Tiếng Đài là tiếng mẹ đẻ của hầu hết người Đài Loan, nó không chỉ là công cụ giao tiếp, mà còn là một trong những nét văn hóa của quốc gia này. Tuy nhiên, cùng với việc giới trẻ ngày càng ít sử dụng nên ngôn ngữ này đã gặp phải “khủng hoảng” trong việc kế thừa và bị Liên Hợp Quốc liệt vào top 3 ngôn ngữ có nguy cơ biến mất.
Theo đài CTS đưa tin, hiện nay người nói tiếng Đài ở Đài Loan ngày càng ít, đặc biệt là nhóm dân số trẻ. Một cuộc khảo sát ở đất nước này cho thấy có hơn 70% người 75 tuổi biết nói tiếng Đài, nhưng chỉ có 22,3% người 25 tuổi biết nói tiếng Đài. Trong danh sách các ngôn ngữ có nguy cơ tuyệt chủng của Liên Hợp Quốc, tiếng Đài Loan đứng ở vị trí thứ ba.
Đài CTS đã thực hiện một cuộc khảo sát ngẫu nhiên trên đường phố thì nhận thấy rằng đại diện của nhóm người sinh vào những năm 1961-1970 cho biết họ biết hát những bài hát bằng tiếng Đài; đại diện nhóm người sinh vào những năm 1981-1990 đại khái có thể nghe hiểu được, nhưng không nói được tiếng Đài một cách trôi chảy; đại diện của nhóm người sinh vào những năm 1991-2000 cho biết đôi lúc các em có nói tiếng Đài và đếm được từ 1 đến 10; còn đại diện đến từ nhóm người sinh năm 2011-2020 thì thậm chí còn không biết đếm từ 1 đến 10 bằng tiếng Đài.
Trong 6 cấp độ ngôn ngữ có nguy cơ bị biến mất do UNESCO xác định, tiếng Đài bị liệt vào cấp độ 3 có “Nguy cơ rất lớn” – cũng có nghĩa là ông bà biết nói tiếng Đài, nhưng không thường xuyên sử dụng với con cháu. Nếu không cứu lấy tiếng Đài thì ngôn ngữ và nền văn hóa này có thể sẽ có nguy cơ biến mất.
Giám đốc điều hành của Tổ chức Giáo dục Ngôn ngữ Đài Loan, bà Trần Phong Huệ cho biết: “Nếu ngôn ngữ này bị mất đi có nghĩa là nền văn hóa của dân tộc này cũng sẽ mất theo. Sau này khi không còn sử dụng ngôn ngữ này để diễn kịch, viết thơ và sáng tác thì linh hồn của cả dân tộc này cũng sẽ không còn nữa, đây là một vấn đề vô cùng nghiêm trọng.”
Chính phủ cũng đã nhận thấy được sự suy yếu của tiếng Đài nên đã thành lập đài truyền hình tiếng Đài vào 2 năm trước với mong muốn người dân có thể xem TV để học ngôn ngữ này. Thế nhưng xét về thể chế giáo dục thì hiện nay tại các trường tiểu học chỉ có 1 tiếng học tiếng Đài mỗi tuần, vì vậy những gì mà các em học sinh học được là rất có hạn.
Theo lời bà Trần, lớp học tiếng Đài ngoài thời gian quá ít, nhà trường còn không tổ chức thi cử, điều này khiến thầy cô, học sinh và phụ huynh đều nghĩ rằng môn học này không quan trọng và không xem trọng.
Thực tế thì việc cứu lấy tiếng Đài không chỉ là nhiệm vụ của nhà trường, mà còn cần đến sự nỗ lực của mỗi cá nhân, gia đình và xã hội.
Các chuyên gia đưa ra lời khuyên về điều này rằng trước mắt có thể áp dụng tiếng Đài vào việc thi cử trong nhà trường, còn về mục tiêu lâu dài thì có thể quy hoạch những ngôi trường chỉ dạy học bằng tiếng Đài để các em học sinh học tiếng mẹ đẻ từ khi còn nhỏ. Thế nhưng điều này cần sự cố gắng của cả xã hội, có như vậy thì nét đẹp của nền văn hóa Đài Loan mới được tiếp tục kế thừa.
Minh Ngọc (Theo Epoch Times)
Xem thêm:
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…
UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…