Ông Matsushita Kônosuke là một người rất có thành tựu trong giới kinh doanh Nhật Bản, là người sáng lập công ty Panasonic. Chia sẻ về “ý thức sứ mệnh” dưới đây của ông được dịch lại từ cuốn “Cách nhìn và xem xét sự việc” (1963).
Tôi bắt đầu ý thức suy nghĩ về kinh doanh khoảng sau 30 năm từ lúc khởi sự làm ăn riêng. Trước đó tôi chỉ theo cách làm ăn đã học nhớ được ở thời làm công học nghề. Vào thời đó cách này thường là sáng làm việc sớm, trân trọng khách hàng, khi ở nhà thì suy nghĩ chế tạo ra những sản phẩm khách hàng có thể ưa chuộng. Nghĩa là, cái có thể gọi là nỗ lực hoặc học tập.
Sau 30 năm làm riêng số nhân viên cũng đông lên, và công việc cũng trôi chảy thuận lợi. Ở thành phố Osaka tên Matsushita Điện Khí cũng được người đời biết đến. Trước đó, cứ mãi lo cắm cúi làm việc nhưng vào lúc này tôi cảm thấy phải chăng công việc chế tạo, sinh sản còn có một ý nghĩa to lớn, đó là liên quan đến phồn vinh của xã hội thông qua việc làm của mình. Ý tưởng này đưa tôi đến quyết định từ nay công việc kinh doanh phải được thực hiện với một sứ mệnh. Tôi đã đi đến suy nghĩ là không những xí nghiệp mà cả cá nhân cũng vậy, con người tất cả đều cần phải làm việc với một ý nghĩa lớn. Khi đó, tôi nói ý tưởng này với mọi người trong xưởng, và được mọi người tán đồng.
Từ trước đến nay mỗi ngày chúng tôi cứ miệt mài với công việc, không có ý thức đặc biệt gì cả. Điều này không có gì sai trái nhưng từ nay chúng tôi làm việc với ý thức: công việc chúng tôi đang làm là cao quý với sứ mệnh nói trên (xây dựng phồn vinh xã hội).
Thật là kỳ lạ, tâm tình làm việc của chúng tôi hoàn toàn thay đổi! Không những bản thân tôi mà tất cả những nhân viên trong xưởng cũng thế! Cũng là một công việc nhưng chúng tôi đã cảm thấy được ý nghĩa của công việc!
Sau khi ý thức được sứ mệnh của mình, ước mơ và lý tưởng đã đến với tôi. Tôi ước mơ 3 năm sau, 5 năm sau, 10 năm sẽ như thế này, thế này. Từ trước đến giờ tôi chỉ biết kiên trì chăm chỉ làm việc nhưng không có một ý thức cụ thể gì nhưng giờ đây tôi làm việc với hình ảnh của ước mơ và hy vọng nên trong con người tôi tự dâng trào lên một nguồn sức mạnh; cùng làm một công việc nhưng có một cái gì khác hẵn với lúc trước. Tự bản thân tôi nói ra nghe có vẻ kỳ cục nhưng công việc kinh doanh của tôi sau đó đã phát triển nhanh với tốc độ ngạc nhiên.
Do đó tôi nghĩ rằng nếu tôi chỉ đơn thuần muốn phát triển hãng xưởng mình to lớn hơn và kiếm được nhiều tiền lời cho bản thân mình thì sự yếu đuối do lo sợ sẽ ẩn nấp ở đâu đó trong con người tôi chớ không như nói trên. Đương nhiên việc hãng xưởng to lớn, kiếm được tiền nhiều hơn bao gồm trong việc mang ý tưởng nhắm tới mục tiêu lý tưởng cao hơn là cùng phát triển với xã hội, hoặc vì đời. Tôi nghĩ rằng bản thân tôi là một tuyển thủ của đội ngũ phát triển xã hội. Cách suy nghĩ về công việc, sự nghiệp và nhân sinh quan của tôi đã thay đổi từ đó.
