Trong hành trình nuôi dạy con cái, trí tuệ cảm xúc của cha mẹ đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển toàn diện của trẻ. Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn là nhiều bậc phụ huynh vẫn duy trì cách giáo dục “trí tuệ cảm xúc thấp”. Điều này không chỉ làm tổn thương tâm hồn của trẻ mà còn để lại những di chứng kéo dài trong suốt cuộc đời chúng.
Trong mối quan hệ gia đình, không ít lần cha mẹ tưởng rằng những lời góp ý, nhắc nhở hàng ngày của mình là vì điều tốt đẹp cho con cái. Nhưng đôi khi, chính những lời nói tưởng chừng vô hại ấy lại có thể để lại những vết thương vô hình, lặng lẽ khắc sâu vào tâm hồn trẻ. Có những đứa trẻ đã chọn cách che giấu nội tâm của mình, như một cách bảo vệ bản thân khỏi những tổn thương vô tình từ cha mẹ. Và tôi đã từng chọn lựa con đường đó…
“Tôi đã chọn cách mãi mãi đóng kín thế giới nội tâm của mình trước cha mẹ. Dù họ đã tận tâm nuôi dưỡng tôi, nhưng những lời nói vô tình của họ, lặp đi lặp lại từng ngày, đã để lại trong tâm hồn tôi một khoảng trống vô hình khổng lồ từ thời thơ ấu cho đến tuổi thiếu niên”.
Nhà tâm lý học nổi tiếng Daniel Goleman viết trong cuốn ‘Trí tuệ cảm xúc’: “Cuộc sống gia đình là ngôi trường đầu tiên dạy chúng ta bài học về cảm xúc”.
Nói năng nhẹ nhàng, chính là món quà quý nhất cha mẹ có thể tặng cho con cái. Cha mẹ có trí tuệ cảm xúc cao mới có thể nuôi dạy ra đứa trẻ có trí tuệ cảm xúc cao. Ngược lại, cha mẹ có trí tuệ cảm xúc thấp sẽ để lại tác động tiêu cực sâu sắc đến sự phát triển của trẻ.
Những bậc cha mẹ có trí tuệ cảm xúc cao đều có điểm tương đồng; ngược lại, cha mẹ có trí tuệ cảm xúc thấp lại mỗi người mỗi kiểu.
– Lẽ ra là lúc nên khuyến khích con, nhưng lại mở miệng bằng những lời phủ định và chê bai.
– Lẽ ra là lúc nên quan tâm con, nhưng lại mắng mỏ con bằng giọng điệu trách móc.
– Lẽ ra có thể bình tĩnh giảng giải, nhưng lại luôn dùng câu hỏi phản bác để trả lời.
Tiến sĩ Susan Forward, nhà tâm lý học nổi tiếng của Mỹ, viết trong cuốn ‘Cha mẹ độc hại’: “Trẻ em không thể phân biệt đâu là thật, đâu là đùa; chúng sẽ tin những gì cha mẹ nói về mình và biến điều đó thành nhận thức của chính mình”.
Điều này khiến tôi nhớ đến nhân vật ‘Ngài Cóc’ trong cuốn sách tâm lý nổi tiếng của Anh ‘Ngài Cóc đi gặp bác sĩ tâm lý’.
Cóc thường ngày vui vẻ, nghịch ngợm, nhưng một ngày nọ bỗng trở nên trầm cảm. Qua 10 buổi trị liệu tâm lý, dưới sự hướng dẫn của bác sĩ Diệc, Cóc cuối cùng đã tìm ra nguyên nhân. Tất cả bắt nguồn từ thời thơ ấu của ông, khi trong tâm trí ông vẫn còn hình bóng “cha mẹ hay phán xét và trừng phạt ông”.
Tuổi thơ của Cóc rất cô đơn, ông chưa bao giờ cảm nhận được sự công nhận từ gia đình, thậm chí đến những cái ôm cũng hiếm hoi.
Khi bác sĩ Diệc hỏi: “Cha của anh là người như thế nào?”
Cóc không chút do dự trả lời: “Ông nghiêm khắc và chính trực. Luôn luôn mắng mỏ tôi về mọi thứ, ông nhìn tôi bằng ánh mắt bất mãn và gọi thẳng tên tôi…’Theophilus, cha phải nhắc bao nhiêu lần nữa? Không được làm như vậy!’”
Dần dần, Cóc tin rằng cha mình luôn đúng còn bản thân mình thì luôn sai. Suy nghĩ này dường như làm cho những lời trách mắng từ người lớn trở nên hợp lý. Cóc trở thành người thường xuyên làm vừa lòng người khác, nhưng luôn cảm thấy mình không bao giờ đáp ứng được những yêu cầu cao của cha.
Khi chúng ta thường xuyên gán cho con những nhãn dán, quát tháo hoặc chỉ trích cá nhân, điều này không chỉ làm tổn thương lòng tự trọng của trẻ mà còn tạo ra một khoảng cách vô hình giữa cha mẹ và con cái. Những lời chỉ trích này, dù có thể chỉ là những phản ứng nhất thời, nhưng sẽ lưu lại dấu ấn sâu sắc trong tâm trí trẻ. Khi con cái thực sự gặp rắc rối lớn hoặc cảm thấy oan ức, chúng sẽ không cảm thấy thoải mái để chia sẻ cảm xúc với cha mẹ, bởi vì trong tâm trí chúng, cha mẹ đã trở thành nguồn phê bình hơn là chỗ dựa an toàn.
Cách nuôi dưỡng tốt nhất chính là nói năng nhẹ nhàng với con. Những đứa trẻ lớn lên trong môi trường “nói năng nhẹ nhàng” thường cũng biết cách giao tiếp và từ đó có mối quan hệ tốt với mọi người.
Trong tâm lý học xã hội, có một khái niệm gọi là hiệu ứng Gió Nam. Khái niệm này xuất phát từ một câu chuyện ngụ ngôn của nhà văn Pháp La Fontaine.
Gió Bắc và Gió Nam quyết định thi tài để xem ai có thể làm cho người đi đường cởi áo khoác của mình. Gió Bắc tin rằng với sức mạnh của mình, nó có thể thổi bay áo khoác của người đi đường. Tuy nhiên, gió càng thổi mạnh thì không khí càng trở nên lạnh lẽo hơn, khiến người đi đường càng kéo chặt áo để giữ ấm và chống lại cái lạnh của Gió Bắc.
Ngược lại, Gió Nam lại nhẹ nhàng thổi từng cơn ấm áp. Không khí ấm dần lên, khiến người đi đường cảm thấy thoải mái và tự nguyện cởi áo khoác.
Gió Bắc tuy dữ dội, nhưng kết quả lại trái ngược; Gió Nam tuy nhẹ nhàng, nhưng lại đạt hiệu quả gấp bội. Gió Nam thắng là vì nó phù hợp với nhu cầu bên trong của con người, khiến họ hành động một cách tự nguyện.
Việc giáo dục con cái cũng vậy, cha mẹ cần hiểu nhu cầu tâm lý của con và dùng cách dịu dàng nhưng kiên định để giao tiếp với con. Chỉ khi đó, lời dạy của cha mẹ mới như cơn mưa đêm thấm vào đất, nhẹ nhàng nuôi dưỡng, đạt đến cảnh giới “gió xuân hóa mưa”.
Nếu nói năng nhẹ nhàng là món quà tốt nhất cha mẹ dành cho con cái, thì sự ổn định cảm xúc của cha mẹ chính là phúc lành lớn nhất trong cuộc đời con. Nhưng thực tế là nhiều cha mẹ, đối mặt với áp lực từ cuộc sống và việc nuôi dạy con, do đó trong tâm lúc nào cũng ẩn chứa một loại cảm xúc nóng bừng như núi lửa, không biết khi nào sẽ bùng nổ.
– Khi con cái trì hoãn, không chịu dậy, bạn có nổi giận không?
– Khi con cãi lại, bạn có muốn đánh con không?
– Khi con không chăm chú làm bài, bạn có thấy “huyết áp tăng vọt” không?
– Khi không nói về chuyện học hành thì mẹ con hòa thuận, nhưng cứ nhắc đến học là cả nhà cãi vã.
