Làm sao để “thế hệ kẹp giữa” có thể cân bằng giữa cuộc sống gia đình và nghỉ hưu? (Ảnh minh họa: Shutterstock)
“Thế hệ kẹp giữa” đang phải đối mặt với một thử thách lớn: làm sao để cân bằng giữa việc chăm sóc gia đình, đặc biệt là cha mẹ già và con cái trưởng thành, cùng với những kỳ vọng về một cuộc sống nghỉ hưu yên bình? Với trách nhiệm gánh vác nhiều vai trò trong gia đình và áp lực tài chính ngày càng tăng, việc tìm ra một giải pháp giúp họ duy trì sức khỏe, tinh thần và tài chính ổn định là điều không hề dễ dàng. Tuy nhiên, nếu biết cách lên kế hoạch, phân bổ công việc hợp lý và tận dụng các nguồn lực sẵn có, “thế hệ kẹp giữa” vẫn có thể tạo ra một sự cân bằng giữa trách nhiệm gia đình và cuộc sống hưu trí mà họ mong muốn.
“Thế hệ kẹp giữa” (tiếng Anh: sandwich generation) là thuật ngữ dùng để chỉ những người đang ở độ tuổi trung niên (thường từ 40 đến 60 tuổi), vừa phải chăm sóc cha mẹ già, vừa phải nuôi dạy con cái – nghĩa là họ bị “kẹp” giữa hai thế hệ cần họ hỗ trợ.
Một người bạn thân của tôi đã ngoài năm mươi và sắp bước vào tuổi nghỉ hưu. Bà và chồng từng hy vọng sẽ có một cuộc sống an nhàn, thoải mái sau nhiều năm làm việc vất vả. Thế nhưng thực tế lại khác xa kỳ vọng: bà phải gánh thêm nhiều trách nhiệm chăm sóc người thân, và giấc mơ về một tuổi già thảnh thơi giờ chỉ còn là điều xa vời.
Bạn tôi thuộc về “Thế hệ kẹp giữa” – những người vừa phải chăm sóc cha mẹ già, vừa lo lắng cho con cái vẫn còn phụ thuộc. Bà không chỉ phải chăm sóc mẹ chồng tuổi cao sức yếu mà còn phải chu cấp cho cậu con trai vừa tốt nghiệp đại học.
Những người như bà đang phải đối mặt với ba áp lực lớn: gánh nặng tài chính, trách nhiệm chăm sóc người già và những thay đổi phức tạp trong gia đình. Đây là thử thách không nhỏ về cả tâm lý lẫn vật chất đối với những người đã đến tuổi nghỉ hưu. Vấn đề này rất cần được xã hội quan tâm và tìm ra những giải pháp phù hợp.
Số lượng những người thuộc “thế hệ kẹp giữa” đang ngày càng gia tăng. Theo một khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew, gần một phần tư (23%) người trưởng thành tại Mỹ đang hỗ trợ tài chính cho cả hai thế hệ trên và dưới họ. Đây là một thực trạng đáng lo ngại, bởi nó không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống gia đình mà còn làm gián đoạn kế hoạch nghỉ hưu của nhiều người.
Điều gì đã dẫn đến hiện tượng này? Có một số nguyên nhân chính:
– Tuổi thọ tăng: Nhiều người tuổi thọ ngày càng cao nhưng lại gặp phải các vấn đề sức khỏe, bệnh tật, khiến họ cần sự chăm sóc và hỗ trợ từ con cái hoặc người thân.
– Áp lực tài chính: Lương không tăng hoặc vật giá ngày càng leo thang.
– Xu hướng sinh con muộn: Nhiều người lựa chọn sinh con đầu lòng muộn hơn, nên khi đến tuổi trung niên, con họ vẫn còn đi học hoặc chưa tự lo được cho bản thân.
Chính vì vậy, những người ở độ tuổi bốn mươi và năm mươi – giai đoạn vốn được xem là thời kỳ “đỉnh cao thu nhập” – lại đang gánh vác nhiều trách nhiệm hơn bao giờ hết. Họ không chỉ phải chu cấp cho con cái mà còn lo liệu việc chăm sóc cha mẹ già dẫn đến căng thẳng tâm lý, suy giảm chất lượng sống và gián đoạn kế hoạch tài chính cá nhân.
