Nhìn những thân thể co quắp trong mưa lũ Tây Bắc, thật sự bàng hoàng, chát đắng cho phận người. Trời xanh không mắt. Lòng dân đang ngổn ngang biến cố, đã lại hứng chịu tai ương. Trăm nỗi niềm, đều ụp xuống dân cả.
Làm sao nói hết cay cực của dân trong vài con chữ. Nhất là dân nơi địa đầu sóng cả hoặc chốn rừng thiêng nước độc. Bao liếp nhà rách nát, tài sản quý giá độc mỗi nồi niêu xoong chảo. Cột kèo tạm bợ, chống chọi sao lại với cuồng nộ thiên nhiên. Ở nơi này nơi nọ, vẫn còn chuyện vợ chồng con cái buộc tay lại với nhau, để mong con nước hỗn mang không làm nên cảnh sinh ly tử biệt.
Làm lãnh đạo, nhà ở huyện lỵ tỉnh lỵ, cao sang bề thế, ăn sướng mặc sung, có bao giờ nếm trải cảnh ấy. Biết dân cay cực lầm than cũng từ câu chuyện làm quà. Người cầm tay dân nơi sóng bạc, kề vai dân qua ngọn đèo con suối ngày một hiếm.
Cũng thật không công bằng nếu cứ đụng việc, lại réo lãnh đạo trách trả. Nhưng nhìn nhận đúng, nỗi đoạn trường của dân, có nguyên do trực tiếp hoặc gián tiếp của quan. Không xốn con mắt sao được khi cứ mỗi biệt phủ “lộ hàng” đi kèm với những bi kịch của dân.
Tây Bắc và dọc miền Trung trải dài đến Tây Nguyên, la liệt biệt phủ. Địa phương nào cũng có vài tòa bề thế. Biệt phủ cơ man là gỗ. Gỗ quý lấy từ rừng về làm đẹp cho nhà quan. Đến khi gặp con nước, dân địa đầu mất nơi nương tựa, trơ trọi hoang hoải.
Hơn chục năm trở lại đây, lũ ống lũ quét ở các địa bàn đó không còn hẹn tháng hẹn mùa. Bất thình lình đổ xuống cuốn dân đi. Thế có phải mang nước mắt dân về trang điểm cho gia trang quan chức không?
Không điếng tâm can sao được, khi dân đau khổ nhường ấy, quan đi nước ngoài nghìn tỷ như không. Năm rồi 12 tỉnh thành xin gạo dịp tết. Cá biệt, có 3 tỉnh xin gạo mùa giáp hạt. Nhẽ đâu hạt gạo ngửa tay xin mà cán bộ xuất ngoại như đi chợ.
Địa phương như Thanh Hóa xin gạo trong khi nằm trong top quan chức đi nước ngoài. Hòa Bình, Dak Lak nghèo xơ nghèo xác, cũng ồ ạt cán bộ đi nước ngoài để… thăm thân.
Tiền là tiền ngân sách, quan dùng thì dân nhịn, quan vung vít phè phỡn thì đến lúc túng quẫn, dân chịu chứ quan có đói bao giờ.
Nói để mà hiểu, rằng khoảng cách quan-dân đã xa vời vợi, quan chức đã sung sướng hơn dân nhiều lắm. Nhìn xuống nhân dân, gác tay lên trán mà trăn trở. Vô tâm với nhân dân đã là quá quắt. Nhược bằng tham lam vô độ, vơ vén vinh thân phì gia không biết dừng. Ăn chơi trác táng trên nước mắt nhân dân thì là tội ác, là tạo nghiệp. Giữ mình không được thì giữ phúc cho con cháu về sau.
Mặc cái áo Valentino. Đeo cái đồng hồ Thụy Sĩ. Hút điếu xì gà nghìn đô. Nhắp ly rượu vang bạc triệu. Thi thoảng ngó xuống dân mà biết giật mình, thôi cũng là còn cảm tính cách mạng.
Nói thẳng, quan chức thời điểm này mà đòi hỏi phải giỏi, phải kỹ trị là hoang đường. Biết tự trọng một chút dân cũng đà cảm ơn!
Theo Facebook Nhà báo Nguyễn Tiến Tường
Xem thêm:
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…