Mỏ cát trên sông Tiền (huyện Chợ Mới, An Giang) có trữ lượng khoảng 2,4 triệu khối cát được niêm yết giá khởi điểm 7,2 tỷ đồng. Một doanh nghiệp tại TP.HCM đã trúng đấu giá mỏ cát này với số tiền gần 2.812 tỷ đồng.
Hôm 10/4, báo chí Việt Nam cho biết giới chức An Giang xác nhận Trung tâm bán đấu giá tài sản thuộc Sở Tư pháp tổ chức bán đấu giá khoáng sản cát sông tại 2 mỏ cát trên sông Tiền và sông Hậu.
Theo đó, mỏ cát trên sông Hậu (thuộc xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú) có trữ lượng khoảng 1,5 triệu khối cát, giá khởi điểm là 4,4 tỷ đồng. Qua đấu giá, mỏ cát này được Công ty TNHH Phúc Thành Tân Châu (địa chỉ ấp Vĩnh An, xã Vĩnh Hòa, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang) trúng đấu giá với mức giá gần 273 tỷ đồng, cao hơn 62 lần so với giá khởi điểm.
Riêng mỏ cát trên sông Tiền có trữ lượng khoảng 2,4 triệu khối cát được niêm yết giá khởi điểm 7,2 tỷ đồng, có 19 doanh nghiệp nộp đơn tham gia đấu giá quyền khai thác. Trong đó, Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ T-S.HOME (quận 7, TP.HCM) đã trúng đấu giá với số tiền gần 2.812 tỷ đồng, tăng hơn gấp 390 lần so với giá khởi điểm.
Báo Vnexpress dẫn lời ông Nguyễn Việt Trí, giám đốc Sở TN-MT An Giang đánh giá kết quả đấu giá mỏ cát này là “quá bất thường”, bởi nếu tính giá cát là 67.500 đồng, nhân với trữ lượng 2,4 triệu m3 (được khai thác tối đa là 12 năm, mỗi năm 200.000 tấn) thì số tiền đấu giá tới 2.811 tỷ đồng là không hợp lý.
Với cách tính trên, theo ông Trí, doanh nghiệp chỉ cần bỏ ra khoảng 145 tỷ đồng là có thể nhận quyết định trúng đấu giá.
Báo Zing đặt vấn đề về khả năng cát bồi lắng thêm trong vài năm tới và giá cát sẽ cao gấp hàng chục lần so với hiện nay. Ông Trí nói cát ở khu vực thượng nguồn có thể tăng thêm tại mỏ, còn những mỏ hạ nguồn như trường hợp này thì phải chờ rất lâu.
Một chủ doanh nghiệp chuyên về kinh doanh khai thác cát tại An Giang nói trên báo Thanh Niên, đối với mỏ cát có trữ lượng gần 3 triệu m3 nhưng đấu giá lên đến hơn 2.800 tỷ đồng để khai thác là chuyện quá “sốc” đối với giới kinh doanh khai thác cát. Đây là giá trúng quyền khai thác mỏ cát cao nhất từ trước đến nay tại An Giang. “Đối với giá đấu cao như thế, theo tôi sẽ rất khó có lãi, dù cho cát hiện nay rất hút”, người này nói.
Ông Lê Hữu Phước – giám đốc Công ty TNHH MTV Tân Lê Quang (doanh nghiệp tham gia đấu giá quyền khai thác tại mỏ cát trên sông Tiền) cho rằng với giá cát hiện tại thì mỏ cát sông Tiền có giá 100 tỷ đồng đã lỗ vốn rồi. “Còn doanh nghiệp bỏ giá quá cao và trúng thầu như vậy thì có thể còn có mục đích, dự tính gì khác nữa chăng. Chẳng hạn như sử dụng quyết định trúng thầu này để đấu thầu các công trình xây dựng khác”, ông Phước nói trên báo Tuổi Trẻ.
Ông Nguyễn Thanh Bình, chủ tịch tỉnh An Giang, cho rằng việc đấu giá “có dấu hiệu bất thường” nên đã yêu cầu các ngành liên quan kiểm tra, tính toán lại, tránh trường hợp đấu thầu ảo.
Hiện giám đốc Công ty TNHH thương mại và dịch vụ T-S.Home là ông Hồ Quang Thái Dũng chưa lên tiếng về vụ việc này.
Hoàng Minh
Xem thêm:
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…
Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…