Cụ thể, vào khoảng 7h25, Alasdair Burns, hướng dẫn viên ngắm sao trên đảo Stewart, đã nhận được tin nhắn từ một người bạn: Hãy ra ngoài và nhìn lên bầu trời đi. “Ngay sau khi ra ngoài, chúng tôi hiểu người bạn muốn nói điều gì”, Burns kể lại.
Anh nhìn thấy một vòng xoáy ánh sáng màu xanh lam khổng lồ giữa bóng tối. “Nó trông như một thiên hà xoắn ốc khổng lồ, treo lơ lửng trên bầu trời và từ từ trôi ngang qua. Vòng xoáy đó mang lại một cảm giác thật kỳ lạ”, Burns cho biết. Người đàn ông này đã chụp một vài tấm ảnh và ghi lại hình ảnh xoắn ốc bằng điện thoại cá nhân.
“Chúng tôi nhanh chóng gõ cửa và gọi những người hàng xóm quanh đó ra ngoài. Chúng tôi ngồi trên hiên cùng nhìn lên. Ai cũng tỏ ra kinh ngạc”, Burns cho hay.
Các nhóm nghiệp dư trên mạng xã hội về thiên văn học đã bàn luận sôi nổi về những hình ảnh và đặt ra nhiều nghi vấn trước hiện tượng này. Có nhiều giả thuyết được đặt ra, từ UFO (vật thể bay không xác định) cho đến tên lửa của nước ngoài hay các màn trình diễn ánh sáng thương mại.
“Lỗ đen quỹ đạo của chúng ta là nơi người ngoài hành tinh ở”, một nhà thiên văn học nhận định.
Giáo sư Richard Easther, nhà vật lý tại Đại học Auckland, đã gọi hiện tượng này là “kỳ lạ nhưng dễ giải thích”. Theo ông, những đám mây đặc biệt này xuất hiện khi tên lửa đưa vệ tinh vào quỹ đạo.
“Khi thuốc phóng được đẩy ra phía sau, nước và các-bon đi-ô-xít sẽ tạo thành đám mây dưới ánh sáng Mặt Trời. Hình dạng quỹ đạo của vệ tinh và vị trí chúng ta đang ngồi so với Mặt Trời là các yếu tố tạo nên những đám mây kỳ lạ này. Chúng có thể được nhìn thấy từ phía Đảo Nam”, ông Easther cho biết.
Ông Easther cho hay rằng tên lửa được nhắc đến có khả năng là vụ phóng Globalstar từ SpaceX. Vụ phóng tên lửa này được đưa vào quỹ đạo Trái Đất tầm thấp ngoài khơi Cape Canaveral ở Florida hôm 19/6 vừa qua.
Burns đã từng biết đến hiện tượng tương tự vào năm 2009. Anh đã đoán rằng hình ảnh xoắn ốc có khả năng là từ một tên lửa. Năm 2009, một vụ phóng tên lửa của Nga cũng từng tạo nên những hình xoắn ốc xanh lam khổng lồ có thể được nhìn thấy ở Na Uy.
Phan Anh