Nước Mỹ không phải là một nền dân chủ và đó là điều tốt đẹp

Nước Mỹ được xây dựng là một nền Cộng hòa, và sẽ luôn luôn là như vậy.

Năm xưa khi Benjamin Franklin rời khỏi hội nghị về Hiến pháp, một phụ nữ đã đến hỏi ông rằng: “Ngài đã để lại cho chúng tôi những gì?”

Franklin ngay lập tức trả lời: “Một nền Cộng hòa, thưa bà, nếu bà và con cháu bà có thể bảo vệ được nó”.

Tượng Benjamin Franklin tại Bảo tàng Quốc gia Benjamin Franklin, bang Pennsylvania

Hầu hết người Mỹ và khắp nơi trên thế giới hiện nay đã bị thuyết phục rằng hệ thống chính phủ của Mỹ là một nền Dân chủ, cái tên nền Cộng hòa đã bị rơi vào quên lãng và trở nên khó hiểu. Sự khác biệt giữa 2 hệ thống chính trị này là căn bản để hiểu được chủ nghĩa biệt lệ Mỹ (Americanism) và tại sao nước Mỹ lại có một lịch sử thành công nhất thế giới.

Phân loại các hệ thống chính trị

Rất nhiều người phân loại dải phổ chính trị thành 2 phe, từ cực tả đến cực hữu: Chủ nghĩa Cộng sản nằm ở cực tả (bên trái), chủ nghĩa Phát xít nằm ở cực hữu (bên phải), ở giữa là các hình thức chính phủ ôn hòa hay trung dung. Tuy nhiên, cách phân chia các hình thức chính phủ chính xác hơn là nên dựa theo tiêu chí chính phủ sử dụng quyền lực ra sao. Ở bên phải, chính phủ nắm càng ít quyền lực đến mức không còn chính phủ (chủ nghĩa vô chính phủ), càng về phía trái, chính phủ càng nắm nhiều quyền, đến mức độc tài.

Phân loại hệ thống chính trị theo cách 1
Dải phổ chính trị phân loại theo quyền lực chính phủ

Ở cực bên phải, không còn chính phủ hay vô chính phủ, ở bên trái là các chính phủ toàn trị, bao gồm: Chủ nghĩa Cộng sản, Chủ nghĩa Xã hội, chủ nghĩa Phát xít, Chủ nghĩa Quốc gia Xã hội v.v. Những người tuyên bố chủ nghĩa Phát xít (Nazi) cũng thuộc về cánh hữu chưa bao giờ đưa được ra định nghĩa chính trị phù hợp của mình.

Ở giữa của dải phổ chính trị này là hình thái nhà nước giới hạn trong nhiệm vụ đúng đắn của nó: Bảo vệ quyền của người dân. Đây chính là mục đích của Hiến Pháp Mỹ, và những người cổ vũ hình thức này của chính phủ này tạm gọi là “ôn hòa hợp hiến”.

Các hình thức chính phủ

Hình thức chính phủ gồm: Quân chủ – cai trị bởi một người; Đầu sỏ chính trị (Tập quyền – oligarchy); Dân chủ – đa số cai trị; nền Cộng hòa – cai trị bằng pháp luật; và cuối cùng là Vô chính phủ – không có ai cai trị.

Đầu tiên cần bàn đến nền Quân chủ hay Độc tài một người. Hình thức chính trị này thực sự không tồn tại trên thế giới ngày nay. Thực tế các nền Quân chủ trên thế giới từ trước tới nay luôn luôn là một nhóm nhỏ đưa một người lên cầm quyền. Vua luôn có hoàng tộc, hội đồng cố vấn và những nhà độc tài luôn vây quanh bởi những kẻ đứng sau cánh gà.

Tập quyền chính trị là hình thức chính phủ phổ biến nhất trên thế giới ngày nay. Hầu hết những quốc gia trên thế giới được cai trị bằng một nhóm nhỏ người nắm quyền vượt lên mọi giới hạn của luật lệ.