Gần đây, ở Thượng Hải có một phụ huynh vì con làm bài chưa tốt mà tức giận đến nỗi đập tay vào tường, không ngờ lại gãy xương bàn tay. Nhiều phụ huynh đồng cảm với câu chuyện này vì cũng từng có những lần kìm nén, không nỡ đánh con mà tự trút giận lên bản thân.
Thậm chí có những phụ huynh cực đoan hơn, chọn cách tồi tệ nhất – dạy con bằng cách hù dọa. Một bà mẹ kéo con gái xuống biển chỉ vì con không chịu học. Nguyên nhân là cô bé không nghe lời khi học trực tuyến, mẹ cô trong cơn giận dữ đã lôi cô bé 10 tuổi ra biển, định “hù dọa” con. Lúc đó, gió lớn sóng mạnh, nước biển dâng cao. Cô bé hoảng loạn khóc lóc, cố gắng vùng vẫy, nhưng người mẹ đang bị cảm xúc khống chế không chút mảy may động lòng. May mắn là người qua đường kịp thời báo cảnh sát, và các nhân viên cảnh sát đã đến kịp lúc để ngăn chặn bi kịch này.
Nhiều cư dân mạng chia sẻ rằng họ cũng từng trải qua những tình huống tương tự, nhưng họ vẫn chỉ trích hành vi của người mẹ này là quá cực đoan. Phản ứng đầu tiên của mọi người là xót xa cho cô bé ấy, tự hỏi rằng liệu lỗi lầm của con có lớn đến mức cần gieo vào lòng con một bóng đen tâm lý có thể đi theo suốt cuộc đời như vậy không. Những hình phạt quá mức như vậy không chỉ là “xử lý sai” mà còn đi ngược lại mục đích giáo dục con cái.
Chuyên gia tâm lý trẻ em Từ Tĩnh Anh trong cuốn sách ‘Nuôi dạy con bằng trí tuệ cảm xúc cao’ chỉ ra rằng: “Giáo dục con cái bắt đầu từ việc nâng cao trí tuệ cảm xúc của cha mẹ. Hãy kiểm soát cảm xúc tiêu cực của bản thân, lắng nghe và thấu hiểu cảm xúc của con, diễn đạt tình yêu của chúng ta thành ngôn ngữ và hành động mà con có thể hiểu”.
Khi cha mẹ bộc lộ sự suy sụp hoặc buộc tội đạo đức, khiến con cảm thấy áy náy, điều này gây tổn thương lớn đến tinh thần của trẻ. Trong thái độ của cha mẹ, trẻ tự nhiên học được cách kiểm soát và quản lý cảm xúc. Những bậc cha mẹ có trí tuệ cảm xúc cao không chỉ kiểm soát được cảm xúc của bản thân mà còn biết cách giúp con điều tiết cảm xúc. Chỉ khi chấp nhận cảm xúc của con, tôn trọng suy nghĩ của con, đáp ứng nhu cầu của con, thì cùng với sự phát triển trí tuệ, trí tuệ cảm xúc của trẻ mới dần được nuôi dưỡng.
Trong bộ phim tài liệu về giáo dục gia đình ‘Chiếc Gương’, có một câu nói rằng: “Mỗi đứa trẻ sinh ra đều là một tờ giấy trắng, và cha mẹ chính là người vẽ lên đó. Tờ giấy trắng sẽ thành hình như thế nào, tất cả phụ thuộc vào cha mẹ”.
Vì vậy, muốn con cái trở thành người như thế nào, cha mẹ trước hết phải trở thành người như thế ấy. Nhiều cha mẹ cứ rảnh là nằm lướt điện thoại, nhưng lại suốt ngày phàn nàn rằng con mình không chịu học, không giỏi giang như con nhà người khác.
Trên thực tế, muốn có “con nhà người ta” bạn phải trở thành “cha mẹ nhà người ta” trước. Giáo dục là một quá trình thầm lặng như mưa rơi thấm đất, và việc cha mẹ làm gương có ảnh hưởng sâu sắc đến sự trưởng thành của con cái.
