Lịch sử như bánh xe luân chuyển, nền văn minh sơ khởi, hưng thịnh và tàn lụi, quốc gia kiến lập, phồn vinh và lùi vào dĩ vãng… Hưng suy của nghệ thuật nhân loại cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Trên mảnh đất Âu châu, nghệ thuật nhân loại từng trải qua hàng nghìn năm tích lũy mà chưa có một sự đột phá đậm nét. Ấy vậy mà chỉ trong thời gian trên dưới 200 năm, nghệ thuật thời kỳ Phục Hưng lại phát triển như vũ bão, để lại nhiều kiệt tác truyền đời khiến người ta kinh ngạc tán thán, viết nên một chương tự hào trong lịch sử nhân loại. Nhìn lại sự hưng suy của nghệ thuật thời kỳ này là một trải nghiệm quan trọng trong hành trình tâm linh, nhất là đối với những cá nhân khao khát thấu hiểu và phục hưng truyền thống.
Hoàn cảnh xã hội Trung Cổ
Khoảng thời gian dài đằng đẵng nghìn năm trước thời kỳ Phục Hưng được các nhà sử học gọi là thời Trung Cổ. Trước kia từng có nhiều học giả cho rằng đây là thời kỳ đen tối ngu dốt, mông muội, nhưng giới học giả ngày nay về cơ bản đều biết đó là quan niệm sai lầm. Vào thời đại mà chính quyền thế tục sụp đổ, chia tách, các loại chiến tranh liên miên không ngừng, giáo hội dần dần trở thành cơ cấu trung tâm giúp châu Âu ổn định xã hội, an định lòng người, cứu tế đại chúng. Những thiện hạnh hàng ngày trong dân chúng của những tu sỹ thành kính và hình tượng cao khiết khắc kỷ của họ dần đi sâu vào lòng người, tạo ra sự ca ngợi lưu truyền tốt đẹp để tín ngưỡng Cơ Đốc phổ cập.
So với ngày nay thì xã hội đương thời mang đậm tính tâm linh và tín ngưỡng chân chính. Điều con người coi trọng là nơi trở về của linh hồn chứ không phải cuộc sống hiện thế. Truyền thống văn hóa tôn giáo đã giữ ổn định tư tưởng con người, có vị trí thống trị trong ý thức tập thể. Loại ý thức to lớn mà đơn nhất này đã duy trì hữu hiệu tiêu chuẩn đạo đức ở phương Tây, đồng thời mọi người trong bầu không khí tín ngưỡng và những lễ nghi tôn giáo thành kính lại củng cố và tăng cường loại ý thức này, từ đó duy trì được sự cường thịnh của văn hóa Cơ Đốc.
Giáo đường các giáo phận có mối liên hệ chặt chẽ với cuộc sống của mọi người, việc thế tục ở mọi phương diện đều toát ra hơi thở của tín ngưỡng. Tiếng chuông giáo đường không chỉ khiến con người liên tưởng đến cầu nguyện, tu luyện tâm linh, hôn lễ hoặc tang lễ, mà còn nhắc nhở mọi người thời gian làm việc nghỉ ngơi trong ngày. Ở các thành phố thị trấn, giáo đường không chỉ là nơi cử hành nghi thức tôn giáo, mà còn là địa điểm người dân tụ họp cộng đồng.
Vì tầm quan trọng của giáo đường đối với mọi người nên hình tượng giáo đường cũng cần phải có mỹ cảm nhất định thì mới có tác dụng khơi dậy tình cảm tôn giáo và giáo hóa nhân tâm. Trong bối cảnh này, một phong cách nghệ thuật đã ứng vận sinh ra.
Bắt đầu từ thế kỷ thứ 12, khởi nguồn từ Île-de-France với trung tâm là Paris, một phong cách kiến trúc được người đời sau gọi là kiến trúc Gothique ra đời. Trải qua mấy thế kỷ phát triển và truyền bá, đến thế kỷ 15, phong cách này đã thịnh hành ở các khu vực địa lý tương đương với nước Pháp, Anh, Đức và Bắc Tây Ban Nha ngày nay. Kiến trúc Gothique ban đầu phát triển từ các giáo đường nước Pháp, dần dần sau khi thành thục thì phong cách này cũng có thể thể hiện được trên kết cấu kiến trúc của lâu đài và cung điện, nhưng chủ yếu vẫn là các kiến trúc tôn giáo như nhà thờ chính tòa, tu viện và giáo đường. Trên thực tế, sự ra đời và phát triển của nghệ thuật phương Tây cổ đại đều xuất hiện ở Thần điện và giáo đường, nhất là thời đại tín ngưỡng phổ cập trong đại chúng.
Kết cấu đỉnh vòm gân nhọn và khung đỡ tường của kiến trúc Gothique không ngừng hoàn thiện, về cơ học đã giảm nhẹ tải trọng bức tường, đồng thời dùng kết cấu khung gia cường đỡ phần đỉnh, cho phép giáo đường xây dựng cao hơn lớn hơn, thể hiện ra vẻ ngoài hoành tráng hơn và không gian rộng rãi hơn bên trong kiến trúc. Đối với kiến trúc thành thị và nhà dân phổ biến không cao ở mấy thế kỷ trước thì kiến trúc Gothique càng hiện ra cao vời vợi. Kết cấu nghệ thuật to lớn tráng lệ này phối hợp với những cụm cột thẳng đứng, khá cao đã hình thành hiệu ứng thị giác sống động thẳng đứng vươn lên, khi đến gần phần mái vòm thì nối tiếp với phần vòm nhọn vươn lên, có thể hình thành cảm giác không gian cao hơn. Kiến trúc tổng thể không ngừng vươn lên đạt đến ý cảnh không gian rộng lớn cao xa, đứng ở dưới như là tiếp nhận được gì đó từ Thiên Thượng, thể hiện ra mong muốn và ước vọng của con người đối với Thiên đường.
Nếu nói kiến trúc của cư dân và nhà cửa thấp trong thành phố tạo thành những đường nét theo phương ngang thì những đường nét của giáo đường kiểu Gothique lại theo phương đứng. Nếu những đường nét ngang tượng trưng cho hoạt động thế gian đều tiến hành trong tầng thứ con người, thế thì những đường nét thẳng đứng ngụ ý tầng thứ siêu việt, là sự thăng hoa đến tầng diện cao hơn. Những đường nét của kiến trúc Gothique luôn đưa tầm mắt của con người hướng lên trên, khiến con người chú ý đến Thiên thượng chứ không phải nhân gian. Nó nói với mọi người chớ quên nâng cao tâm linh bản thân, đạt được mục đích sinh mệnh trở về Thiên quốc.
Kiến trúc là hoàn cảnh phụ trợ của tín ngưỡng
Trong điều kiện chiếu sáng tự nhiên, bên trong kiến trúc Gothique rõ ràng sáng hơn kiến trúc La Mã. Nguyên nhân là các bức tường của kiến trúc Gothique về cơ học cho phép tăng thêm số lượng và diện tích cửa sổ, từ đó có được ánh sáng tốt hơn. Cũng chính vì vậy nên ở loại kiến trúc này khó lòng tìm được bức tường rộng rãi phù hợp với bích họa kiểu Ý.