Ở điểm cực hữu là chủ nghĩa Vô chính phủ. Một số người quan sát lịch sử và nhận thấy rằng gần như tất cả các tội ác kinh khủng nhất của nhân loại đều được gây ra bởi chính phủ, vì thế xóa bỏ chính phủ có thể là giải pháp. Nhưng đây là một lựa chọn sai lầm. Bởi như câu danh ngôn nổi tiếng của Hy Lạp: “Không có luật lệ thì không có tự do”, Vô chính phủ gây ra loạn lạc, bạo lực và cuối cùng lại dựng lên những chế độ tập quyền độc tài.

Những nhà lập quốc Hoa Kỳ đồng ý rằng cần một mức độ chính phủ phù hợp và đó là lực lượng cần thiết tại bất cứ một xã hội văn minh có trật tự nào. Trái lại trong tình trạng Vô chính phủ, mọi người đều phải tự vũ trang và bảo vệ tài sản và tính mạng của mình và người thân trong mọi thời điểm. Do đó việc di chuyển không còn được tự do mà bị kiềm kẹp nghiêm trọng bởi vì lo sợ tài sản có thể bị cướp bóc. Vô chính phủ đi kèm vô luật lệ. Khi một lực lượng được thuê để bảo đảm pháp luật công bằng thì người ta trở nên tự do hơn. Người dân có thể rời khỏi nhà cửa, đi làm ở cánh đồng, trong công xưởng hoặc đi giao thương buôn bán. Việc đảm bảo có một quy mô chính phủ phù hợp giúp mọi người tự do hơn.

Những người vận động Vô chính phủ không phải là họ thực sự muốn hình thái chính phủ này, mà vì họ không thích chính phủ hiện tại của họ. Họ dùng Vô chính phủ làm công cụ để tiến hành thay đổi cách mạng. Những kẻ cổ súy Vô chính phủ toan tính dùng bạo lực, cướp bóc, khủng bố để đánh đổ chính phủ hiện tại. Và bi kịch là chính những người dân sống trong cảnh hỗn loạn ấy lại thường quay sang ủng hộ những người có khả năng nhất để chấm dứt hiện trạng này, và cầu xin họ nắm quyền để lập lại trật tự. Ai là người phù hợp nhất để chấm dứt hỗn loạn? Chính những kẻ bắt đầu nó.

Những kẻ Vô chính phủ tạo ra vấn đề rồi tạo ra chính phủ do họ lãnh đạo – Tập quyền chính trị, nơi mà họ có quyền lực tuyệt đối. Đây chính là điều đã xảy ra tại Nga dẫn đến việc Lenin nắm quyền, và đội quân áo nâu SA của Hitler gây ra hỗn loạn để khiến ông ta trở thành lãnh đạo tại Đức. Nhưng Vô chính phủ không phải là một hình thức chính phủ ổn định, nó là một trạng thái chuyển tiếp ngắn ngủi từ một hình thức chính phủ đã có tới một hình thức khác – tập quyền do những kẻ thèm muốn quyền lực lập mới.

Adolf Hitler (1889 – 1945), Quốc trưởng Germany, được người ủng hộ chào đón tại Nuremberg. (Ảnh: Hulton Archive/Getty Images)

Tiếp theo là nền dân chủ. Từ Dân chủ – Democracy – có nguồn gốc từ 2 chữ tiếng Hy Lạp: Demos – người dân và Kratin – cai trị, Dân chủ có nghĩa là người dân làm chủ hay số đông cai trị. Điều này nghe thì rất hay, nhưng nếu số đông người dân muốn cướp lấy cơ sở kinh doanh, nhà cửa hay con em của một nhóm thiểu số thì sao? Quyền lực này rõ là cần phải có giới hạn. Thiếu sót của nền Dân chủ nằm ở chỗ số đông không bị kiềm chế. Trong nền Dân chủ, nếu có người thuyết phục được hơn một nửa số người dân muốn một điều gì đó, bất kể điều đó sai trái như thế nào, thì nó sẽ trở thành sự thực.