Không chỉ các gia đình phải đối mặt với vấn đề này, mà cả hệ thống y tế và dịch vụ xã hội cũng đang phải gánh chịu áp lực lớn từ dân số già. Đây là một thách thức xã hội mới, đòi hỏi sự quan tâm nghiêm túc và các giải pháp toàn diện trong thời gian tới.
Chăm sóc cả cha mẹ già và con cái trưởng thành cùng lúc là một gánh nặng vô cùng mệt mỏi. Việc chăm lo cho người già, trẻ em, quản lý tài chính gia đình và duy trì cuộc sống của chính mình sẽ tạo ra căng thẳng kéo dài khiến bạn cảm thấy lo âu, thiếu hạnh phúc và không thể tận hưởng cuộc sống khi về hưu.
Dưới áp lực này, nhiều người rơi vào trạng thái kiệt sức cả về thể chất lẫn tinh thần. Cuộc sống nghỉ hưu bình yên mà bạn mong đợi có thể bị xáo trộn bởi những trách nhiệm gia đình.
Bạn có thể dành phần lớn thời gian trong tuần để giải quyết những công việc như:
– Đặt lịch khám bệnh cho cha mẹ hoặc bản thân.
– Xử lý các vấn đề trong gia đình.
– Quản lý các khoản chi phí.
Mối quan hệ của bạn có thể bị ảnh hưởng, bạn có thể dần xa lánh bạn bè, cuộc hôn nhân có thể gặp trục trặc, và các ranh giới trong gia đình có thể trở nên mờ nhạt, dẫn đến căng thẳng và tan vỡ.
Bạn cũng có thể phải đối mặt với các vấn đề sức khỏe do căng thẳng quá mức, làm bệnh mãn tính trở nên nghiêm trọng hơn, thiếu ngủ và thể chất suy giảm.
Ngoài căng thẳng về thể chất và tinh thần, áp lực tài chính là một yếu tố quan trọng không thể bỏ qua:
Chi phí chăm sóc người già thường rất khó lường. Dù bạn có lập ngân sách cẩn thận vẫn có thể gặp phải những chi phí bất ngờ. Một ngày nào đó, bạn có thể cần thiết bị y tế đặc biệt hoặc phải sửa chữa nhà cửa để phù hợp với nhu cầu chăm sóc. Những khoản chi này có thể phát sinh nhanh chóng và trở nên tốn kém. Một nghiên cứu của AARP năm 2021 cho thấy, trung bình người chăm sóc gia đình chi tiêu vượt mức 7.242 đô la (khoảng 173.808.000 VND) mỗi năm.
Nhiều người phải tiếp tục hỗ trợ con cái về tài chính sau khi chúng trưởng thành.Một số người phải giúp con cái trả khoản vay sinh viên, số khác lại hỗ trợ tiền thuê nhà, hoặc gặp phải những tình huống bất ngờ liên quan đến con cái gây ra khó khăn tài chính.
Quỹ hưu trí mà trước đây được coi là nguồn tài chính đảm bảo cho cuộc sống tương lai nay lại đang bị ảnh hưởng bởi các chi phí gia đình. Một số người phải giảm giờ làm hoặc nghỉ hưu sớm để chăm sóc gia đình dẫn đến việc quỹ hưu trí không đủ để duy trì cuộc sống. Điều này đặc biệt ảnh hưởng nặng nề đến “thế hệ kẹp giữa”.
Với áp lực tài chính ngày càng lớn, nhiều người phải cân nhắc lại thời gian nghỉ hưu. Một số quyết định tiếp tục làm việc dù đã đến tuổi nghỉ hưu, có thể là:
– Giảm giờ làm việc và nghỉ hưu dần dần.
– Chuyển sang công việc bán thời gian hoặc trở thành chuyên gia tư vấn.