Người thời đó cho rằng, Thần khiến thế giới tràn đầy ánh sáng, do đó ánh sáng trong hiện thực có thể có là tượng trưng ánh sáng của Thần. Khi ánh sáng chiếu qua những tấm kính màu biểu hiện chủ đề Thần Thánh chiếu vào trong giáo đường, nó tượng trưng ánh sáng vật lý trong hiện thực được chuyển hóa thành ánh sáng có thuộc tính Thần Thánh, bởi vì những câu chuyện của từng vị Thần hoặc Thánh đồ được vẽ trên những tấm kính màu toát lên màu sắc huyền ảo diệu kỳ có thể khởi tác dụng giáo hóa nhân tâm. Nhất là trong những niên đại mà tỷ lệ biết chữ không cao, thông qua những bức tranh ở trên cao lấp lánh ánh sáng đã trở thành phương thức tất nhiên để truyền giáo đối với đại chúng đang chiêm ngưỡng chúng.
Nghệ thuật cửa sổ hoa kính màu thời kỳ đó đã triển hiện ra công năng tự sự của hội họa, thông qua miêu tả tình tiết các câu chuyện của Kinh Thánh, Thần tích của các Thánh đồ để nói với mọi người đạo lý rằng thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo, người tu luyện viên mãn thăng lên Thiên đường.
Ngoài mang công năng truyền giáo cho đại chúng, nghệ thuật ánh sáng huyền ảo này bản thân đã có một loại năng lực: gây dựng cảm giác không gian có một không khí thị giác đặc thù, phối hợp với chiều cao, sâu của kiến trúc, hình thành một hoàn cảnh nghệ thuật không gian khơi dậy tình cảm tôn giáo. Điểm này vô cùng quan trọng ở nơi mà tu sỹ đông đúc, nó có thể thúc đẩy tu sỹ nhanh chóng rơi vào trạng thái tu luyện, nhập tâm trong khi đọc kinh sách hay cầu nguyện.
Với các tu sỹ dùng cả cuộc đời để tu luyện, cuộc sống của họ vô cùng đơn điệu, nhất là trong xã hội cổ đại không có các hình thức vui chơi giải trí hiện đại hóa, công nghệ cao và cuộc sống bùng nổ thông tin như hiện nay, mọi người sống rất đơn giản bình lặng. Theo chế độ tu viện đương thời, các tu sỹ còn phải buông bỏ hết thảy những phương diện thế tục như những vui thú cảm quan cá nhân, thù lao vật chất, cuộc sống gia đình… Bởi vì điều mà những tu sỹ vứt bỏ đoạn tuyệt là hết thảy những dục vọng thế tục, điều họ truy cầu là cuộc sống tinh thần cao hơn. Điều này ở thế kỷ thứ 13 về trước thì yêu cầu cực kỳ nghiêm khắc, về cơ bản là ẩn tu giống như bậc cao tăng hay đạo sỹ ở phương Đông.
Người trong xã hội hiện đại hầu như không thể nào thể nghiệm được trạng thái tinh thần của người xưa. Các chủng loại tin tức, quan niệm, cám dỗ phong phú đa dạng trong xã hội hiện đại lúc nào cũng tràn đầy đầu óc mọi người, khiến đầu óc mỗi người dường như từng giây đều suy xét đủ các dạng các loại sự tình, hoàn toàn không thể nào tĩnh tâm lại được. Nếu bảo một người hiện đại bình thường ngồi yên một chỗ, giữ trạng thái tĩnh tâm, không nghĩ điều gì, không khởi bất kỳ ý niệm nào trong 15 phút, thì e rằng đó là việc không thể.
Khác với các giáo đường có thể tiếp nhận đại chúng, trong các tu viện cổ đại, cuộc sống tu hành hầu như ngăn cách với thế gian tạo thành tư tưởng các tu sỹ đương thời cũng vô cùng đơn nhất. Ở đó, những bức họa tôn giáo trên kính màu đập vào tầm mắt phát ra Thánh quang, phối hợp với tiếng ngân nga xướng tụng hoặc âm nhạc tôn giáo tấu lên, tạo ra một bầu không khí nghe nhìn toàn diện, rung động trong không gian rộng rãi của tòa kiến trúc. Loại rung động tiếp nhận được về tri giác này khiến những tu sỹ tư tưởng đơn nhất, có thể rũ bỏ tạp niệm, rất dễ tiến vào trạng thái giống với ngưng thần nhập định như trong tu luyện phương Đông. Các tu sỹ từ thế giới vật chất tiến vào thế giới phi vật chất, từ trong trạng thái, cảnh giới huyền diệu cảm nhận được ân đức của Thần.
Một loại hội họa khác có thể triển hiện đầy đủ công năng tự sự là tranh trang trí và tranh minh họa các thư tịch chép tay đã hưng thịnh nhiều thế kỷ. Tuy nhiên từ năm 1470, Paris bắt đầu có một nhà in ấn đầu tiên, chỉ trong mấy chục năm ngắn ngủi, nó đã trở thành trung tâm xuất bản ấn loát nổi tiếng châu Âu. Nhưng vào những niên đại chưa có thuật in ấn và những khu vực kỹ thuật in ấn chưa thể phổ cập thì thư tịch vẫn dựa vào người chép tay. Rất nhiều bản chép tay trang sức chữ vàng công nghệ phức tạp lại đắt giá thường là sách mang sứ mệnh như Kinh Thánh đặt trên ban thờ hoặc sách cầu nguyện. Những tranh màu minh họa cho những câu chuyện tôn giáo hoặc truyện các Thánh đồ được kể trong sách, luôn dựa vào các họa sỹ có công phu thâm hậu hoàn thành một cách tỉ mỉ, vì vậy có nhiều họa sỹ đều giỏi vẽ tranh tỉ mỉ kích thước nhỏ. Do kích thước cuốn sách có hạn, nên yêu cầu họa sỹ khắc họa hình tượng cần phải đạt đến độ tinh tế cao độ mới có thể biểu hiện được tạo hình chính xác và hiệu quả bức tranh tương ứng.
Các phương thức tu hành tôn giáo như cầu nguyện hoặc tụng kinh thời Trung Cổ có ý nghĩa vô cùng tích cực đối với việc duy trì tiêu chuẩn đạo đức của con người. Thử nghĩ thời đó, mỗi người đều trong những khoảng thời gian khác nhau trong ngày, tụng niệm nhiều lần những câu từ có tiêu chuẩn đạo đức cao như “Yêu thương mọi người, không cầu báo đáp, khoan thứ người khác”… Lâu ngày, những nội dung này sẽ dung nhập vào trong quan niệm của con người, trở thành phép tắc hành vi con người. So sánh với con người hôm nay, không lúc nào không chìm đắm trong môi trường nghệ thuật, điện ảnh, sản phẩm giải trí điện tử đầy rẫy đốt phá, cướp giết, hãm hiếp, đầy bạo lực và sắc tình, thì cuộc sống đầy nghi thức đạo đức xưa kia có tác dụng chính diện rõ ràng lớn hơn đối với tư tưởng con người. Còn việc có thể đạt đến cảnh giới cao thâm đến đâu thì vẫn quyết định bởi sự tu hành của mỗi tín chúng. Trạng thái khá thuần chính đó sau thời Trung Cổ đã một đi không trở lại, nhưng tín ngưỡng chính giáo dẫu sao vẫn duy trì hữu hiệu trạng thái chỉnh thể xã hội nguyện ý hành thiện tích đức trong một thời gian dài sau đó, mà những sách bản chép tay đó cũng có công lao không thể phai mờ.
