Một máy bay không người lái đã tiếp cận bán đảo Reykjanes, Iceland để ghi lại những hình ảnh về cảnh tượng núi lửa Fagradalsfjall phun trào nham thạch sau khoảng 6.000 năm “ngủ quên.” Ngọn núi lửa này cách thủ đô Reykjavik khoảng 30 km về phía tây nam, phun trào vào đêm ngày 19/3 vừa qua (theo giờ địa phương), tuy nhiên, dòng dung nham vẫn chưa có dấu hiệu ngừng trào lên khỏi miệng núi. Sau vụ phun trào, nhiều chuyến bay đến và đi từ thủ đô của Iceland đã bị hủy bỏ do sân bay bay quốc tế Keflavik nằm gần khu vực núi lửa.
Đây là vụ phun trào núi lửa đầu tiên trên bán đảo Reykjavik sau 781 năm, theo tờ AP. Dẫu vậy, Cơ quan Khí tượng Iceland (IMO) cho hay quy mô vụ phun trào khá nhỏ và do vậy không cần sơ tán khu dân cư ở thị trấn gần nhất, cách đó khoảng 10km. “Chúng tôi đang theo dõi tình hình và hiện chưa có mối đe dọa cho các thị trấn lân cận. Chúng tôi đề nghị người dân tránh xa khu vực xung quanh núi lửa và giữ an toàn,” Thủ tướng Iceland Katrín Jakobsdóttir viết trên mạng xã hội Twitter.
Chính quyền khuyến cáo người dân không lại gần nơi dung nham phun trào và ở trong nhà, đồng thời đóng cửa sổ để đề phòng nguy cơ “ô nhiễm khí từ núi lửa.”
Bjarki Friis thuộc Văn phòng Khí tượng cho biết một khe nứt dài từ 500m đến 750m đã hình thành tại địa điểm phun trào, phun ra các vòi dung nham cao tới 100m. Vài tiếng sau vụ phun trào, dung nham đã chảy dài gần 1.000m dọc theo sườn núi và bao phủ khu vực rộng khoảng 530m. Sau khi theo dõi núi lửa qua đêm, nhà địa vật lý Pall Einarsson hôm 20/3 nhận định vụ phun trào đang dần yếu đi.
Trước đó, Iceland đã ghi nhận hàng nghìn vụ động đất trong vài tháng gần đây, yếu tố gây ra sự chấn động làm núi lửa phun trào. IMO bắt đầu ghi nhận các trận động đất và hoạt động địa chấn khác trên bán đảo Reykjavik gia tăng vào ngày 24/2/2021. Cụ thể, hơn 40.000 trận động đất đã xảy ra trên bán đảo Reykjanes trong 4 tuần qua, là một sự gia tăng mạnh mẽ từ 1.000 lên 3.000 trận động đất được ghi nhận mỗi năm kể từ năm 2014.
Đầu tháng 3/2021, cơ quan này dự báo một vụ phun trào núi lửa quy mô nhỏ có thể diễn ra. Tuy nhiên, thời gian chính xác không thể đoán trước. Cuối cùng, vụ phun trào khiến các nhà khoa học bất ngờ vì hoạt động địa chấn giảm nhẹ trước khi nó diễn ra.
Nằm giữa các mảng kiến tạo Á-Âu và Bắc Mỹ, một trong những mảng kiến tạo lớn nhất hành tinh, Iceland là một điểm nóng về địa chấn và núi lửa khi hai mảng di chuyển ngược chiều nhau.
Nguồn gốc của vụ phun trào được xác định là do một khối đá nóng chảy lớn, được gọi là magma, bị đẩy lên bề mặt trong những tuần qua, gây ra các trận động đất.
Tuy nhiên, số lượng các trận động đất đã giảm đi đáng kể trong những ngày gần đây, do đó các vụ phun trào núi lửa sẽ ít khi xảy ra.
Iceland từng trải qua một vụ phun trào núi lửa dữ dội hơn nhiều tại vùng Eyjafjallajokull vào năm 2010. Khi đó, lượng tro bụi lớn đến mức khiến các chuyến bay từ châu Âu không thể cất cánh (khoảng 900.000 chuyến bị bay dừng) và giao thông quốc tế bị ảnh hưởng suốt nhiều tuần, hàng trăm người Iceland phải rời khỏi nhà. Vụ phun trào mới diễn ra trong năm 2021 được cho là sẽ không phun ra nhiều tro hoặc khói vào bầu khí quyển.
Phan Anh (tổng hợp)
Xem thêm:
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…