Khác với Dân chủ, từ Cộng hòa – Republic – đến từ 2 từ tiếng La-tinh: Res – điều, thứ và Pulica – của chung, công cộng. Hai từ gộp lại có nghĩa là điều của chung, trong nền Cộng hòa, điều của chung này chính là luật pháp. Một nền Cộng hòa thực sự là hình thức chính trị trong đó chính phủ bị giới hạn bởi luật và không can thiệp vào sự vụ của người dân. Những nhà lập quốc của nước Mỹ có một cơ hội kiến tạo hình thức chính phủ bắt đầu từ con số không. Họ hoàn toàn có thể lập chế độ Tập quyền, thực sự là có một số người đã muốn George Washington làm Vua. Nhưng những bài học từ lịch sử đã khiến họ lựa chọn cho người dân Mỹ một quốc gia cai trị bằng pháp luật trong một nền Cộng hòa, chứ không phải cai trị bằng số đông trong một nền Dân chủ. Tại sao lại như vậy?

Lấy ví dụ trong bối cảnh của miền Viễn Tây hoang dã: 40 chàng cao bồi đuổi một tên trộm có súng. Họ bắt được tên trộm và bỏ phiếu 40/1 để treo cổ hắn. Nền Dân chủ đã được áp dụng và chúng ta có ít hơn 1 người có thể bỏ phiếu. Bây giờ lấy cùng ví dụ này nhưng trong nền Cộng hòa, 40 cao bồi bắt được 1 tay súng. Cuộc bỏ phiếu được lập ra, kết quả 40/1 đồng ý treo cổ hắn ta. Nhưng cảnh sát trưởng đến và ông ta nói: “Các vị không thể giết ông ta, ông ta có quyền được xét xử công bằng trước một tòa án”. Do đó họ mang tên trộm về thị trấn, một Bồi thẩm đoàn từ công dân trong thị trấn được chọn ra, và họ được cho xem cả bằng chứng buộc tội cũng như lời bào chữa cho kẻ cầm súng, Bồi thẩm sẽ quyết định liệu hắn ta có bị treo cổ hay không. Quyết định của Bồi thẩm đoàn cũng không được đưa ra theo kiểu số đông quyết định. Tên trộm chỉ bị luận tội khi tất cả thành viên Bồi thẩm nói anh ta có tội, nếu không anh ta được tự do. Quyền của tay súng không do số đông chi phối, mà do pháp luật chi phối. Đây là cốt lõi của một nền Cộng hòa.

Những người nói Mỹ là nền dân chủ lớn nhất thế giới chưa bao giờ hiểu rõ lịch sử đất nước này. Thậm chí rất nhiều người Mỹ ngày nay sẽ ngạc nhiên khi biết rằng từ “Dân chủ – Democracy” không hề xuất hiện trong Tuyên ngôn Độc lập hoặc Hiến pháp liên bang Hoa Kỳ, hoặc trong bất kỳ hiến pháp của toàn bộ 50 bang. Những nhà lập quốc đã làm mọi thứ họ có thể để người Mỹ không tồn tại một nền Dân chủ. James Maddison, người được biết đến như là “cha đẻ” của Hiến Pháp Mỹ đã viết trong bài viết số 10 của cuốn Liên Bang Thư Tập (The Federalist Papers: “… các nền Dân chủ đều đã tồn tại trong những tình cảnh hỗn loạn và bất hòa, đã được phát hiện là không phù hợp với an toàn cá nhân hay quyền tư hữu và nhìn chung đều chết yểu trong những cảnh tượng bạo lực tại thời điểm cái chết của nó”.

Alexander Hamilton đồng ý với quan sát này và ông khẳng định:

Chúng ta là chính phủ Cộng hòa. Tự do thực sự không bao giờ được tìm thấy trong chế độ chuyên quyền hay trong sự cực đoan của một nền Dân chủ”.

Samuel Adams, một người ký tên trong Tuyên ngôn Độc lập nói: “Nền Dân chủ không bao giờ tồn tại lâu dài. Nó sẽ tự phí phạm, kiệt quệ và tự giết chính mình. Những nhà khai quốc này có lý do khi xem lại quá khứ để nhìn vào cái xưng danh nền Dân chủ với một thái độ ghẻ lạnh. Bởi họ biết những nền Dân chủ sớm của Hy Lạp đã tạo ra những chính phủ với quy mô thừa thãi không thể tưởng tượng được. Trong tất cả các trường hợp, các chính phủ này đều tiêu vong cùng với cướp bóc, hỗn loạn, vô chính phủ và cuối cùng là sinh ra một chế độ độc quyền của thiểu số. Trong thời gian đó tại thành Athen, có một chính khách tên là Solon, người đã vận động tạo ra một cơ quan pháp luật cố định, không bị ảnh hưởng bởi những ý tưởng hoang đường bất chợt của số đông. Trong khi Hy Lạp không bao giờ chọn dùng lời khuyên khôn ngoan đó, người La Mã đã học theo. Dựa theo ý tưởng của Solon, họ tạo ra 12 Cột trụ của Luật pháp La Mã và theo đó xây dựng một chính phủ Cộng hòa với quyền lực giới hạn và không can thiệp vào quyền tự do của cá nhân.