Ẩn họa đầu tiên
Những tác phẩm kích thước lớn đương thời đa phần thấy ở tranh ban thờ. Tranh ban thờ là chỉ tranh tôn giáo thường vẽ bản khắc gỗ, đặt ở ban thờ trong giáo đường. Do Thánh đàn là vị trí quan trọng nhất trong các cơ sở tôn giáo, có rất nhiều người hướng tới để cầu nguyện, tham bái, thế nên tầm quan trọng của tranh ban thờ là rõ ràng. Hình tượng Thần hoặc Thánh đồ in vào trong đầu óc tín đồ, khiến con người một cách vô thức đã coi tranh ban thờ là tải thể của Thần Thánh. Ý nghĩa của những tác phẩm này vì thế vượt xa khái niệm tác phẩm nghệ thuật thông thường, do đó yêu cầu chất lượng đối với những tác phẩm này rất cao. Đặc trưng nhân vật trong bức họa phải phù hợp với miêu tả trong Kinh Thánh, và hình tượng của Thần và Thánh nhân cũng phải rực rỡ hoàn mỹ.
Trang trí ban thờ thời kỳ đầu là do giáo hội đặt, nhưng cùng với việc toàn dân hóa tín ngưỡng Cơ Đốc, các tổ chức dân gian cũng đã bắt đầu có giáo đường, nhà lễ bái của hoàng cung, tư gia hoặc kiểu nhỏ của gia đình. Vì thế quyền chế tạo sáng tác tranh ban thờ không còn của riêng giáo hội nữa. Rất nhiều người bỏ tiền ra cũng hy vọng mình cũng có mặt trong bức tranh vạn người chiêm ngưỡng, làm một tín đồ thành tín ở bên Thánh nhân trong các bức họa, có thể lưu danh sử sách. Sức mạnh của tiền bạc khiến nguyện vọng này được thực hiện, đồng thời cách làm này dần dần trở thành tập tục bất thành văn. Điều này bắt đầu từ thời Trung Cổ, và còn tiếp diễn trong thời Phục Hưng. Không chỉ giới hạn ở tranh ban thờ, trong những bức tranh nạm kính màu của các công trình kiến trúc, và các tác phẩm hội họa sau này, tình huống này cũng xuất hiện rất nhiều.
Chi tiết này dẫu vậy là ẩn họa đầu tiên cho việc duy trì tín ngưỡng. Hình tượng Thần và Thánh nhân trong hội họa đều được vẽ hoàn mỹ tối đa, nhưng thủ pháp xử lý nghệ thuật hoàn mỹ này lại không thể nhắm vào nhà tài trợ trong tranh, bởi vì nếu mỹ hóa hình tượng thì sẽ mất đi đặc trưng và sẽ vẽ không giống người đó nữa. Do đó nhà tài trợ trong tranh vẫn được vẽ hình tượng người giống với hình dáng trong thực tế, để mọi người có thể nhận ra. Nhưng hình tượng này cũng phản ánh bị động vào đầu óc người cầu nguyện hoặc tu luyện trước ban thờ. Như thế nhân tố Thần Thánh trong bức họa cũng bị giảm thiểu, và nhân tố thế tục lại tiến vào trong tư tưởng người tu hành. Thử nghĩ, chẳng hạn có một người tu Phật, hàng ngày đối diện với bức tranh Phật đả tọa, lại thấy xuất hiện hình ảnh một người có tiền, thế thì người tu luyện ấy có thể tu luyện tốt được không? Đồng thời, tín chúng phổ thông nhìn thấy một người, chỉ vì có tiền có thế mà có thể có được hình ảnh của mình trong bức tranh Thần Thánh, khiến mọi người hàng ngày chiêm ngưỡng đầy thành kính cũng sẽ nảy sinh phản cảm trong tâm. Do đó nghệ thuật từ thời điểm ấy cũng bắt đầu không còn thuần khiết nữa.
Sự biến đổi đằng sau
các tác phẩm điêu khắc và tranh kính
Ngoài tranh ban thờ và cửa sổ hoa kính màu ra thì một trang trí lớn nữa của kiến trúc giáo đường chính là các tác phẩm điêu khắc. Điêu khắc kiểu Gothique chủ yếu thể hiện ở những bức phù điêu trên cao và các bức điêu khắc lập thể, có thể hiển thị hiệu quả độ sâu nhất định, tăng thêm cảm giác không gian của giáo đường. Tổng quan mà nói, tượng điêu khắc đương thời chỉ là sản phẩm phụ của kiến trúc, ví dụ, nhiều nơi như một phần cửa lớn hoặc cửa sổ của giáo đường thường có sự góp sức chung của kiến trúc sư và nhà điêu khắc.
Tác phẩm điêu khắc ở những giáo đường này theo lý mà nói thì phải là những tác phẩm đề tài tôn giáo thuần túy, nhưng có những tác phẩm về ý nghĩa nghiêm khắc mà nói thì không thuộc về tôn giáo Cơ Đốc thuần túy. Trong kiến trúc tôn giáo như ở Nhà thờ Đức Bà Paris (Cathédrale Notre-Dame de Paris) và Nhà thờ Đức Bà Chartres (Cathédrale Notre-Dame de Chartres) đều có thể thấy những tác phẩm điêu khắc về nhân văn, bảy môn học nhân văn và những chủ đề khoa học khác, nó đã liên quan đến một loại văn hóa cổ xưa phi Cơ Đốc giáo.
“Bảy môn học nhân văn” còn gọi là “Bảy môn học khai phóng” (Les sept arts libéraux), là 7 môn khoa học mà một công dân phương Tây tự do trong xã hội cổ đại cần phải học tập. Ở châu Âu vào thế kỷ thứ 12, 13, những môn học này từng bước thịnh hành trong các trường đại học thời Trung Cổ, đầu tiên là truyền thụ ba môn học cơ sở: Ngữ pháp học, tu từ học và phép biện chứng, gọi là “Ba môn học” (Trivium). Trên cơ sở đó, các trường đại học truyền thụ 4 môn học nữa là toán học, âm nhạc, hình học và thiên văn, gọi là “Bốn môn học” (Quadrivium). “Ba môn học” và “Bốn môn học” gộp lại thành “Bảy môn học”. Các sinh viên sau khi hoàn thành bảy môn học thì học các giáo trình cao cấp về triết học và Thần học.
Tuy nhiên bất kể là bảy môn học khai phóng hay là triết học, chúng không phải đến thời Trung Cổ mới xuất hiện, mà có nguồn gốc từ văn hóa truyền thống thời Hy Lạp cổ đại. Nếu liên quan đến thiên văn, tinh tượng thì thậm chí còn có nguồn gốc từ thời viễn cổ xa xôi hơn nữa. Nói một cách nghiêm khắc, chúng không ăn nhập gì với tín ngưỡng Cơ Đốc.
Lấy triết học làm ví dụ, triết học vốn là một biện pháp nhận thức thế giới, vũ trụ và chân lý thời Hy Lạp cổ đại, gần giống với phương thức tu luyện của Phật gia và Đạo gia phương Đông. Giới học thuật phương Tây cũng luôn có khá nhiều những nhà sử học, triết học nổi tiếng cho rằng, triết học Hy Lạp cổ đại đương thời không phải là học vấn, mà là một loại tu luyện tinh thần (Exercice spirituel), đồng thời so sánh phân loại chúng cùng với như Phật giáo của Phật Thích Ca Mâu Ni hay Đạo giáo của Lão Tử. Có thể thấy, điều này so với khái niệm “triết học” trong đầu não chúng ta ngày nay thì khác biệt quá lớn.
