…Tách cà phê ấm môi,
Mình ngồi ôn lại những phút vui trôi qua mất rồi…
(Hai Mùa Mưa)
Thằng bạn ở Thụy Sĩ về chơi Việt Nam, trên đường tới Hội An, ghé quán cà phê ven đường, “Cho ly cà phê đá Sài Gòn đi bà chủ”. Cà phê mang ra, chưa nếm, y đã lắc đầu, “Không phải. Cà phê là cà phê kiểu Sài Gòn, có biết không?”. “Dạ, dạ… biết”. Dân miền Trung nhẫn nại. Cái gì cũng biết, trừ những cái không biết. Ly cà phê khác mang ra. Cũng không phải!
Tôi sống ở cái đất Sài Gòn này gần mãn kiếp, mấy tiếng cà phê Sài Gòn đã nhạt nhòa từ thuở tám hoánh nào rồi. Nay, nghe một khứa Tây da vàng, biệt xứ 40 năm (xẹt đi xẹt lại Việt Nam giỏi lắm là vài ba lần) dõng dạc: “Cà phê kiểu Sài Gòn”. Thấy sốc!
Tôi không nhớ mình đã uống cà phê từ lúc nào. Chắc từ thuở biết bưng bê, uống vụng cà phê của các bậc bề trên hơi nhiều. Nhưng chỉ thèm cà phê khi thấy mấy ông khách ở quán cà phê các chú (Tàu) đổ cà phê sữa vào đĩa, chấm bánh tiêu. Thèm cà phê hay bánh tiêu? Tôi không biết, có thể cả hai.
Nhưng vị đắng cà phê biết nếm từ lúc nào thì tôi biết chắc. Đó là những tháng ngày của năm 1972, khi bè bạn bỗng chốc xếp bút nghiên ra đi. Thằng về, thằng đi… luôn. Đóng đô ở quán cà phê nhiều hơn lớp học. Cà phê có đường hay không đường đều đắng như nhau. Vị đắng quá dư để nhận lời ủy thác, mày đưa thư này cho em… dùm tao, mà đợi tao đi rồi hãy đưa. Chết thiệt tới nơi rồi, không ngán, mà lại chết… nhát vì mấy sợi tóc dài. Thua xa bọn trẻ @ thời nay.
Cà phê ngon nhất Sài Gòn, theo cái lưỡi của tôi, ở góc đường số 4 Duy Tân. Chỉ là quán vỉa hè, không bảng hiệu, tụi tôi gọi là cà phê lá me, mà hình như ở đó chẳng có cây me nào thì phải. Hồi đó tôi học ở Đại học Khoa Học, mà mấy bà bên khoa học, nói phải tội, khô khan và nặng vía. Tôi phải vượt qua cà phê Năm Dưỡng gần trường, đến ngồi đồng ở cà phê lá me, chiều chiều ngắm mấy cô sinh viên Luật khoa, Văn khoa tha thướt. Trời ơi, nắng Sài Gòn mát rượi chứ không phải “chợt mát” như thi sĩ Nguyên Sa vã mồ hôi làm bài thơ Áo Lụa đâu.
Quẹo trái chừng vài trăm mét là đường Cường Để, con đường đẹp nhất Sài Gòn. Hai bên đường là những biệt thự lâu đời, chủng viện, tu viện cổ kính với hàng cây cổ thụ cả trăm tuổi… Lá đổ muôn chiều là con đường này, chẳng cần đợi tới mùa thu. Bây giờ nơi đây là nhà cao tầng, khu thương mại, ồn ào náo nhiệt, đi quờ quạng kẹt xe. Cả trăm cây cổ thụ bị đốn trên con đường vài trăm mét thì chẳng còn gì để nói thêm nữa. Mất hết…
Cảnh đẹp, người đẹp, cà phê không ngon sao được. Mà cà phê lá me ngon thiệt, chứ không phải tôi mù quáng cái đẹp nói bừa. Cô chủ quán không biết pha kiểu gì, pha vớ, chứ không phải pha phin, mà ly cà phê sữa đá 80 đồng ngon không thể tả. Sau này nếm thử Starbucks, Green Mountain,… cũng không thể bằng. Sức mạnh của dĩ vãng nặng oằn vai.
