền trung cũng có một vài họa sĩ tự học thủy mặc, sau đó mở lớp dạy.
Cá nhân tôi cũng chỉ mới mở lớp dạy thủy mặc tại Hà Nội được hơn 1 năm nay, về số lượng học viên cũng chưa thể nói là nhiều, hy vọng trong tương lai sẽ có nhiều người quan tâm đến môn nghệ thuật này hơn.
Tôi luôn hy vọng người Việt có thể có một cái nhìn vô tư và cởi mở đối với văn hóa Trung Quốc nói chung và nghệ thuật thủy mặc họa nói riêng. Tại sao tôi lại nói như vậy, vì thực tế cho thấy có một số người vì những ẩn ức liên quan đến chính trị đã vô tình hoặc cố ý áp đặt cái nhìn thiếu thiện cảm lên mọi thứ liên quan đến Trung Quốc, trong đó có cả nghệ thuật thủy mặc. Tôi luôn cho rằng nghệ thuật là giá trị chung của toàn nhân loại, nghệ thuật đích thực thì không có biên giới, đó là tinh thần nhân văn cao thượng mà rất nhiều nghệ thuật gia từ cổ chí kim luôn muốn hướng đến và nó khiến cho các kiệt tác nghệ thuật có sức mạnh vượt ra ngoài mọi giới hạn của không gian và thời gian. Hãy thưởng thức nghệ thuật với một trái tim thuần khiết và đừng để những thứ vốn chẳng liên quan đến nghệ thuật ảnh hưởng đến xúc cảm thẩm mỹ của chúng ta.
Xin cảm ơn Họa sĩ đã dành thời gian để chia sẻ với độc giả Trí Thức VN những điều rất thú vị về một nền hội họa chính thống, kiền tịnh, thanh tao, nhưng cũng không kém phần hùng vĩ, huy hoàng của nhân loại! Kính chúc anh và gia đình năm mới dồi dào sức khỏe, hạnh phúc, bình an!
Thị xã Điện Bàn hủy kết quả đấu giá mỏ cát ĐB2B ở xã Điện…
Mới đây, một nghiên cứu đã phát hiện ra rằng chơi các môn thể thao…
Một người đàn ông ở Nam Định đã lừa bán các loại thuốc nhỏ mắt…
Meta hôm 7/1 đã loan báo rằng họ sẽ ngừng chương trình kiểm tra thông…
Hôm 6/1 vừa qua, Chính phủ Venezuela tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao…
5 người bị cáo buộc ép nhiều nạn nhân là người Việt Nam nhập cảnh…