Do suy nghĩ như vậy nên công việc mà lúc trước tôi nghĩ là khổ cực trở nên không còn cảm thấy cực khổ chút nào nữa; ngược lại điều được xem là cực khổ trở thành niềm vui của tôi trong công việc. Cùng là một công việc nhưng lúc trước tôi chỉ xem là cực nhọc, khổ sở và cho rằng đã là buôn bán kinh doanh thì không thể nào khác hơn phải chịu đựng, nhẫn nại thôi. Bây giờ thì không còn như vậy nữa. Sự khổ sở biến thành sự cao quý và niềm vui. Do đó, về sau mỗi khi gặp việc khó khăn, trong con người tôi dâng trào lên dũng khí dấn thân vào.
Tục ngữ có câu: “Tận nhân sự, quan (thính) Thiên mệnh” (hãy chờ Trời định thành bại sau khi đã cố gắng hết sức mình). Thật là lời nói chí lý (chí ngôn). Bản thân tôi hiện giờ đôi lúc vẫn tự khuyên mình như vậy, bởi vì hiện tại hàng ngày vẫn cũng xảy ra nhiều chuyện, nhiều vấn đề. Là con người nên cũng phân vân do dự không biết nên làm sao, hoặc bi quan tự nhiên sanh ra chán nản không hứng thú trong công việc. Tuy nhiên, cứ tiếp tục như vậy thì không được.
Do tôi tự nói với mình: đã làm hết sức mình, bây giờ chỉ đợi Thiên mệnh. Bởi vì mình đã làm điều mình tin là đúng, thành quả giao cho người đời quyết định. Hiện tại tôi vẫn tự vấn tự đáp như vậy và chờ đợi kết quả.
Tôi cho rằng không chỉ là vấn đề cá nhân của một con người mà chuyện thành bại của một xí nghiệp cũng vậy. Xí nghiệp cũng phải hết sức làm việc nhưng sau khi đã thực hiện các việc tốt nhất rồi, xí nghiệp có phát triển tốt đẹp hay không không còn là chuyện có thể trông cậy vào sức người nữa. Nếu không suy nghĩ như thế thì sẽ bối rối, do dự phân vân, không biết phải làm thế nào.
Với trí tuệ của con người nhỏ bé, có rất lắm việc dù suy nghĩ đến cách mấy cũng không thể làm gì được.
Tôi rất mong mỏi thanh niên ngày nay suy nghĩ việc này cho thật kỹ. Ngày nay có nhiều thanh niên bối rối trong việc định mục tiêu là muốn làm ngành nghề gì, và muốn thành con người như thế nào trong tương lai. Bậc làm cha mẹ cũng bối rối không biết nên giúp con cái như thế nào. Chuyện như vậy không phải là vô lý vì thật sự không ai biết phải nên làm sao. Con người vốn không biết, không hiểu chuyện của bản thân. Do đó, bối rối là chuyện đương nhiên. Tuy nhiên, tôi nghĩ có một việc khác nên từ bỏ, đó là lòng ham muốn, dục vọng.
Bởi vì phân vân do dự là đến từ dục vọng, ham muốn. Muốn được như thế này, thế nọ hoặc muốn thành danh nổi tiếng nên mới sinh ra bối rối phân vân không biết phải làm sao. Nếu dẹp bỏ đi ham muốn vấn đề sẽ không còn nữa. Do lý do này, nên hãy thử yên lặng suy nghĩ xem xét tài năng của bản thân, tìm công việc thích hợp với tài năng đó mà xúc tiến. Tôi cho rằng việc này rất quan trọng.
Tuy nhiên, việc biết được tài năng của bản thân thật không phải dễ. Cũng có người biết nhưng đa số là không biết, khi đó nên hỏi người đáng tin cậy. Tuy nhiên cần nên hỏi với lòng thành thật tự nhiên. Nếu không, sẽ cho người khuyên có ý này ý nọ rồi không nghe theo. Bản thân tôi nếu có điều gì không hiểu tôi thành thật hỏi tiền bối (người đi trước). Người trẻ nếu không hiểu tài năng của mình thì nên hỏi cha mẹ, nếu cha mẹ không rõ thì có thể hỏi bạn bè của cha mẹ. Sau khi hỏi xong, yên lặng suy nghĩ xem xét, tôi nghĩ chắc chắn con đường nên đi sẽ tự nhiên được quyết định và có hy vọng. Nhưng nếu có nhiều ham muốn thì tôi nghĩ là sẽ do dự phân vân trở lại.
