Nền kinh tế Mỹ vẫn cho thấy đà tăng trưởng bền vững bất chấp đã có những lo ngại về suy thoái được dấy lên trong suốt năm qua. Kinh tế Mỹ cũng đã xác lập kỷ lục thời gian tăng trưởng kéo dài nhất trong lịch sử, vượt qua thời kỳ bùng nổ kinh tế trong những năm 1990.
Người tiêu dùng Mỹ với bệ phóng từ thị trường lao động mạnh đã tiếp tục thúc đẩy kinh tế tăng trưởng trong suốt năm qua, đối chọi với nền tảng tâm lý phát triển kinh doanh kém.
Tuyển dụng lao động và lương tăng đã đang thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng, khu vực đóng góp tới hơn 2/3 quy mô nền kinh tế Mỹ. Thị trường chứng khoán cũng tăng đều đặn trong suốt cả năm, từ đó gia tăng thu nhập hộ gia đình và cho phép người dân chi tiêu nhiều hơn.
“Tiêu dùng thực sự thúc đẩy tăng trưởng” và đã không bị ảnh hưởng bởi suy yếu trong sản xuất, xuất khẩu và đầu tư kinh doanh, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (FED) Jerome Powell nói trong một cuộc họp báo hôm 30/10.
Tranh chấp thương mại với Trung Quốc cũng không ảnh hưởng tới tiêu dùng tại Mỹ. Bất chấp thuế nhập khẩu đánh lên hàng Trung Quốc, thay đổi giá bán lẻ vẫn theo kịp với lạm phát rộng hơn, phần lớn là vì Trung Quốc phá giá tiền tệ để giảm giá hàng hóa xuất vào Mỹ, theo các chuyên gia kinh tế.
Nền kinh tế Mỹ tăng 2,1% trong quý III, mức tăng cho cả năm 2019 được dự đoán là 2,3%, thấp hơn so với mức tăng 3% trong năm 2018.
>>Kinh tế Mỹ tháng 11 vượt nhiều kỳ vọng
Tuy nhiên, kinh tế toàn cầu năm 2019 đang trên đà suy thoái, và nền kinh tế Mỹ đã giữ được ở mức tương đối tốt so với các nền kinh tế phát triển khác, theo hai cựu cố vấn kinh tế Tòa Bạch Ốc Gary Gohn và Kevin Hassett.
Ông Gary Gohn và Kevin Hassett viết bài bình luận trên Nhật báo Phố Wall cho rằng Mỹ “là nước duy nhất trong nhóm G7 vẫn đạt mức tăng trưởng hơn 2% trong năm nay”. Hai chuyên gia kinh tế này cho biết thêm rằng cải cách thuế mà ông Trump và Đảng Cộng hòa thực hiện trong vài năm qua đã giúp tăng năng suất và lương.
Kinh tế Mỹ đã đạt tăng trưởng trong tháng thứ 126 liên tiếp vào tháng Mười Hai này – mức tăng trưởng lâu nhất trong lịch sử. Nước Mỹ đã kết thúc toàn bộ thập kỷ qua mà không lần nào bị suy thoái kinh tế, theo báo cáo của CNBC.
Trong khi đó, nền kinh tế toàn cầu lập kỷ lục mức tăng trưởng kém nhất trong 10 năm qua, theo Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF). Mâu thuẫn thương mại gia tăng, bầu không khí và hoạt động kinh doanh kém, cũng như sự yếu kém ở từng quốc gia trong các thị trường mới nổi là lực cản đáng kể cho tăng trưởng toàn cầu năm 2019.
Tổng thống Donald Trump đã gọi nền kinh tế Mỹ là “sự ghen tị của thế giới”.
2019 cũng là một năm tốt đối với thị trường chứng khoán Mỹ. Giá trị thị trường của thị trường chứng khoán Mỹ gần đây đã tăng lên mức kỷ lục, gấp 1,5 lần tổng thu nhập quốc nội Mỹ.
Tuy nhiên, suy thoái kinh tế và rủi ro thương mại toàn cầu đè nặng lên niềm tin kinh doanh tại Mỹ. Đặc biệt, thương chiến với Trung Quốc đã khiến các công ty Mỹ chậm quyết định đầu tư trong năm 2019. Dù vậy, các chuyên gia kinh tế đã bắt đầu nhìn thấy những tín hiệu lạc quan hơn.
“Đầu tư sản xuất kinh doanh vẫn yếu, liên quan tới hoạt động sản xuất trên toàn cầu đang chậm lại,” các chuyên gia kinh tế của Citigroup viết trong một báo cáo về triển vọng kinh tế toàn cầu.
“Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy rằng sự yếu kém trong lĩnh vực sản xuất đang chạm đáy,” chuyên gia của Citigroup nói và thêm rằng một sự đón đầu trong hoạt động nội địa của Mỹ cũng có thể thúc đẩy đầu tư thiết bị và sản xuất trong nửa đầu năm 2020.
