8 “dị tượng” kinh tế Việt Nam năm 2021

Kể từ cơn mưa đá dội xuống đúng giao thừa Canh tý đầu năm 2020 tới nay, đã xuất hiện nhiều dị tượng về thời tiết, thiên tai, dịch bệnh, tác động sâu rộng đến mọi khía cạnh của đời sống người dân, tổ chức và chính phủ trên toàn cầu. Vậy đối với nền kinh tế Việt Nam năm 2021 phải chăng cũng xuất hiện những hiện tượng bất thường hay còn gọi là “dị tượng”? Đầu năm mới 2022 này, hãy cùng Trí Thức VN điểm qua vòng quay kinh tế năm 2021.

Thảm họa COVID-19 khiến đầu tàu kinh tế liêu xiêu

(Ảnh: Trí Thức VN)

Có thể nói Việt Nam đã có một khởi đầu khá lạc quan nửa đầu năm 2021. Trong khi nhiều quốc gia trên thế giới phải vật lộn với thảm họa COVID-19 thì Việt Nam nổi lên như một ngôi sao sáng về phòng chống dịch. Số lượng người nhiễm, đặc biệt là số tử vong được duy trì ở mức rất thấp (tính đầu dịch đến 30/6/2021 chỉ có 17.449 ca nhiễm, 80 ca tử vong). Thành quả về phòng chống dịch và tốc độ hồi phục nền kinh tế thế giới sau khi tìm được vắc-xin đã cộng hưởng đẩy Việt Nam thành một điểm đến hứa hẹn về thu hút đầu tư và kết giao thương mại.

Tuy nhiên, biến chủng Delta của SARS-CoV-2 xuất hiện vào cuối tháng 4 đã nhanh chóng “thiêu rụi” hầu hết tất cả các tiền đồ tốt đẹp.

Đà phát triển kinh tế của 6 tháng đầu năm 2021 (GDP Quý 1 tăng 4,48%, Quý 2 tăng 6,61%) đã bị bẻ gục vào Quý 3 với con số tăng trưởng – 6,02%. Dù có dấu hiệu phục hồi vào Quý 4, nhưng GDP cả năm 2021 cũng chỉ đạt mức 2,58%. Cơ cấu các ngành nghề đều giảm sút hoặc chững lại, duy chỉ có một số lĩnh vực như dịch vụ y tế, ngân hàng, bảo hiểm,… đạt mức tăng trưởng cao. Di chứng để lại cho nền kinh tế sống chung với COVID được nhận định khá nặng nề.

Biểu đồ tăng trưởng GDP theo quý năm 2021 (Ảnh: Trí Thức VN)

Trung tâm kinh tế TP.HCM đã bị phong tỏa nghiêm ngặt trong suốt 3 tháng (7,8,9). Các chợ đầu mối, các trung tâm mua bán, nhà máy, cơ sở sản xuất kinh doanh hầu như đóng cửa toàn bộ. Chuỗi cung ứng đứt gãy nghiêm trọng. Từng là đầu tầu kinh tế cả nước, TP.HCM luôn duy trì tỷ lệ đóng góp cao cho Ngân sách Nhà nước trong nhiều năm, thế nhưng chỉ sau gần 2 tháng phong toả, TP.HCM lần đầu tiên đã phải xin trợ cấp từ Chính phủ 28.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho người nghèo. Các dự án đầu tư đình trệ, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ đều giảm mạnh. Đặc biệt, sau 30/9, ngay sau khi thành phố gỡ bỏ phong tỏa, hàng triệu lao động đã tháo chạy về quê, gây nên “khủng hoảng” lao động có tay nghề tại TP.HCM và các tỉnh miền Nam trong giai đoạn phục hồi (*).

Người dân ùn ùn “tháo chạy” khỏi TP.HCM vào đầu tháng 10/2021  (Ảnh: Nghean.gov.vn)

Nền kinh tế mũi nhọn

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2021 ước đạt 4,79 triệu tỷ đồng, suy giảm so với năm 2020 và 2019. Đặc biệt khu vực dịch vụ giảm hơn 21% so với năm 2020 và xấp xỉ 30% so với thời điểm chưa xuất hiện đại dịch.

Tuy nhiên, trong bức tranh u ám của lĩnh vực dịch vụ lại nổi lên ngành y tế và hoạt động trợ giúp xã hội đạt tốc độ tăng cao nhất với mức tăng trưởng tới 42,75%. Xét nghiệm COVID-19 và tuân thủ các yêu cầu phòng chống dịch đã trở thành cấu thành chi phí của mọi hàng hóa, dịch vụ.

Điều đáng nói, cơ chế đặc thù trong công tác quản lý các dịch vụ, vật tư xét nghiệm được phê duyệt trong thời gian qua đã đẩy chi phí xét nghiệm COVID-19 tại Việt Nam đứng hàng cao nhất trong khu vực.

