Một ngày sau đề xuất của chính quyền Quận 7, ngày 12/7, giới chức TP.HCM chính thức thông báo phong tỏa Khu chế xuất Tân Thuận từ ngày 13/7. Trong khi đó, khoảng 46.700 công nhân Công ty PouYuen Việt Nam tại TP.HCM (quận Bình Tân) và Đồng Nai (TP Biên Hòa) buộc tạm nghỉ do liên quan đến các ca COVID-19. Long An tạm dừng hoạt động công ty, doanh nghiệp trên toàn tỉnh…
Với quyết định phong tỏa từ 0h ngày 13/7, báo Tuổi Trẻ dẫn tin, toàn bộ Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) sẽ bị hạn chế ra vào, chỉ những doanh nghiệp có đủ điều kiện cách ly được duy trì hoạt động theo phương thức “vừa cách ly vừa sản xuất”. Trường hợp doanh nghiệp không bảo đảm thì phải thuê địa điểm, khách sạn xung quanh và đưa đón công nhân bằng xe khép kín, không cho xe cá nhân ra vào.
Một doanh nghiệp cho hay với phương án cách ly để sản xuất đã gửi lên để chờ duyệt, chỉ 25% lao động được giữ lại để làm việc, số còn lại cho tạm nghỉ 14 ngày và chi trả chế độ theo quy định.
Hiện khu chế xuất này có khoảng 40.000 công nhân tại 132 doanh nghiệp. Ngày 11/7, 29 doanh nghiệp trong khu chế xuất được thông báo tạm ngưng hoạt động sau khi xác định có ca nhiễm virus Vũ Hán (nCoV).
Trong cuộc họp báo chiều 12/7, phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM – ông Nguyễn Hoài Nam cho biết đã phát hiện 275 ca mắc COVID-19 qua test nhanh trong khu chế xuất. Với độ chính xác của test nhanh so với xét nghiệm PCR hiện nay thì 275 ca này có thể coi là F0, theo ông Nam.
Ông Nguyễn Hồng Tâm, phó giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết ngành y tế đánh giá tình hình tại đây có thể xấu hơn nên đã đề xuất Quận 7 tạm ngưng hoạt động của khu chế xuất, nhằm xử lý nhanh chóng và hạn chế sự lây lan của chùm ca bệnh tại đây.
Cũng trong chiều 12/7, Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân) – công ty đông công nhân nhất TP.HCM – được thông báo đã có 40 ca nhiễm nCoV qua xét nghiệm RT – PCR.
Hiện số công nhân mắc COVID-19 chính xác phía doanh nghiệp vẫn đang thống kê bởi số công nhân rất lớn, sinh sống ngoài cộng đồng nên số liệu có thể thay đổi theo thời điểm – ông Củ Phát Nghiệp, chủ tịch công đoàn cho hay, theo Tuổi Trẻ. Các F1 cách ly tập trung và F2 cách ly tại nhà. Hiện số lượng công nhân phải tạm nghỉ việc đã lên tới 30.000 người. Người lao động là F1, F2 phải tạm nghỉ việc được chi trả mức lương tối thiểu vùng (4.420.000 đồng/tháng), các F0 thì được điều trị và hưởng bảo hiểm xã hội.
Trước đó, toàn bộ 16.700 lao động tại Công ty PouYuen Việt Nam (TP Biên Hòa) được thông báo nghỉ 14 ngày, hưởng lương theo mức tối thiểu vùng. Quyết định được phía doanh nghiệp đưa ra sau cuộc họp với giới chức tỉnh Đồng Nai vào chiều tối 11/7. Công ty này hiện đang nằm trong vùng phong tỏa (phường Hóa An) kể từ oh ngày 11/7.
Cũng trong cuộc họp trên, Sở Y tế Đồng Nai nhận định dịch xâm nhập vào tỉnh này từ các chợ Hóc Môn, Bình Điền và Thủ Đức (TP.HCM) vào các chợ đầu mối, sau đó lan ra các chợ khác. Và hiện đã ghi nhận lây nhiễm thứ phát đến vòng 2, các ổ dịch ở chợ đã lan vào doanh nghiệp và các khu nhà trọ công nhân.
Ngày 11/7, ông Phạm Tấn Hòa, phó chủ tịch UBND tỉnh Long An thông báo không chỉ các công ty, doanh nghiệp đã ghi nhận F0, F1 buộc phải ngưng hoạt động ngay để truy vết, cách ly, các công ty, doanh nghiệp còn lại cũng phải tạm ngưng hoạt động từ 0h ngày 13/7. Tất cả các công ty, doanh nghiệp phải lên phương án cho công nhân ăn uống, nghỉ ngơi và sản xuất tại chỗ.
Theo ông Hòa, tỉnh Long An có 62 cụm công nghiệp, 35 khu công nghiệp với khoảng 230.000 công nhân. Lượng lưu chuyển công nhân lên tới khoảng 56.000 người mỗi ngày, trong đó, hơn 36.000 công nhân, lao động ở tỉnh này đến TP.HCM làm việc và hơn 20.000 công nhân từ TP.HCM và các tỉnh thành lân cận đến Long An làm việc.
Cũng từ thời điểm trên, các xe và người qua lại giữa Long An và các tỉnh giáp ranh sẽ được kiểm soát chặt, không được ra vào tỉnh, ngoại trừ trường hợp đặc biệt vì lý do công vụ, các trường hợp cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, xe chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất.
Trước đó, tỉnh này cho tạm dừng hoạt động của tất cả các cơ sở dịch vụ nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống, giải khát, kể cả bán mang về, trên toàn tỉnh từ 0h ngày 11/7 cho đến khi có thông báo mới.
TP Tân An và 4 huyện Cần Giuộc, Cần Đước, Bến Lức, Đức Hòa giãn cách theo Chỉ thị 15 từ ngày 2-20/6; bị áp dụng lần hai từ ngày 1/7 và một tuần sau, ngày 8/7 nâng mức độ lên Chỉ thị 16. Tại các khu vực này, người ra đường khi không cần thiết, tập trung trên 2 người nơi công cộng sẽ bị xử phạt.
Ở 10 huyện, thị xã còn lại, người dân sẽ bị phạt nếu tập trung trên 5 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng; không đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà và không giữ khoảng cách 2 m khi giao tiếp với người ngoài gia đình…
Trong ngày ra các quyết định trên, cập nhật đến 18h30 ngày 11/7, CDC Long An công bố tỉnh này có 409 ca nhiễm (393 ca cộng đồng, 16 ca nhập cảnh). Dịch ghi nhận tại 15 huyện, thị xã và thành phố, với 3.600 F1, 17.00 F2 và gần 25.000 F3. 13 chùm lây nhiễm trong tỉnh đều có yếu tố dịch tễ từ TP.HCM.
Nguyễn Quân
Xem thêm:
Bình Dương, An Giang, Tiền Giang liên tiếp công bố giãn cách; Long An cấm bán đồ ăn mang về
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…
Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…