Những núi băng khổng lồ vỡ ra khỏi Nam Cực sẽ trôi về đâu?

Núi băng khổng lồ vỡ ra khỏi Nam Cực vào tháng 7 vừa qua lại một lần nữa nhắc nhở chúng ta rằng: mực nước biển vẫn đang tăng lên.

Đầu tháng 7, giới khoa học và truyền thông cùng tập trung sự chú ý vào vết nứt khổng lồ dài hàng chục km trên thềm băng Larsen C tại Lục địa Nam Cực. Họ hồi hộp trông chờ sự tách ra của một trong những núi băng lớn nhất từng được ghi nhận trong lịch sử.

Điều gì phải đến cũng đã đến, vào ngày 12/7, tảng băng A68 với diện tích 5.800 km2, xấp xỉ tiểu bang Delaware, hay to khoảng 3 lần thành phố Sài Gòn, cuối cùng đã nứt tách ra.

(ảnh: Deimos Imaging)

Gió và các dòng hải lưu của biển Nam Đại Tây Dương sẽ đẩy nó lên phía Bắc, và trong 1-2 năm, một số nhà khoa học phỏng đoán nó có thể chầm chậm trôi đến các đảo ở gần cực nam Nam Mỹ, vỡ thành nhiều mảnh nhỏ và tan ra hoàn toàn trong hải trình đó.

Bạn có nên lo lắng?

Tuyết rơi ở Nam Cực qua hàng nghìn năm đã tích tụ thành băng, độ dày ở một số nơi có thể lên tới 1 dặm. Nhưng chúng không nằm yên ở đó mà luôn bị trọng lực kéo ra phía biển, tạo nên các thềm băng khổng lồ trên mặt nước.

Ảnh minh họa các dòng sông băng đổ ra biển ở Nam Cực

Tương tự như các cục nước đá trong ly trà, khi thềm băng tan ra thì bản thân chúng không ảnh hưởng nhiều tới mực nước. Nhưng chúng có vai trò ngăn các dòng băng hà từ lục địa chảy ra, do đó, nếu tất cả thềm băng biến mất, các sông băng này sẽ đổ thẳng ra biển, và mực nước biển toàn cầu có thể dâng cao một cách thảm họa.

Theo các nhà khoa học, việc tảng băng A68 vỡ khỏi băng khối Larsen C không phải là quá bất thường. Đó là một cách để các thềm băng cân bằng với khối lượng gia tăng từ tuyết và các dòng băng hà đổ ra từ lục địa.

Tuy nhiên, sau khi mất núi băng A68 vốn chiếm tới 12% diện tích, Larsen C hiện đang thu nhỏ nhất trong 100 năm qua. Ngoài ra, khoảng 10 thềm băng ở phía Bắc của nó đã sụp đổ hoặc thu nhỏ đáng kể trong những thập niên gần đây.

Hai thềm băng kế cận, nhỏ hơn, là Larsen A và Larsen B đã tan ra vào những năm giao thời giữa 2 thế kỷ, được cho là do tình trạng nóng lên toàn cầu.

Ảnh chụp thềm băng Larsen B khi nó vỡ ra

Larsen C vẫn ổn định, ít ra hiện tại là vậy, nhưng số phận cuối cùng của nó ra sao thì vẫn cần quan sát thêm trong thời gian sắp tới.

Trong khi đó…

“Năm sau, vùng trung tâm Bắc Cực có thể sẽ không còn băng vào mùa hè”

Đó là nhận định của giáo sư Peter Wadhams ở ĐH Cambridge – tác giả của quyển sách “A farewell to Ice”.

Ông cho biết, người ta thường không hiểu hết được tác hại của tình trạng này tới cả hành tinh và loài người. Một hậu quả chính, đó là hiệu ứng phản xạ nhiệt, bởi băng phản xạ khoảng 50% ánh sáng mặt trời, còn đối với nước thì chỉ là 10%. Do đó, nếu băng tan hết, nước biển sẽ thế chỗ và hấp thụ hơi nóng mặt trời nhiều hơn.

Băng cũng có tác dụng điều hòa nhiệt độ. Gió từ biển vào các vùng đất như Siberi hay Greenland sẽ không còn được làm mát bởi băng. Ước tính những tác động này sẽ làm gia tăng tốc độ nóng lên toàn cầu thêm 50%.

Có nhiều con số khác nhau được đưa ra khi dự báo về mực nước biển dâng trong thế kỉ 21. Nhưng nhìn chung thì đều xoay quanh ngưỡng 1m.

Đối với Việt Nam, nếu mực nước biển dâng 1m…

  • Khoảng 10% dân số sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp
  • Khoảng 90% diện tích trồng lúa đồng bằng sông Cửu Long bị ngập hoàn toàn
  • 4,4% lãnh thổ bị ngập vĩnh viễn
  • 9.200 km đường bộ bị xóa sổ
  • 65% diện tích rừng ngập mặn sẽ bị mất
  • Dịch bệnh và các căn bệnh lạ, bệnh hiểm nghèo sẽ xuất hiện

Hiện nay, nước biển đã xâm nhập mặn ở Nghệ An, đồng bằng sông Cửu Long… làm giảm diện tích đất nông nghiệp và nguồn nước ngọt của con người.

Những hiện tượng thời tiết cực đoan như bão tố, lụt lội, xâm nhập mặn… xảy ra thường xuyên hơn và khó dự đoán.

Với trên 3000 km bờ biển, “Việt Nam nằm ở trung tâm tầm ngắm trong vấn đề biến đổi khí hậu,” theo Mike Hoffmann, giám đốc điều hành của Viện Biến đổi khí hậu và Nông nghiệp khí hậu của ĐH Cornell.

Ít ra hải trình của núi băng vừa gãy cũng chỉ quẩn quanh ở Châu Nam Cực và vùng đại dương chung quanh Argentina đến khi tan biến hoàn toàn; dư hậu của hiện tượng trên là tiếng vang của hồi chuông báo bão về tương lai đầy rẫy những bất thường cho nhân loại nói chung và nước Việt Nam nói riêng.

Sơn Vũ tổng hợp

Xem thêm:

Published by

Recent Posts

Một ứng viên xin rút công nhận chức danh phó giáo sư năm 2024

HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…

4 giờ ago

Ông Vương Đình Huệ bị kỷ luật cảnh cáo

Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…

5 giờ ago

Ông Musk và ông Ramaswamy viết bài xã luận trên WSJ vạch ra tầm nhìn về DOGE

Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…

5 giờ ago

Kiev: Nga dùng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tấn công Ukraine

Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…

6 giờ ago

Việt Nam và Malaysia nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện

Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…

8 giờ ago

TP.HCM đề xuất xóa nợ quá hạn, khó thu hồi cho người nghèo

UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…

9 giờ ago