Bất chấp hoạt động kinh tế vững chắc, rủi ro giảm từ tăng trưởng toàn cầu chậm và các mâu thuẫn thương mại đã dẫn tới việc FED cắt giảm lãi suất liên bang 3 lần trong năm 2019. FED đã giảm lãi suất tổng cộng 70 điểm cơ bản trong ba đợt vào tháng Bảy, tháng Chín và tháng Mười.
Tuy nhiên, các quan chức FED báo hiệu rằng chu kỳ cắt giảm lãi suất hiện tại đã kết thúc. Họ tuyên bố rằng chính sách tiền tệ hiện nay “đang trong tình trạng tốt” và việc nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa sẽ cần phải có những đánh giá lại kỹ càng hơn.
Các chuyên gia kinh tế của Citigroup cho rằng việc giảm lãi suất vẫn có thể xảy ra hơn là tăng lãi suất trong năm 2020.
Nền kinh tế Mỹ mạnh mẽ và mức độ an toàn của thị trường Mỹ đã tiếp tục thu hút đầu tư từ khắp nơi trên thế giới trong năm 2019. Kết quả là, đồng USD đã tăng cao kỷ lục so với các đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi khác. Các căng thẳng về địa chính trị toàn cầu cũng thúc đẩy nhu cầu dự trữ ngoại tệ bằng đồng USD.
Viện Tài chính Quốc tế dự báo rằng giá trị cao của đồng USD so với các đồng tiền khác vẫn sẽ tiếp diễn trong năm 2020.
“Động lực chính khiến USD tăng mạnh là thặng dư nhu cầu đối với chứng khoán, trái phiếu và các tài sản khác quy đổi theo USD,” ông Robert Scott, chuyên gia kinh tế cao cấp tại Viện Chính sách Kinh tế nói với The Epoch Times.
“Chúng ta đã gặp vấn đề với việc quá nhiều tiền đổ vào Mỹ,” ông Scott nói và thêm rằng thâm hụt thương mại đang mở rộng khi đồng USD mạnh khiến hàng hóa nhập vào Mỹ rẻ hơn, trong khi hàng Mỹ xuất sang các nước lại đắt hơn.
Trong tháng Mười Hai này, Tổng thống Donald Trump đã đạt được chiến thắng lớn về thương mại sau khi hiệp định thương mại Mỹ – Mexico – Canada đã được Hạ viện thông qua. Ngoài ra, Mỹ và Trung Quốc cũng đã thông báo rằng họ sẽ ký hiệp định thương mại “giai đoạn một” trong tháng 1/2020.
>>TT Trump: Sẽ sớm ký thỏa thuận thương mại với Tập Cận Bình
Hai hiệp định thương mại nêu trên cho phép ông Trump bước vào năm 2020 với một nền kinh tế rất mạnh mẽ, theo ông Stephen Moore, chuyên gia kinh tế và là cựu cố vấn chiến dịch của ông Trump.
Tình trạng kinh tế là yếu tố quyết định xu hướng người dân bỏ phiếu, ông Moore nói với The Epoch Times.
“Tôi tin rằng người Mỹ bỏ phiếu vì túi tiền của họ. ‘Chỉ là kinh tế, đồ khờ!’”, ông Moore nói, nhắc lại câu châm ngôn chiến dịch bất hủ ‘Chỉ là kinh tế, đồ khờ!’ đã giúp ứng cử viên Bill Clinton đắc cử tổng thống Mỹ vào năm 1992.
Ông Moore nhấn mạnh rằng các hiệp định thương mại này sẽ gia tăng cơ hội tái đắc cử cho ông Trump trong năm 2020.
Mặc dù nền kinh tế Mỹ đang có vị thế ổn định, nhưng điều đáng chú ý hơn trong năm 2020 là triển vọng tài chính, theo ông Jim Glassman, chuyên gia kinh tế trưởng về hoạt động ngân hàng thương mại của JP Morgan Chase.
Cho tới cuối tháng Mười Một năm nay, thâm hụt ngân sách của chính phủ Mỹ trong 12 tháng qua đã vượt 1 nghìn tỷ USD trong tháng thứ hai liên tiếp, nguyên nhân là vì gia tăng chi tiêu liên bang. Nợ chính phủ liên bang cũng lần đầu tiên trong lịch sử vượt mức 23 nghìn tỷ USD.
Tuy nhiên, trong báo cáo về triển vọng tài chính, ông Glassman cho rằng: “Mặc dù năm 2019 tràn ngập lo ngại về suy thoái kinh tế và các lo ngại kinh tế khác, nhưng việc tăng trưởng vẫn vững chắc.”
Như Ngọc (Theo The Epoch Times)
Phát biểu của bà Zakharova vào thứ Năm (21/11) mô tả Estonia và các quốc…
Xinh đẹp là một loại phúc báo, nhưng nhan sắc là yếu tố bên ngoài…
Nhà Hậu Trần giằng co cản bước quân Minh nam tiến sau khi Trương Phụ…
Ba vị đồ đệ trong Tây Du Ký có pháp danh lần lượt là Tôn…
Các sợi lông lỏng lẻo trên bề mặt vải có thể dễ dàng được loại…
Tổng thống đắc cử Donald Trump trong quá trình tranh cử đã nhiều lần chỉ…