Khi ôn nhớ nửa cuộc đời đã đi qua, trường hợp tôi tương đối ít do dự phân vân. Tôi làm việc liên tục hết cái này đến cái khác, vừa làm vừa suy nghĩ kế tiếp làm như thế nào sẽ tốt hơn. Hoặc như vậy là tốt hay xấu, và có thích hợp với con người mình chưa? Và tôi làm những việc thích hợp với mình. Đối những điều không biết có nên làm không thì hỏi người khác. Bởi vì người đó là người thứ 3 nhìn tôi một cách khách quan không liên quan đến lợi hại, được mất của họ. Tôi lắng tai chăm chú nghe họ nói và nếu tôi nghĩ điều họ nói là đúng thì tôi làm theo. Trường hợp tôi không thể đồng ý lời nói của họ thì tôi hỏi nữa, nếu nghe 3 lần đều như nhau thì bất kỳ đúng sai tôi cũng quyết định làm theo. Tôi có khuynh hướng như vừa nói.
Nếu không hỏi người khác thì điều mình không biết mà một mình suy nghĩ ưu tư đến đâu cũng không thể nào biết được. Còn đối với điều mà với trình độ của bản thân có thể hiểu, nếu yên lặng suy nghĩ thì có thể hiểu ngay. Nếu đã suy nghĩ rồi mà vẫn không hiểu thì hỏi người khác. Do đó, tôi nghĩ người nào có nhiều tiền bối đáng tin cậy là người rất hạnh phúc.
Tuy nhiên nên lưu ý rằng dù cho là lời của tiền bối nhưng nếu bản thân mình có dã tâm hay lòng ham muốn vô lý mạnh mẽ thì không thể tiếp nhận đúng lời khuyên đúng của họ.
Bởi lý do nói trên nên tôi nghĩ rằng người trẻ nên có hy vọng và ước mơ nhưng cũng phải kiềm chế ham muốn ở mức độ nào.
Nếu thực hiện được như vậy tự nhiên sẽ thấy con đường đi mở ra. Dĩ nhiên việc nghĩ đến lợi hại được mất ở một mức độ nào là không thể tránh nhưng không nên quá cố chấp câu nệ. Ai cũng có khuynh hướng nghĩ đến tiền lương và phúc lợi xã hội trước tiên nhưng tôi nghĩ rằng cái gì thích hợp với con người của mình là quan trọng nhất, cần phải suy nghĩ cho thật kỹ điều này. Khi chọn trường học hay chọn hãng xưởng, công ty để làm đều cần như vậy. Không thể nói là có vào được hãng lớn mới là hạnh phúc.Tùy theo người, có người vào công ty lớn hạnh phúc nhưng ngược lại cũng có người vào trung tiểu xí nghiệp học tập được mùi vị, ý nghĩa của cuộc sống, có cơ hội trải qua được thể nghiệm quý báu và con người trưởng thành lên.
Từ kinh nghiệm của bản thân tôi có thể thưa rằng điều này không sai. Bởi vì tôi nghĩ rằng những kỹ luật, huấn luyện mà tôi có được trong thời kỳ làm công ở tiệm buôn bán rất hữu ích cho bản thân tôi, đã nuôi dưỡng đào tạo tinh thần buôn bán, kinh doanh của tôi.
Tuy nhiên, nói gì thì nói, tôi nghĩ là khi còn trẻ cần phải tập cho bằng được thói quen cần mẫn, nỗ lực. Thói quen là cái rất đáng sợ; có thói quen lười biếng và thói quen cần mẫn, cả hai đều không dễ gì biến mất. Lúc trẻ tập cho thành thói quen tốt là điều rất quan trọng. Đối với con người lười biếng khi lớn tuổi có bảo họ siêng năng cần mẫn thì cũng không dễ gì làm được. Đối với con người đã thành thói quen, tuổi có cao lên nhưng đã có thói quen cần mẫn nên việc gì họ cũng là người nỗ lực và siêng năng. Người như vậy bản thân họ họ không nghĩ họ là người nỗ lực cần mẫn nhưng việc họ làm tự nhiên là siêng năng và cố gắng. Tôi nghĩ rằng thói quen này là tài sản, là sức mạnh rất lớn của con người đó.