Một số môn phái tu luyện từ thời Hy Lạp cổ đại được người ngày nay coi là các trường phái triết học. Những điều này truyền thừa không dứt là do trí huệ mà nó truyền thừa vượt quá học vấn phổ thông của thế gian, vì vậy có sức sống rất lớn mạnh. Mặc dù trong thời đại Cơ Đốc giáo ở châu Âu phổ cập thành tín ngưỡng của đại chúng, ngọn lửa của các pháp môn tu luyện cổ đại vẫn không bị dập tắt. Bởi vì dưới truyền thống văn hóa rực rỡ Hy Lạp cổ đại, phương thức tư duy kiểu triết học đã dung nhập vào huyết dịch của con người châu Âu. Từ thời kỳ này, một số giáo sĩ đã kết hợp triết học Hy Lạp cổ đại để luận chứng tính hợp lý của giáo lý Cơ Đốc giáo, đến sau này một số tín đồ Cơ Đốc đã thử thông qua triết học, tìm tòi bí mật của thiên nhiên để chứng minh giáo lý Cơ Đốc. Những hành vi này đều vô hình trung phá hoại sự đơn thuần vốn có của giáo lý tôn giáo, khiến những tư tưởng ngoại lai xâm nhập và làm hỗn tạp, khiến tín ngưỡng tôn giáo không còn thuần túy nữa. Những tôn giáo bị hỗn tạp thêm những điều khác kỳ thực sẽ làm suy yếu sức sống của bản thân của tôn giáo.
Các môn khoa học khác như thiên văn học cũng liên quan đến đạo lý như vậy. Mọi người trong thời đại khoa học kỹ thuật không phát triển không có khái niệm thiên văn học trong khoa học hiện đại ngày nay. Cái gọi là thiên văn học đương thời thì trừ lượng nhỏ nghiên cứu thiên văn ra thì chủ yếu là tinh tượng học, cũng gọi là chiêm tinh học, theo cách nói thông tục là dùng để toán mệnh. Những người thống trị các nước phổ biến tin vào thiên tượng, vận mệnh thông thường đều tuyển dụng các nhà chiêm tinh học cung đình để trợ giúp họ ra quyết sách, và cũng tài trợ cho những nghiên cứu ở lĩnh vực này. Mọi người đều biết, tinh tú trên bầu trời đều có tên, tên gọi các sao đa số đều có nguồn gốc từ Thần, nhân vật hoặc động vật trong Thần thoại Hy Lạp cổ đại, mà nổi tiếng nhất là 12 cung Hoàng đạo có liên quan trực tiếp đến những nhân tố tôn giáo Babylon cổ đại thời kỳ còn sớm hơn nữa.
Một tín đồ Cơ Đốc cả ngày xoay quanh vị Thần trong tín ngưỡng khác để làm nghiên cứu tinh tượng thì rõ ràng là không tốt, trong các khu vực giáo hội thống trị thì có rất nhiều hạn chế đối với những thứ này.
Nhưng cần phải chỉ ra rằng, một sự vật nếu hoàn toàn không có tác dụng gì hoặc thuần túy là hư giả, thế thì nó cũng không thể có sức sống nhất định trong lịch sử. Cũng có nghĩa là, thuật chiêm tinh nếu hoàn toàn không thể dùng để chiêm bốc hoặc chỉ là trò chơi không giá trị dùng để đùa giỡn, thế thì nó cũng không thể tồn tại suốt mấy nghìn năm không bị diệt mất trong văn minh nhân loại. Sự chuyển dịch của thời gian trong lịch sử luôn luôn kèm theo sự buông lơi hoặc suy yếu của giới luật hoặc các quy tắc tôn giáo, cộng thêm thành quả nghiên cứu dẫn đầu về lĩnh vực chiêm tinh trong thế giới Hồi giáo và Byzantine (đế quốc Đông La Mã cổ) khiến người ta càng ngày càng hứng thú với lĩnh vực này. Việc các văn kiện toà án Hoàng gia một số quốc gia phương Tây chính thức công nhận chúng khiến những văn hóa hoàn toàn khác với tôn giáo Cơ Đốc này cuối cùng đã thịnh hành ở châu Âu.
Có thể thấy, những thứ biểu đạt văn hóa ngoại lai đó trong các tác phẩm điêu khắc trong kiến trúc tôn giáo đã thể hiện tín ngưỡng Cơ Đốc không còn thuần túy như ban đầu nữa, mà còn cần những tri thức bên ngoài và lý tính của con người làm phụ đạo. Cách làm cầu tìm bên ngoài này thực tế không phù hợp với truyền thống tu hành nội tâm của Cơ Đốc giáo nguyên thủy, khiến sức chú ý của con người ngày càng chuyển về hướng vật ngoại thân và cuộc sống hiện thực, sau này dần dần phát triển thành mọi người cố gắng đạt được thành tựu ở thế gian chứ không chỉ dùng sự tịnh hóa của nội tâm để chứng thực ân điển của Thần linh. Những điêu khắc này đã ghi chép trung thực quá trình Thần tính trong tư tưởng con người càng ngày càng suy yếu và mặt thế tục và nhân tính dần dần chiếm chủ đạo.
Sự ra đời của trường phái kiểu cách (Maniérisme)
Văn nghệ Phục Hưng rực rỡ huy hoàng giống như từ trên trời giáng hạ xuống, nghệ thuật chính thống thành thục cực thịnh trong lịch sử nhân loại vang dền như chuông lớn, vang động thời xưa và soi sáng thời nay. Sau khi kết thúc thời Văn nghệ Phục hưng, ánh sáng còn dư của nó vẫn còn tiếp tục ảnh hưởng lớn đến lịch sử nghệ thuật nhân loại hơn 200 năm sau, kéo dài mãi không tiêu tán, đã truyền lại nhân tố nghệ thuật và nội hàm văn hóa Thần thánh. Nhưng những ý nghĩa và những nhân tố mà sự phát triển của lịch sử đem lại đều không đơn nhất, trong cân bằng âm dương không thể chỉ có nhân tố chính diện, tác động của văn hóa tự nhiên cũng có tồn tại mặt phụ diện. Thực ra mọi vật trong thế gian đều luôn như vậy. Nhất là sau thời kỳ Phục hưng, những nhân tố phụ diện cũng càng ngày càng hiển lộ ra.
Thời gian trôi vùn vụt, Tam Kiệt thời kỳ cực thịnh của nghệ thuật Phục hưng là Leonardo da Vinci qua đời ở Pháp năm 1519. Một năm sau, Raphael, vị đại sư hội họa là biểu tượng của đỉnh cao của nghệ thuật Phục hưng, cũng rời thế gian ở Rome khi còn quá trẻ. Hai ngôi sao lớn rụng khiến mọi người đau buồn, cũng đánh dấu thời kỳ toàn thịnh của nghệ thuật Phục hưng Ý dần đi vào suy yếu. Kiếp nạn Rome năm 1527 (Sac de Rome) được các nhà sử học xác định là kết thúc thời kỳ hưng thịnh nhất của nghệ thuật. Tuy trong Tam Kiệt vẫn còn lại một vị tại thế, nhưng một mình Michelangelo chỉ dựa vào sở trường điêu khắc cũng không thể nào vãn hồi xu thế suy thoái của nghệ thuật Ý. Rất nhiều nhân tố phụ diện như chiến loạn liên miên, giáo hội hủ bại, kinh tế đình trệ và lòng người khó lường… trong tình hình như quân mất tướng, đã dần dần thay đổi tư tưởng và tâm thái của các nghệ thuật gia đương thời, cũng khiến diện mạo nghệ thuật xảy ra biến hóa.
Nước Ý đương thời ưa chuộng nhất văn hóa Hy Lạp cổ đại, coi trọng sự gợi mở của sự lý tính của thân thể người, tức là thông qua lý trí để nắm bắt chân lý, hoàn thiện giá trị và ý nghĩa nhân sinh. Tư tưởng này tuy phát triển trong thời văn nghệ Phục Hưng nhưng cũng có lịch sử của nó. Đúng như phần trên đã viết, vào thời kỳ đầu của giáo hội Cơ Đốc, một số giáo sỹ thử kết hợp triết học Hy Lạp cổ đại, La Mã cổ đại để luận chứng tính hợp lý của giáo nghĩa, hình thành nên triết học Giáo Phụ, sau đó vào thời Trung Cổ lại phát triển thành triết học kinh viện. Tuy trộn lẫn những nhân tố phi Cơ Đốc giáo cổ đại, nhưng do những nhân tố này và những giáo lý tôn giáo đã trải qua sự ăn khớp qua quá trình lịch sử, nên cũng được giáo hội công nhận là sản vật thuộc về thể hệ của họ, do đó mọi người đã quen với việc thông qua lý tính và quan điểm triết học để luận chứng giáo nghĩa tôn giáo. Khi thế cuộc hỗn loạn và sự hủ bại, thậm chí dâm loạn của giáo hội càng ngày càng mất lòng người thì tín ngưỡng của con người đối với Thần bị suy yếu, và càng coi trọng cuộc sống hiện thực, lý tính và ý thức tự ngã của bản thân con người.
Thời gian lâu dài thì tư tưởng con người dần dần phát triển đến càng chú trọng đến giá trị cá nhân hơn, nhấn mạnh sự phát triển tự ngã của cá nhân, dùng đạo lý của con người và tính chủ động của tự thân để thay đổi hoàn cảnh hiện thực, không còn dựa vào nâng cao đạo đức, thành kính chờ Thượng Đế cứu vớt như xưa nữa. Phát triển đến ngày nay thì con người hiện đại đã không thể tưởng tượng được điều mà cổ nhân mô tả là xã hội “đức trị”, mà chỉ còn hy vọng vào “pháp trị”.
Thời ấy, trong các tác phẩm của các nghệ thuật gia luôn thấy được sự suy giảm các nhân tố phương diện Thần tính và tín ngưỡng, và càng ngày càng thể hiện nhiều khuynh hướng nhân tính hóa và chủ nghĩa hưởng lạc. Khi loại nhân tính này lấp đầy đầu não các nghệ thuật gia thì lý tính chân chính gần với Thần tính vốn có lại từng bước nhường chỗ cho cảm tính trong nhân tính. Cảm tính này trái lại gây ra một ảo giác rằng họ lý tính hơn, thực tế hơn. Đồng thời cạnh tranh trong nghề quyết liệt khiến các nghệ thuật gia đều tìm kiếm phong cách độc đáo vượt khỏi tiền nhân. Để được người mua để mắt đến, không thể không thuận theo khẩu vị không ngừng thay đổi theo trào lưu của họ. Sự phát triển của thị trường nghệ thuật thế kỷ 16 cùng các nhà phê bình ca ngợi và sự quan tâm của các thương nhân nghệ thuật đã trở nên càng ngày càng quan trọng. Tác dụng của các nhân tố các phương diện khiến cho hình thức và phong cách biểu hiện nghệ thuật thời gian này đã xuất hiện rất nhiều thủ pháp sáng tạo khác với thời kỳ Phục Hưng trước đó, nó dần dần trái với nguyên tính chân thực của hội họa của Leonardo da Vinci, trái với sự cổ điển và hài hòa của Raphael, đã hình thành đặc trưng trái ngược với chủ nghĩa cổ điển vốn có ở thời kỳ hưng thịnh của nghệ thuật Phục hưng. Đời sau gọi là “trường phái kiểu cách” (Maniérisme).
Điều cần chỉ ra là, “trường phái kiểu cách” (Maniérisme) là một danh từ mơ hồ mà giới nghệ thuật đời sau đặt ra, hoàn toàn không có một khái niệm xác đáng được giới học thuật phổ biến công nhận. Vì vậy những họa sỹ trường phái kiểu cách khác nhau có phong cách riêng của họ. Mặc dù các họa sỹ vắt kiệt óc mong muốn sáng tác ra hiệu quả thị giác mới mẻ, có thể siêu vượt các đại sư thời kỳ hưng thịnh của nghệ thuật Phục Hưng, nhưng nghệ thuật không chỉ giới hạn ở hình thức bên ngoài, mà còn bao gồm diện mạo tinh thần và nội hàm tư duy mà nghệ thuật gia biểu hiện trong tác phẩm, và thông qua hình thức nghệ thuật hoàn mỹ tạo ra do trải qua muôn vàn rèn luyện đạt được, để biểu đạt sự truy cầu của tác giả đối với lý tưởng nghệ thuật và vẻ đẹp Thần Thánh. Những thứ nội tại này hàm chứa trong các nhân tố thị giác bên ngoài như bố cục hài hòa, hình thể chính xác, màu sắc chân thực, còn thực hiện trái ngược với những nhân tố thị giác cơ bản bên ngoài thì không thể nào thể hiện được tinh thần nội tại cao thượng hơn. Sự “mới lạ” đạt được thông qua biến dị hình thể chẳng khác nào uống rượu độc giải khát. Bởi vì đứng từ góc độ tâm lý của khán giả thì cảm giác mới lạ trong chốc lát do sự biến dị về hình thể nhân vật trong bức tranh đem lại kéo dài không lâu liền khiến người xem nảy sinh cảm giác không hài hòa (Ví dụ hình bên là bức “La Vierge au long cou” – Đức Mẹ cổ dài – của họa sĩ Parmigianino, một bức họa đặc trưng của trường phái kiểu cách.). Nói một cách thông tục thì đó chính là một bức tranh sẽ khiến con người cảm thấy khó chịu theo bản năng. Vì vậy những tác phẩm này cuối cùng cũng chẳng có được mấy hào quang trong lịch sử mỹ thuật.
Thời đại chưa có máy ảnh, tranh chân dung có công dụng ghi chép tương tự chụp ảnh ngày nay, mà vẽ giống là chuẩn mực đầu tiên. Thử nghĩ nếu có người mời họa sỹ vẽ chân dung cho mình, nhưng họa sỹ vì để đạt được phong cách “mới lạ” mà sử dụng thủ pháp thấu thị vẽ người đó thân thể hoặc đầu biến dạng đi, không tự nhiên, thì có ai nguyện ý trả tiền không? Mong muốn xem những bức tranh vẽ giống thật là bản năng thị giác của con người. Vì vậy, phong cách có chút biến dị này không thể duy trì thời gian dài thì dần dần bị lịch sử thời đó đào thải.
Sự diễn dịch của nghệ thuật khỏa thân
Do sự suy giảm của thế lực giáo hội và sự gia tăng vương quyền thế tục, bên bỏ tiền ở thị trường nghệ thuật không còn giống trước kia chủ yếu là giáo hội Thiên Chúa và hệ thống liên quan, do đó đề tài và chủng loại nghệ thuật thời kỳ này đã phong phú hơn nhiều so với xưa kia toàn là hội họa và điêu khắc tôn giáo. Rất nhiều đề tài như chân dung, lịch sử, phong tục, Thần thoại Hy Lạp… đã bắt đầu xuất hiện càng ngày càng nhiều trong các tác phẩm mỹ thuật. Lúc này khiếu thẩm mỹ của hoàng thất các nước cũng thế tục hơn so với thời Trung Cổ. Các nghệ thuật gia nhìn rõ thời thế, đem kỹ xảo nghệ thuật khỏa thân của Ý được luyện đến mức tinh tế điêu luyện dùng cho các quốc gia khác vốn bảo thủ hơn.
