Đời Sống

Tuyệt chiêu cứu cánh cho cha mẹ khi giải quyết xung đột của các con

Khi gia đình có nhiều hơn một đứa trẻ, việc giải quyết xung đột và duy trì sự hòa thuận giữa các con luôn là vấn đề không nhỏ. Tuy nhiên, với những tuyệt chiêu đơn giản nhưng hiệu quả, cha mẹ không chỉ có thể giải quyết xung đột giữa các con một cách công bằng mà còn giúp trẻ học cách đối mặt với xung đột, phát triển kỹ năng giao tiếp, và xây dựng mối quan hệ tích cực hơn. 

Tuyệt chiêu cứu cánh cho cha mẹ khi giải quyết xung đột của các con. (Ảnh minh hoạ: Shutterstock)

Các vấn đề trong gia đình thường sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ, nhưng nghiên cứu đã phát hiện ra rằng nếu có anh chị em, trẻ sẽ hỗ trợ lẫn nhau và tạo thành chiếc ô bảo vệ, từ đó các tác động bởi những vấn đề gia đình sẽ giảm bớt. Một nghiên cứu thú vị khác gần đây cũng cho thấy rằng những trẻ có anh chị em thì tỷ lệ ly hôn trong tương lai sẽ ít hơn trẻ con một.

Anh chị lớn thường đóng vai trò dạy dỗ các em ở nhà, có thể diễn đạt những điều phức tạp, khó khăn bằng những từ ngữ đơn giản, vì vậy khi đến tuổi đi học, anh chị thường phát triển khả năng ngôn ngữ tốt hơn và khả năng hiểu suy nghĩ của người khác.

Bởi vì xung đột chắc chắn sẽ nảy sinh giữa anh chị em nên chúng có cơ hội để phát triển khả năng hiểu cảm xúc và quan điểm của người khác. Đồng thời học cách kiểm soát sự tức giận và tìm cách giải quyết xung đột. Vì vậy nghiên cứu cho thấy những đứa trẻ làm em trong nhà luôn nhạy cảm hơn với cảm xúc và suy nghĩ của người khác. Đặc biệt là chúng có xu hướng phát triển các kỹ năng xã hội cũng như mối quan hệ rất tích cực với bạn bè.

Tất nhiên có những tác động tích cực thì cũng sẽ có những tác động tiêu cực. Nếu anh chị cư xử hung hăng thì các em nhỏ cũng có thể dễ dàng tiếp thu những đức tính không tốt. Xung đột giữa anh chị em là điều không thể tránh khỏi, nhưng nếu cha mẹ không giải quyết chúng một cách hiệu quả, trẻ sẽ dễ trở nên bạo lực khi lớn lên.

Vai vế – anh chị em là địa vị xã hội đầu tiên trong cuộc đời của một đứa trẻ

Trình tự trong nhà ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của trẻ. Hơn nữa, các đặc điểm của trẻ em được xếp hạng theo các nghiên cứu khác nhau như sau:

  1. Anh/chị cả

Những đứa trẻ là anh/chị cả thường đóng vai trò lãnh đạo, hướng dẫn, chăm sóc và giúp đỡ, nhất là đối với những đứa trẻ cách nhau trên 4 tuổi. Các chị gái thường trở thành giáo viên, bảo mẫu, còn các anh trai lại trở thành những tấm gương và kích thích khả năng của các em nhỏ. 

Tuy nhiên, vì không nhận được chú ý nhiều như trước nên sự đố kỵ đối với em thứ hai thường sâu sắc hơn so với em thứ ba hoặc thứ tư. May mắn thay, những xung đột giữa anh chị em như vậy sẽ không phải là vấn đề lớn miễn là cha mẹ xử lý chúng đúng cách.

Đặc điểm tính cách của con lớn là thiên về thành tích, kỹ năng giao tiếp tốt, thích lãnh đạo người khác và thể hiện ý thức tự giác cao. Nhưng lại dễ lo lắng vì không được cưng chiều như các em nhỏ. Tuy nhiên những đứa trẻ này thường có nhiều phẩm chất lãnh đạo và thích vị thế quyền lực, để giữ vững vị trí này, các em cũng sẽ chăm chỉ làm việc để trở nên thông minh hơn. Thật ra những đặc điểm này là do học trực tiếp từ những người lớn.

  1. Trẻ là con một

Không có gì đáng ngạc nhiên khi nhiều đặc điểm của trẻ con một giống với anh/chị cả, bởi vì hầu hết những người mà trẻ học bắt chước và tương tác đều là người lớn. Do đó, so với những đứa trẻ có anh chị em, thì trẻ con một có xu hướng phát triển nhanh hơn, trưởng thành sớm hơn, có tính cách tốt hơn và có trí thông minh tương đối cao hơn.

