Tại sao trẻ lại ngang bướng, không nghe lời? (Ảnh minh họa: Shutterstock)
Cha mẹ nào cũng mong muốn con cái ngoan ngoãn, biết vâng lời và trưởng thành trong môi trường tốt nhất. Tuy nhiên, có những phương pháp giáo dục tưởng chừng đúng đắn nhưng lại vô tình đẩy con trẻ vào trạng thái phản kháng, bướng bỉnh, thậm chí là nổi loạn. Ép buộc, kiểm soát quá mức hay áp đặt cảm xúc lên con đều có thể trở thành nguyên nhân khiến trẻ cảm thấy ngột ngạt và muốn thoát khỏi sự ràng buộc của gia đình. Dưới đây là 3 cách dạy con dễ khiến trẻ trở nên chống đối mà cha mẹ cần tránh.
Tại sao trẻ lại ngang bướng, không nghe lời? Cha mẹ cần tự kiểm tra xem phương pháp giáo dục của mình có đúng hay không.
Rất nhiều bậc cha mẹ băn khoăn:
– “Nói bao nhiêu lần mà con cứ như gió thoảng bên tai”.
– “Lúc nhẹ nhàng khuyên bảo thì con không nghe, nhưng hễ ta quát lên thì mới chịu làm”.
– “Rõ ràng ta chỉ muốn tốt cho con, vậy mà con chẳng hề biết ơn”.
Cần hiểu rằng, khi mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái gặp rắc rối, nguyên nhân cuối cùng vẫn nằm ở phương pháp giáo dục. Nếu cách dạy con sai lầm, dù cha mẹ có ý tốt đến đâu cũng khó xây dựng được một mối quan hệ hài hòa, thậm chí còn đẩy con về phía đối lập khiến trẻ ngày càng phản kháng.
Nhà tư tưởng người Pháp Rousseau đã nói: 3 phương pháp giáo dục vô ích nhất chính là: giảng đạo lý, nổi giận và cố gắng gây cảm động.
Câu nói của những nhà tư tưởng lớn quả thật rất sắc sảo. Con cái nhà bạn có nghịch ngợm không? Trong hành trình nuôi dạy trẻ, bạn có bao giờ vô tình mắc phải sai lầm không? Hãy cùng tham khảo lời nói của Rousseau để suy ngẫm.
Giảng giải đạo lý cho trẻ, dù bạn có tận tâm đến đâu, phần lớn cũng vô ích. Ví dụ, hầu như đứa trẻ nào cũng có giai đoạn mê xem video ngắn khiến cha mẹ lo lắng con sẽ nghiện. Vì thế, với suy nghĩ mình hiểu biết hơn, cha mẹ thường bắt đầu thuyết giảng liên tục.
Tiến sĩ y khoa Harvard Daniel Siegel và nhà khoa học não bộ Tina Payne Bryson đã từng thực hiện một nghiên cứu.
Họ phát hiện rằng não người được chia thành hai tầng: tầng trên gọi là “não lý trí” và tầng dưới là “não cảm xúc”. Quá trình phát triển của não trẻ tuân theo quy luật từ dưới lên trên—tức là não cảm xúc phát triển trước, sau đó mới đến não lý trí.
Đây chính là lý do: Trẻ không tiếp thu đạo lý vì phương pháp giáo dục của cha mẹ không phù hợp với quy luật phát triển của não bộ. Nói cách khác, khi não bộ của trẻ chưa hoàn thiện, phần não lý trí còn chưa phát triển đầy đủ thì những gì người lớn cho là “đạo lý đơn giản”, trẻ thực sự không thể hiểu được.
Cha mẹ nghĩ rằng giảng giải đạo lý có thể thay đổi thói quen của con, nhưng thực tế chính những bài giảng đó lại khiến thói quen xấu của trẻ càng ăn sâu hơn.
Có một người cha rất thông minh. Khi con gái 3 tuổi định nhảy xuống từ một chiếc bàn cao, anh lo lắng con sẽ bị thương nhưng biết rằng nếu chỉ giải thích suông thì bé sẽ không hiểu.
Lập tức, anh nghĩ ra một cách. Anh lấy một quả trứng gà từ tủ lạnh, đặt lên bàn rồi nhẹ nhàng đẩy nó xuống. Quả trứng rơi xuống đất và vỡ tan ngay lập tức. Nhìn thấy vậy, cô bé lập tức từ bỏ ý định nhảy xuống.
Bằng sự khéo léo của mình, người cha đã trực quan hóa hậu quả, thành công ngăn cản hành động nguy hiểm của con.
Vì thế, thay vì giảng giải một loạt đạo lý mà trẻ không hiểu, hãy tìm cách thể hiện sao cho con có thể cảm nhận và tự rút ra bài học.