Luận về cà phê ngon dở hơi bị khó, mỗi người mỗi goût, chân lý đa dạng. Nhưng cà phê Sài Gòn chắc là luận được. Từ luận được cho đến luận hết nổi. Người ta cứ đồn cà phê Sài Gòn độn bắp, độn cau, rượu đế, mắm muối,… toàn là mấy thứ dân dã. Có lửa, có khói. Lời đồn này đúng. Cà phê Tây cũng đâu phải nguyên chất, cũng pha thứ này, trộn thứ nọ chút chút. Thích nghi văn hóa mà! Cà phê Sài Gòn không độn bắp rang làm sao có độ sánh. Xứ nóng, uống cà phê đá mà lỏng le coi sao được. Cà phê không thêm cau rang làm sao đủ đắng mà ngẫm chuyện đời. Cà phê đá làm gì có chuyện hương thơm thoang thoảng nếu không tẩm chút rượu. Rồi cũng phải mắm muối chút đỉnh cho đậm đà… Những thứ lằng nhằng này coi như là… phụ gia, chứ “chính gia” vẫn phải là cà phê rang sao cho tới tới… Bí quyết ngon dở là ở chỗ đó.
Rồi theo thời thế, mọi thứ đổi đời. Phụ gia trở thành chính gia, chính gia thành phụ gia. Đổi đời thêm cú nữa, cà phê biến luôn, chỉ còn đậu nành và hóa chất. Muốn đắng có ký ninh, hạt mắt rồng, dexamethasone. Muốn sánh có a dao gelatin. Muốn đen có nước màu caramel. Hương cà phê thì vô vàn nhớ không hết. Muốn bọt? Đã có lauryl sulfate (tạo bọt xà phòng). Làm gì còn “cà phê kiểu Sài Gòn” hở thằng bạn Tây da vàng kia, thèm lauryl hay sao mà ngồi đó làu bàu.
Thiệt ra, cà phê Sài Gòn vẫn còn, vẫn có vẻ đẹp của riêng nó – Vẻ đẹp của ký ức.
Cà phê lề đường làm gì có âm nhạc, chỉ có âm thanh đường phố, tiếng rao hàng, tiếng còi xe, và cái “mát rượi” riêng tư. Cà phê nghe nhạc phải vào quán đèn mờ, máy Akai băng cối, những bản tình ca diễm lệ, tiếng hát Lệ Thu, Khánh Ly,… Bảnh hơn thì nhạc Tây, Il est mort le soleil, Oh Mon amour,… Thời cuộc thì ca khúc da vàng, đại bác ru đêm, người chết hai lần… Bè bạn về phép (có khi chúng liều mạng “nhảy dù” cũng không chừng) lại kéo nhau ra quán nhậu. Nhậu đã rồi tới quán cà phê Chiêu đường Cao Thắng. Ở quán nhậu thì tranh nhau nói, tới quán cà phê, chẳng thằng nào buồn nói. Cà phê và khói thuốc. Cà phê nhỏ giọt. Giọt có buồn không? Mờ quá không thấy giọt, nhưng nỗi buồn thì thấy.
Dạo sau này tôi đổ đốn khoái nhạc sến, từ khoái tới mê chỉ là gang tấc. Giác ngộ tiệm tiến qua nhiều ngõ khác nhau. Một trong những ngõ đó là nhạc kẹo kéo. Xe kẹo kéo chiều chiều đẩy ngang nhà, mở to những bản nhạc sến một thời. Chưa hát nhạc sến bao giờ, mà sao trong đầu lại hát theo. Thời gian chưa đủ nghe hết bản nhạc thì tiếng hát đã xa dần, và cái đầu lại lẩm bẩm hát tiếp, thuộc lời nhạc sến từ thuở nào chẳng hay. Cù cưa với ký ức kiểu này thì con đường tới bến giác mê cũng chẳng bao xa.