Thực tế, hình tượng khỏa thân trong các tác phẩm nghệ thuật, mặc dù ở thời Trung Cổ cũng không phải là tuyệt đối cấm kỵ, bởi vì khi đó cũng cho phép thể hiện Adam và Eva hoặc những ác nhân bị đánh vào địa ngục trong trạng thái khỏa thân, chẳng hạn bức điêu khắc Adam và Eva bên ngoài kiến trúc và bên trong Nhà thờ Đức bà Paris vào thế kỷ 13 đều không mặc y phục. Chỉ là quan điểm thời đó cho rằng khỏa thân sau khi mắc tội tổ tông là trái ngược với với tôn chỉ Cơ Đốc giáo, dễ khêu gợi dục vọng của con người, có hại đến phong hóa, vì vậy hình tượng khỏa thân luôn luôn liên hệ đến khái niệm xấu hổ, nhục dục, tội nghiệt, ma quỷ… trừ tình huống đặc thù ra thì đều cấm chỉ.
Nhưng văn nghệ Phục Hưng Ý lại đem đến một sự giải thích khác. Sau khi Đế quốc Ottoman nổi lên đã xâm chiếm và tiêu diệt Đế quốc Byzantine (tức Đế quốc Đông La Mã). Rất nhiều học giả địa phương đã đem lượng lớn các tác phẩm nghệ thuật quý và các điển tịch cổ đại các loại như triết học, lịch sử của La Mã cổ đại, Hy Lạp cổ đại chạy về phương Tây tránh nạn. Điều này khiến cho châu Âu, nhất là nước Ý gần với Byzantine nhất, kết hợp với thành quả khảo cổ địa phương, đã đi sâu vào tìm hiểu thành tựu văn minh và nghệ thuật huy hoàng cổ đại, trong đó có bao gồm lượng lớn tác phẩm nghệ thuật khỏa thân xuất hiện vào thời kỳ La Mã cổ đại, Hy Lạp cổ đại.
Người Hy Lạp cổ cho rằng, hình tượng đẹp nhất trong vũ trụ là Thần vỹ đại, còn Thần của Hy Lạp cổ lại sáng tạo ra con người phỏng theo hình tượng của mình, do đó thế gian không có thứ gì đẹp hơn thân thể con người. Vì vậy, các nghệ thuật gia Hy Lạp cổ đại đã thỏa sức ca ngợi vẻ đẹp của cơ thể người trong các tác phẩm nghệ thuật của mình. Ngoài ra những di sản mà văn minh Hy Lạp cổ để lại rất nhiều là rơi vào thời kỳ suy tàn của nền văn minh, khi quan niệm đạo đức đã xuống dốc và trở nên bại hoại. Vì thế trong Thần thoại Hy Lạp còn lưu lại thì thế giới của Thần linh cũng như con người được tô vẽ rất dơ bẩn, ngoại tình, quan hệ bừa bãi, thậm chí với cả động vật. Chính sự trượt dốc này đã khiến nền văn minh Hy Lạp sụp đổ. Tuy nhiên nó lại khiến một bộ phận nghệ thuật gia bấy giờ rơi vào ngộ nhận. Thực tế, cách lý giải này khác biệt hoàn toàn so với quan niệm của đại bộ phận các dân tộc châu Âu coi lõa thể là hổ thẹn.
Nhưng quan niệm như vậy sau khi nổi lên đã được các nghệ thuật gia Ý thời Phục Hưng tham khảo học tập, bởi vì Cơ Đốc giáo cho rằng Thượng Đế dùng đất tạo ra con người chiểu theo hình tượng của Ngài. Hình tượng của Thần là hoàn mỹ, còn cơ thể người là tác phẩm phỏng chế hình tượng Thần cũng vì thế có đủ đặc trưng của cái đẹp.
Khi mới bắt đầu, các nghệ thuật gia Ý dùng tượng lõa thể để tạo các nhân vật Thần thoại trong nền văn minh Hy Lạp, hoặc những Thần không mặc trang phục được ghi chép trong các thư tịch cổ, để thể hiện cái thuần túy và thánh khiết không bị ô nhiễm bởi quan niệm hổ thẹn thấp kém, do đó không có bất kỳ ý vị sắc tình nào. Nhưng cùng với sự phát triển của thời đại, do lượng đặt mua tác phẩm loại này tăng nhiều, tranh khỏa thân dần dần hình thành trào lưu, các họa sỹ lại có những nền tảng tư tưởng và khiếu thẩm mỹ ở các cảnh giới khác nhau, đồng thời người bỏ tiền ra và người thưởng thức đại đa số là những người thường thất tình lục dục đủ cả. Rất nhiều người ủy thác mua tranh này không phải bày trước công chúng mà là để thưởng thức và sưu tập cá nhân, hoặc trong xã hội thượng lưu dùng làm quà tặng để mở rộng quan hệ. Dần dần, nhân vật khỏa thân trong tác phẩm tuy vẫn được khoác cho các tên nữ Thần như Venus, hoặc Aphrodite, nhưng trên thực tế mọi người đều biết những cái tên này chẳng qua chỉ là để thể hiện những mỹ nhân gợi cảm không mặc gì cả, chỉ là sự che đậy và lý do trên danh nghĩa mà thôi.
Thời đại đó không có những người mẫu chuyên nghiệp, người mẫu chủ yếu khi họa sỹ vẽ tranh khỏa thân, về cơ bản chỉ có thể là những kỹ nữ cao cấp có dung mạo xuất chúng. Họ đều có thu nhập cao, ở nhà sang trọng, đồng thời về thơ ca, âm nhạc cũng có trình độ khá, nhưng vẻ đẹp giả tạo và vẻ ưu nhã của tư thế tay chân không thể nào thay đổi được bản chất nội tâm của họ. Vì vậy những tranh nữ Thần tạo ra bởi dùng kỹ nữ làm người mẫu để vẽ có thể biểu lộ được Thần tính thánh khiết và cao thượng hay không thì phụ thuộc vào sự tu dưỡng của bản thân họa sỹ. Khi sự thánh kính của Thần tính thánh khiết trong tư tưởng của nghệ thuật gia mất đi thì cái mà mọi người nhìn thấy chỉ là bức tranh sắc tình trần trụi có kỹ thuật cao siêu mà thôi.
Do sự ô nhiễm của trào lưu xã hội và sự suy yếu của tín ngưỡng trong tâm con người, mọi người cũng không truy vấn tại sao một họa sỹ tín phụng Thiên Chúa giáo lại vẽ những vị Thần trong văn hóa Hy Lạp cổ đại, La Mã cổ đại. Những thứ ngoại lai này từng bước làm suy giảm sức mạnh của tín ngưỡng tôn giáo, càng khiến cho tín ngưỡng tôn giáo khó mà duy trì đạo đức con người. Đồng thời, dục vọng bản thân của đại chúng phổ thông khiến họ đứng trước bức tranh hoặc tượng lõa thể khác giới dù không chứa một chút sắc tình nào thì vẫn nảy sinh ra kích thích về phương diện tình dục. Vì vậy, tư tưởng các nghệ thuật gia khi sáng tác nghệ thuật là rất thuần tịnh, nhưng nếu tác phẩm điêu khắc hoặc hội họa là hình tượng lõa thể, thì cũng có thể kích thích tình dục của người xem, ảnh hưởng xã hội sinh ra cũng là phụ diện.