Người ta thường tin rằng môi trường sống của những đứa trẻ con một không có anh chị em sẽ dẫn đến sự cô đơn và ích kỷ. Tuy nhiên điều này đã bị bác bỏ bởi các nghiên cứu, vì điều này hoàn toàn phụ thuộc vào cách giáo dục của cha 

Tuy nhiên nghiên cứu trong nước cho thấy rằng khả năng chịu đựng thất bại trong học tập và thái độ trong việc giải quyết vấn đề giữa các cá nhân của trẻ con một thấp hơn đáng kể so với trẻ có anh chị em. 

  1. Trẻ là con thứ

Những trẻ con thứ thường ít được quan tâm hơn do người lớn sẽ tập trung vào thành tích của đứa trẻ lớn nhất. Cho nên chúng thường quay sang các bạn cùng trang lứa để tìm ra giá trị của bản thân. Nhóm trẻ này rất giỏi bắt chước và làm theo người khác, tính cách cũng khá thân thiện, vui vẻ và bình tĩnh trong xử lý mọi việc. Ở một khía cạnh nào đó thì trẻ sẽ tương đối trưởng thành sớm.

  1. Con út

Trẻ là con út thường bắt chước ngôn ngữ và hành vi của anh chị em trong trò chơi nên cũng có xu hướng bắt chước các bạn cùng trang lứa. Hơn nữa trẻ thường không chú ý nhiều đến thành tích, thay vào đó, trẻ thích thu hút sự chú ý và dựa vào người khác để giải quyết vấn đề, cho nên hiệu suất trí tuệ cũng yếu hơn một chút. Tuy nhiên, vì nhận được nhiều sự yêu thương, quan tâm nên trẻ dễ dàng học được ý nghĩa của sự sẻ chia và thường phát triển tính cách rất thân thiện, ấm áp và có lòng tự trọng cao.

Tuy nhiên những nguyên nhân ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ có thể do nhiều cấp độ. Đặc biệt là thái độ và môi trường nuôi dạy con cái của cha mẹ, cho nên những đặc điểm trên tuy không tuyệt đối nhưng cũng giúp cha mẹ phân tích tâm lý của các con.

Ví dụ, nghiên cứu đã phát hiện ra rằng trẻ em có anh chị em thường có kỹ năng xã hội tốt hơn trẻ con một; nhưng quá trình theo dõi cũng cho thấy rằng ở tuổi thiếu niên, không có sự khác biệt về địa vị xã hội của chúng!

5 tuyệt chiêu cha mẹ nên áp dụng trong việc hòa giải xung đột giữa các con

Khi có nhiều hơn một đứa trẻ trong gia đình, thì khó khăn lớn nhất là sự chăm sóc của cha mẹ, sự mất tập trung và giải quyết xung đột. Thế nhưng điều này sẽ trở nên dễ dàng hơn nếu cha mẹ áp dụng thử những chiêu này:

  1. Không nên cấm hoàn toàn xung đột mà hãy xử lý chúng một cách công bằng

Đừng sợ xung đột giữa các con, bởi vì điều này là hoàn toàn bình thường. Bởi vì khi này là lúc trẻ học cách giải quyết xung đột. Cho nên cha mẹ không nên can dự quá sớm mà hãy quan sát cách trẻ giải quyết vấn đề.

Nếu bé lớn luôn nhường nhịn bé nhỏ, thì cha mẹ nên nhắc nhở bé nhỏ rằng: “Chị lần nào cũng nhường nhịn cho con. Chị rất tốt và thương con! Giờ chị ấy muốn thứ này lắm, chẳng phải con nên tôn trọng chị một chút sao?”. Phương pháp này sẽ khiến đứa con lớn vốn luôn cho rằng cha mẹ yêu thương em hơn, càng cảm nhận được tình yêu thương của cha mẹ. Ngoài ra, đừng nghĩ rằng đứa nhỏ nhất không cần phải phạt vì còn nhỏ. Lúc cần thiết vẫn phải phạt để trẻ hiểu rằng mình không phải là trung tâm và muốn gì sẽ được đó. 