Lĩnh vực kinh doanh các thiết bị y tế liên quan đến phòng, chống dịch COVID “ăn nên làm ra” nhanh chóng (Ảnh minh họa: Vladimka production / Shutterstock)

Du lịch vẫn chìm trong giấc ngủ dài

Năm 2021 vẫn tiếp tục là năm khó khăn của du lịch và những ngành phụ trợ. Đầu năm, biến chủng Delta xuất hiện tại Ấn Độ đã gieo rắc nỗi sợ hãi kinh hoàng cho các du khách. Cuối năm, biến chủng Omicron với tốc độ siêu lây nhiễm dường như dập tắt mọi nỗ lực phục hồi ngành công nghiệp không khói này.

Lượng khách quốc tế đến Việt nam năm 2021 đã giảm hơn 99% so với thời điểm trước đại dịch. Gói 12.000 tỷ đồng hỗ trợ Việt Nam Airlines chưa kết thúc giải ngân thì hãng này đã phải xúc tiến xin thêm gói hỗ trợ lần 2 (dự kiến 8.000 tỷ đồng).

Biểu đồ khách du lịch quốc tế giảm hơn 99% so với trước đại dịch (Ảnh: Trí Thức VN)

Đà Lạt, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Hạ Long và nhiều địa danh du lịch trên cả nước vẫn vắng bóng người. Các khách sạn, cơ sở lưu trú, dịch vụ ăn uống đang tìm cách duy trì hoạt động lay lắt bằng việc bổ sung các ngành nghề kinh doanh khác.

Các biện pháp giãn cách xã hội, cấm tụ tập đông người, đóng cửa các ngành dịch vụ không thiết yếu đang đặt dấu chấm dài cho ngành du lịch.

Bãi biển Trần Phú, Nha Trang không bóng người trong thời gian phong tỏa (Ảnh: Zenobillis / Shutterstock)

Đầu tư nước ngoài tìm kiếm miền đất hứa

Năm 2021, mặc dù dịch bệnh hoành hành nhưng Việt Nam vẫn tiếp đà được dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Mặc dù số lượng dự án giảm nhiều (chỉ xấp xỉ 1/2 so với trước đại dịch nhưng tổng vốn đăng ký cấp mới và điều chỉnh đều tăng mạnh.

Dòng vốn đầu tư tỷ USD đang thuộc về Long An, Cần Thơ, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc.

Biểu đồ dòng vốn FDI tiếp tục chảy vào Việt Nam năm 2021 (Ảnh: Trí Thức VN)

Chợ chứng khoán hút dòng tiền từ dân

Khởi động phiên giao dịch đầu tiên của năm 2021 ở mức 1120, VNIndex chốt phiên ngày 29/12 ở mức 1485. Với mức tăng trưởng 32,58%, VN-Index nằm trong top những chỉ số chứng khoán lên tăng mạnh nhất hành tinh. Không chỉ tăng mạnh về chỉ số chung, thị trường chứng khoán Việt Nam còn đạt kỷ lục về giá trị giao dịch, mức tăng trưởng quy mô thị trường. Mức thanh khoản trung bình trong tháng 11 đạt 32.601 tỷ đồng/phiên, gấp 5 lần mức thanh khoản trung bình cả năm 2020.

Thị trường năm 2021 cũng chứng kiến dòng tiền ồ ạt rút khỏi thị trường của khối ngoại. Chỉ trong vòng 11 tháng, khối ngoại đã bán ròng 61.607 tỷ đồng (khoảng 2,7 tỷ USD), gấp 4 lần lượng bán ròng trong cả năm 2020 (15.214 tỷ đồng).

Thị trường chứng khoán Việt Nam tăng nhờ dòng tiền từ các nhà đầu tư cá nhân. (Ảnh: Trí Thức VN)

Ngược chiều với các nhà đầu tư chuyên nghiệp nước ngoài, năm 2021, chứng khoán Việt Nam lại sôi động bởi một lượng lớn nhà đầu tư cá nhân trong nước (F0) mới gia nhập thị trường.

Tính đến hết tháng 11 đã có tới 1,3 triệu tài khoản chứng khoán mới được mở (gấp 4 lần số tài khoản mở mới trong 4 năm 2017-2020 cộng lại). Hơn 3,7 triệu tài khoản chứng khoán, nhưng chỉ có hơn 2000 mã cổ phiếu niêm yết, người mua không có nhiều lựa chọn trên thị trường. Giá cổ phiếu liên tục được đẩy lên đã hút dòng tiền lớn từ trong dân đổ vào đầu tư chứng khoán.

Liên tục mua ròng từ đầu năm, khối các nhà đầu tư cá nhân trong nước đã đổ vào thị trường chứng khoán lũy kế trên 84.000 tỷ đồng. Không chỉ phủ kín chỗ trống rút ra của dòng vốn ngoại, dòng tiền của các nhà đầu tư cá nhân trong nước còn đẩy VN-Index tăng cao kỷ lục, mà nhóm hưởng lợi chính là các cổ phiếu ngân hàng, bất động sản. Điều đáng nói là tỷ lệ tiền vay để mua chứng khoán thông qua công cụ margin (các công ty chứng khoán cho nhà đầu tư vay) là rất cao. Ước tính vào cuối quý 3/2021, dư nợ cho vay trên toàn thị trường (chưa bao gồm cho vay 3 bên) đã lên tới 155.000 tỷ đồng.