Một ngõ giác ngộ khác, khi tiếng lòng lời ca bỗng nhiên gặp nhau. Cách nay 7-8 năm gì đó, tôi ra Hà Nội có chuyện, nhân tiện ghé quê ngoại. Mẹ tôi bệnh nằm một chỗ, hớn hở dặn dò, con về phải ghé người này trước, thăm người nọ sau, nói mẹ biếu người này cái này, người kia cái kia,… Quê mẹ tôi ở làng Chử Xá, mảnh đất của Chử Đồng Tử và Tiên Dung. Nửa tiên nửa tục, nên có máu lãng tử, nhảy cóc qua đời mẹ tôi, tới tôi thành gen trội. Trước hôm đi, bè bạn kéo nhau ra Hóc Môn nhậu gà hấp hèm. Đất ven đô hồi đó còn hơi vắng, nhưng cũng đã lên vàng, chẳng vàng 4 số 9, thì cũng 9 số 4, hơi hớm văn minh đô thị đã len tới. Dàn nhạc lưu động, cũng bass treble ra trò, đến trước quán vừa bán kẹo, vừa mượn nhạc đệm karaoke chơi nhạc sống. …Một mai con về quê ngoại xưa, để mẹ nhắn lời thăm… Càng nghe càng thấm.
Đất Sài Gòn tìm đâu ra cà phê nhạc sến. Dù cà phê ở những quán deluxe không quá tệ như cà phê đậu nành, nhưng chắc chắn không phải là “cà phê Sài Gòn”. Cà phê gì mà đen thui đặc sệt, chỉ là một thứ cà phê bá đạo có bản quyền. Nhạc thì ầm ầm DJ uốn éo, khổ cho cái đầu già cổ lỗ sĩ. Cũng có quán chơi nhạc trữ tình, nhạc của một thời, nhưng nhìn cách bài trí của quán, tôi đã cảm thấy kiểu “một thời” đó là cái mà mình muốn quên. Như lúc này, tôi không còn muốn nghe ca khúc da vàng nữa. Nghe mà ngượng, thì nghe làm gì? Trên đời đâu có gì hoàn hảo, chỉ có thể chọn giữa cái xấu hoặc cái ít xấu hơn. Không chọn lựa chẳng khác nào gián tiếp chọn cái xấu hơn.
Vài năm trở lại đây, mỗi lần từ Đà Lạt về Sài Gòn, tôi vẫn hay ghé xe cà phê đường Nguyễn Minh Chiếu, chỉ là cà phê vỉa hè trong hẻm. Ly cà phê đá 6.000 đồng, mấy năm rồi giá không đổi. Giá đậu nành chưa lên thì cà phê đâu cần lên giá. Đằng nào cũng chẳng tìm đâu ra hương vị cà phê Sài Gòn xưa, thì cà phê ở đâu cũng thế thôi.
Tôi vào quán cà phê vỉa hè đó chỉ để nghe nhạc sến, chẳng phải đến từ dàn Onkyo loa Bose, mà từ cái máy cassette nhỏ xíu rù rì trong hẻm. Ngồi cả giờ đồng hồ, đến khi rời quán mà ly cà phê vẫn còn quá nửa, đá tan loãng hết rồi. Dĩ vãng vay mượn cà phê, để cái vẻ bụi bặm của quán, và nhạc sến đưa tôi về ký ức. Tiếng đại bác không còn ru đêm nữa, nó dội ngược vào lòng. Nhiều bản nhạc từ hồi xửa hồi xưa, giờ nghe lại, rồi lẩm nhẩm hát theo mà chạnh lòng,
Tiếng còi đêm lướt mau,
Đoàn tàu đi về mãi, mà bạn thân tôi nơi đâu…
Thấy tiếc và nhớ. Nhớ ngẩn người!
Vũ Thế Thành (cuối năm 2014)
Đăng lại từ blog vuthethanh.com
Mời độc giả tìm đọc các tác phẩm “Sài Gòn, một góc ký ức và bây giờ” và “Những thằng già nhớ mẹ” của tác giả Vũ Thế Thành cùng một số tác phẩm khác tại đây.
Xem thêm:
Mời xem video:
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…
Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…
Đề xuất của Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Google phải bán trình duyệt Chrome…
Đội hình Phalanx gắn liền với những cuộc chinh phục của Alexander Đại Đế.