Hàng chục triệu cua đỏ qua đảo Giáng Sinh trên hành trình di cư ra biển

Là một trong những cuộc di cư của động vật hoang dã ngoạn mục nhất thế giới, năm nay, khoảng 65 triệu con cua đỏ đã bắt đầu chuyến đi hàng năm dài 20 km từ các khu rừng nhiệt đới của đảo Giáng Sinh ra biển để sinh sản. Để bảo vệ loài cua đỏ, chính quyền địa phương cũng đã xây dựng các lối đi đặc biệt, và thậm chí đóng cửa đường bộ, đường sắt trong quá trình di cư của chúng.

Cuộc di cư của cua đỏ Đảo Giáng Sinh năm nay đã bắt đầu, với khoảng 65 triệu con cua dự kiến ​​sẽ di chuyển từ rừng nhiệt đới đến bờ biển để giao phối và sinh sản. (Ảnh chụp màn hình video)

Đảo Giáng sinh (Christmas Island) nằm ở Ấn Độ Dương phía Tây Bắc nước Úc là nơi diễn ra một trong những cuộc di cư lớn nhất trong tự nhiên của loài cua đỏ. Đến hẹn lại lên, cứ vào khoảng tháng 10 và tháng 11 hàng năm, chúng lại bắt đầu cuộc di cư của mình. 

Theo thống kê hiện nay, số lượng loài của đỏ trên đảo vào khoảng 120 triệu con, một con số khổng lồ so với lượng cư dân là 1600 người. Tuy nhiên loài cua đỏ đang bị đe dọa bởi số lượng cua chết khô khá lớn khi di chuyển qua những nơi không có rừng che phủ, và có hàng nghìn con bị các phương tiện đi lại cán chết lúc băng qua đường. 

Rào chắn và biển báo yêu cầu nhường đường cho cua đỏ. (Ảnh chụp màn hình video)

Để đảm bảo an toàn cho quần thể cua và con người, nhân viên công viên địa phương thường dành hàng tháng trời để chuẩn bị trước, bao gồm dựng rào chắn dài vài km và biển báo yêu cầu người qua đường nhường đường, đồng thời đặc biệt xây dựng một cây cầu cao 5 mét, với tên gọi “Cầu Cua Đỏ” và thậm chí trong thời gian di cư cao điểm, một số đoạn đường bộ và đường sắt sẽ bị đóng cửa một phần hoặc cả ngày trong thời gian ngắn.

“Cầu Cua Đỏ” ưu tiên cho việc di cư. (Ảnh chụp màn hình video)

Trên Đảo Giáng sinh hiện có khoảng 14 loài cua đang sinh sống, trong đó loài cua đỏ là loài phổ biến và chiếm số lượng nhiều đến mức đáng kinh ngạc. Vào những ngày cua đỏ di cư, cả một vùng rộng lớn của bãi biển được nhuộm đỏ bởi những con cua bò nhịp nhàng, tạo nên một cảnh tượng vô cùng ngoạn mục.

“Cua đỏ là loài chiếm ưu thế trên Đảo Giáng Sinh và sức khỏe của quần thể, chúng là nền tảng cho sức khỏe của hệ sinh thái chung trên đảo,” người quản lý các loài sinh vật của Công viên Quốc gia Đảo Giáng Sinh, ông Derek Ball cho biết trong một thông cáo báo chí. “Trong mùa mưa từ cuối tháng 10 đến đầu tháng 11 hàng năm, cua đỏ bắt đầu công cuộc sinh sản quan trọng nhất trong đời chúng. Chúng sẽ rời hang trong rừng di cư ra biển để giao phối và đẻ trứng, đây là niềm vui về thế giới tự nhiên của nhiều người trên toàn thế giới, là một sự kiện được đông đảo mọi người quan tâm,” ông cho biết.

Giống như hầu hết các loài cua đất, cua đỏ sử dụng mang để thở, để tránh mất nước do ánh nắng trực tiếp gây ra, cua đỏ sẽ đào hang trong rừng đảo Giáng Sinh để tránh nắng, và thường ở trong hang quanh năm. Trong mùa khô, chúng che lối vào hang để giữ độ ẩm cao và ở đó trong khoảng 3 tháng cho đến khi mùa mưa bắt đầu.

Trận mưa lớn ngày 29 tháng trước (tháng 10) đã mở đầu cho cuộc di cư của đàn cua đỏ trên đảo năm nay, toàn bộ quá trình di cư mất khoảng 3 tháng, tổng quãng đường khoảng 20 km.

Toàn bộ quá trình di cư mất khoảng 3 tháng, tổng quãng đường khoảng 20 km. (Ảnh chụp màn hình video)

“Mặc dù mới chỉ diễn ra trong vài ngày, nhưng có vẻ như đây sẽ là một cuộc di cư lớn. Chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ trong vài tuần tới,” ông Ball nói.

Trong quá trình di cư, cua đực thường đến nơi trước con cái. Khi ra tới bờ biển, chúng ngâm mình trong nước biển để bù nước. Những con cua đực sau đó đào hang cạnh nhau và chúng cũng phải bảo vệ hang của mình khỏi những con cua đực khác.

Sau đó, chúng giao phối gần hang với những con cua cái đến sau. Sau khi hoàn thành, cua đực lại lên đường trở về rừng, còn cua cái vẫn ở trong hang ẩm khoảng 2 tuần. Trong thời gian này, chúng đẻ trứng trong túi bụng để tạo điều kiện cho trứng phát triển. Khi thủy triều lên, cua cái rời hang, thả trứng xuống biển rồi trở về rừng. 

Vườn quốc gia Parks Australia cho biết mỗi con cua cái có thể đẻ tới 100.000 trứng. Sự kiện đẻ trứng năm nay dự kiến ​​diễn ra vào ngày 18-19/11.

Màn di cư ngoạn mục của cua đỏ. (Ảnh chụp màn hình video)

Trứng do cua cái đẻ ra sẽ nở ngay khi chúng tiếp xúc với nước biển. Các nhóm cua con sẽ ở gần các rạn san hô ven biển cho đến khi chúng bị cuốn trôi ra biển. Những con non ở biển thêm 3 đến 4 tuần nữa. Trong thời gian này, cua non trải qua nhiều giai đoạn phát triển, cuối cùng phát triển thành megalopa giống như tôm.

Những ấu trùng này tập trung trên bờ trong một hoặc hai ngày trước khi phát triển thành cua con hoàn chỉnh. Chúng một lần nữa nhuộm đỏ bờ biển vì số lượng vô cùng đông đảo. Sau đó, những con cua non còn sống sẽ rời khỏi mặt nước và trở về rừng sau hành trình khoảng 9 ngày. Cua đỏ lớn chậm và trưởng thành sau khoảng 4 đến 5 tuổi, sau đó theo chu kỳ chúng lại tham gia vào cuộc di cư lớn hàng năm.

Ông Ball cho biết nhờ một số chương trình bảo tồn, bao gồm cả kiểm soát dịch hại, quần thể cua đỏ đã hồi phục trong những năm gần đây, tăng gần gấp đôi so với 5 hoặc 6 năm trước, từ 45 triệu lên 50 triệu lên đến hàng trăm triệu con.

Trúc Nhi

Published by
Trúc Nhi

Recent Posts

Tổng thống Biden: Trát ICC đòi bắt Netanyahu là “thái quá”

Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…

7 phút ago

Nước giải khát có đường dự kiến chịu thuế tiêu thụ đặc biệt 10%

Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…

1 giờ ago

Một huyện của tỉnh Quảng Nam công bố dịch bệnh chó dại

Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…

2 giờ ago

Hiện tượng hiếm: Nước biển dâng cao tràn vào nội thành tại nhiều tỉnh thành ở Trung Quốc

Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…

2 giờ ago

Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM bị khởi tố

Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…

3 giờ ago

Vụ án UFO lớn nhất Trung Quốc: 3 lần mất tích bí ẩn

Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…

3 giờ ago