Bài viết của bà Regina Ip, thành viên Hội đồng Lập pháp Hồng Kông, Chủ tịch của Tân Dân Đảng.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang có chuyến thăm ba ngày tới đặc khu Hồng Kông nhân kỷ niệm 20 năm lãnh thổ này tái nhập với Trung Quốc đại lục. Chính phủ đặc khu trang hoàng các đường phố trung tâm với đèn lồng, cờ hoa, trong khi cảnh sát lại được huy động tối đa, sẵn sàng vòi rồng để trấn áp những người biểu tình phản đối sự can thiệp ngày càng sâu rộng của chính quyền Bắc Kinh vào quyền tự trị của trung tâm tài chính hàng đầu Châu Á này.
Vào mùa thu năm 2014, sau khi chính quyền trung ương Trung Quốc ra phán quyết rằng người Hồng Kông không được tự do lựa chọn lãnh đạo của mình, hàng nghìn người ủng hộ dân chủ đã tràn xuống đường, chiếm giữ những tuyến phố kinh doanh sầm uất trong vòng ba tháng. Hoạt động biểu tình vì dân chủ này được biết đến với tên gọi phổ biến là Phong trào Ô dù. Kể từ sau đó, khi các chiến dịch dân chủ bắt đầu phát triển, các nhà lãnh đạo cộng sản ở đại lục vẫn giữ vững quan điểm rằng Hồng Kông là lãnh thổ của Trung Quốc và đến cuối cùng phải nghe lời Bắc Kinh.
Chúng ta có thể dự đoán sẽ có các cuộc biểu tình vào thứ Bảy (1/7), ngày kỷ niệm chính thức Hồng Kông được nước Anh trả lại cho Trung Quốc, nhưng kinh nghiệm chỉ ra rằng các hoạt động biểu tình sẽ không thể thay đổi được lập trường của Bắc Kinh. Thực tế, Hồng Kông là lãnh thổ của Trung Quốc và những người Hồng Kông phải sống theo các quy tắc của Bắc Kinh. Hồng Kông chỉ có thể có một hình thái dân chủ mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc chấp nhận.
Thực tế, Hồng Kông đã dân chủ hơn trong 20 năm qua kể từ khi chấm dứt quyền cai trị của Anh Quốc ở đây. Người dân được tự do nhiều hơn trong việc bầu ra các thành viên Hội đồng Lập pháp. Cơ quan lập pháp đã trở nên tự trị và quyết đoán hơn so với tiền thân của nó trong thời kỳ thuộc địa. Hội đồng Lập pháp được phép điều tra các vi phạm của nhánh hành pháp, điều đó làm cho cơ quan lập pháp có được tiếng nói lớn hơn và có quyền giám sát việc thực thi pháp luật mãnh mẽ.
Dân chủ hơn đã mang lại sự minh bạch, trách nhiệm giải trình và công bằng xã hội hơn cho công dân Hồng Kông. Mọi người dân có tiếng nói lớn hơn trong điều hành đặc khu.
Nhưng thành phố tự trị này cũng đã phải trả giá cho việc có được nhiều dân chủ hơn. Chính phủ Hồng Kông trở nên kém hiệu quả và bị chia rẽ nhiều hơn so với thời kỳ thuộc địa. Một hệ tư tưởng chống kinh doanh, chống phát triển và chống Trung Quốc đại lục xâm nhập vào các cuộc tranh luận trong cơ quan lập pháp. Điều này khiến Hội đồng Lập pháp thành một cơ quan hỗn loạn và không thể hoạt động. Thật khó để nói rằng nhiều tự do dân chủ hơn đã mang lại lợi ích nhiều hơn cho hơn 7 triệu dân Hồng Kông.
Những cơ chế cản trở trong cơ quan lập pháp đã làm chậm lại nhiều dự án phát triển, làm cho tình trạng thiếu đất đai và nhà ở trở nên cấp bách hơn và cản trở những nỗ lực để bắt kịp những tiến bộ nhanh chóng của các thành phố khác tại Trung Quốc đại lục. Hiện nay đã bước vào hè, nhưng Ủy ban tài chính lập pháp mới chỉ thông qua được khoảng một nửa các dự án ngân sách cho năm tài chính 2017-2018.
Sự bất ổn của cơ quan lập pháp Hồng Kông cũng có thể phản ánh sự thất vọng với tốc độ tăng trưởng cao, điều dường như tạo ra sự bất bình đẳng nhiều hơn. Có lẽ đó là một phần của sự thù địch toàn cầu đối với thặng dư tư bản chủ nghĩa. Bất kể nguyên nhân, chúng ta có lý do để lắng lại và suy ngẫm sâu sắc về mô hình hệ thống chính trị nào phù hợp nhất với sự phát triển của Hồng Kông tương lai.
Dù có thích hay không, Hồng Kông vẫn là một phần của Trung Quốc, không chỉ ở khía cạnh chính trị mà còn cả ở mặt văn hóa và kinh tế. Khi hãng đánh giá tài chính Moody (Mỹ) hồi tháng 5 hạ mức tín nhiệm nợ của Trung Quốc xuống, Hồng Kông theo đó cũng phải chịu hệ quả tương tự.
Sau cuộc biểu tình ở Hồng Kông năm 2014, chính quyền Bắc Kinh đã công bố sách trắng về chính sách “một quốc gia, hai chế độ”, theo đó chế độ tại đại lục nhắc lại rằng Ủy ban thường vụ Quốc hội Trung Quốc có quyền diễn giải các luật địa phương của Hồng Kông. Theo hệ thống tập quyền của Trung Quốc, các thành phố, tỉnh và khu vực không có quyền lực riêng. Tất cả các quyền lực tự trị của Hồng Kông là do Bắc Kinh ban bố và hoàn toàn có thể thu hồi lại.
Phương án tốt nhất cho Hồng Kông là nuôi dưỡng một mối quan hệ hài hòa và cảm thông với Trung Quốc đại lục. Điều đáng khích lệ là một số thành viên dân chủ ôn hòa dường như đã chuyển chiến lược của họ bằng cách đề xuất một cuộc đối thoại cởi mở hơn với lãnh đạo trung ương. Một số nhà dân chủ ôn hòa đã lên kế hoạch tham dự một bữa tiệc tối chào mừng Chủ tịch Tập tới Hồng Kông.
Tuy nhiên, sẽ là sai lầm nếu Bắc Kinh lờ đi phong trào dân chủ của Hồng Kông. Những người ở khu ngoại ô đang dần cực đoan hơn. Những năm gần đây ngày càng gia tăng các kêu gọi Hồng Kông giành độc lập hoàn toàn, một động thái mà đa số người Hồng Kông không ủng hộ. Hầu hết những người trẻ đều không hài lòng với tinh huống chính trị hiện nay và các nhà lãnh đạo từ Trung Quốc đại lúc có thể gặp phải những thách thức lớn hơn nữa trong thời gian tới.
Mặc dù Bắc Kinh có thể hài lòng với cuộc bầu cử đặc khu Hồng Kông vừa qua khi người mà họ ủng hộ, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) đã đắc cử và sẽ chính thức nhậm chức vào đúng ngày kỷ niệm 1/7, nhưng sóng ngầm cho sự thay đổi dữ dội hơn có thể trở lại chỉ trong vài năm tới.
Tân Bình dịch
Xem thêm:
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…