Y tế Việt Nam 2021: Năm kỷ lục về số cán bộ bị khởi tố do sai phạm ‘thổi giá’ thiết bị y tế
- Phạm Toàn
- •
Năm 2021 là năm kỷ lục về số lượng cán bộ ngành y bị khởi tố, bắt tạm giam, với ít nhất 25 người liên quan đến các vụ án lớn như: vụ “thổi giá kít xét nghiệm COVID-19” tại công ty Công ty cổ phần công nghệ Việt Á (công ty Việt Á); “Thổi giá thiết bị tại Bệnh viện Tim Hà Nội” gây thất thoát hơn 40 tỷ đồng; tiếp tục điều tra vụ “Thổi giá thiết bị y tế gấp gần 4 lần (từ 10 tỷ lên 39 tỷ đồng) tại Bệnh viện Bạch Mai”; sai phạm đấu thầu tại Bệnh viện mắt TP.HCM gây thiệt hại hơn 14 tỷ đồng…
Vụ thổi giá kít xét nghiệm COVID-19 tại công ty Việt Á: Nhiều giám đốc CDC các tỉnh bị khởi tố
Ngày 17/12, Bộ Công an quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về đấu thầu, gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Việt Á, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hải Dương và các đơn vị, địa phương liên quan. Đồng thời, ra các quyết định khởi tố, bắt tạm giam đối với ông Phan Quốc Việt (Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc công ty Việt Á), ông Phạm Duy Tuyến (Giám đốc CDC Hải Dương) và 5 bị can khác. Việc bắt giữ các bị can để điều tra về sai phạm trong việc đấu thầu bộ kit xét nghiệm COVID-19.
Bộ kit test này ra đời từ năm 2020 do Bộ KH&CN, Học viện Quân Y và Việt Á phối hợp nghiên cứu. Tổng kinh phí chi từ ngân sách cho nhiệm vụ này là 18,98 tỷ đồng.
Tổ chức chủ trì nhiệm vụ nghiên cứu là Học viện Quân y do PGS-TS Hồ Anh Sơn làm chủ nhiệm. Ông Phan Quốc Việt là thành viên nghiên cứu chính tham gia thực hiện.
Tháng 4/2020, Công ty Việt Á được Bộ Y tế cấp phép đăng ký lưu hành cho sản phẩm kit xét nghiệm COVID-19. Bộ Công an xác định ông Phan Quốc Việt đã lợi dụng tính cấp bách của dịch bệnh và nhu cầu để rao bán bộ kit test này cho các tỉnh, thành.
Đến nay, công ty Việt Á đã cung ứng kit xét nghiệm COVID-19 cho CDC và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành phố trên cả nước với doanh thu khoảng gần 4.000 tỷ đồng.
Nhằm thu lợi nhuận bất chính và chi tiền ngoài hợp đồng, bị can Việt cùng các nhân viên Việt Á nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào, xác định giá bán là 470.000 đồng/kit. Để được cung ứng trước thiết bị, thanh quyết toán theo giá do Việt Á đề nghị, bị can này còn thỏa thuận chi cho một số lãnh đạo các đơn vị mua hàng với số tiền lớn.
Bộ Công an cho biết đã làm rõ sai phạm trong việc Công ty Việt Á bán kit xét nghiệm cho CDC Hải Dương thông qua 5 hợp đồng với tổng giá trị 151 tỷ đồng. Bị can Việt còn chi tiền phần trăm ngoài hợp đồng cho ông Phạm Duy Tuyến, Giám đốc CDC Hải Dương gần 30 tỷ đồng.
Cơ quan điều tra (Bộ Công an) cũng đã phong tỏa, ngăn chặn, kê biên nhiều tài khoản, sổ tiết kiệm của ông Phan Quốc Việt và những người thuộc Công ty Việt Á trị giá trên 320 tỷ đồng, 100.000 USD, 20 bất động sản tại TP.HCM, Hà Nội và các địa phương khác…
Đáng chú ý, bộ kit xét nghiệm COVID-19 của công ty Việt Á không được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phê duyệt, nhưng trước đó ngày 26/4/2020, trang web của Bộ KH&CN đã công bố thông tin: “Bộ KIT xét nghiệm COVID-19 của Việt Nam sản xuất vừa được Tổ chức Y tế thế giới chấp thuận”.
Sau khi bị phát hiện chi tiết trên, trong ngày 20/12/2021, bản tin của Bộ KH&CN bị gỡ không kèm thông báo.
7 ngày sau (ngày 27/12), trên trang web của Bộ KH&CN, Bộ này lý giải việc công bố tin sai “WHO chấp thuận bộ kit xét nghiệm COVID-19 của Việt Nam” (do Công ty Việt Á sản xuất) là do tổng hợp thông tin từ… báo chí chính thống.
Cùng trong ngày, ông Lê Bá Trình, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, đề nghị cần “làm rõ trách nhiệm của Bộ KH&CN, Bộ Y tế liên quan tới việc Công ty Việt Á sản xuất và nâng khống giá kit xét nghiệm COVID-19 để trục lợi; phải làm rõ và xử lý các tổ chức, cá nhân đã đề xuất để khen thưởng Huân chương Lao động hạng ba cho Công ty Việt Á; những người đã thừa nhận, bao che, tạo điều kiện cho Việt Á thực hiện việc làm sai trái; các CDC, bệnh viện, trung tâm y tế tham gia phòng dịch đã cấu kết với Việt Á để tham nhũng hàng tỷ tới hàng chục tỷ đồng”.
Liên quan đến vụ việc, đến ngày 31/12, Bộ Công an quyết định khởi tố ông Nguyễn Minh Tuấn (cựu Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị & Công trình y tế, Bộ Y tế); ông Nguyễn Nam Liên (Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế); ông Trịnh Thanh Hùng (Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học & Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật, Bộ KH&CN) về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Bị cáo Nguyễn Văn Định (Giám đốc CDC Nghệ An); Nguyễn Thành Danh (Giám đốc CDC Bình Dương) và 7 bị cáo khác bị khởi tố về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
Trước đó, trả lời với báo chí nhà nước, đại diện CDC Nghệ An cho biết từ 2020 tới nay, địa phương này ký 4 gói thầu với Công ty Việt Á tổng trị giá 28 tỷ đồng, trong đó 2 gói thầu theo hình thức chỉ định với tổng số tiền hơn 18 tỷ đồng.
Với thông tin một số bị can là nhân viên của Công ty Việt Á khai đã chi “hoa hồng” cho một số người của CDC Nghệ An, ông Nguyễn Văn Định, Giám đốc CDC Nghệ An khi đó nói “mọi việc được thực hiện đúng quy định, không có tiêu cực”; “chưa bao giờ liên lạc với Phan Quốc Việt để bàn việc hưởng lợi trong mua sắm”.
Còn tại Bình Dương, tỉnh đã có ít nhất 4 lần chỉ định thầu Công ty Việt Á cung cấp vật tư y tế, với tổng số tiền hơn 40 tỷ đồng.
Hiện Bộ Công an đang tiếp tục điều tra vụ việc.
Cựu Bộ trưởng, cựu Thứ trưởng, Thứ trưởng Bộ Y tế bị kỷ luật
Ngày 11/11/2021, Bộ Công an đã hoàn tất hồ sơ, đề nghị truy tố 14 bị can liên quan đến vụ án “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh” xảy ra tại Công ty Cổ phần VN Pharma, trong đó có Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang…
Theo hồ sơ vụ án, Nguyễn Minh Hùng (cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc VN Pharma) nhận thấy thị trường có nhu cầu về thuốc chữa trị ung thư nên bàn với Võ Mạnh Cường (41 tuổi, cựu Giám đốc Công ty TNHH TM Hàng hải Quốc tế H&C) mua 838.000 hộp, 4 loại thuốc mang nhãn mác Health 2000 Canada giả về nguồn gốc, xuất xứ trị giá hơn 54 tỷ đồng để nhập khẩu vào Việt Nam tiêu thụ.
Theo kết luận điều tra, ông Cao Minh Quang với vai trò là Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội đồng xét duyệt, trực tiếp chủ trì điều hành họp xét duyệt, có thẩm quyền và trách nhiệm xem xét biên bản thẩm định, ý kiến của chuyên gia và thành viên Hội đồng xét duyệt để đưa ra quyết định cấp số đăng ký cho các thuốc. Trong đó, có 2 thuốc H2K Levofloxacin và H2K Ciprofloxacin.
Tuy nhiên, quá trình xét duyệt, quyết định cấp số đăng ký 2 loại thuốc này, ông Quang đã thiếu trách nhiệm khi xem biên bản thẩm định, không yêu cầu chuyên gia thẩm định, thành viên Hội đồng xét duyệt có trách nhiệm liên quan làm rõ mâu thuẫn trong ý kiến nhận xét của Tiểu ban pháp chế, không yêu cầu nghiên cứu, xem xét lại hồ sơ khi biên bản thẩm định có dấu hiệu tẩy xóa, thay đổi ý kiến.
Việc này dẫn đến hậu quả 2 loại thuốc trên được VN Pharma sử dụng số đăng ký nhập khẩu thuốc vào Việt Nam.
Với ông Trương Quốc Cường, theo kết luận điều tra, khi đó ông Cường là Cục trưởng Cục Quản lý dược đã duyệt, cấp phép nhập khẩu đối với thuốc H-Capita theo đơn hàng của VN Pharma, trong khi hồ sơ xin cấp phép nhập khẩu thuốc có một số điểm chưa thống nhất. Ông Cường có dấu hiệu chưa làm hết trách nhiệm với vai trò người đứng đầu, “gây thiệt hại hơn 50,6 tỷ đồng”.
Hôm 19/11, Ban Bí thư quyết định “khai trừ Đảng đối với ông Trương Quốc Cường”, vì ông Cường đã “vi phạm các nguyên tắc, quy chế, quy định của Đảng, vi phạm những điều đảng viên không được làm; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm pháp luật trong cấp phép cho thuốc giả nguồn gốc, xuất xứ lưu hành, gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí tiền, tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng đến Đảng, gây bức xúc xã hội, làm giảm uy tín tổ chức đảng, ngành Y tế và cá nhân ông Cường; để nhiều cán bộ bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự, cá nhân ông Cường bị xử lý hình sự”.
Ông Cường với cương vị Ủy viên Ban Cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Y tế (từ ngày 21/11 đến nay) và Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Quản lý dược các nhiệm kỳ 2010 – 2015, 2015 – 2020, Cục trưởng Cục Quản lý dược (từ ngày 1/8/2007 – 20/11/2016), cùng chịu trách nhiệm về vi phạm, khuyết điểm của Ban Cán sự đảng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016 – 2021.
Cùng ngày (19/11), Bộ Chính trị có quyết định kỷ luật cảnh cáo, đồng thời miễn nhiệm chức vụ Trưởng ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ TW đối với bà Nguyễn Thị Kim Tiến, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế vì “thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để Bộ Y tế và một số cơ sở khám, chữa bệnh vi phạm có hệ thống, kéo dài, gây hậu quả nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí tiền, tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng đến chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân, gây bức xúc trong xã hội…”.
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến phải chịu trách nhiệm chính, trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Cán sự đảng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016 – 2021 và Ban Thường vụ Đảng uỷ Bộ Y tế nhiệm kỳ 2015 – 2020.
Đến ngày 10/12, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã áp dụng lệnh “bắt tạm giam” ông Trương Quốc Cường.
Tiếp đến ngày 15/12, Ban Bí thư quyết định “cách tất cả chức vụ trong Đảng” đối với ông Cao Minh Quang.
“Thổi giá” thiết bị y tế tại Bệnh viện Tim Hà Nội gây thất thoát hơn 40 tỷ đồng
Ngày 13/5, Bộ Công an Việt Nam đã khởi tố, bắt tạm giam đối với 7 bị can, trong đó có cựu Phó giám đốc và nhiều cán bộ tại Bệnh viện Tim Hà Nội, về tội “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại điều 222 Bộ luật Hình sự.
7 người gồm: Hoàng Thị Ngọc Hưởng (cựu Phó giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội); Nguyễn Thị Dung Hạnh (Kế toán trưởng Bệnh viện Tim Hà Nội); Đoàn Trọng Bình (cựu Phó phòng vật tư Bệnh viện Tim Hà Nội); Nghiêm Tuấn Linh (cựu Phó phòng vật tư Bệnh viện Tim Hà Nội); Nguyễn Hồng Dũng (Phó Tổng Giám đốc kiêm Kế toán trưởng, Thẩm định viên); Trần Phú Hưng, Nguyễn Hồng Dũng (là Tổng giám đốc và Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư định giá AIC Việt Nam); Nguyễn Trung Dũng (chuyên viên thẩm định giá Công ty AIC Việt Nam).
Đến ngày 29/7, Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Phạm Huy Lập (Giám đốc); Phạm Thị Kim Oanh (Kế toán trưởng, Công ty Cổ phần Thiết bị y tế Hoàng Nga) về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt bị can để tạm giam.
Tiếp đó, đến ngày 19/10, Bộ công an quyết định khởi tố bị can, khám xét và cấm đi khỏi nơi cư trú về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 222 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, đối với ông Nguyễn Quang Tuấn, cựu Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng mua sắm Bệnh viện Tim Hà Nội.
Cùng tội danh, Bộ công an khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Đức Đảng, Chủ tịch HĐQT Công ty thiết bị y tế Hoàng Nga.
Ngày 9/12, Bộ Công an đã ra quyết định hủy bỏ biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú, ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với bị can Nguyễn Quang Tuấn.
Trong vụ án này, Bộ Công an xác định các bị can nguyên là lãnh đạo, cán bộ Bệnh viện Tim Hà Nội đã câu kết với nhà thầu, định giá làm tăng chi phí vật tư, thiết bị y tế tại 2 gói thầu, gây thiệt hại hơn 40 tỷ đồng; ảnh hưởng đến hoạt động khám chữa bệnh, gây bức xúc trong dư luận.
Bộ Công an cho rằng ông Nguyễn Quang Tuấn đã ký một số văn bản có liên quan nhưng trách nhiệm đến đâu còn phải chờ kết quả điều tra cụ thể.
Tiếp tục điều tra vụ thổi giá thiết bị y tế gấp gần 4 lần (từ 10 tỷ lên 39 tỷ đồng) tại Bệnh viện Bạch Mai
Ngày 24/1/2021, Bộ Công an đã quyết định khởi tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo Điều 356 Bộ luật hình sự Việt Nam năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), đối với Lý Thị Ngọc Thủy (SN 1968, Phó trưởng Phòng Tài chính kế toán Bệnh viện Bạch Mai) và Phan Minh Dung (SN 1973, cựu Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thẩm định giá và Dịch vụ tài chính Hà Nội – VFS).
Việc khởi tố nằm trong quá trình điều tra mở rộng vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai, Công ty Cổ phần Công nghệ y tế BMS (công ty BMS) và các đơn vị liên quan trong việc “thực hiện các đề án lắp đặt máy, thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai theo hình thức xã hội hóa”.
Trước đó, năm 2020, Bộ Công an quyết định khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Quốc Anh, cựu Giám đốc, ông Nguyễn Ngọc Hiền, cựu Phó Giám đốc và bà Trịnh Thị Thuận, cựu Kế toán Trưởng bệnh viện Bạch Mai, để điều tra về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Ngoài ra, 3 người khác cũng bị khởi tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, gồm ông Phạm Đức Tuấn, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty BMS; Ngô Thị Thu Huyền, Phó giám đốc Công ty BMS; Trần Lê Hoàng, Thẩm định viên Công ty VFS.
Theo cơ quan điều tra, từ đầu năm 2017, Bệnh viện Bạch Mai ký hợp đồng liên doanh liên kết với Công ty BMS, về việc đặt máy robot Rosa tại Khoa Phẫu thuật thần kinh, sọ não.
Các bên thống nhất máy robot Rosa có tổng giá trị 39 tỷ đồng, do Công ty BMS đầu tư 100% vốn khai thác theo dạng liên doanh liên kết tại Bệnh viện Bạch Mai trong thời hạn 7 năm (2017 – 2024).
