Cơ cấu chi tiêu của Chính phủ đang gây ra nhiều áp lực đè nặng lên ngân sách, khi phải chu cấp gần 147.800 tỷ đồng cho khoảng bốn triệu công viên chức trong bộ máy quản lý, chiếm hơn 83% tổng chi ngân sách hai tháng qua.
Cụ thể, báo cáo mới công bố vào đầu tháng 3 của Bộ Tài chính cho thấy Nhà nước đã chi tổng cộng gần 177.700 tỷ đồng trong 2 tháng đầu năm 2018, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2017 và bằng 11,7% dự toán.
Trong đó, chiếm tỷ trọng lớn vẫn là chi thường xuyên (không bao gồm chi cải cách tiền lương, tinh giản biên chế) với gần 147.800 tỷ đồng, hơn 83% tổng chi.
Chi trả nợ lãi xấp xỉ 22.000 tỷ đồng, chiếm 12,3% và tăng 16% so với năm 2017.
Chi đầu tư phát triển chỉ gần 7.500 tỷ đồng, tương đương 4,2% tổng chi ngân sách nhà nước và giảm đến 57% so với cùng kỳ năm 2017.
Báo cáo cũng cho biết thu ngân sách 2 tháng đầu năm tăng mạnh, ước tính đạt hơn 212.700 tỷ đồng, tăng đến 12,7% so với cùng kỳ năm 2017 và bằng 16,1% dự toán.
Như vậy, trái ngược hẳn với lo ngại rằng nguồn thu ngân sách sẽ bị ảnh hưởng bởi một loạt các loại thuế nhập khẩu giảm về 0% tính từ đầu năm 2018, thu ngân sách vẫn đang tăng mạnh (12,7%), qua đó giúp ngân sách thặng dư một khoảng 35.000 tỷ đồng.
Điều đáng nói là mặc dù nguồn thu ngân sách gia tăng, nhưng chi tiêu nhiều nhất lại rơi vào các khoản chi thường xuyên (chiếm hơn 83% tổng chi), chi cho đầu tư phát triển vẫn còn hạn chế khi chỉ chiếm 4,2%, giảm mạnh hơn một nửa so với cùng kỳ năm 2017, các dự án xây dựng cơ bản bị kéo dài thời hạn do thiếu vốn.
Cơ cấu chi tiêu này tiếp tục gây ra nhiều lo ngại bởi phần lớn nguồn thu đang phải dùng để “nuôi” bộ máy hoạt động cồng kềnh của Chính phủ. Thực tế này đã tồn tại trong nhiều năm qua nhưng vẫn chưa có lời giải thỏa đáng, các kế hoạch tinh giản biên chế gần như không cho thấy một kết quả khả quan khiến chi thường xuyên tăng đều qua các năm.
>>Chi hàng nghìn tỷ đồng để tinh giản biên chế, biên chế tăng thêm hàng trăm nghìn người
Theo thống kê chính thức của Bộ Tài chính, Chính phủ đã chi tổng cộng 11.800 tỷ đồng cho Văn phòng Trung ương Đảng trong giai đoạn 2006-2015 (chưa tính năm 2009), nhiều hơn mức 9.100 tỷ đồng chi cho Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ (6.000 tỷ đồng), và Văn phòng Chủ tịch (1.000 tỷ đồng). |
Trong buổi tọa đàm công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô quý IV và cả năm 2017 vào ngày 16/1/2018, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã cảnh báo về việc chi thường xuyên ở mức cao trong khi nguồn vốn chi cho đầu tư phát triển vẫn còn hạn chế sẽ tạo gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Theo kế hoạch ngân sách đã được Quốc hội thông qua, trong năm 2018, dự kiến nhu cầu vay trả nợ của Chính phủ là 382.000 tỷ đồng. Tính bình quân, mỗi ngày ngân sách chi hơn 1.000 tỷ đồng để trả nợ cả gốc lẫn lãi.
Do đó, các chuyên gia kinh tế lo ngại nếu biên chế và bộ máy quản lý cứ liên tục “phình” ra trong bối cảnh nguồn thu từ thuế đang ngày một eo hẹp theo tiến trình hội nhập, áp lực đè nặng lên ngân sách sẽ là rất lớn.
Và một khi ngân sách rơi vào tình trạng báo động, nhà nước sẽ khó tránh khỏi việc tìm đến giải pháp tận thu từ trong dân thông qua các đề xuất tăng thuế, hay in thêm tiền trả nợ khiến lạm phát gia tăng.
Chân Hồ
Xem thêm:
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…