– Tiếp tục làm việc mà không nghỉ hưu.
Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tình hình tài chính, mà còn tác động đến lối sống, mối quan hệ gia đình và kế hoạch hưu trí của mỗi người. Để đối mặt với tình huống này, bạn cần linh hoạt và tìm ra các chiến lược ứng phó mới.
Nếu bạn là thành viên của “thế hệ kẹp giữa”, bạn cần áp dụng một số chiến lược để giảm bớt gánh nặng và chăm sóc bản thân tốt hơn.
Việc thiết lập ranh giới là điều rất quan trọng. Dù bạn muốn chăm sóc người khác, nhưng bạn vẫn cần giữ không gian riêng cho bản thân. Hãy giao tiếp rõ ràng với người mà bạn đang chăm sóc để họ hiểu về khả năng và giới hạn của bạn để tránh tạo ra những kỳ vọng quá lớn. Khi bạn thể hiện được khả năng của mình, bạn sẽ có thể chăm sóc sức khỏe tốt hơn và nâng cao chất lượng chăm sóc.
Đừng ngại nhờ các thành viên trong gia đình cùng chia sẻ trách nhiệm chăm sóc. Điều này không chỉ giúp giảm bớt gánh nặng mà còn giúp các thành viên gia đình gần gũi hơn. Anh chị em, anh chị em họ hoặc cháu có thể đóng góp ý tưởng và cách làm mới trong việc chăm sóc.
Các chiến lược chăm sóc người thân không phải là cố định mà cần được điều chỉnh dựa trên hoàn cảnh cụ thể. Chăm sóc người khác có thể là một thử thách lớn, nhưng nếu biết sử dụng các nguồn lực và chiến lược phù hợp, bạn không chỉ giúp đỡ người thân mà còn chăm sóc tốt hơn cho chính mình.
Dưới đây là một số chiến lược bạn có thể áp dụng:
Việc lập ngân sách sẽ giúp bạn tính toán chi tiêu cho ba thế hệ. Bạn có thể bắt đầu bằng cách xác định các khoản chi phí cần thiết, sau đó cố gắng cắt giảm ngân sách cho những khoản chi không cần thiết. Một ý tưởng hữu ích là lập “quỹ gia đình”, nơi mọi người trong gia đình đóng góp một phần thu nhập để cùng chia sẻ chi phí sinh hoạt. Điều này sẽ giúp chi tiêu trở nên minh bạch và tránh tình trạng bất công trong việc chia sẻ chi phí.
Nếu bạn đang chăm sóc gia đình, việc có bảo hiểm là rất quan trọng. Bảo hiểm y tế có thể giúp giảm bớt gánh nặng tài chính khi chăm sóc cha mẹ già. Bạn cũng có thể mua bảo hiểm nhân thọ để hỗ trợ con cái trong trường hợp gặp khó khăn tài chính. Cân nhắc kết hợp bảo hiểm nhân thọ với bảo hiểm y tế để mở rộng phạm vi bảo vệ tài chính.
Có một số loại tài liệu pháp lý quan trọng mà bạn cần nắm để bảo vệ quyền lợi của bản thân và người thân trong quá trình chăm sóc. Các tài liệu này bao gồm:
– Ủy quyền chăm sóc sức khỏe: Cho phép một người (thường là người thân) đưa ra quyết định về chăm sóc sức khỏe khi bạn không thể tự quyết định.
– Quyền ủy quyền lâu dài: Cho phép một người đại diện cho bạn trong các vấn đề tài chính hoặc pháp lý dài hạn, khi bạn không thể tự thực hiện.
– Di chúc sống: Đây là một tài liệu mà bạn chỉ ra mong muốn của mình về việc điều trị y tế trong trường hợp khẩn cấp, khi bạn không thể tự quyết định.
– Biểu mẫu ủy quyền HIPAA: Đảm bảo rằng người chăm sóc có quyền truy cập vào thông tin y tế của bạn để có thể đưa ra quyết định đúng đắn về sức khỏe của bạn.
Những tài liệu này giúp người chăm sóc đưa ra quyết định quan trọng trong khi vẫn tôn trọng quyền tự do của bạn. Nếu không rõ về các tài liệu này, bạn nên tham khảo luật sư để đảm bảo rằng tất cả giấy tờ của bạn là đầy đủ và hợp pháp.
Việc giao tiếp cởi mở và trung thực với các thành viên trong gia đình về tài chính là rất quan trọng. Thảo luận về số tiền mỗi người sẽ đóng góp, cách chia thừa kế và kế hoạch tài chính dài hạn sẽ giúp tránh được các tranh cãi trong tương lai. Để làm được điều này, bạn có thể tổ chức một cuộc họp gia đình để mọi người cùng bàn bạc, đưa ra giải pháp cho các vấn đề như nhu cầu chăm sóc dài hạn và các khoản chi phí y tế bất ngờ.
Bằng cách xây dựng chiến lược tài chính và chuẩn bị các biện pháp phòng ngừa, bạn sẽ có khả năng phục hồi tài chính tốt hơn và cuộc sống gia đình sẽ ổn định hơn.
“Thế hệ kẹp giữa” phải chăm sóc người già và hỗ trợ tài chính cho con cái đã trưởng thành, đồng thời phải bảo vệ sức khỏe của chính mình và lập kế hoạch dài hạn.
Khi hỗ trợ con cái đã trưởng thành, bạn cần đặt ra ranh giới để tránh sự phụ thuộc quá mức. Bạn có thể làm như sau:
– Giảm dần lượng hỗ trợ.
– Lập ngân sách gia đình với con cái của bạn.
– Cố gắng sống chung.
Bạn cần biết cách chăm sóc bản thân để tránh làm việc quá sức. Hãy chú ý đến sức khỏe của bạn, giữ liên lạc với bạn bè, duy trì sở thích của mình và tận dụng tốt các nguồn lực xã hội. Bằng cách này, bạn sẽ có thêm thời gian nghỉ ngơi và có thể cải thiện chất lượng chăm sóc.
Hãy lập kế hoạch hướng tới tương lai: trao đổi với cha mẹ lớn tuổi của bạn về các phương pháp chăm sóc; mua bảo hiểm hoặc tiết kiệm quỹ dự trữ; hướng dẫn con cái trưởng thành của bạn lập kế hoạch tài chính để chúng có thể học cách tự lập và giảm sự phụ thuộc.
Bạn có thể cần phải điều chỉnh kế hoạch nghỉ hưu và thay đổi chiến lược trong quá trình này để tài chính của bạn không bị gián đoạn.
Dù những thách thức mà “thế hệ kẹp giữa” phải đối mặt có thể rất gian nan, chúng cũng mang lại những cơ hội quý giá để phát triển bản thân và củng cố mối quan hệ gia đình. Khi biết tận dụng các nguồn lực xã hội, những nhiệm vụ tưởng chừng không thể vượt qua lại có thể trở thành cơ hội để học hỏi và thậm chí đem lại những lợi ích bất ngờ.
Dù đang phải chịu đựng nhiều khó khăn, “thế hệ kẹp giữa” đang tạo ra con đường cho một xã hội tương lai. Những người trong tương lai sẽ hiểu rõ hơn về giá trị của sự hỗ trợ và hợp tác, họ cũng sẽ dễ dàng thích nghi và trân trọng hơn những phúc lợi của cộng đồng.
Trúc Nhi biên dịch
Theo The Epochtimes
Ông Elon Musk cho biết các biện pháp hạn chế xuất khẩu nam châm đất…
Hôm thứ Tư (ngày 23/4) Hapag-Lloyd cho biết, 30% hàng hóa của khách hàng của…
Moskva đã nhiều lần bác bỏ tính hợp pháp của ông Zelensky kể từ khi…
Nhà Trắng chỉ trích nhà lãnh đạo Zelensky của Ukraine vì công khai thảo luận…
Chính phủ Ấn Độ vừa hạ cấp bậc quan hệ ngoại giao với Pakistan và…
Các chuyên gia cho rằng nếu bạn tưới cho cây lan một loại dung dịch…