Không ít người đã biết rằng gần 1/3 diện tích và 2/3 dân số Hà Lan nằm thấp hơn mực nước biển. Nhưng Hà Lan còn là một cường quốc về nông nghiệp với giá trị nông nghiệp xuất khẩu đứng thứ 3 thế giới.
Vậy đất nước này đã làm thế nào để sản xuất nông nghiệp hiệu quả trong khi nguy cơ ngập lụt có thể xảy ra bất cứ lúc nào? Câu trả lời chính là những công trình đê biển vĩ đại nhất thế giới mà Hà Lan đã xây dựng.
Phần 1: Lịch sử chống lụt hàng ngàn năm và tuyến đê biển vĩ đại dài 32km phía tây bắc
Hà Lan có tên tiếng anh là Netherland, có nghĩa là vùng đất thấp hay vùng đất trũng. Nằm ở phía tây của châu Âu, đất nước Hà Lan xinh đẹp nằm giáp với biển Bắc. Chỉ khoảng một nửa nước Hà Lan có độ cao trên mực nước biển, trong khi vùng thấp nhất của Hà Lan lại nằm dưới mực nước biển 6,7m. Hà Lan là đất nước với nhiều khu vực ngập lụt, nhiễm mặn, phèn hoá, và là châu thổ chịu lũ chính của lưu vực sông Rhin, tiền tiêu hứng chịu triều cường biển Bắc của châu Âu.
Hàng ngàn năm qua, người dân Hà Lan đã liên tục chống chọi với nước biển. Chống chọi với biển trở thành bài học xương máu của đất nước này. Ngày nay trẻ em của Hà Lan bắt buộc phải học bơi và phải có chứng chỉ bơi lội.
Các chuyên gia ước tính rằng, trong trường hợp không có hệ thống đê biển che chắn, 1/2 đất nước Hà Lan sẽ ngập dưới nước.
Trong những năm trước thế kỷ 20, người Hà Lan đắp đê để tránh cho nước biển tràn vào cánh đồng của mình. Những chiếc cối xay gió khổng lồ – biểu tượng cho đất nước này – được sử dụng để chuyển nước ra ngoài biển, làm khô đất đai.
Cuối thế kỷ 19, người ta ước tính có đến 10.000 chiếc cối xay gió được vận hành khắp đất nước Hà Lan, biến nơi đây thành vùng đất màu mỡ với năng suất nông nghiệp vào loại cao nhất thế giới.
>> Cây cầu khổng lồ “biến mất giữa biển” nối liền Đan Mạch và Thụy Điển (Video)
Các nhà khảo cổ đã tìm thấy dấu hiệu cho thấy công trình đê biển sớm nhất của Hà Lan có từ cuối Thời kỳ đồ sắt.
Qua 2.000 năm xây dựng đất nước, Hà Lan đã sở hữu mạng lưới đê điều dày đặc với tổng chiều dài lên đến 22.500 km, dài hơn cả Vạn lý trường thành của Trung Quốc.
Mạng lưới đê điều của Hà Lan gồm 5 loại đê các khau, bao gồm đê biển, đê sông, đê bao vùng đất đang làm khô, đê bao các hồ, đê bao các kênh rạch trong thành phố. Mỗi một loại đê có chức năng khác nhau, có kết cấu khác nhau.
Cùng với việc ngày càng mở rộng mạng lưới đê điều, nước biển đã dần dần bị cô lập ra khỏi đất nước Hà Lan. Nếu vào năm 1500, Hà Lan có đến 2.600km bờ biển, thì năm 1850 họ chỉ còn 2.100km bờ biển, năm 1950 còn 1.600km và đến năm 2000 thì chỉ còn 880km bờ biển.
Trong 5 loại đê của Hà Lan thì hệ thống đê biển có chiều dài lên đến 3.500km – được coi là các kỳ quan của thế giới đương đại bởi tầm quan trọng và sự vĩ đại của các công trình này.
Năm 1916, Hà Lan hứng chịu một cơn bão lớn. Cơn bão khiến vùng vịnh Zuiderzee ở phía tây bắc nước này trở nên hung hãn, gây lụt lớn ở miền bắc. Nước biển quét qua Amsterdam, hủy hoại hoa màu, đất canh tác và xóa sạch mọi thứ trên đường đi của nó. Trận lụt đã lấy đi sinh mạng của 10.000 người và gây ra nạn đói nghiêm trọng cho đất nước Hà Lan.
Ngay sau trận bão năm 1916, chính phủ Hà Lan đã lên kế hoạch đóng kín cửa vịnh Zuiderzee bằng một con đê biển có tên Afsluitdijk với chiều dài lên đến 32km, rộng 90m và độ cao 7,25m so với mực nước biển.
Việc xây dựng một con đê biển có quy mô lớn như vậy tại vùng biển Bắc hung dữ trong điều kiện kỹ thuật hết sức thô sơ đầu thế kỷ 20 là một thách thức tưởng chừng bất khả thi.
>> Người Bắc Âu: Sống đơn giản, ít ham muốn vật chất để tâm linh an bình
Chân đê được mở rộng dần bằng cách đóng cọc xuống đáy biển, người Hà Lan đã múc các khối sét băng hà từ đáy biển và dựng thành 2 hàng song song làm tường đê, sau đó, dùng tàu chở đá, cát và đất sét đổ vào giữa 2 bức tường.
Tiếp theo, các phương tiện thi công cơ giới bao mặt đê, gia cố móng bằng đá bazan. Tại một số điểm đặc biệt yếu, có độ sâu lớn, tương ứng với tác động của dòng triều mạnh, các chuyên gia Hà Lan đã phải tiến hành một số biện pháp đặc biệt và thi công gia cố bổ sung.
Điều phi thường là việc thi công đê biển Afsluitdijk được tiến hành vào đầu thế kỷ trước, và hoàn thành chỉ vẻn vẹn trong 6 năm (1927-1932).
Số lượng vật liệu được sử dụng cho Afsluitdijk ước tính khoảng 23 triệu m3 cát và 13,5 triệu m3 xi măng, chưa tính trung bình khoảng 4 – 5 nghìn công nhân tham gia lao động trên công trường mỗi ngày.
Cuối cùng, vào ngày 28/5/1932, con đê biển Afsluitdijk vĩ đại dài 32km, rộng 90m, cao 7,25m trên mực nước biển đã được hoàn thành. Đến ngày hôm nay, Afsluitdijk vẫn sừng sững, hiên ngang trước biển Bắc với 10 làn xe chạy trên mặt đê.
Công trình trị thủy khổng lồ này đã giúp Hà Lan giảm thiểu tối đa tác động của biển Bắc đến hoạt động thuỷ sản và nông nghiệp khu vực các tỉnh phía Bắc Hà Lan. Đê biển Afsluitdijk cũng rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển từ tỉnh North Holland tới tỉnh Friesland.
Đê biển Afsluitdijk cũng khiến cho vịnh Zuiderzee trở thành hồ nước ngọt khổng lồ đồng thời đã giúp Hà Lan có thêm 1.650 km2 đất thổ cư và canh tác nông nghiệp nhờ lấn dần các vùng đất ven hồ. Các làng mạc và đô thị lớn nhỏ mọc lên ven hồ đã tạo nên tỉnh mới Flevoland. Thành phố thủ phủ của Flevoland được đặt tên là Lelystad – theo tên kĩ sư trưởng dự án Zuider Works (Cornelis Lely), để ghi nhận công lao và sự đóng góp của ông.
Ngày nay, đê biển Afsluitdijk cùng với các đê biển của Hà Lan được các kiến trúc sư đánh giá là 1 trong 10 công trình vĩ đại nhất của con người.
Thiện Tâm tổng hợp
Còn tiếp phần 2
Xem thêm:
Theo thông báo từ quân đội Ukraine, trong khoảng thời gian từ 5:00 đến 7:00…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…
UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…
Tổng thống đắc cử Donald Trump đã chọn ông Howard Lutnick, giám đốc điều hành…
Các tổ chức nhân quyền phương Tây đã lên án Tổng thống Hoa Kỳ Joe…
Tổng thống Nicaragua Daniel Ortega đã đề xuất cải cách hiến pháp nhằm mở rộng…