Do nghệ thuật sắc tình trực tiếp kích thích cảm quan con người, vì vậy đã ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hiện thực, thậm chí đến kết cấu nhân khẩu xã hội. Nhà sử học Venice đương thời Marino Sanudo đã ghi chép một hiện tượng như sau: “Đầu thế kỷ 16, Venice chưa đầy 120.000 nhân khẩu, kỹ nữ có đăng ký sổ sách lên đến 11.654 người”. Nhà sử học nổi tiếng Thụy Sỹ thế kỷ 19 là Jacob Burckhardt đã chứng thực trong công trình nghiên cứu của ông rằng, hiện tượng ngoại tình và sự suy thoái đạo đức gia đình phổ biến tồn tại ở Ý thời văn nghệ Phục Hưng đã gây ra nguy cơ xã hội, ông viết rằng: “Một đặc điểm ở Ý thời kỳ này là: Hôn nhân và quyền lợi khác ở đây bị chà đạp nhiều và nghiêm trọng hơn bất kỳ nơi nào khác… vấn đề vợ chồng không chung thủy rõ là chuyện thường thấy, hơn nữa một số trường hợp còn dẫn đến trả thù đẫm máu”. Sự bại hoại phong khí xã hội này có liên hệ mật thiết đến sự dẫn dắt và thúc đẩy của các tác phẩm văn nghệ.
Hậu quả của việc mất đi sự ước thúc của đạo đức, buông thả dục vọng không chỉ thể hiện ở nguy cơ gia đình và xã hội. Theo sử sách y học ghi chép, từ năm 1494 đến 1495, Naples của Ý đã lần đầu tiên xảy ra một loại bệnh truyền nhiễm lây qua đường tình dục có tỷ lệ tử vong cao trên quy mô lớn, sau đó lan đến khắp châu Âu. Đó chính là căn bệnh mà sau này người ta gọi là “giang mai”. Do thiếu các biện pháp chữa trị hữu hiệu, loại bệnh này đã rất nhanh chóng gây ra cái chết của hàng triệu người, làm kinh động nhiều quốc gia. Mọi người kinh sợ kêu rằng, đây là sự trừng phạt của Thượng Đế đối với hạ giới dâm loạn, thế mới buộc phải bắt đầu ước thúc dục vọng bản thân.
Trên thực tế, khi con người bị dục vọng mạnh mẽ khống chế, cho dù đối diện với nguy cơ có thể nhiễm bệnh, thậm chí tử vong, thì vẫn có những người liều mạng mạo hiểm. Điểm này có thể nhìn thấy rõ từ lượng lớn quần thể người nhiễm bệnh trong các thời kỳ lịch sử. Để khống chế bệnh tình, mọi người đành phải cầu đến biện pháp trị bệnh bằng thủy ngân vô cùng tổn hại thân thể, có tác dụng phụ cực lớn. Mãi cho đến trước những năm 40 của thế kỷ 20, nhân loại vẫn chưa phát hiện ra phương pháp tốt chữa trị hữu hiệu bệnh giang mai, vì vậy con đường phòng bệnh hữu hiệu nhất chính là tự giữ bản thân trong sạch.
Đương thời những quần thể người có tiêu chuẩn đạo đức tương đối bình ổn ở châu Âu rất chướng mắt với chủ nghĩa hưởng lạc, phóng túng của người Ý, nước Anh thế kỷ 16 thậm chí còn lưu truyền câu ngạn ngữ rằng: “An Englishman Italianate is a devil incarnate”, nghĩa là: “Một người Anh bị Ý hóa chính là hóa thân của ma quỷ”. Trong kịch của William Shakespeare, có rất nhiều người Ý bị miêu tả là kẻ ác gian trá xảo quyệt, đạo đức trụy lạc. Do đó có thể thấy hình thái ý thức kiểu Ý không được tất cả các quốc gia phương Bắc công nhận. Nhưng bản thân Shakespeare cũng không thoát khỏi ảnh hưởng này, tác phẩm “Venus và Adonis” của ông thực tế cũng miêu tả khá trắng trợn về phương diện này.
Từ sự lan truyền của bệnh giang mai ra khắp các nước châu Âu có thể thấy, thời đó về chỉnh thể, châu Âu đã bước đến giai đoạn đạo đức trượt dốc, chứ không chỉ là một quốc gia nào không tốt. Vì loại bệnh này trên 90% lây nhiễm qua tiếp xúc tình dục, nên mức độ dâm loạn của một quốc gia là tỷ lệ thuận với tỷ lệ phát bệnh.
Trào lưu tư tưởng chủ nghĩa phóng túng và hưởng lạc này được bọc bởi lớp vỏ ngoài đẹp đẽ là kỹ pháp nghệ thuật, từ cảm quan lại có thể khiến người ta khó mà thấy được mặt không đẹp của nó. Trong con mắt của rất nhiều người, sự thể hiện phồn vinh hưng thịnh về văn hóa, nghệ thuật Ý chính là trào lưu tư tưởng học thuật tiên tiến nhất đương thời, nhất là về kỹ xảo nghệ thuật thì vượt xa các khu vực khác, khiến mọi người ca ngợi là tinh diệu tuyệt đỉnh, đã tạo thành cảm giác sai lệch rằng về văn nghệ Ý thì cái gì cũng là tốt đẹp. Sự phù hoa bề ngoài khiến con người khó mà suy xét nhiều hơn những thứ thực chất ở tầng sâu hơn. Do các tác phẩm nghệ thuật sinh ra kích thích và truyền cảm trực tiếp đến cảm quan của con người, vì vậy ảnh hưởng của nó đối với đạo đức con người rất lớn mạnh. Sự tiêm nhiễm lặp đi lặp lại trong các tác phẩm văn nghệ sẽ khiến những quần thể người tiếp xúc với những tác phẩm loại này dần dần đồng hóa với tư tưởng mà tác phẩm biểu đạt. Loại tư tưởng này khuếch đại trong dân chúng sẽ hình thành sự thay đổi toàn bộ dư luận và quan niệm đạo đức xã hội. Tuy thời đó trong xã hội, đại đa số người vẫn tin theo tôn giáo, nhưng hành vi sau khi đạo đức trượt dốc so với yêu cầu trong Kinh Thánh thì đã khác một trời một vực rồi.
Lúc này các họa sỹ các nước cũng đã bị tiêm nhiễm bởi tư tưởng loại này đã rất rõ rệt. Ví dụ, bắt đầu từ thế kỷ 16, nước Pháp cũng đã có tranh khỏa thân tương tự. Sự ra đời tranh khỏa thân số lượng lớn tuy làm cho các họa sỹ thành thục phương pháp hội họa kết cấu nhân thể hơn, khiến kỹ pháp hội họa nâng cao đến một tầm cao mới, nhưng tác dụng phụ của nó thì không nói cũng có thể biết. Điểm này, từ tác phẩm “Nói chuyện 7 ngày” (L’Heptaméron) của Marguerite de Navarre (1492-1549), người chị của quốc vương nước Pháp François I, thì có thể thấy trong đầu óc giới quý tộc nghĩ toàn là tình dục, ngoại tình và hưởng lạc. Trước sự lan tràn bệnh tình dục quy mô lớn do phong trào sắc tình càng ngày càng mạnh mẽ gây ra, và tiếng nói phẫn nộ của phái cải cách tôn giáo, sau khi kết thúc hội nghị 3 cấp (États généraux) cuối tháng 1 năm 1561, nước Pháp tuyên bố lệnh cấm dâm, đóng cửa kỹ viện và những nhà tắm công cộng nam nữ tắm chung. Tuy nhiên những hoạt động mại dâm chẳng qua là từ đây chuyển sang hoạt động ngầm, nhưng rốt cuộc cũng có thu hẹp.