Tống Ái Linh, Tống Mỹ Linh, và Tống Khánh Linh là ba chị em nhà họ Tống, những người không thể thay thế trong lịch sử Trung Quốc thế kỷ 20. Họ đều xuất chúng và điều đó không thể tách rời khỏi sự giáo dục của cha mẹ.
Cha của họ, Tống Diệu Như, từng nói: “Chỉ cần một trong mỗi một trăm đứa trẻ trở thành nhân tài xuất sắc, Trung Quốc sẽ có bốn triệu người tài. Với nguồn lực dồi dào như vậy, chúng ta không cần phải lo lắng về tương lai của đất nước.”
Ông, người chịu ảnh hưởng sâu sắc từ tư tưởng tiến bộ phương Tây, không chỉ chú trọng vào việc học của con mà còn cố gắng rèn luyện cho các con nhiều kỹ năng khác nhau. Tống Diệu Như đã thiết kế một khu vườn trồng rau phía sau ngôi nhà để kích thích trí tò mò của các con, tạo cho họ một cuộc sống đồng quê bình dị. Ông tin rằng, tôn trọng bản tính của trẻ là nền tảng của mọi giáo dục.
Dù công việc bận rộn đến mấy, Tống Diệu Như luôn dành thời gian để hòa mình vào cuộc sống của các con, chơi cùng hoặc kể chuyện cho chúng nghe. Đồng thời, ông còn tổ chức các buổi tối gia đình vào cuối tuần, mẹ chơi đàn piano và cha hát theo tiếng nhạc. Những kỷ niệm tuổi thơ ấy không chỉ nuôi dưỡng tài năng nghệ thuật của các con mà còn rèn cho chúng phong thái đài các, tự tin, ăn nói duyên dáng.
Mẹ của bọn trẻ, bà Nghi Quế Trân, được mệnh danh là “Người mẹ tuyệt vời nhất thời Dân quốc”. Bà đề cao sự bình đẳng và tôn trọng, sống cuộc đời từ thiện và dùng hành động của mình để dạy con cái phải chân thành và thiện ý với mọi người xung quanh. Các con gái của bà đã coi mẹ là tấm gương, từ đó sớm nhận ra bản thân muốn gì và nắm chắc vận mệnh của chính mình. Là con, họ từng ngưỡng mộ mẹ, noi gương mẹ, suốt đời kính yêu mẹ, và cuối cùng xuất sắc hơn mẹ.
Giáo dục gia đình thực sự tốt không phải nằm ở sự giàu có về vật chất, mà ở việc cha mẹ làm gương. Cha mẹ tốt, con cái mới tốt; khi cha mẹ tốt, mọi thứ sẽ dần tốt đẹp hơn. Đây là thời đại tuyệt vời để nuôi dạy con cái vì thông tin dễ dàng tiếp cận và có nhiều phương pháp học tập đa dạng. Nhưng đây cũng là thời đại không mấy dễ dàng cho việc nuôi dạy con vì lo lắng về nuôi dạy con cái bị phóng đại quá mức.
Làm thế nào để không bị thời đại bỏ lại phía sau và nuôi dạy một đứa trẻ có trí tuệ cảm xúc cao?
– Nói chuyện tử tế, dùng lời khích lệ để trẻ cảm nhận tình yêu.
– Dạy trẻ các phương pháp đúng đắn.
– Giữ thái độ nhẹ nhàng và bình tĩnh trong quá trình hướng dẫn trẻ.
– Làm gương, thể hiện tâm thái hòa ái để hướng dẫn hành động của trẻ.
Chúng ta không thể chọn được một môi trường gia đình hoàn hảo để lớn lên, nhưng có thể tạo ra một môi trường tốt để con trẻ trưởng thành.
Tổng thống đắc cử Donald Trump đã đề cử luật sư bào chữa hình sự…
Sở dĩ đọc sách có thể nâng cao sự tu dưỡng bản thân và nuôi…
Dự thảo Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi quy định về mức hưởng bảo…
Theo số liệu thống kê sơ bộ do Tổng cục Hải quan công bố mới…
Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (TKV) dự kiến từ năm…
Tổng thống đắc cử Donald Trump đã hé lộ một thông báo "lớn" vào tối…