Những bé gái bị trói, đắp trong chăn thấm nước tiểu, một số bị hoại tử và lở loét, một số khác lăn qua lăn lại, đói khát tình yêu và sự an ủi… là hình ảnh phổ biến trong các trại trẻ mồ côi dưới chính sách một con vô nhân đạo của chính quyền Trung Quốc.
Câu chuyện bắt đầu khi phóng viên trẻ người Anh Kate Blewett thực hiện một bộ phim tài liệu mang tên “The Dying Rooms” (tạm dịch: “Những căn phòng hấp hối”) vào năm 1996. Bộ phim đã phơi bày những hệ lụy tàn khốc của chính sách một con của Đảng cộng sản Trung Quốc, thứ khiến hàng triệu trẻ em gái của quốc gia này bị bỏ rơi và chết trong các trại trẻ mồ côi do nhà nước quản lý, theo Mirror.
Để thực hiện bộ phim, Kate và Brian Woods đã bí mật mang theo một chiếc máy ảnh và mạo hiểm mạng sống của họ, đóng giả làm nhân viên từ thiện, tiếp cận các trại trẻ mồ côi ở vùng ngoại ô Quảng Đông và quay phim về cuộc sống của các bé gái đang được nuôi ở đó.
Tại một trong những nơi Kate gọi là “căn phòng hấp hối”, cô đã trải qua những giây phút bàng hoàng mà suốt cuộc đời này có lẽ cô không thể nào quên.
Kate nói: “Tôi không thể nào quên giây phút bước vào căn phòng ấy, mùi hôi thối cay xè mắt và sau đó là sự im lặng kỳ lạ. Những đứa trẻ sơ sinh bị vùi dưới tấm chăn dày, những đứa trẻ mới biết đi bị trói với hai chân đặt trên những chiếc bô tạm bợ và không một đứa nào trong số chúng phát ra tiếng động. Chúng đã từ bỏ việc khóc vì chúng biết sẽ chẳng có ai quan tâm đến chúng”.
Kate kể rằng hình ảnh ám ảnh cô nhất có lẽ là một cô bé nhỏ xíu tên là Mei-Ming (trong tiếng Trung, Mei-Ming có nghĩa là “không có tên”). Cô bé bị bỏ đói trong một căn phòng tối, hốc hác, người đầy phân, khuôn mặt teo tóp lại và đang rất gần với cái chết.
“Tôi đã yêu cầu Peter tắt máy ảnh. Bản năng của một người mẹ trong tôi muốn đưa cô bé ấy ra ngoài, nhưng chúng tôi biết rằng chúng tôi sẽ bị bắt và thủ tiêu. Đó là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời tôi khi tiếp tục dằn lòng xuống và tiếp tục quay phim. Ghi lại điều đó thật đau đớn, nhưng chúng tôi phải làm điều đó để tiết lộ sự tàn độc của chính quyền Trung Quốc”, cô Kate kể lại.
(Xem hình ảnh về bé gái Mei-Ming tại đây)
Cô nói rằng, các quan chức nhà nước đã lôi những phụ nữ mang thai ra khỏi nhà của họ rồi thực hiện cưỡng bức phá thai và triệt sản. Những bào thai bị cưỡng đoạt tàn bạo sau đó bị ném vào một cái xô.
“Bản thân là một người mẹ, tôi biết phụ nữ Trung Quốc không muốn bỏ rơi con gái của họ, nhưng lại sợ một chế độ tàn bạo, vốn coi con gái như ‘giòi trong gạo'”.
Các ước tính đưa ra số lượng các bé gái đã bỏ mạng trong các ‘căn phòng hấp hối’ là nhiều triệu. Ngoài ra, ước tính có khoảng 336 triệu ca phá thai vì chính sách một con của Trung Quốc.
Kate và Brian sau đó đã cố gắng giúp đỡ bé gái Mei-Ming nhưng trại trẻ mồ côi đã phủ nhận hoàn toàn. Bằng chứng duy nhất về sự tồn tại của cô bé là thước phim về những ngày cô bé sắp từ giã cõi đời trong gian phòng ghê rợn đó. Tiếng thở hổn hển sắp chết của Mei-Ming đã được nghe thấy trên khắp thế giới khi bộ phim tài liệu được phát sóng trên Channel 4 tại Anh và gây ra chấn động lớn.
Chính phủ Trung Quốc liên tục đưa ra những lời phủ nhận nhưng ít ai tin họ. Họ thậm chí còn gửi đề nghị tới Ngân hàng Thế giới xin hỗ trợ 8,6 tỷ bảng Anh để giúp giải quyết vấn đề “thừa dân số”.
Một tổ chức có tên Dying Rooms Trust đã được thành lập để giúp đỡ các em bé bằng cách cung cấp thuốc men, đào tạo cho nhân viên và các đơn vị chuyên về trẻ sơ sinh trong khi rất nhiều các gia đình phương Tây đã cố gắng để nhận nuôi các bé gái đáng thương tại Trung Quốc.
Hai trong số các cô bé may mắn là Sophie Brook và Tamzin Howard. Hiện cả hai đã 24 tuổi và có một cuộc sống hạnh phúc tại Anh. Họ coi cô Kate như một ân nhân, bởi nhờ bộ phim của Kate, 2 cô đã không phải trải qua những tháng ngày đen tối.
Tamzin, một nhà nghiên cứu truyền hình sống ở Leeds, được bảy tháng tuổi khi cha mẹ nuôi nhận nuôi cô từ tỉnh Hồ Nam và đưa cô về nhà ở Berkshire. Sophie, một trợ lý hỗ trợ học tập sống ở London, được nhận nuôi từ Phật Sơn, Quảng Đông, 11 tháng tuổi và được đưa đến sống ở North Yorkshire.
Tamzin và Sophie gặp nhau vào năm 2016 tại trường Cao đẳng Central Saint Martin, London, nơi cả hai cùng học mỹ thuật và trở thành bạn bè. Tamzin nói: “Thật hiếm khi gặp được ai đó cùng chia sẻ trải nghiệm độc đáo của bạn”.
Tamzin tiếp cận Kate lần đầu tiên khi cô yêu cầu phỏng vấn Kate cho dự án đại học năm cuối của mình. Tamzin nói: “Nó giống như gặp anh hùng thực sự của bạn vậy.”
Cuộc gặp cũng quan trọng không kém đối với Kate, cô nói: “Đó là một khoảnh khắc đầy cảm xúc và siêu thực. Gặp gỡ họ khiến tôi nhận ra khả năng của tất cả những cô gái trẻ đó”.
Cô Kate hiện đã 59 tuổi nhưng vẫn kiên trì tiếp tục lên tiếng về những hành vi vi phạm nhân quyền tàn bạo của Trung Quốc. Mặc dù 25 năm đã trôi qua và chính sách một con hiện đã được dỡ bỏ nhưng cô Kate tin rằng những hành động lạm dụng tàn ác của chính quyền đó không biến mất, chúng vẫn đang tiếp diễn và chỉ đơn giản là dưới một hình thức tinh vi hơn.
Hoài Anh (Theo Mirror)
Xem thêm:
Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…
Đề xuất của Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Google phải bán trình duyệt Chrome…
Đội hình Phalanx gắn liền với những cuộc chinh phục của Alexander Đại Đế.
Phát biểu của bà Zakharova vào thứ Năm (21/11) mô tả Estonia và các quốc…
Xinh đẹp là một loại phúc báo, nhưng nhan sắc là yếu tố bên ngoài…
Nhà Hậu Trần giằng co cản bước quân Minh nam tiến sau khi Trương Phụ…