“Tại sao cứ phải đợi đến khi tôi nổi giận, con mới chịu nghe lời?”—đây là cảm giác chung của rất nhiều bậc cha mẹ.
Bạn bảo con làm bài tập nhưng nó cứ trì hoãn mãi, cả buổi vẫn chưa chịu ngồi vào bàn. Bạn đang vội ra ngoài nhưng con vẫn mải chơi chẳng hề để ý. Thậm chí, bạn khó khăn lắm mới gặp được bạn bè, nhưng con lại liên tục đòi đi vệ sinh hoặc gây náo loạn.
Đối mặt với những tình huống này, dường như chỉ khi quát mắng, trẻ mới chịu nghe lời. Có người gọi đây là “hội chứng phụ thuộc vào quát mắng” – tức là cha mẹ càng nóng giận, con càng ngoan ngoãn.
Nhưng nổi giận thực sự có hiệu quả không? Chẳng hạn, khi cho con uống thuốc cảm, mọi chuyện diễn ra như một trận chiến. Ban đầu, mẹ còn kiên nhẫn khuyên nhủ, nhưng con cứ khóc lóc kêu “Không, không uống thuốc!” Dù mẹ giải thích thế nào, con vẫn hất tung thuốc ra khắp nơi.
Cuối cùng, mẹ nổi giận: “Nói nhẹ nhàng thì không nghe, lần nào cũng phải chờ mẹ nổi nóng mới chịu đúng không?” Kết quả, lần này con thật sự im lặng, khóc lóc nhưng vẫn ngoan ngoãn uống thuốc.
Kết quả ra sao? Ở bất kỳ tình huống nào, vẫn lặp đi lặp lại “ba bước kinh điển khi ép uống thuốc”:
Bước một: nhẹ nhàng khuyên bảo;
Bước hai: kiên nhẫn giải thích lần nữa;
Bước ba: nổi giận quát mắng.
Vòng lặp cứ thế tiếp diễn. Rõ ràng, quát mắng không giúp trẻ học cách hợp tác uống thuốc.
Tệ hơn nữa, trẻ có thể bắt chước trở nên ngày càng nóng nảy. Chỉ cần gặp chuyện không vừa ý, trẻ sẽ gào khóc, ném đồ đạc.
Trong tâm lý học, có một khái niệm gọi là “bắt chước đồng nhất”, nghĩa là trẻ sẽ vô thức tiếp thu tính cách và thói quen của cha mẹ, rồi thể hiện ra y hệt.
Chúng ta nổi giận vì muốn con trở nên tốt hơn, nhưng cuối cùng, điều đó lại khiến con cư xử tệ hơn.
Trong cuốn sách Trẻ con là những triết gia, có một câu chuyện đáng để suy ngẫm.
Gần đến lúc cả nhà ra ngoài, cậu bé Emilio bỗng nói muốn ăn một quả đào dầu. Người cha có chút khó chịu nhưng vẫn nhượng bộ. Khi cả nhà chuẩn bị xuất phát lần nữa, không ai ngờ Emilio lại nói: “Con muốn ăn thêm một quả nữa.”
Lúc này, cha cậu bé đã bắt đầu mất kiên nhẫn, nhưng cuối cùng vẫn chiều theo con. Khi Emilio ăn xong quả thứ hai, câu nói tiếp theo của cậu khiến cha hoàn toàn mất kiểm soát. Anh quát lên: “Đủ rồi, đi ngay!”
Emilio bị cơn giận dữ đột ngột của cha dọa sợ, òa khóc nức nở khiến tình huống trở nên căng thẳng.
Chính lúc này, người cha chợt nhớ đến nguyên tắc quan trọng nhất trong việc nuôi dạy con: Tình yêu.
Anh tự hỏi: Nếu xuất phát từ tình yêu, mình sẽ làm gì? Tình yêu có thể giúp mình giải quyết vấn đề này thế nào?
Cuối cùng, người cha bình tĩnh đồng ý cho con ăn thêm một quả nữa. Không ngờ lần này, Emilio chỉ cắn một miếng rồi nói: “Chúng ta đi thôi.”
Đây mới là chiến thắng thực sự trong giáo dục. Người cha đã dùng tình yêu và sự kiên nhẫn để đổi lấy sự thấu hiểu và tôn trọng từ con.
Nhà tâm lý học Zick Rubin từng nói: “Tình yêu đích thực là hiểu được điều con mong muốn, rồi yêu con theo cách con cần, để con cảm nhận được sự quan tâm và yêu thương.”
Chỉ khi thực sự cảm nhận được tình yêu, trẻ mới sẵn sàng thay đổi và chủ động hợp tác.
Cha mẹ dành cho con tình yêu duy nhất trên đời—nếu quát mắng có tác dụng, vậy còn cần cha mẹ để làm gì?
Ueno Chizuko trong cuốn Chán ghét phụ nữ từng nhận xét về tình mẫu tử: “Sự hy sinh của người mẹ dành cho con không chỉ mang ý nghĩa cống hiến, mà đôi khi còn ẩn chứa lời trách móc ngầm: ‘Chính con đã khiến mẹ trở thành như thế này’.”
Câu nói tuy chua chát nhưng đáng để suy ngẫm.
Có những người mẹ mà theo lẽ thường, ai cũng nghĩ họ là hình mẫu lý tưởng—hết lòng hy sinh, nhẫn nhục chịu đựng vì con cái, không màng đến bản thân. Nhưng kỳ lạ thay, chính những đứa con của họ lại không muốn gần gũi. Khi trưởng thành, lập gia đình, họ gần như không còn liên lạc với mẹ nữa.
Cố gắng làm con cảm động quá mức có thể khiến trẻ muốn thoát khỏi vòng tay cha mẹ.
Những người mẹ kiểu này thường nói với con:
“Con lúc nào cũng tiêu xài hoang phí, không biết quý trọng đồng tiền. Ngày xưa, vì các con, mẹ chẳng dám mua một món trang sức, cũng không dám ăn ngon, mặc đẹp.”
“Con có biết số tiền này là do mẹ phải thắt lưng buộc bụng mà dành dụm không? Mẹ làm vậy chẳng phải cũng chỉ vì con sao?”
Những lời lẽ ấy khiến đứa trẻ cảm thấy như mỗi câu nói của mẹ đều là một món nợ không thể trả.
Nhiều bậc cha mẹ thắc mắc: “Tại sao ta hy sinh cả đời vì con, mà con lại hờ hững với ta?”
Họ không nhận ra rằng, chính những lời nói ấy mới là thứ đã đẩy con cái ra xa.
“Nếu không phải vì con, mẹ đã sớm…”, “Vì con, mẹ đã từ bỏ…”, “Mẹ làm tất cả những điều này chẳng phải cũng chỉ vì con sao?”
Những bậc cha mẹ luôn cố gắng khiến con cảm động thường có tâm lý như thế nào? Trên mạng, không ít người đã chia sẻ cảm nhận của họ:
“Mỗi lần nhớ đến công lao vất vả của cha mẹ, tôi lại cảm thấy có lỗi khi tiêu tiền cho bản thân.”
“Tôi biết mình có quyền được tận hưởng cuộc sống, nhưng sâu thẳm trong lòng, tôi luôn cảm thấy mình không xứng đáng.”
Những đứa trẻ lớn lên trong môi trường như vậy thường mang theo cảm giác tội lỗi. Chúng có thể nghĩ rằng chính sự tồn tại của mình đã khiến cha mẹ bất hạnh. Rốt cuộc, trong vòng xoáy của sự dằn vặt và oán trách bản thân, chúng chỉ muốn thoát khỏi gánh nặng này càng sớm càng tốt.
Trên đời này, cách giáo dục nặng nề nhất chính là cố tình làm con cảm động.
Một gia đình yêu thương nhau thực sự không cần đến những lời hy sinh đầy trách móc, mà là sự cho đi vô điều kiện. Hy sinh với mong muốn được đền đáp chính là một hình thức ràng buộc cảm xúc, khiến con trẻ cảm thấy áp lực. Còn tình yêu thực sự là chân thành mong con hạnh phúc và trưởng thành trong sự tự do.
Cách giáo dục đúng đắn giúp trẻ lớn lên khỏe mạnh về cả thể chất lẫn tinh thần. Ngược lại, những phương pháp sai lầm sẽ chỉ khiến tình cảm cha mẹ – con cái trở nên đau khổ, xa cách và đầy phản kháng.
Trúc Nhi biên dịch
Theo Secretchina
Toàn bộ 8 thẩm phán thuộc Tòa Hiến pháp Hàn Quốc đều nhất trí việc…
Tổng thống Mỹ Donald Trump, phó tổng thống JD Vance và tỷ phú Elon Musk…
TikTok sắp đối mặt với khoản phạt vi phạm quyền riêng tư hơn 500 triệu…
Hiện bậc tiểu học đã bắt buộc dạy 2 buổi/ngày, THCS và THPT hướng tới…
Bị ảnh hưởng bởi trận động đất mạnh 7,7 độ richter xảy ra ở Myanmar…
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Tư (ngày 2/4) tuyên bố áp thuế quan…