So với các hình dạng bắt mắt của robot như hình người, chó, cá sấu, rắn, chim… thì khối robot lập phương có vẻ như là một lựa chọn khá nhàm chán. Tuy nhiên, phát minh mới đây của các nhà khoa học đến từ Viện Công nghệ Massachusetts (MIT, Mỹ) có thể tạo những khối robot thông minh với khả năng tự động nhận biết nhau thông qua hệ thống giống như mã vạch trên mỗi mặt.
Bên cạnh đó, 16 khối robot này có thể tiến hành các thao tác linh hoạt như di chuyển dọc theo các khối khác, leo lên nhau hoặc leo xuống, thậm chí nhảy lên để tạo nên một cấu trúc liên kết chặt chẽ, qua đó thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau bằng các nam châm tích hợp như: tạo thành một đường thẳng, hình mũi tên, di chuyển theo chỉ dẫn hay đến nơi có ánh sáng.
Được phát triển bởi Phòng thí nghiệm Khoa học Máy tính và Trí tuệ Nhân tạo (CSAIL) của MIT, các robot khối lập phương có thiết kế hệ thống bánh đà bên trong với tốc độ quay 20.000 vòng/phút. Khi bánh đà phanh lại đột ngột, mô men xoay (angular momentum) sẽ làm khối lập phương xoay và nhảy theo các hướng.
>> Robot Sophia: Trí tuệ nhân tạo hay chỉ là 1 “con rối”?
MIT cho biết những khối robot lập phương này có tên là “M-Blocks”. “M là viết tắt của Chuyển động (Motion), Nam châm (Magnet) và Ma thuật (Magic),” Daniela Rus, Giám đốc CSAIL chia sẻ. “‘Chuyển động’ – vì các khối robot có thể di chuyển bằng cách nhảy. ‘Nam châm’ – vì chúng có thể dính với nhau bằng nam châm và tạo nên những kết cấu đa dạng. ‘Ma thuật’ – vì chúng ta không thấy bất kỳ bộ phận nào chuyển động và khối lập phương dường như được điều khiển bởi ma thuật.”
M-Blocks được ra mắt lần đầu tiên vào năm 2013, có thiết kế bên ngoài giống như phiên bản mới này nhưng không thông minh bằng. Giờ đây, nhóm nghiên cứu của CSAIL đã phát triển các thuật toán cho phép chúng liên kết với nhau hiệu quả hơn.
Các khối robot lập phương tỏ ra khá hiệu quả trong việc thực hiện những nhiệm vụ được đề ra, với tỷ lệ thành công lên tới 90%. Các nhà khoa học đã tiến hành thử nghiệm trên các khối được lập trình sẵn để nhận diện những khối khác và xem liệu chúng có tiếp xúc tại đúng vị trí hay không. Nếu không, chúng sẽ di chuyển đến khi khớp mới thôi.
Mặc dù các thử nghiệm này chỉ được thực hiện trong phạm vi 16 khối lập phương, nhóm nghiên cứu cho biết công nghệ trên có thể mở rộng với quy mô hàng trăm, hàng ngàn robot hoặc thậm chí nhiều hơn nữa.
John Romanishin, tác giả chính của nghiên cứu cho biết: “Điểm độc đáo của M-Blocks là không tốn kém, mạnh mẽ và có khả năng dễ dàng mở rộng quy mô tới hơn 1 triệu khối”. “M-Blocks có thể di chuyển theo nhiều hướng với hệ thống hoàn thiện, trong khi các hệ thống robot khác phức tạp hơn nhiều và không dễ mở rộng quy mô.”
Nhóm nghiên cứu cho biết họ hy vọng tạo ra những cấu trúc thiết thực hơn trong tương lai, đặc biết là lĩnh vực ứng phó thảm họa. Những khối robot này có thể nhanh chóng tạo thành một cầu thang tạm thời để giải cứu các nạn nhân mắc kẹt trong tòa nhà đang cháy hoặc tầng hầm bị hư hại. Ngoài ra, nó cũng có thể được dùng trong lĩnh vực sản xuất, chăm sóc sức khỏe hay ứng dụng trò chơi điện tử.
Nghiên cứu này sẽ được ra mắt tại Hội nghị quốc tế IEEE về robot và hệ thống thông minh diễn ra vào tháng 11/2019.
Video giới thiệu về M-Blocks:
Theo New Atlas,
Phan Anh
Mỹ sẽ xem xét việc điều chỉnh chiến lược răn đe hạt nhân của nước…
Thượng nghị sĩ Lindsey Graham cho biết Ukraine có khoáng sản đất hiếm trị giá…
Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa được thành lập để tiếp nhận nguồn viện…
Chứng khoán có dấu hiệu hồi phục nhưng thanh khoản vẫn duy trì ở mức…
Bắc Kinh đang chuẩn bị trở thành nước nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân uranium…
Vì đại diện và biện hộ cho nhiều người tập Pháp Luân Công, ông Vương…