Tuy nhiên theo trích xuất thông tin từ hải quan, máy robot Rosa được Công ty BMS nhập khẩu vào chỉ với giá gần 7,6 tỷ đồng. Cộng với chi phí đào tạo, chuyển giao công nghệ, máy ước tính khoảng 10 tỷ đồng.
Như vậy, với việc thổi khống giá trị máy lên gấp 4 lần giá trị thực, Công ty BMS và Bệnh viện Bạch Mai đã thu của bệnh nhân số tiền cao gấp nhiều lần số tiền họ phải trả. Trong đó, một ca phẫu thuật theo thiết bị này chỉ khoảng 4 triệu đồng nhưng đã bị đội lên thành 23 triệu đồng.
Thống kê, từ năm 2017-2019, có hơn 500 ca bệnh sử dụng thiết bị này, số tiền chênh lệch hưởng lợi chiếm đoạt của người bệnh là 10 tỷ đồng.
Vụ án này được Bộ Công an Việt Nam xác định có tính chất đặc biệt nghiêm trọng.
Sai phạm đấu thầu tại Bệnh viện mắt TP.HCM gây thiệt hại hơn 14 tỷ đồng
Ngày 8/2/2021, Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Minh Khải (cựu Giám đốc), Võ Thị Chinh Nga (cựu Phó Giám đốc), Phí Duy Tiến (cựu Phó Giám đốc) và Nguyễn Quốc Toản (cựu Trưởng Khoa phẫu thuật, gây mê hồi sức) Bệnh viện Mắt TP.HCM, để điều tra cùng hành vi “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, theo khoản 3 Điều 222 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Đến ngày 24/11, Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam thêm 4 bị can gồm: Nguyễn Trí Dũng (SN 1965, Phó Giám đốc), Phan Thị Bích Hạnh (SN 1971, Trưởng Phòng Tài chính – Kế toán), Nguyễn Đỗ Nguyên (SN 1962, Trưởng Khoa Tổng hợp) và Lương Ngọc Tuấn (SN 1965, Phó trưởng Khoa Khám mắt) thuộc Bệnh viện Mắt TP.HCM để điều tra về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
Theo cơ quan điều tra, năm 2018, Bệnh viện Mắt TP.HCM tổ chức thực hiện gói thầu “Mua sắm thủy tinh thể nhân tạo đơn tiêu năm 2018”.
Một số cá nhân là lãnh đạo bệnh viện này đã làm trái quy định của pháp luật về đấu thầu để loại mặt hàng thủy tinh thể nhân tạo tương đương, đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật và có giá dự thầu thấp nhất, rồi mua các mặt hàng thủy tinh thể có giá dự thầu cao, gồm: thủy tinh thể nhân tạo CT Asphina 509M (3,1 triệu đồng/cái), CT Asphina 509MP (3,6 triệu đồng/cái), CT Lucia 601PY (3,4 triệu đồng/cái) và CT Lucia 201P (3 triệu đồng/cái).
Việc làm trái pháp luật này dẫn đến BHYT và người bệnh phải chi trả thêm phần chênh lệch cao hơn khi Bệnh viện Mắt TP.HCM lựa chọn mặt hàng thủy tinh thể có giá cao hơn trúng thầu trái quy định.
Bộ Công an xác định vụ án đã gây thiệt hại hơn 14,2 tỷ đồng, trong đó gây thiệt hại cho Quỹ BHYT 5,2 tỷ đồng, người bệnh có BHYT 7,1 tỷ đồng và người bệnh không có BHYT hơn 1,8 tỷ đồng.
Sở y tế Sơn La: Thổi giá thiết bị y tế, gây thiệt hại hơn 4,8 tỷ đồng
Ngày 17/2, Công an tỉnh Sơn La quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam 4 bị can để điều tra về hành vi “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, gồm: ông Sa Văn Khuyên (cựu phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Sơn La); Bùi Thị Hoa (cựu trưởng phòng kế hoạch – tài chính Sở Y tế tỉnh); Mai Anh Tuấn (chuyên viên phòng kế hoạch – tài chính Sở Y tế tỉnh) và Bùi Thị Thu (giám đốc Công ty cổ phần Thiết bị và công nghệ Hưng Phát).