Trong 7 năm tôi đi làm mướn (không lương), không cách nào khác tôi phải cần mẫn siêng năng theo lời chủ tiệm, cho nên đã thành thói quen của tôi. Do đó, đối với công việc mà người khác thoáng nhìn cho là cực khổ nhưng bản thân tôi không cảm thấy cực nhọc bao nhiêu. Cũng có ngay cả lúc khó khăn mà ai cũng thấy rõ ràng là khó khăn ghê gớm nhưng bản thân tôi lại cảm thấy là dễ dàng, không có gì là khó khăn.
Nói cách khác, bản thân tôi nghĩ là công việc dễ dàng, không có gì khó khăn, cực khổ nhưng người ngoài cho rằng làm hay, làm giỏi. Bởi vậy đương nhiên giữa tôi và người khác có phần chênh lệch này.
Tiến xa hơn, tôi nghĩ rằng tạo cho thanh thiếu niên có thói quen tốt là trách nhiệm của người lớn. Nhưng người lớn ngày nay liệu họ có cảm nhận trách nhiệm này không? Không phải họ đang trốn tránh sao? Tôi nghĩ rằng phải chăng người lớn ngày nay đang trốn chạy trách nhiệm với lý do thanh thiếu niên được thừa nhận nhân quyền nên để cho họ sống một mình không khuấy rầy họ tốt hơn.
Tôi nghĩ rằng rèn đao thì phải đập đao đúng lúc, lúc còn nóng nếu không thì không thể rèn được, và đương nhiên cũng không thể thành danh đao. Để đào tạo, rèn luyện thanh thiếu niên thành danh đao thì lúc cần rèn đập phải rèn đập. Nghĩa là cần ngọn roi của tình thương (nghĩa là “thương cho roi cho vọt”).
Ở điểm này tôi nghĩ là người lớn ngày nay có thể nói là có khuynh hướng vô trách nhiệm. Tùy theo người nên có thể có người nói rằng, nếu người lớn vô trách nhiệm thì tự bản thân của thanh thiếu niên phải tự giác. Nhưng dù có nói thế đi nữa nhưng trên thực tế thanh thiếu niên rất khó tự giác mà làm được. Tôi cho rằng người lớn cần phải hướng dẫn chỉ đạo họ ở chừng mực nào đó và cần phải cho họ manh mối để tiến về mục tiêu.
Khi con cái phân vân không biết phải làm sao, nếu là con của tôi, tôi nghĩ nếu chỉ bảo chúng cần phải vững vàng thì không đủ mà đương nhiên tôi bảo chúng hãy làm hết sức còn thành bại là chuyện Trời định đoạt. Tuy nhiên, không nên quá lắm lời hay trách cứ, nếu chúng khủng hoảng thần kinh thì khổ. Tôi nghĩ là tôi nói với các con hãy làm như chúng nghĩ, còn thành quả thì chờ Thiên mệnh, nhất định chớ nên lo lắng, và nói với chúng rằng là con người một khi đã làm hết mức mình có thể làm thì chắc chắn sẽ được hồi đáp lại.
Trong xã hội ngày nay khuynh hướng trông cậy vào tha nhân khá mạnh. Chuyện gì đến bản thân đều kêu gọi, trông cậy vào nhà nước. Quốc gia thì trông cậy vào ai đây, nếu không là quốc dân? Tất cả mọi người có khuynh hướng muốn giải quyết vấn đề bằng sức tha nhân, rất ít ai muốn nhận trách nhiệm để làm. Trong ý nghĩa này tôi mong mỏi phấn đấu của lớp trẻ.
Người dịch: NSH
Đăng lại có chỉnh sửa từ Diễn Đàn Khai Phóng (diendankhaiphong.org)
Lời người biên dịch: Văn phong của tác giả có khuynh hướng khiêm tốn và hơi lập đi lập lại không được cô động lắm. Mặc dù hơi khó đọc trong tiếng Việt nhưng để có thể biết phần nào văn phong của tác giả, người biên dịch cố gắng dịch sát theo quan điểm xem văn biết người. Tuy nhiên, có điều gì không đúng hoặc chưa đạt là do khả năng giới hạn của người biên dịch. Tiểu đề là do người biên dịch dịch thoát với dụng ý để dễ nắm được đại ý của mỗi đoạn và thu hút muốn đọc của độc giả.
Xem thêm:
Mời xem video:
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…
UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…