‘Mùa xuân im lặng’ – cuốn sách thay đổi nhận thức của cả 1 thế hệ về thuốc trừ sâu

Ngày 27/9/2018, thế giới kỷ niệm 56 năm ngày ra đời cuốn sách Mùa xuân im lặng (Silent Spring) của tác giả Rachel Carson. Sự ra đời của cuốn sách Mùa xuân im lặng được cho là sự khởi đầu của hoạt động môi trường trên thế giới, đồng thời nó cũng là tác nhân quan trọng nhất để chính quyền Hoa Kỳ lúc bấy giờ (dưới thời Tổng thống Nixon) thành lập ra Cơ quan bảo vệ môi trường Hoa Kỳ (EPA) vào năm 1970.

Đối với nhiều người, Rachel Caron là người hùng môi trường và bà cũng là tiếng nói chính trị cho những người muốn bảo vệ môi trường khỏi các sản phẩm hoá chất diệt côn trùng.

Người khiến khoa học gần gũi hơn với công chúng

Ảnh Rachel Carson vào thập niên 1940 (ảnh: wikipedia)

Rachel Carson sinh ngày 27/5/1907, là một người ưa mạo hiểm và giàu trí tưởng tượng. Bắt đầu từ công việc của một nhà sinh thái học đại dương, Rachel đã viết kịch bản cho các chương trình truyền thanh về biển. Bà đã tạo nên bước ngoặt lớn cho chương trình vì các kịch bản giờ đây không phải chỉ là khoa học đơn thuần mà còn giàu chất thơ và đầy rung cảm. Sau đó, Rachel bắt tay vào viết sách về biển cả và bầu khí quyển. Những cuốn sách của bà nhận được sự hoan nghênh lớn của độc giả, có ấn bản best-seller như cuốn Biển xung quanh ta (The Sea Around Us)

Ở độ tuổi 50, Rachel bắt đầu quay ra quan sát mặt đất ở quanh mình. Bà nhận ra những điều không hề thú vị: rừng bị chặt đốn trơ trụi, những nhà máy thải chất độc giết hại vô số các dòng sông, những khu đất hoang bị dọn sạch để xây dựng đường xá và công trình. Rachel bàng hoàng nhận ra: “Mọi người đang phá hủy thế giới”.

Ảnh hưởng của cuốn sách Mùa xuân im lặng

Vào những năm 50, ở nước Mỹ người ta dùng thuốc trừ sâu DDT (Dichloro-diphenyl-trichlorothane) phun trên diện rộng tạo thành những đám mây trong không khí để diệt muỗi và những côn trùng có hại, nhưng nó cũng giết luôn cả các loài côn trùng có ích và chim. Nhiều người cầu cứu Rachel và bà biết phải làm gì.

Rachel quyết định viết một cuốn sách về vấn đề này. Khi biết Rachel có kế hoạch viết một cuốn sách về Trái Đất, nhiều người khuyên bà không nên viết về thuốc trừ sâu bởi lý do thật đơn giản: “sẽ chẳng có ai bỏ thời gian ra đọc cuốn sách viết về những cảnh thê lương như thế”.

>> Chúng ta đã rẽ lối sai ở đâu, để giờ đây “Trái Đất đang ở giới hạn chịu đựng cuối cùng”?

Không nản lòng, Rachel bắt tay vào nghiên cứu về thuốc diệt côn trùng. DDT là thuốc trừ sâu phổ biến nhất vào thời đó. Nó được ưa chuộng vì giúp người sử dụng tiết kiệm được thời gian, tiền bạc và lao động. Những người nông dân, các ông chủ rừng, những người chủ trang trại bò sử dụng khoảng hơn 226 nghìn tấn chất độc này mỗi năm. DDT tiêu diệt côn trùng, sâu bọ và tàn sát luôn cả các loài côn trùng có ích cùng chim, thỏ và mèo.

Một bức ảnh chụp vào thập niên 1950 cho thấy DDT được sử dụng rất đại trà và “vô tư” (ảnh: Wiki)

Vốn là nhà sinh vật biển, Rachel đặt ra câu hỏi liệu DDT có ảnh hưởng thế nào tới cá và bà khám phá rằng DDT theo mưa chảy ra sông và giết luôn cả cá. Câu hỏi đặt ra tiếp theo là DDT có ảnh hưởng như thế nào đối với con người khi họ ăn phải thực phẩm đã nhiễm DDT? Rachel biết đây là chủ đề “thê lương buồn thảm” nhưng bà cũng biết “không thể im lặng”.

Ban đầu Rachel định đặt tên cuốn sách là “Man against the Earth” (Con người chống lại Trái Đất) nhưng bà nhận ra cái tựa này không hay. Rachel suy nghĩ nhiều về tên của cuốn sách, bà nhận ra ở chương đầu tiên bà đã đặt cho độc giả câu hỏi: “Tại sao chim chóc lại lặng im không cất tiếng hót vào mùa xuân? Cái gì đã làm cho loài chim im lặng?” Vậy nên bà quyết định đặt tên cho cuốn sách là “The Silent Spring”.

Cuốn sách Mùa xuân im lặng của Rachel Carson (ảnh: Internet)

Không giống như các cuốn sách trước đó với các phản hồi cho Rachel là những lời khen ngợi, “Mùa xuân im lặng” nhận được cả sự chỉ trích, lăng mạ và cả những lời ca ngợi. Những lá thư ngập đầy trước nhà Rachel. Người dân khẩn thiết kêu gọi những nhà khoa học như bà phải làm cái gì đó để ngăn chặn thảm họa gây ra bởi DDT. Trong khi đó, Rachel nhận được sự chỉ trích rất lớn từ các công ty hóa chất sản xuất thuốc trừ cỏ DDT.

Ngày 7 tháng 1 năm 1963, Rachel được trao tặng huy chương Scherweitzer của Animal Welfare Institute – phần thưởng dành cho những người đã dành trọn cuộc đời cống hiến cho nhân loại.

Ý kiến dư luận quanh cuốn sách của Rachel đã theo các chính khách lọt vào phòng họp trong Nhà trắng. Tổng thống Kennedy cho thành lập một ủy ban điều tra thảm họa môi trường. Rachel gặp gỡ các thành viên của ủy ban vào tháng 1 năm 1963. Bản báo cáo của ủy ban công bố vào tháng 5 đã thừa nhận những điều mà Rachel đưa ra là đúng. Kết quả là Rachel được mời tới Washington để làm chứng trước Thượng viện.

Máy bay rải DDT trên diện rộng ở bang Oregon, Mỹ để kiểm soát sâu ăn chồi non (ảnh: Wiki)

Sau đó cuốn sách của bà còn nhận được thêm nhiều phần thưởng khác nữa. Nhưng ở các bữa tiệc mừng hay diễn đàn, giữa những lời chúc tụng, bà luôn cảnh báo công việc mọi người cần làm vẫn chưa kết thúc.

Rachel đã làm việc hăng say cho đến lúc nói lời vĩnh biệt vào mùa xuân năm 1964, khi bà chưa kịp lắng nghe tiếng dế chào mùa hè trở lại trong sân nhà. Nhưng đó không phải là vấn đề gì lớn lao bởi “bà đã lắng nghe Trái Đất và nói cho mọi người biết những gì bà thấy.”

Năm 1986, DDT chính thức bị cấm ở Anh và năm 2001 thì bị cấm trên toàn thế giới vì sự nguy hại của nó đối với đời sống tự nhiên và môi trường.

>> Hội chứng ếch luộc, chúng ta đang bị “nấu chín” mà không hay biết!

Công việc của chúng ta vẫn chưa kết thúc…

Ngày nay, vẫn có nhiều người cáo buộc Rachel Carson rằng cuốn sách “Mùa xuân im lặng” cảnh báo về DDT đã làm suy yếu chiến dịch chống muỗi truyền ký sinh trùng sốt rét trên khắp thế giới, khiến cho hàng triệu người trên thế giới chết vì bệnh này.

Thậm chí, nhân dịp Google nhắc lại kỷ niệm 50 năm ngày mất của bà (1964-2014), Steve Bannon, lúc đó đang là biên tập viên của Breitbart, đã gọi bà là “Kẻ giết người hàng loạt vĩ đại nhất thế kỷ 20”.

Trong thực tế, Rachel Carson chưa bao giờ kêu gọi cấm DDT, bà chỉ cảnh báo rằng DDT cần phải được sử dụng một cách an toàn và hiệu quả. Cũng có thông tin cho rằng việc kiểm soát ký sinh trùng bệnh sốt rét kém hiệu quả không phải vì DDT bị cấm, mà bản thân DDT đã không còn có tác dụng trong việc diệt muỗi chứa bệnh sốt rét vì loại ký sinh trùng này đã biến đổi và trở nên kháng thuốc trước DDT.

Một thông tin cũng đáng suy ngẫm, đó là nhà hóa học Paul Hermann Müller – người tìm ra công dụng diệt côn trùng mạnh của DDT – đã nhận được giải Nobel năm 1948 vì khám phá này. Khoa học mang đến cho con người những công cụ mạnh mẽ, nhưng rốt cuộc chỉ có thời gian mới trả lời rõ nhất những lợi và hại khi được sử dụng dưới bàn tay của con người. Câu chuyện của DDT đã cho thấy chúng ta cần luôn tỉnh táo và xem xét lại kết luận “mặc định” ban đầu, bởi chúng có thể không chính xác.

Người biểu tình ở Brazil đốt các hạt đậu nành GMO. (ảnh qua naturalsociety.com)

Câu chuyện về Rachel Carson cũng tương tự như câu chuyện nhìn nhận về thực phẩm biến đổi gen (GMO), những phản đối nói lên tác hại của GMO ban đầu cũng bị chỉ trích dữ dội, nhưng sự việc sẽ dần dần được sáng tỏ và đưa ra ánh sáng.

Và ngày nay, độc giả trên khắp hành tinh vẫn tìm đọc những cuốn sách của bà Rachel – nhất là “Mùa xuân im lặng”. Quyển sách đã làm cho chúng ta nhận ra rằng mình có trong tay sức mạnh để chấm dứt những gì đang phá hủy hành tinh này và bắt đầu bảo tồn các nguồn tài nguyên – bởi đó cũng chính là bảo vệ chính chúng ta.

Thiện Tâm

Published by
Thiện Tâm

Recent Posts

Tiệm vàng tại Nghệ An mở sổ tiết kiệm như ngân hàng

Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…

7 giây ago

Bị phạt 20 tháng tù vì hỗ trợ ĐCSTQ đàn áp Pháp Luân Công tại Mỹ

Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…

37 phút ago

Biểu tình bảo vệ quyền lợi ở Trung Quốc tăng mạnh – Báo cáo của Freedom House

Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…

56 phút ago

Ngoại trưởng Ukraine Andrey Sibiga bác bỏ khả năng nhượng bộ lãnh thổ

Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…

1 giờ ago

Chuyện danh y thời Tống tích âm đức cải biến mệnh

Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…

1 giờ ago

Cuộc sống vốn dĩ là một vòng xoay…

Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…

1 giờ ago