Dù con người chưa bao giờ đặt chân lên sao Hỏa, rác thải nhân tạo từ tàu đổ bộ và robot tự hành vẫn chất đống trên hành tinh đỏ, theo tờ Daily Mail.
Một bản đồ mới hé lộ vị trí của những mảnh vỡ từ phương tiện hạ cánh trên sao Hỏa trong 53 năm qua, bao gồm trực thăng Ingenuity đã ngừng hoạt động của NASA (Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ). Số rác này bao gồm thiết bị hạ cánh kim loại, tấm chắn nhiệt, dù đã sử dụng, cánh rotor bị gãy, mũi khoang và thậm chí lưới vải. Cagri Kilic, giáo sư kỹ thuật hàng không ở Đại học Tây Virginia ước tính số rác của con người trên sao Hỏa lên tới 7.119 kg, tương đương trọng lượng của một con voi châu Phi trưởng thành.
Ví dụ về rác thải do con người thải ra trên hành tinh đỏ bao gồm tàu đổ bộ Mars 2 của Nga, trở thành vật thể nhân tạo đầu tiên chạm vào bề mặt sao Hỏa khi rơi vào tháng 5/1971. Beagle 2, tàu vũ trụ của Nga hạ cánh trên hành tinh đỏ vào tháng 12/2023 nhưng sau đó thất lạc. Giờ đây, vật thể mới nhất gia nhập với các phương tiện trên là trực thăng Ingenuity của NASA, không thể tiếp tục bay sau khi vỡ một cánh rotor vào ngày 18/1. Do bị hỏng rotor và không có bánh xe, trực thăng mắc kẹt tại chỗ, không thể di chuyển, dù vẫn giữ liên lạc với đội điều khiển trên mặt đất.
Những phương tiện này chứng minh thành tựu đặc biệt khi bay đến hành tinh ở cách Trái Đất 225 triệu km và nhiều cỗ máy thực hiện thí nghiệm khoa học giá trị khi tiếp đất. Giáo sư Alice Gorman, nhà khảo cổ học vũ trụ tại Đại học Flinders ở Australia, ví các tàu đổ bộ đã ngừng hoạt động là ghi chép lịch sử về sự gắn kết của con người với sao Hỏa. “Ingenuity cho thấy công nghệ chúng ta cần để thích nghi với môi trường trên hành tinh khác có thể tiến xa tới đâu”, Gorman nói.
Nhưng khi các cỗ máy ngừng hoạt động, chúng biến sao Hỏa thành bãi rác. Tiến sĩ James Blake, nhà nghiên cứu rác vũ trụ ở Đại học Warwick, cho rằng nhiệm vụ tương lai tới sao Hỏa nên được thiết kế ưu tiên tính bền vững. Đó là thiết kế tàu vũ trụ không thải ra các bộ phận khi hạ cánh trên sao Hỏa, hoặc đưa về Trái Đất khi nhiệm vụ kết thúc. Những nhiệm vụ có người lái tới sao Hỏa sau vài thập kỷ nữa có thể đáp xuống hành tinh và thu thập rác vũ trụ.
Tính cả cả Ingenuity, gần 20 tàu đổ bộ đã tới bề mặt sao Hỏa thông qua hạ cánh nhẹ nhàng thành công hoặc rơi mạnh. Hiện nay, nhiều tàu đổ bộ rơi xuống đất tồn tại dưới dạng mảnh vỡ hoặc thậm chí là vệt cháy, bằng chứng chúng đã bay tới sao Hỏa thành công trước khi rơi ở chặng cuối cùng.
Một ví dụ là tàu đổ bộ Mars Polar của NASA đâm xuống đất khi tìm cách hạ cánh ở cực nam vào tháng 12/1999. Ảnh chụp địa điểm rơi của tàu công bố năm 2005 bao gồm phần dù và mảng bụi đất sao Hỏa bị thiêu đốt bởi động cơ tên lửa. Ví dụ khác tương tự là tàu đổ bộ Schiaparelli của Italy, đâm vào bề mặt sao Hỏa ở tốc độ 306 km/h vào tháng 10/2016. Schiaparelli để lại một chấm đen bao quanh bởi tấm chắn nhiệt và chiếc dù của tàu.
Phan Anh
Video: “Không hiển thị bản thân” là cảnh giới tinh thần cao thượng
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…
UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…