Theo trang Technology Review, vào đầu tháng 4, Nga đang dự tính sẽ làm điều mà chưa từng quốc gia nào thử: cố gắng ngắt kết nối internet khỏi thế giới trong khi vẫn duy trì “internet nội bộ” cho các công dân sử dụng. Điều này nghĩa là nước Nga sẽ phải chuyển hướng tất cả dữ liệu về mạng nội bộ chứ không truy cập vào server nước ngoài.
Lần thử nghiệm này là cốt yếu trong luật “internet chủ quyền” đang được chính phủ thông qua. Mặc dù nó đang kẹt ở nghị viện nhưng nhiều khả năng sẽ được biểu quyết và ký thành luật bởi Tổng thống Vladimir Putin.
Như vậy, Nga đang dự tính sẽ lập một “tấm màn sắt” cho mạng internet – đó là một ý tưởng khá đơn giản, nhưng cực kỳ khó khăn về mặt kỹ thuật. Nó cũng rất tốn kém, với chi phí dự tính ban đầu lên tới 38 triệu USD, và nhiều khả năng còn cao hơn nhiều. Một báo cáo của Bloomberg cho rằng thậm chí 300 triệu USD cũng không đủ để thiết lập hệ thống, chứ chưa nói tới chuyện duy trì.
Kế hoạch này đang vấp phải sự bất mãn của người dân, khoảng 15.000 người đã biểu tình ở thủ đô Moscow vào tháng 3/2019 để phản đối – một trong những cuộc biểu tình lớn nhất trong nhiều năm qua.
Hiện tại vẫn chưa rõ lần “thử nghiệm ngắt kết nối” này của Nga sẽ bao gồm những gì. Nhưng chắc chắn rằng nếu chính phủ quyết tâm thực hiện, luật mới sẽ buộc các nhà cung cấp dịch vụ internet của quốc gia phải sử dụng các điểm trao đổi dữ liệu bên trong biên giới – được cơ quan kiểm soát viễn thông của Nga (Roskomnadzor) phê duyệt.
Ngoài ra, Nga cũng sẽ rời khỏi hệ thống tên miền toàn cầu (DNS) làm cho lưu lượng truy cập không thể chuyển hướng qua các điểm trao đổi bên ngoài nước Nga.
Khi Nga thiết lập xong cơ sở hạ tầng DNS của riêng mình và buộc các nhà cung cấp internet phải dùng chúng, thì người Nga sẽ không thể truy cập vào các website bị kiểm duyệt. Ví dụ, nếu một người dùng muốn vào Facebook.com, họ sẽ được chuyển hướng sang vk.com – phiên bản mạng xã hội của Nga.
Chính phủ Nga cũng chưa công bố ngày tháng cụ thể của lần thử nghiệm. Nhưng theo các kinh nghiệm đã qua thì không nên đánh giá thấp ý chí hay năng lực của chính phủ Nga một khi họ đã quyết tâm thực hiện.
>> Nói xấu Putin, người Nga có thể bị phạt 23.000 USD
Theo điện Kremlin, mục đích của luật mới là làm cho hệ thống mạng của Nga trở nên độc lập và dễ chống chọi các cuộc tấn công mạng từ bên ngoài. Nó có thể giúp Nga chống lại các lệnh trừng phạt đang có từ Mỹ và EU, và các biện pháp trừng phạt khác trong tương lai.
Ví dụ năm 2008, có 3 lần cáp biển internet bị đứt, làm cho người dùng ở Trung Đông, Ấn Độ và Singapore không truy cập được internet. Nếu các quốc gia này có thể chuyển hướng truy cập về nội bộ, họ có thể tránh được công việc gián đoạn.
Nhiều nhà quan sát cho rằng động thái này của Nga là nhằm kiểm soát thông tin của người dân, leo thang từ các quy định trước đó:
Nếu Nga cần tìm một ví dụ đi trước, họ chỉ cần liếc sang hàng xóm ở phía Đông. Trung Quốc đã rất nỗ lực trong việc tạo ra kiểm duyệt internet toàn quốc, nhưng Bắc Kinh đã triển khai hệ thống của họ từ đầu thập niên 2000 khi internet chỉ mới bắt đầu nở rộ. Đối với Nga phải áp đặt cả một hệ thống kiến trúc mới vào thời điểm hiện tại, bài toán khó khăn hơn rất nhiều.
Người dân và doanh nghiệp Nga đã và đang hoạt động rất sâu vào internet thế giới; họ dùng nhiều dịch vụ từ nước ngoài như các tiện ích đám mây của Microsoft… Vẫn chưa rõ việc “ngắt kết nối” sẽ mang đến những hậu quả cụ thể nào, nhưng nhiều khả năng là người dân Nga sẽ phải chia tay với các dịch vụ này. Việc thiết lập hệ thống hạ tầng cho dịch vụ thay thế trong nội bộ nước Nga sẽ rất tốn kém về tiền bạc và thời gian.
Biểu tình ở Nga ngày 11/3
Nếu thí nghiệm xảy ra sai sót và nhiều phần internet bị ngưng trệ, kinh tế Nga sẽ chịu hậu quả lớn.
Nhưng người dân Nga hẳn sẽ không dâng tặng quyền truy cập internet tự do một cách dễ dàng. Cũng như ở Trung Quốc, những công dân giỏi công nghệ vẫn tìm ra những sơ hở trong hệ thống của chính phủ và vượt qua.
“Mối đe dọa là thật. Số người truy cập vào nội dung chống chính phủ đang tăng lên,” Kirill Gusov, nhà báo và chuyên gia chính trị ở Moscow cho biết. Chính phủ kiểm soát truyền thông và truyền hình, nhưng internet vẫn nằm ngoài tầm tay của họ.
Mặc dù vẫn chưa rõ luật này của Nga có trở thành hiện thực hay không, chính phủ Nga vẫn có tiếng là không khoan nhượng và ít chịu lùi bước trước áp lực từ công chúng. Có thể vấn đề sẽ bị trì hoãn chứ không bị hủy bỏ.
Theo Technology Review, The Hustle,
Phong Trần
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…
Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Rounds đại diện tiểu bang Nam Dakota đã…
Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới…