Các cặp vợ chồng trẻ ở Trung Quốc ngày càng ngại sinh con vì không đủ khả năng chi trả cho khoản nuôi dạy một đứa trẻ đến năm 18 tuổi. Nếu tình trạng này tiếp diễn, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với viễn cảnh khủng hoảng kinh tế và thiếu hụt lực lượng lao động trẻ nghiêm trọng hơn cả Nhật Bản.
Theo một báo cáo mới công bố gần đây của nhóm nghiên cứu dân số YuWa, chi phí trung bình để nuôi một đứa trẻ đến năm 18 tuổi ở Trung Quốc là 485.000 Nhân dân tệ (76.556 USD, ~1,75 tỷ) trong năm 2019. Con số này cao gấp 6,9 lần GDP bình quân đầu người (70.300 Nhân dân tệ) ở quốc gia này, và còn cao hơn chi phí nuôi con ở Mỹ, Pháp, Đức, Nhật Bản.
Khi so sánh số liệu với 13 quốc gia khác ở châu Âu, châu Á và châu Mỹ, báo cáo nhận thấy Trung Quốc đang đứng thứ hai trong danh sách về khoản chi tiêu cho con cái đến tuổi 18. Hàn Quốc đứng thứ nhất với chi phí nuôi dạy con gấp 7,79 lần GDP bình quân đầu người. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến tỷ suất sinh của Hàn Quốc hiện đang ở mức thấp nhất thế giới (0,84 trong năm 2020).
Chi phí nuôi dạy một đứa trẻ từ sơ sinh đến năm 18 tuổi ở Mỹ gấp 4,11 lần GDP bình quân đầu người trong năm 2015, ở Anh gấp 5,25 lần GDP bình quân đầu người năm 2021 và 3,64 lần GDP bình quân đầu người ở Đức vào năm 2018.
Báo cáo cũng dựa trên số liệu về thu nhập hộ gia đình và mức chi tiêu tiêu dùng (do Cục Thống kê Quốc gia công bố) để đưa ra con số ước tính chi phí nuôi dạy trẻ ở các thành phố lớn và vùng sâu vùng xa.
Báo cáo cho biết chi phí trung bình để nuôi con đến năm 18 tuổi ở các gia đình thành thị là 630.000 Nhân dân tệ, gia đình nông thôn là 300.000 Nhân dân tệ. Các gia đình thành thị chi trung bình 631.000 Nhân dân tệ để nuôi con đầu lòng đến năm 18 tuổi, các gia đình thành thị có hai con chi trung bình 497.000 Nhân dân tệ cho mỗi đứa trẻ cho đến năm 18 tuổi và các gia đình thành thị có ba con chi 377.000 Nhân dân tệ cho mỗi đứa trẻ. Thượng Hải là thành phố đắt đỏ đứng đầu với chi phí trung bình là 1,03 triệu Nhân dân tệ, tiếp theo là Bắc Kinh với 969.000 Nhân dân tệ. Các gia đình ở Khu tự trị Tây Tạng chi trung bình 293.000 Nhân dân tệ để nuôi dạy một đứa trẻ đến năm 18 tuổi.
Báo cáo cho rằng chi phí nuôi dạy con quá cao là một trong những nguyên nhân chính khiến các cặp vợ chồng trẻ ngại sinh con. Yang Jinrui (một quan chức của Ủy ban Y tế Quốc gia) cho biết trong một cuộc họp báo ngày 20/1 rằng mong muốn có con của giới trẻ đang trên đà tiếp tục giảm. Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ muốn có trung bình 1.76 con vào năm 2017, 1.73 vào năm 2019 và 1.64 vào năm 2021.
Trong khi đó, năm 2020, Trung Quốc ghi nhận tổng cộng 8,14 triệu cuộc hôn nhân được đăng ký, ít hơn 1,13 triệu cuộc so với năm 2019. Đây là năm thứ bảy số cuộc hôn nhân giảm liên tiếp kể từ năm 2013.
Hiện tổng tỷ suất sinh của Trung Quốc là 1,15 – thuộc hàng thấp nhất thế giới. Quốc gia này chỉ có 10,62 triệu trẻ sơ sinh vào năm 2021. Nếu không có các biện pháp hữu hiệu để cải thiện tỷ suất sinh thì Trung Quốc sẽ phải đối mặt với tình trạng tồi tệ hơn cả Nhật Bản năm 2005 (khi tỷ suất sinh của nước này giảm xuống mức thấp 1,26).
Nhật Bản nổi tiếng là quốc gia có dân số già. Họ đã trải qua giai đoạn có tỷ suất sinh thấp kỷ lục cách đây 30 năm nhưng hiện đang cố gắng giữ tỷ suất này ở mức 1,3 vào năm 2021. Trung Quốc đang ở mức 1,15 nên có khả năng phải đối mặt với tình hình tồi tệ hơn nhiều so với Nhật Bản khi đến năm 2040.
Các đề xuất kích thích sinh đẻ hiện có ở Trung Quốc gồm: trợ cấp tiền mặt hàng tháng 1.000 Nhân dân tệ cho mỗi con đối với các cặp vợ chồng có hai con và 2.000 nhân dân tệ cho mỗi con đối với các cặp vợ chồng có từ ba con trở lên. Các khoản trợ cấp sẽ được trao cho đến khi con cái họ tròn 20 tuổi. Với các gia đình có hai con trở lên, thuế thu nhập và các khoản chi trả an sinh xã hội có thể được giảm một nửa hoặc miễn phí. Các biện pháp như vậy dự kiến sẽ làm tăng số lượng trẻ sơ sinh mỗi năm thêm 2 triệu trẻ (với mức sinh ổn định hàng năm là 10 triệu trẻ).
Ở các siêu đô thị, giá nhà ở đắt đỏ khiến chi phí nuôi dạy con cái cũng tăng cao. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến tỷ suất sinh ở các thành phố lớn thấp hơn đáng kể so với các thành phố vừa và nhỏ. Theo cuộc điều tra dân số lần thứ bảy, tổng tỷ suất sinh ở Trung Quốc năm 2020 là 1,3, nhưng ở Thượng Hải chỉ 0,74 và Bắc Kinh là 0,87 (mức thấp nhất đối với các thành phố lớn trên thế giới).
Báo cáo của nhóm nghiên cứu dân số YuWa cũng kêu gọi chính phủ trợ cấp lãi suất thế chấp hoặc giảm giá mua nhà cho các cặp vợ chồng có hai con trở lên. Đồng thời Trung Quốc cũng cần xây dựng thêm nhiều trung tâm chăm sóc dành cho trẻ từ sơ sinh đến 3 tuổi.
Ba biện pháp chính gồm thưởng tiền mặt, trợ cấp nhà ở và xây trung tâm chăm sóc trẻ sơ sinh dự kiến sẽ tiêu tốn 5% GDP của Trung Quốc mỗi năm nhưng sẽ giúp cải thiện tỷ suất sinh của họ ngang bằng với các nước phát triển khác.
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…
Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…
Đề xuất của Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Google phải bán trình duyệt Chrome…