  1. Mọi trẻ em nên có cơ hội ở một mình với bố mẹ

Ngay cả các anh/chị lớn cũng muốn dành nhiều thời gian hơn với mẹ, nhưng mẹ lại luôn bận rộn với các em nhỏ. Vì vậy, trong những lúc như vậy, bố hoặc các thành viên khác trong gia đình trở nên vô cùng quan trọng trong lúc này. Nếu các thành viên khác trong gia đình có thể thay phiên nhau mang lại cho trẻ sự ấm áp của tình yêu thương gia đình sẽ giúp trẻ phát triển những cảm xúc và kỹ năng xã hội tích cực hơn.

  1. Không tự ý so sánh

Mỗi đứa trẻ đều có điểm mạnh, điểm yếu và những tố chất bẩm sinh khác nhau. Chính vì vậy mà cha mẹ không nên so sánh và phê bình các con. Cha mẹ có thể phân tích điểm mạnh điểm yếu của con, khen ngợi điểm mạnh nhiều hơn, dùng điểm mạnh để khắc phục điểm yếu thay vì cố tình tạo động lực cho con bằng cách so sánh, điều này không chỉ không giúp ích mà còn dễ gây phản tác dụng.

Khi dạy dỗ con, bạn cũng cần chỉ cho con biết về sự đồng cảm và nhắc nhở con rằng khi con chỉ trích khuyết điểm của anh chị em mình thì người kia sẽ cảm thấy buồn, vì vậy không nên chỉ trích.

  1. Phân bổ thời gian và chú ý đến tình trạng học tập của con

Khi nhà có trên hai đứa trẻ thì thời gian cha mẹ phải chú ý đến việc học ở trường của con chắc chắn sẽ bị giảm bớt hoặc bị gián đoạn. Vì vậy việc sắp xếp thời gian biểu và quyết định các ưu tiên là rất quan trọng. Trên thực tế, đứa trẻ nào cũng mong muốn được chia sẻ mọi chi tiết trong cuộc sống của mình với bố mẹ. Tuy nhiên, một số trẻ lại không giỏi ăn nói nên dễ bị bỏ qua, nếu bố mẹ sắp xếp lịch trình hợp lý và chủ động quan tâm đến con, tình hình học tập và những lo lắng của con thì những hành vi không phù hợp để thu hút sự chú ý của cha mẹ sẽ được giảm thiểu.

  1. Anh chị em chênh lệch tuổi tác lớn, đừng để đứa nhỏ được nuông chiều mà hư hỏng

Nếu khoảng cách tuổi tác giữa các anh chị em lớn thì con cả thực chất sẽ có tính cách của con một. Vì vậy, trong việc nuôi dạy con cái, chúng ta phải chú ý đến những điều đã nêu ở trên, không quá quan tâm đến thành tích trong học tập của đứa lớn mà bỏ qua việc phát triển cảm xúc và nhân cách của chúng. Cũng đừng để đứa nhỏ trở nên phụ thuộc quá mức vì điều này sẽ làm giảm khả năng giải quyết vấn đề của các con.

Hơn nữa, vì con cả đã trưởng thành hơn về mặt tinh thần nên thực ra trẻ sẽ quan tâm nhiều hơn đến việc bố mẹ có quan tâm đến cuộc sống và tâm trạng của mình hay không. Cho nên đừng bao giờ quá nuông chiều các con nhỏ trong khi luôn ép buộc con lớn phải chăm sóc các em.

Vương Hồng Triết

Published by
Vương Hồng Triết

Recent Posts

[VIDEO] Ông Trump đã tới Washington D.C, dự tiệc trước lễ nhậm chức

Lịch trình hoạt động nhậm chức của Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ kéo…

10 phút ago

Bến Tre lập hội đồng thẩm định 2 mỏ cát trên sông Hàm Luông

Hai mỏ cát gồm khu mỏ An Hiệp – An Ngãi Tây và Khu mỏ…

34 phút ago

NYT lợi dụng điểm mù tri ​​thức của độc giả để công kích Shen Yun, Pháp Luân Công

Trong quá trình công kích Shen Yun và Pháp Luân Công, tờ New York Times…

2 giờ ago

Mỹ báo cáo triển khai bom hạt nhân hiện đại B61-12 ở Châu Âu

NNSA của chính quyền Biden Thứ Năm báo cáo chương trình bố trí B61-12, loại…

2 giờ ago

Tòa án Hàn Quốc phán quyết giam giữ ông Yoon Suk-yeol, người biểu tình hô “ĐCSTQ cút”

Tòa án quận phía Tây Seoul đã ra phán quyết giam giữ ông Yoon Suk-yeol…

2 giờ ago

ĐCSTQ tuyên bố GDP tăng 5% năm 2024, chuyên gia nói số liệu “hư cấu”

Mới đây, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố tốc độ tăng trưởng…

3 giờ ago