Nhà nước La Mã từng xây dựng được một nền Cộng hòa thịnh vượng.

Khi chính phủ giới hạn, người dân được tự do sản xuất với đảm bảo rằng họ được quyền giữ lại thành quả lao động của mình. Chẳng mấy chốc, La Mã trở nên giàu có và là sự ganh tị của thế giới. Nhưng qua thời gian, trong sự giàu sang của mình người La Mã lại quên mất cái giá của việc đảm bảo tự do do là gì, họ quên mất căn bản của tự do là phải giữ cho chính phủ ở một mức độ giới hạn phù hợp. Khi quyền lực của chính phủ càng lớn, tự do cá nhân càng thu hẹp. Khi người La Mã không đề phòng, những chính trị gia thèm khát quyền lực bắt đầu mở rộng vai trò của họ được quy định trong Hiến pháp La Mã. Một số người phát hiện ra rằng họ có thể bầu cho những chính trị gia để dùng quyền lực nhà nước để lấy tài sản từ người này chia cho người khác. Trợ cấp nông nghiệp được đưa ra, tiếp sau là các chương trình trợ cấp nhà ở và phúc lợi xã hội. Tăng thuế là không thể tránh được và nhà nước bắt đầu kiểm soát chặt chẽ khu vực tư nhân. Chẳng bao lâu sau những hộ sản xuất tại La Mã đã không còn đủ tiền trang trải, họ phá sản và gia nhập đội quân xin trợ cấp. Năng suất lao động sụt giảm, lương thực thiếu hụt và những băng nhóm bắt đầu tụ tập tràn ra đường phố yêu cầu chính phủ cung cấp bánh mỳ. Rất nhiều người đã đồng ý từ bỏ tự do lấy cái lợi trước mắt và cuối cùng cả hệ thống chính trị La Mã sụp đổ. La Mã đi từ một nền Cộng hòa tới Dân chủ và cuối cùng kết thúc là Tập quyền dưới chân Julius Caesar.

Chính vì thế Dân chủ cũng không phải là hình thức ổn định của một chính phủ, nó là sự chuyển tiếp lâu dài từ chính phủ giới hạn tới sự toàn trị của những kẻ độc tài tập quyền. Hiểu biết được điều này, người dân nước Mỹ chỉ có hai sự lựa chọn: Bảo vệ nền Cộng hòa giống như ngài Franklin đã nói, hay cuối cùng sẽ phải sống dưới sự chuyên quyền của những kẻ đầu sỏ chính trị.

Nhật Minh

Xem thêm:

Nhật Minh

Tôi yêu thích và quan tâm tình hình chính sự và thông tin thời cuộc thế giới, bình luận và phân tích về chính trị Mỹ, Trung và thế giới nói chung. Hiện tại tôi đang đóng góp cho chuyên mục Thế giới của báo trithucvn.org.

Published by
Nhật Minh

Recent Posts

Tổng thống Biden: Trát ICC đòi bắt Netanyahu là “thái quá”

Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…

9 phút ago

Nước giải khát có đường dự kiến chịu thuế tiêu thụ đặc biệt 10%

Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…

1 giờ ago

Một huyện của tỉnh Quảng Nam công bố dịch bệnh chó dại

Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…

2 giờ ago

Hiện tượng hiếm: Nước biển dâng cao tràn vào nội thành tại nhiều tỉnh thành ở Trung Quốc

Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…

3 giờ ago

Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM bị khởi tố

Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…

3 giờ ago

Vụ án UFO lớn nhất Trung Quốc: 3 lần mất tích bí ẩn

Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…

3 giờ ago