Nỗi khổ của nghề giao hàng ở Nhật Bản trong thời kỳ đại dịch

Trong thời kỳ đại dịch, các nhân viên giao hàng Nhật phải làm việc nhiều hơn nhưng mức lương lại không thay đổi hoặc thậm chí giảm đi. Nếu phàn nàn, một số công ty sẽ gây bất lợi hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng với họ. 

Các nhân viên giao hàng giao hàng tự do ở Nhật Bản đang phải đối mặt với tình trạng sức khỏe đáng báo động vì thời gian làm việc 12-13 giờ mỗi ngày. Sau khi đại dịch bùng phát, khối lượng công việc của họ tăng lên nhưng lương lại bị giảm đi.

Mỗi ngày, một nhân viên giao hàng có thể phải vận chuyển số hàng nhét vừa một thùng xe tải hoặc nhồi kín mít các ghế phụ bên cạnh tài xế.

(Ảnh của Pavel Danilyuk từ Pexels)

Một nhân viên giao hàng người Nhật Bản (44 tuổi) cho biết anh bắt đầu làm việc từ 9 giờ sáng và không có thời gian nghỉ ngơi trong suốt 13 tiếng tiếp theo. Bữa trưa của anh chỉ có một chiếc bánh, ăn luôn trên xe trong vòng 5 phút. 

“Tôi phải lái xe không ngừng nghỉ. Nếu cứ tiếp tục như vậy, tôi có thể sẽ gây ra tai nạn hoặc bị ngã. Tất cả những thứ này có thể giết chết tôi” – nhân viên giao hàng đến từ Yokohama chia sẻ.

Vào tháng 11/2017, người đàn ông này đã ký hợp đồng với một công ty chuyển phát thuộc Amazon Japan GK. Mức lương khởi điểm 180.000 yên không đủ để trang trải cuộc sống nên anh phải vay mượn thêm. Tổng số nợ hiện tại của anh đã lên tới 1,8 triệu yên. Để tăng thêm thu nhập, người này đã tự khởi nghiệp dưới vai trò người cung cấp dịch vụ giao hàng hoặc tài xế giao hàng tự do. Nếu muốn làm tài xế giao hàng tự do, người ta phải tự chuẩn bị phương tiện, tự trả tiền xăng xe cùng nhiều chi phí khác.

Theo hợp đồng, tài xế cần phải đến kho của công ty từ lúc 8 giờ sáng, lấy hàng rồi đem giao cho khách, làm 5 ngày một tuần. Mỗi ngày họ được trả khoán 17.000 yên, giao được nhiều hay ít hàng lương vẫn như vậy. Tổng thu nhập hàng tháng khoảng 350.000 yên. Sau khi trừ tiền xăng và các chi phí khác, tài xế còn lại khoảng 200.000 yên. 

“Tôi đang mắc nợ 1 triệu yên, mỗi tháng phải trả khoảng 50.000 yên nên cuộc sống rất khó khăn. Tôi muốn kết hôn nhưng lại không có tiền. Tôi cũng không gặp được ai ở chỗ làm vì đồng nghiệp chỉ toàn đàn ông“ – người tài xế nói.

Khi dịch COVID-19 bùng phát, số lượng hàng hóa cần giao tăng lên đáng kể. Đầu năm ngoái, mỗi ngày tài xế cần giao khoảng 110 kiện, nhưng từ khoảng tháng 5 năm 2021, có thời điểm con số này lên tới hơn 200 kiện. 

“Tôi cảm thấy mình đang bị đẩy đến giới hạn. Lương ngày không thay đổi nhưng số lượng hàng hóa lại tăng thêm rất nhiều” – anh chia sẻ.

(Ảnh: namtipStudio/Shutterstock)

Một người đàn ông khác (30 tuổi) sống ở Tokyo cũng xin làm tài xế giao hàng tự do từ năm 2019. Anh làm việc 8 tiếng (từ 7 giờ sáng đến 3 giờ chiều), kiếm được 16.000 yên mỗi ngày. Anh cảm thấy hài lòng với mức thu nhập ổn định như vậy. Tuy nhiên, đến tháng 10/2020, công ty chuyển phát đột ngột hủy hợp đồng với anh với lý do “nhiều khách hàng phản hồi rằng hàng hóa không được giao đến nơi”. Người đàn ông này đã gửi đơn khiếu nại đến công ty, trình bày rằng anh đã giao hàng rất đầy đủ nhưng không nhận được câu trả lời nào cả. 

Theo Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản (MLIT), tính đến cuối năm 2016, số lượng doanh nghiệp vận tải cơ giới nhỏ cung cấp dịch vụ giao hàng bằng ô tô hoặc xe máy ở Nhật rơi vào khoảng 150.000 doanh nghiệp. Nhưng con số này đã tăng lên 177.000 doanh nghiệp vào cuối tháng 3 năm 2020. Một quan chức MLIT cho biết: “Khi số lượng doanh nghiệp bán hàng hóa và dịch vụ trực tuyến tăng lên, số lượng tài xế tự do ký hợp đồng với các công ty giao hàng cũng sẽ tăng lên”.

Những người làm nghề lái xe tự do không thuộc phạm vi điều chỉnh của Đạo luật Tiêu chuẩn Lao động nên không có quy định mức lương tối thiểu và giờ làm việc tối đa áp dụng cho họ. Theo một cuộc khảo sát do công ty vận tải hàng hóa Keikamotsu Union thực hiện, hơn 25% nhân viên giao hàng tự do phải làm việc hơn 12 giờ mỗi ngày. Khoảng 40% tài xế bị công ty đơn phương đuổi việc hoặc ép phải chấp nhận các thay đổi bất lợi về giá cước. 

Đại diện của nghiệp đoàn – Hideharu Takahashi – cho biết: “Một số công ty viết trong hợp đồng rằng ‘Nếu giao hàng không đúng địa chỉ, tài xế sẽ bị phạt 30.000 yên’. Nói chung, họ sẽ phải chấp nhận các điều khoản bất lợi. Tuy nhiên, nếu tài xế phàn nàn, hợp đồng của họ sẽ bị hủy bỏ hoặc không được giao việc nữa”.

Minh Minh

Published by
Minh Minh

Recent Posts

Đề xuất đưa vàng mã, túi nilon vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt

Theo ĐBQH Dương Minh Ánh, biện pháp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với vàng…

6 phút ago

Giám đốc Sở KH&CN Quảng Ngãi bị kỷ luật khiển trách

Do có các sai phạm, khuyết điểm trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm…

53 phút ago

Tổng thống Biden: Trát ICC đòi bắt Netanyahu là “thái quá”

Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…

2 giờ ago

Nước giải khát có đường dự kiến chịu thuế tiêu thụ đặc biệt 10%

Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…

3 giờ ago

Một huyện của tỉnh Quảng Nam công bố dịch bệnh chó dại

Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…

4 giờ ago

Hiện tượng hiếm: Nước biển dâng cao tràn vào nội thành tại nhiều tỉnh thành ở Trung Quốc

Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…

4 giờ ago