Dòng tiền đổ vào giao dịch chứng khoán gấp 4 lần mức giao dịch bình quân năm 2020, gấp 8 lần năm 2021 (Ảnh: Trí Thức VN)

Mô hình kinh doanh Lan đột biến “MẤT”

Tháng 3/2021, cộng đồng mạng dậy sóng khi anh Bùi Hữu Thanh (chủ vườn lan var tại Quảng Ninh) công bố giao dịch thành công giống lan đột biến Ngọc Sơn Cước với giá 250 tỷ đồng. Đây chỉ là một trong những giao dịch khủng được cộng đồng chơi lan var công bố để thu hút người tham gia. Mơ ước làm giàu nhanh chóng, nhiều người đã dồn tiền để mua các kie lan đột biến nhằm đầu cơ, nhân giống, bán thu lãi.

Tuy nhiên sau vài tháng đình đám, các giao dịch lan đột biến giá khủng cũng đột nhiên biến mất để lại nhiều người dân ngậm đắng nuốt cay với những cây lan tiền tỷ không ai tiêu thụ.

(Ảnh: Trí Thức VN)

TP.HCM – Kinh tế suy giảm, thu ngân sách vẫn vượt dự toán

Tp.HCM, nơi bị đại dịch COVID-19 tác động tiêu cực nhất, sâu rộng nhất, nhưng tổng thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2021 không hề giảm. Tính chung 11 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách ước tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn thu tăng chủ yếu từ kết quả kinh doanh khả quan của các doanh nghiệp bất động sản, tài chính ngân hàng, chứng khoán. Trong đó, Sàn giao dịch HOSE nằm tại Tp.HCM đã có mức tăng trưởng nóng trong năm 2021. Lũy kế 10 tháng đầu năm 2021, tổng giao dịch trên sàn HOSE đạt 4.148.950 tỷ đồng tăng 363% so với cùng kỳ năm trước, góp phần giữ vững nguồn thu ngân sách cho thành phố trong khi các lĩnh vực kinh doanh, sản xuất, dịch vụ khác đều suy giảm.

Trị số lạm phát và đồng tiền thực

(Ảnh: zah108 / Shutterstock)

Chỉ số tiêu dùng cả năm 2021 dừng ở mức 1,84%, thấp hơn nhiều mức kế hoạch dưới 4%. Giá cả các mặt hàng gần như giữ nguyên, duy chỉ có lương thực (tăng 5%) và xăng dầu tăng cao (tăng 10%). Tuy nhiên, dịch bệnh cũng khiến nhu cầu tiêu thụ hàng hoá giảm mạnh nên người dân sẽ không thấy tác động của việc tăng giá một số mặt hàng thiết yếu.

Ngược với sự ổn định của giá cả các mặt hàng tiêu dùng, giá các mặt hàng nhiên, nguyên liệu đầu vào sản xuất liên tục tăng từ đầu năm. Ví dụ, phân bón tăng từ 200-300%, thép tăng hơn 40%, điện nước đều tăng theo lộ trình … gây sức ép lớn lên các nhà sản xuất. Nhiều ngành sản xuất đang mắc kẹt giữa túi tiền ngày càng eo hẹp của người dân và chi phí sản xuất không ngừng tăng cao.

Kết luận: Những dị tượng kinh tế diễn ra trong thời gian ngắn hạn cho thấy động thái sắp xếp lại của các nguồn lực kinh tế. Sự minh bạch thông tin rất cần thiết để các nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân lựa chọn các phương án tối ưu, tránh đổ vỡ có tính liên hoàn.

Ghi chú:

(*) Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 15/12/2021, cả nước đã có khoảng 2,2 triệu người trở về địa phương do ảnh hưởng của đợt dịch COVID-19 lần thứ tư, trong đó về từ Hà Nội là 447.100 người; từ TP.HCM là 524.000 người; từ các tỉnh phía Nam là 594.000 người và từ các tỉnh, thành phố khác là 676.000 người.

Quang Dũng – Quang Minh

Xem thêm:

Quang Dũng - Quang Minh

Published by
Quang Dũng - Quang Minh

Recent Posts

Nhật Bản phát lệnh bắt cậu bé 14 tuổi người Trung Quốc vẽ bậy tại Đền Yasukuni

Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…

53 phút ago

ĐBQH: ‘Không nên áp thuế tiêu thụ đặc biệt với điều hòa’

Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…

60 phút ago

Chém người trong ký túc xá một trường đại học ở Hàng Châu

Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…

1 giờ ago

Đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng đầu năm 2025

Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…

2 giờ ago

BBC: Chuyên gia cảnh báo chiến tuyến Ukraine có thể sụp đổ

Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…

3 giờ ago

Hà Nội: 150 bộ hài cốt được phát hiện khi cải tạo hệ thống thoát nước

Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…

3 giờ ago