Ngày 17/3, Viện KSND tỉnh Sơn La phê chuẩn khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam bà Nguyễn Thị Kim An (cựu giám đốc Sở Y tế Sơn La), điều tra về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại khoản 3, điều 360 Bộ luật hình sự.
Tại phiên tòa ngày 29/12, TAND tỉnh Sơn La tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Kim An và Sa Văn Khuyên 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo. Các bị cáo khác bị tuyên từ 3 năm tù cho hưởng án treo đến 8 năm tù giam.
Theo cáo trạng, năm 2019 Sở Y tế tỉnh Sơn La được giao dự toán thu chi ngân sách cho các đơn vị thuộc Sở, trong đó có kinh phí mua sắm trang thiết bị y tế tuyến cơ sở với số tiền 10 tỷ đồng.
Dù không đủ năng lực, kinh nghiệm trong mua bán thiết bị y tế nhưng vì lợi nhuận, bị cáo Bùi Thị Thu đã thông đồng với Bùi Thị Hoa và Trần Minh Đức lập 2 bộ hồ sơ dự thầu “quân xanh” tham gia đấu thầu nhằm để Công ty Hưng Phát trúng thầu, nâng giá thiết bị y tế cao hơn thực tế bán cho Sở Y tế.
Theo VKSND Sơn La, có 107 thiết bị y tế do Công ty Hưng Phát giao không đúng danh mục. Ngoài ra, 41 thiết bị khác gồm máy siêu âm, máy theo dõi bệnh nhân, điện tim… trị giá hơn 1,7 tỷ đồng, nhưng Sở Y tế tỉnh Sơn La mua ở mức hơn 5,6 tỷ đồng. Tổng cộng, trong số 2.534 thiết bị thuộc gói thầu, có 148 thiết bị được nâng giá hoặc không đúng danh mục, gây thiệt hại hơn 4,8 tỷ đồng.
Khởi tố Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ
Tháng 3/2021, Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án, quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét và áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với 11 bị can, trong đó có ông Cao Minh Chu (Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ), bà Bùi Thị Lệ Phi (nguyên Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ).
Bộ Công an xác định các bị can có “hành vi vi phạm quy định pháp luật về đảm bảo công bằng, minh bạch trong đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế tại Sở Y tế Cần Thơ, gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản Nhà nước”.
Trước đó, ngày 7/1/2021, Bộ Công an có văn bản gửi UBND TP. Cần Thơ đề nghị cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan để xác minh việc có dấu hiệu sai phạm trong đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế tại hai gói thầu, gồm: Gói thầu số 1 Hệ thống DSA hai bình diện tại Bệnh viện Tim mạch và Gói thầu số 5 Trang thiết bị chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Nhi đồng TP. Cần Thơ, thuộc Sở Y tế TP. Cần Thơ.
Được biết, ngày 5/11/2019, Bệnh viện Tim mạch TP. Cần Thơ đã khánh thành phòng can thiệp tim mạch với tổng kinh phí đầu tư khoảng 56 tỷ đồng, bao gồm cơ sở vật chất và trang thiết bị, trong đó hệ thống máy chụp mạch kỹ thuật số xóa nền (DSA) hai bình diện được cho là hiện đại nhất Đồng bằng sông Cửu Long…
Ngoài hàng loạt các vụ án trên, trong năm 2021, ngành y tế còn xảy ra các vụ như: ông Doãn Hữu Long – cựu giám đốc Sở Y tế và 11 người khác bị truy tố về hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, vì sai phạm trong đấu thầu thuốc, gây thiệt hại hơn 2 tỷ đồng; Lập khống hồ sơ bệnh án của 21 bệnh nhân và xuất toán kinh phí hơn 1 tỷ đồng, ba cán bộ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam bị bắt; Kỷ luật “Cách chức” đối với ông Vương Văn Tịnh, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, liên quan đến vụ việc “Mua bán, tàng trữ, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” xảy ra tại Khoa Phục hồi chức năng và Y học cổ truyền, thuộc Bệnh viện…
Ngọc Long (t/h)
Xem thêm:
Từ khóa CDC Nghệ An Bệnh viện Bạch Mai CDC Hà Nội nâng khống giá thiết bị y tế Bệnh viện Tim Hà Nội