Năm 1563, hội nghị Trente kéo dài 18 năm (Concile de Trente, 1545-1563) cuối cùng cũng đã hạ màn, đã phản hồi có tính quyết định đối với phong trào cải cách tôn giáo của Martin Luther, đồng thời đưa ra phương án cụ thể. Trong đó về các tác phẩm nghệ thuật, khỏa thân đã bắt đầu bị cấm, những danh tác có nhân vật khỏa thân trong hội họa và điêu khắc trước đây đều bị các nghệ thuật gia đương thời sửa đổi, thông qua thêm một số y phục trang sức hoặc hoa cỏ, lá cây để che bộ phận sinh dục, tránh các bộ phận nhạy cảm quá hở hang. Đồng thời do phát hiện ra hiện tượng hỗn loạn rằng giới nghệ thuật lạm dụng các chủ đề tôn giáo, hội nghị quyết định từ đó trở đi, giáo hội sẽ thẩm tra nghiêm ngặt đối với nội dung hình ảnh tôn giáo, yêu cầu các nghệ thuật gia khi miêu tả các câu chuyện tôn giáo, phải thể hiện cảnh tượng trang nghiêm thần thánh, đồng thời nhấn mạnh tác dụng của nghệ thuật đối với việc tuyên dương mỹ đức.
Tác động của chủ nghĩa nhân văn
Nói đến giai đoạn lịch sử văn nghệ Phục hưng thì không thể không nói đến chủ nghĩa nhân văn. Trên thực tế, “chủ nghĩa nhân văn” mà con người ngày nay nói đến không có định nghĩa thống nhất, bởi vì ở các thời đại khác nhau với bối cảnh văn hóa khác nhau đã xuất hiện những lý luận chủ nghĩa nhân văn khác nhau, trong đó có không ít quan điểm và lập trường xung đột lẫn nhau, thậm chí đối lập nhau. Khởi nguồn từ tiếng La-tinh cổ điển “Humanitas” hơn 2000 năm trước, đến thế kỷ 18 xuất hiện từ “Humanism”, trong quá trình đó đã trải qua rất nhiều những nhân tố các loại làm phong phú nội hàm của nó. Từ này truyền đến phương Đông, được người Nhật dịch thành “chủ nghĩa nhân văn”, sau đó người Trung Quốc áp dụng cách dùng của tiếng Nhật. Còn giới sử học thì quen với việc coi một loại trào lưu tư tưởng chú trọng quan niệm tự thân, trong thời kỳ thế kỷ 14 đến 16, khác với trào lưu tư tưởng thời Trung Cổ, gọi là “chủ nghĩa nhân văn” trong lịch sử, có thể coi là trào lưu tư tưởng bao phủ trong thời kỳ văn nghệ Phục hưng.
Thực tế, khi nói về “Bảy môn học nhân văn” thì đã bắt đầu nói đến những nhân tố của chủ nghĩa nhân văn rồi. Về mặt tổng quát, chủ nghĩa nhân văn không phải vào thời kỳ văn nghệ Phục hưng mới bắt đầu xuất hiện, mà hiện tượng này xuất hiện lặp lại trong các văn minh xa xưa hơn, và thường xuất hiện khi con người bắt đầu lơi lỏng phương diện đạo đức, lý tính và Thần tính, mà tìm kiếm giải thoát thông qua con đường khác. Điều này có nguyên nhân không phải chỉ ở từng cá nhân, mà là toàn bộ xã hội, thậm chí ngay cả Giáo hội cũng bị thế tục hóa về chính trị, kinh tế.
Ngày nay không ít người lầm tưởng chủ nghĩa nhân văn thời kỳ Văn nghệ Phục hưng là chủ trương lấy con người làm gốc để đối kháng với Thần quyền và quyền giáo hội, thực tế không phải vậy. Ngược lại, do thời đó vẫn còn hoàn cảnh đại chúng tín Thần, mặc dù phong khí đạo đức đã bại hoại, nhưng không ảnh hưởng đến việc mọi người tin vào sự tồn tại của Thần. Do đó những học giả chủ nghĩa nhân văn đương thời về cơ bản đều là người theo Thuyết hữu Thần, hơn nữa đại đa số đều là tín đồ Thiên Chúa chính thức, không ai phản đối sự tồn tại của Thượng Đế, cũng không phản đối địa vị thống trị của Giáo hội La Mã. Do những người này có rất nhiều liên hệ mật thiết với Giáo hội Thiên Chúa, tuyệt đại đa số căn bản không tách ra khỏi Giáo hội, chí ít về hình thức cũng vẫn giữ sự trung thành đối với Giáo hội. Còn Giáo hội La Mã thời đó cũng có thái độ bảo vệ đối với chủ nghĩa nhân văn, bởi vì rất nhiều những học giả chủ nghĩa nhân văn đều ưa chuộng sự xa hoa và hưởng lạc, việc này cũng rất hợp khẩu vị những người thống trị Giáo hội đương thời.
Thời đó, Giáo hoàng và giáo sỹ cao cấp có rất nhiều tài sản đều thích sưu tầm cổ vật và tác phẩm nghệ thuật có giá trị, cũng rất sùng chuộng văn hóa cổ điển Hy Lạp cổ đại và La Mã cổ đại. Các Giáo hoàng Nicolaus PP. V, Sixtus PP. IV, Leo PP. X đều là người tài trợ về kinh tế cho phong trào chủ nghĩa nhân văn. Rất nhiều văn nhân, nghệ thuật gia đều tiến hành các hoạt động sáng tác trên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật dưới sự bảo trợ của Giáo hội. Ngay cả Francesco Petrarca mà giới học thuật ngày nay gọi là “Cha đẻ Chủ nghĩa Nhân văn” cũng được Giáo hoàng Avignon rất sủng tín, được thụ hưởng thu nhập mà Giáo hội cấp cho.
Có thể thấy, tín ngưỡng tôn giáo phương Tây từng bước đi đến suy yếu cũng là điều tất yếu. Hiển nhiên, những thứ mà tôn giáo Cơ Đốc nguyên thủy truyền là chính, mà những phương thức tu luyện Hy Lạp cổ đại xa xưa lưu truyền lại cũng là chính, chỉ là con đường đi khác nhau, nhưng kết quả của việc để cả hai thứ đó cùng với nhau thì chính là lịch sử mà chúng ta đã thấy. Tu tâm vốn ban đầu đơn giản và thuần chính đã nhường vị trí cho thuật ngữ triết học rắc rối khó hiểu, và biện chứng kinh viện khiến nhân tâm mệt mỏi, những mong mỏi và sùng kính thành kính đối với Thần đã nhường chỗ cho lý luận Thần học rắc rối phức tạp, và những lễ nghi tôn giáo càng ngày càng hình thức bề mặt. Đến hôm nay, chân ngôn Thần Thánh của Thần Phật đã bị rất nhiều người coi là học vấn phong nhã, còn với những người theo Thuyết vô Thần thì coi đó là chuyện cười được lưu truyền lâu nay. Đây chính là giáo huấn sâu sắc của lịch sử dành cho nhân loại.
Lấy sử làm gương, trên con đường trở về với truyền thống, nhìn rõ hết thảy những điều này, dùng trí huệ lớn hơn để xem xét lịch sử và các trào lưu tư tưởng, thì mới có thể khiến chúng ta thực sự làm được phục hưng văn hóa truyền thống, quy chính bản thân.
Dựa theo “Từ một giai đoạn lịch sử nghệ thuật thấy được sự thay đổi của tư tưởng nhân loại”
Đăng tại Minghui.org
Ninh Sơn biên tập
Tài liệu tham khảo: