Ánh sáng mặt trời là một trong những điều kiện tự nhiên cơ bản và thiết yếu đối với cuộc sống của con người. Nó là nguồn chiếu sáng, là thước đo thời gian và nguồn cung cấp năng lượng xanh tuyệt vời. Tuy vậy, có những khu vực đặc biệt trên Trái Đất không nhận được ánh nắng mặt trời trong suốt 8-12 tiếng một ngày hay thậm chí là quanh năm.
Rjukan là một thị trấn nhỏ ở Na Uy, nằm gọn trong một thung lũng hẹp, bị che lấp bởi những ngọn núi lớn xung quanh và ánh nắng mặt trời gần như không bao giờ tiếp cận được đến nơi này.
Trong suốt chiều dài lịch sử của Rjukan, người dân nơi đây luôn phải chịu đựng cuộc sống trong bóng tối và không gian ảm đạm cho đến khi những chiếc gương khổng lồ được lắp đặt và thắp sáng quảng trường thị trấn.
Người dân địa phương gọi những chiếc gương này là “Solspeilet” hay “gương mặt trời”. Gương mặt trời là một cơ chế gồm 3 tấm gương khổng lồ được điều khiển bằng máy tính theo dõi quỹ đạo di chuyển của mặt trời sao cho những tấm gương luôn luôn theo sát vùng di chuyển của các tia sáng và phản chiếu lại vào thị trấn.
Gương mặt trời được thiết kế đặt ở độ cao hơn 450m so với thị trấn và nằm trên núi. Các tấm gương được điều chỉnh sau mỗi 10 giây để đảm bảo luôn bắt được các tia sáng mặt trời ở góc chính xác nhất, nhằm tối đa hóa độ sáng cung cấp.
Ý tưởng lắp đặt các tấm gương khổng lồ ra đời vào năm 2013 bởi Martin Andersen, một nghệ sĩ chuyển đến thị trấn sinh sống và ông không thể chịu đựng được việc thường xuyên thiếu ánh sáng mặt trời. Ông đã thuyết phục chính quyền thị trấn cho thiết kế, sản xuất và thi công lắp đặt hệ thống gương mặt trời với chi phí dao động khoảng 800.000 USD và sự kiện này đã thay đổi thị trấn mãi mãi. Từ đó đến nay, Rjukan đã trở thành một địa điểm thu hút khách du lịch tại Na Uy và trên cả Châu Âu với điểm nhấn đặc trưng là những tấm gương mặt trời khổng lồ, góp phần mang đến ánh sáng cho người dân địa phương và sinh khí cho cả một thị trấn chìm trong bóng tối hơn một trăm năm nay.
Trong quá khứ, mùa đông tại Rjukan kéo dài từ khoảng tháng 10 đến tháng 3 năm sau. Suốt khoảng thời gian đó, thị trấn chìm trong cái bóng của những ngọn núi và vách đá xung quanh. Sáng kiến về lắp đặt các tấm gương khổng lồ trên núi thực ra đến từ người sáng lập thị trấn, Sam Eyde, người 100 năm trước đã sớm nhận ra vấn đề thiếu thốn ánh sáng của của Rjukan.
Đáng tiếc, Sam Eyde đã không thể thực hiện được kế hoạch của mình do những hạn chế công nghệ.
Thay vào đó, công ty của ông, Norsk Hydro, đã trả tiền cho việc xây dựng một cáp treo để chở những người dân thị trấn lên cao tận hưởng ánh nắng mặt trời. Việc làm đó giúp cho cư dân nơi đây tránh giảm thiểu được các vấn đề sức khỏe do thiếu ánh sáng trường kỳ.
Tính đến năm 2013, các tấm gương mặt trời tại Rjukan được ghi nhận là lớn nhất thế giới. Ngày nay, người dân địa phương và du khách khắp nơi thường đến tập trung tại quảng trường thị trấn để tận hưởng những tia sáng mặt trời phát ra từ các tấm gương khổng lồ một cách phấn khích, hào hứng và biết ơn.
Hoa Minh
Xem thêm:
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…
UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…