Ngôi đền Jupiter ở Li Băng: Kích cỡ đồ sộ đến mức vượt quá công nghệ hiện nay

Ở miền đông Li Băng (Lebanon) có một thành phố gọi là Baalbek. Nơi đây thật sự lưu giữ – có thể nói là một lời tuyên bố hùng hồn, kì tuyệt nhất Trái Đất – một tàn tích tên gọi là Đền Jupiter (Temple of Jupiter).

Những cây cột còn sót lại của Đền Jupiter (ảnh: fouad awada/Wiki)

(Jupiter là tên một vị Thần trong thần thoại La Mã. Sau này người ta dùng tên này đặt tên cho một hành tinh trong thái dương hệ, đó là Sao Mộc, Jupiter).

Trong khi đang cố gắng xác minh nguồn gốc đích thực của ngôi đền tại Baalbek này, giới hàn lâm đã nói với chúng ta rằng vào năm 27 trước công nguyên, Hoàng Đế La Mã Augustus có lẽ là đã đưa ra một quyết định không thể hiểu được về chuyện xây dựng một ngôi đền vĩ đại sang trọng nhất không thể chối cãi, tại một nơi không ai biết.

Một đại công trình đồ sộ

Tàn tích tại Baalbek hùng vĩ đến tuyệt đối, với một cái sân rộng lớn được xây cất trên nền đất rộng mà ngày nay vẫn còn ba bức tường khổng lồ ngăn đỡ. Những bức tường ngăn này được hình thành từ 27 khối đá vôi, với kích thước lớn hơn bất kì khối đá vôi nào có thể được tìm thấy trên thế giới. Mỗi một khối đá nặng ít nhất là 300 tấn, và có ba khối đá nặng hơn 800 tấn. Ba khối đá này đã có được danh tiếng cho mình và thường được biết đến với tên gọi “Đại Tam Thạch” (Trilithon). Đại Tam Thạch trong những bức tường ngăn là ba trong bốn tảng đá lớn nhất từng được nhấc lên trong lịch sử.

Vị trí tảng cự thạch trên bức tường của Đền Jupiter

Đền Jupiter thật sự là một trong những ngôi đền cổ ấn tượng nhất trên thế giới. Với kích thước 88×48 mét và đứng trên một nền tảng hay bục đài, với một bậc thang hoành tráng dẫn lên. Bục đài này cao hơn 13 mét so với địa hình xung quanh.

Nghi vấn chồng chất

Toàn bộ khu di chỉ Đền Jupiter

Nếu chúng ta thật sự nghĩ về tất cả những sự kiện đã được chính thức chấp nhận trong khung thời gian giới hàn lâm đã đưa ra, ta sẽ thấy địa điểm được chọn cho Ngôi Đền Sao Mộc này là hoàn toàn vô lý, và chúng ta không thể tìm được lý do thích đáng tại sao Augustus lại chọn địa điểm tại Baalbek để xây một ngôi đền nguy nga đến thế.

Vào thời La Mã, Baalbek chỉ là một thành phố nhỏ nằm trên tuyến đường buôn bán tới Damascus. Nó không có một tầm quan trọng nào về tôn giáo hay văn hóa đối với La Mã ngoài việc là một khu vực chôn cất được yêu thích của những bộ tộc bản xứ. Thật khó hiểu tại sao một đế chế La Mã rất ích kỉ lại phải thật sự vất vả khó nhọc tạo ra một công trình kiến trúc tráng lệ và xa xỉ đến thế tại Li Băng – và tại một nơi như Baalbek cách rất xa La Mã.

La Mã, nói cho cùng là một đế quốc tham lam, và họ đã từng cướp bóc rất nhiều kho tàng lịch sử của những nước khác, ví dụ như những cột tưởng niệm (obelisks) của Ai Cập, và cũng ngay trong khoảng thời gian Đền Jupiter đang được xây dựng.

Sẽ hợp lý hơn rất nhiều khi phán đoán rằng Baalbek có thể sở hữu cái gì đó mà người La Mã ham muốn. Một cái gì đó mà không nơi nào, kể cả La Mã, có thể cho họ được, cũng chính là lý do có rất nhiều người ước nguyện muốn được chôn cất ở đây. Nhưng chúng ta lại được giới hàn lâm bảo rằng, không, ngôi đền chắc chắn là có nguồn gốc từ La Mã, bất khả tranh luận!

Một bản vẽ concept của họa sĩ về hình ảnh của Baalbek thời La Mã (ảnh: Wiki)

Tuy nhiên, có nhiều vấn đề nghiêm trọng với tuyên bố này. Khi điều tra những khối đá trong các bức tường ngăn tại ngôi đền Baalbek này, rõ ràng chúng đã bị hao mòn hơn rất nhiều so với tàn tích của đền Jupiter và hai ngôi đền La Mã khác từng được xây lên tại nơi này. Vì đá xây lên những bức tường ngăn cũng cùng loại với ngôi đền, chúng ta có thể giả định hợp lý rằng những khối đá bị hao mòn hơn đã được dựng lên lâu đời hơn.

Cũng hoàn toàn hợp lý nếu phán đoán rằng ngôi đền La Mã thật ra là sự bổ sung vào một nền tảng đã từng tồn tại trước đó rất lâu, và điều này cũng giúp giải thích luôn tại sao một địa điểm hoang vu như vậy đã được chọn xây đền – bởi vì nó cung cấp cho Augustus một nền tảng có sẵn để xây dựng ngôi đền của ông.

Vấn đề thực sự rất đơn giản và rõ ràng. Điều khó hiểu là tại sao cộng đồng khảo cổ chính quy lại giễu cợt ý kiến về việc những bức tường và cái bục đài có thể đã được xây nên trước khi có ngôi đền. Mức độ hao mòn đáng kể nhìn thấy được trên những tảng đá lớn của bức tường ngăn đã quá đủ đạt tiêu chuẩn bằng chứng về tuổi thọ lớn hơn nhiều Ngôi Đền Jupiter. Nếu có một bằng chứng địa chất đáng kể đối nghịch lại với một lý thuyết, vậy thì lý thuyết đó rõ ràng là không đúng, điều này không quá khó hiểu.

Nhưng có thể đây chính là một vấn đề cho những học giả hàn lâm. Khi người La Mã xây dựng Đền Jupiter, nếu họ đã dựa trên một nền móng đã được tạo ra trước đây bởi những ai đó xa xưa, những người mà cho tới giờ phút này vẫn còn chưa biết, thì tất nhiên giới hàn lâm không muốn khơi dậy cái “nền văn minh cổ xưa” đó lần nữa.

Cổng vào phía đông của di chỉ (ảnh: Heretiq/Wiki)

Một điểm đáng chú ý nữa, La Mã khi xưa đã từng nổi tiếng là một chế độ độc tài kiêu ngạo, và chúng ta đã không tìm thấy một chứng cứ nào trong sổ sách La Mã về việc xây dựng những bức tường ngăn tuyệt kĩ này. Chỉ có những văn bản lưu lại về khả năng vận chuyển xuyên suốt triều đại của nhiều vị hoàng đế La Mã, tính luôn Augustus.

Những hồ sơ này cho biết rõ ràng khả năng chuyên chở những khối đá lớn tại La Mã thời đó là chỉ hơn 300 tấn một chút, và với một mức độ khó khăn rất lớn. Ví dụ như cuộc vận chuyển Cột Tưởng Niệm Laterano (Laterano Obelisk) tới La Mã, từng được ăn mừng nhiệt liệt, đã là một phi vụ khó khăn và nguy hiểm không tả xiết, kế hoạch đã phải kéo dài qua 3 triều đại hoàng đế. Vậy mà cuộc vận chuyển của những khối đá khổng lồ 800 tấn tại Baalbek cho Ngôi Đền Jupiter không thấy được nhắc tới trong những sổ sách lưu trữ. Dữ kiện này ngay lập tức đã cho thấy nghi vấn.

Một điểm đáng lưu ý khác là trong triều đại của Augustus, người La Mã cũng đã biết về bê tông, và rất thường sử dụng nó. Đấu Trường La Mã Coliseum vẫn còn đứng vững tại Roma ngày nay là một ví dụ điển hình về kiến trúc bê tông La mã cổ điển. Nhưng đây không phải là phong cách người La Mã xây dựng với những tảng đá khổng lồ. Thật sự thì không có một kiến trúc đá tảng nào từng xuất hiện trong suốt những triều đại La Mã.

Phù điêu trang trí trong đền Jupiter (ảnh: BlingBling10/Wiki)

Một điều quan trọng khác nữa là Ptolemy sau này đã đặt tên cho Baalbek thành Thành Phố Mặt Trời (Heliopolis). Để một người như ông ta đặt một danh hiệu đặc biệt như vậy rõ ràng nói lên được tầm quan trọng của nơi này, nó phải là một nơi chốn thiêng liêng, và phải có một đặc điểm kiến trúc đặc thù hoặc một mối liên kết đáng kể với Thành Phố Mặt Trời Khác, cũng là một địa phận của Ptolemy tại Ai Cập.

Vẫn còn một chi tiết nữa: Năm 636, Đền Jupiter đã bị chiếm đóng bởi người Ả Rập và nó đã bị biến thành một pháo đài, đồng thời họ cũng đã sửa sang thêm vào. Nghĩa là những khối đá được dùng bởi người Ả Rập được thêm vào 650 năm sau những tảng đá La Mã.

Theo truyền thuyết của dân bản địa, Baalbek có thể đã từng là một trung tâm tôn giáo thờ phượng Baal trong nền văn minh Phoenicia, và truyền thuyết Ả Rập bản xứ tương truyền rằng những tảng đá ngăn tường khổng lồ này đã có từ thời của Cain và Abel (2 anh em trong Thánh Kinh Cựu Ước). Những phiên bản khác nói rằng bục đài đã được xây dựng bởi các vị Thần thời xa xưa.

Tảng cự thạch cổ đại lớn nhất từng được biết đến

Tảng đá lớn nhất, được chụp năm 2014 (ảnh: Ralph Ellis/Wiki)

Gần lối vào phía nam của Baalbek là một mỏ đá, nơi đá được khai thác cho đền thờ. Không có bất kì dấu vết nào về một con đường hay lối vận chuyển có thể được tìm thấy giữa mỏ đá và ngôi đền. Điều này cũng nêu ra câu hỏi về cách thức vận chuyển những khối đá tảng 800 tấn tới địa điểm xây dựng, nếu chúng từng thật sự được vận chuyển.

Điều này dẫn tới 2 trường hợp: Những khối đá dựng tường đã từng được di chuyển vào một thời đại rất xa xôi đến nỗi mọi dấu vết về con đường đã biến mất. Hoặc là chẳng cần một con đường nào hết. Thật sự thì có một con đường cũng vô ích bởi chính cái sức nặng khủng khiếp của những khối đá. Nếu có một con đường cho một loại công trình như thế thì nền móng của nó phải cực kì vững chắc và chắc chắn là nó sẽ phải vẫn còn lưu lại dấu vết cho tới ngày nay. Vậy thì chúng được di chuyển thế nào?

Tại khu vực mỏ đá còn có một tảng đá nguyên vẹn đã được xử lý lớn nhất trái Đất. Nó có tên là “Tảng Đá Thai Phụ” (“Stone of the Pregnant Woman.”) Được ước lượng nặng 1650 tấn, với kích thước 21.5m x 4.8m x 4.2m. Với kĩ thuật ngày nay không gì có thể di chuyển nó được. Thực tế, phải cần 24 cần cẩu hạng nặng mới có thể chỉ nhấc nó lên được, nhưng di chuyển nó là điều không tưởng.

Nhà nghiên cứu nổi tiếng Graham Hancock đề xuất giả thuyết cho rằng những tảng cự thạch này đã được tạc bởi một nền văn minh lâu đời hơn, có niên đại có lẽ khoảng 12.000 năm trước, và người La Mã chỉ chịu trách nhiệm xây dựng đền thờ xung quanh chúng. Ông tự hỏi không biết chúng có cùng thời với di chỉ cự thạch của đền thờ Gobekli Tepe ở Thổ Nhĩ Kỳ hay không.

Trích – Lịch Sử Cấm Kị Của Trái Đất – Maxwell Igan
LX chuyển dịch, Phong Trần biên tập

Published by

Recent Posts

Vụ xe chở rác rơi khỏi cầu treo: Thi thể hai nạn nhân trôi xa 3-6km

Sau hơn hai ngày gặp nạn, thi thể hai nạn nhân trên chiếc xe chở…

11 phút ago

Một nhạc sĩ người Mỹ biểu diễn violin bên bờ hồ, bất ngờ thu hút cả đàn rùa

Tiếng đàn du dương của anh nhanh chóng thu hút sự chú ý của một…

28 phút ago

Ông Trump chọn ông Scott Turner làm Bộ trưởng Bộ Nhà ở và Phát triển Đô thị

Tổng thống đắc cử Donald Trump đã đề cử cựu cầu thủ bóng bầu dục…

54 phút ago

Ông Trump chọn Dân biểu Lori Chavez-DeRemer làm Bộ trưởng Lao động

Tổng thống đắc cử Donald Trump đã tuyên bố vào thứ Sáu (22/11) rằng ông…

1 giờ ago

Ông Trump chọn ông Scott Bessent làm Bộ trưởng Tài chính

Tổng thống đắc cử Donald Trump đã đề cử ông Scott Bessent làm Bộ trưởng…

2 giờ ago

Tổng thống Zelensky tuyên bố Ukraine tăng cường phát triển phòng không để ứng phó tên lửa Nga

Kiev đang nỗ lực phát triển các loại phòng không mới để chống lại "những…

2 giờ ago