Categories: Kinh Tế

Big4 vướng vào bê bối kiểm toán dưới chế độ ĐCSTQ

2 trong số 4 tập đoàn kiểm toán lớn nhất thế giới (Big4) đang phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ tại Trung Quốc liên quan đến các phi vụ kiểm toán với khách hàng tại quốc gia này.

Vào tháng 2, một nhân viên tại chi nhánh Deloitte, Trung Quốc đã chuyển một bản báo cáo PowerPoint dài 55 trang cho những người khác trong cùng công ty. Bài báo cáo phân tích các vi phạm bị cáo buộc về quy trình kiểm toán và giám sát của Deloitte đối với khách hàng Trung Quốc. Những thông tin này đã lan truyền trên mạng xã hội Weibo và Zhihu; nhiều người bình luận trực tuyến bày tỏ sự ủng hộ đối với “người thổi còi” (whistleblower) và kêu gọi chính phủ phải điều tra các hoạt động kiểm toán.

Bản báo cáo, được một nhân viên Deloitte giấu tên tại Bắc Kinh, người tự gọi mình là YW, soạn thảo và trình bày chi tiết những vấn đề kiểm toán tồn tại từ năm 2016 tới nay và liên quan đến 10 khách hàng của công ty.

Một số cáo buộc cho thấy những nhà quản lý cấp cao của Deloitte đã không tuân thủ các quy trình kiểm toán chính thức. Ví dụ: trong quá trình làm việc với RYB Education – một công ty được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán New York, “người thổi còi” YW đã phát hiện ra thông tin trong báo cáo kiểm toán không trùng khớp với các biên lai và chứng từ thực tế do RYB Education cung cấp, tuy nhiên kiểm toán viên được thông báo rằng họ “không cần phải quá cẩn thận, [và] chỉ cần điền [các con số] một cách tùy ý”.

Cũng một trường hợp khác về RYB Education, kiểm toán viên nhận thấy một số chi phí mà công ty kê khai lại không liên quan đến các hoạt động kinh doanh, mà là chi phí tiêu dùng và mua sắm cá nhân ở nước ngoài của ban quản trị, bao gồm cả học phí chơi gôn trả cho con của nhà sáng lập công ty tại New York. Sau khi nêu những vấn đề này lên ban quản lý cấp cao, “người thổi còi” YW cho biết rằng các nhà lãnh đạo và đối tác của Deloitte không cảm thấy cần thiết phải điều tra thêm.

YW cũng cáo buộc phía đối tác phụ trách kiểm toán RYB của Deloitte đã nhận một thẻ quà tặng dịch vụ thẩm mỹ trị giá hàng chục nghìn nhân dân tệ cũng như tăng chi phí kiểm toán đối với RYB, đổi lại việc che đậy một số vấn đề cho khách hàng. Bài phân tích của YW chỉ rõ hành vi này uy hiếp đến tính độc lập của kiểm toán viên trong công việc.

Bản thân khách hàng của Deloitte, tập đoàn RYB Education trong quá khứ đã có những sai phạm rõ ràng. Năm 2017, nhà cung cấp dịch vụ giáo dục này bị cáo buộc lạm dụng trẻ em tại một nhà trẻ Bắc Kinh, sau khi truyền thông nhà nước Trung Quốc, tờ Tân Hoa Xã đưa tin trẻ em bị lạm dụng tình dục và bị kim đâm.

Những khách hàng khác được nêu tên trong bản báo cáo bao gồm Sinotrans, công ty con của tập đoàn nhà nước China Merchants Group, LG CNS Trung Quốc, công ty con của tập đoàn LG Hàn Quốc và tập đoàn đầu tư China Boqi Environmental.

“Việc Deloitte dung túng, đồng lõa, giấu diếm và bao che những nhân viên có liên quan đến các vấn đề về chất lượng kiểm toán đã gây tổn hại nghiêm trọng đến chuẩn mực của thị trường tài chính trong và ngoài nước, ảnh hưởng đến chất lượng báo cáo kiểm toán và mang lại rủi ro lớn cho các quyết định đầu tư”, tác giả bài báo cáo kết luận.

Ngày 5/2, Deloitte tuyên bố họ đã biết về các nội dung cáo buộc và đã rà soát lại nội bộ công ty, tuy nhiên họ “không tìm thấy bằng chứng nào ảnh hưởng đến tính thỏa đáng trong công tác kiểm toán” của mình.

Bản báo cáo cũng thu hút sự chú ý của các cơ quan quản lý Trung Quốc. Bộ Tài chính Trung Quốc được cho là đã triệu tập một cuộc họp với ban quản lý của chi nhánh Deloitte tại nước này.

Deloitte, một trong những công ty kiểm toán lớn nhất thế giới, cùng với PricewaterhouseCoopers (PwC), KPMG và Ernst & Young (EY). Đây không phải là tập đoàn “Big4” duy nhất vướng vào bê bối ở Trung Quốc. Ernst & Young cũng đang đối mặt với những cáo buộc liên quan đến nghiệp vụ kiểm toán cho các khách hàng lớn tại quốc gia này. Tờ Telegraph nước Anh đưa tin, một “người thổi còi” buộc tội các nhà quản lý cấp cao của EY đã cố tình “làm ngơ” khi khách hàng lớn Xinwei Group của họ không cung cấp thông tin về một giao dịch đầu tư cổ phiếu rủi ro trong quá trình kiểm toán.

Vẫn còn nhiều tranh cãi xoay quanh việc liệu các vi phạm này có đủ trọng yếu để thay đổi kết luận kiểm toán về báo cáo tài chính của những công ty khách hàng này hay không. Tuy nhiên bản cáo buộc đã đưa ra một cái nhìn sâu hơn về những bí mật và sự phức tạp của ngành kiểm toán; điều này giúp cải tiến các quy định, cho thấy sự cần thiết về một quy trình giám sát chặt chẽ đối với đạo đức nghề nghiệp của các kiểm toán viên.

Dịch vụ kiểm toán “phiên bản” Trung Quốc

Một số góc nhìn có thể giúp phân tích tại sao những cáo buộc kiểm toán này lại bất ngờ phát sinh ở Trung Quốc.

Đầu tiên, ai cũng biết rằng trong mùa cao điểm cuối năm tài chính, các kiểm toán viên vô cùng bận rộn và họ cần phải kiểm định hàng trăm, nếu không muốn nói là hàng nghìn tài liệu mỗi tuần. Theo nhân viên giấu tên của một công ty Big4 tại New York, ở cấp độ nhỏ, những vi phạm không mang tính trọng yếu là khá phổ biến, và so với việc dành thời gian đào sâu vào những vấn đề phát sinh, các kiểm toán viên cấp cao phải ưu tiên việc đảm bảo đúng tiến độ kiểm toán hơn.

Nguồn tin này cho biết, họ sẽ thực sự “cho qua” một số vấn đề nếu chúng được coi là quá tiểu tiết để có thể khiến kết quả chung của cuộc kiểm toán hoặc tính toàn vẹn của các báo cáo tài chính bị thay đổi.

Tuy nhiên các sai phạm nhỏ nhặt có thể xếp chồng lên nhau thành sai phạm lớn. Đây là một trong những lý do tại sao chất lượng của các tập đoàn kiểm toán hàng đầu vẫn bị đặt dấu hỏi. EY đang phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ tại châu Âu sau sự sụp đổ của Wirecard, một công ty cung cấp dịch vụ thanh toán tại Đức. Năm 2020, KPMG bị kiện ở Anh vì đã kiểm toán cho một tập đoàn xây dựng khổng lồ bị phá sản sau đó.

Trong báo cáo mới nhất của mình, Ủy ban Giám sát Kế toán Công ty Đại chúng Hoa Kỳ (PCAOB) —cơ quan giám sát kiểm toán ngành — đã phát hiện rằng vào năm 2020, 30% các cuộc kiểm toán của PwC và KPMG có những sai sót đáng kể, con số này đối với EY và Deloitte lần lượt là 18% và 10%.

Tình trạng trên tại Trung Quốc lại càng đặc thù.

Đã có một loạt bê bối tài chính liên quan đến các doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết tại Hoa Kỳ, đáng chú ý nhất là chuỗi cà phê Trung Quốc Luckin Coffee, đã bị hủy niêm yết khỏi sàn Nasdaq vào năm 2020 sau khi công ty bị phát hiện có hành vi bán hàng giả. Các tập đoàn Trung Quốc khác được niêm yết tại Hoa Kỳ, bao gồm TAL Education Group và iQiyi, đã bị những “người thổi còi” nhắm đến và trở thành mục tiêu của các phi vụ bán khống vì những cáo buộc về sai phạm trong báo cáo tài chính và kế toán.

Các tập đoàn lớn được Big4 tại Trung Quốc kiểm toán đã không cung cấp thông tin cho PCAOB hoặc Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC). Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) coi các báo cáo kế toán và hồ sơ tài chính của những công ty này là “bí mật nhà nước”.

Tuy nhiên các nhà làm chính sách tại Hoa Kỳ đã bắt đầu lên tiếng. Đạo luật yêu cầu các công ty nước ngoài chịu trách nhiệm (The Holding Foreign Companies Accountable Act) được ban hành vào tháng 12/2020 đã buộc các tập đoàn này phải chịu sự kiểm tra của PCAOB nếu không sẽ bị hủy niêm yết.

Rủi ro về sự can thiệp tùy tiện của chính phủ và sự ‘hợp tác’ chặt chẽ của các giám đốc điều hành đối với chế độ ĐCSTQ còn đặt ra một thách thức khác, một rào cản khó vượt qua hơn, là khả năng tiếp cận những tài liệu cần thiết cho quy trình kiểm toán.

Các tập đoàn Trung Quốc, thậm chí cả các công ty tư nhân, vẫn phải ngầm báo cáo với các ‘cấp trên’ và chi bộ Đảng ở địa phương. Hầu hết mọi công ty tại Trung Quốc đều có nhân viên cũng đồng thời là đảng viên; ngoài nghĩa vụ đối với công ty, họ còn phải trực tiếp ‘báo cáo mật’ với ĐCSTQ. Đó là một trong những lý do chính khiến Huawei – một công ty thuộc sở hữu tư nhân – có thể gây ra rủi ro an ninh quốc gia cho Hoa Kỳ.

Theo một báo cáo gần đây của Telegraph, có hàng nghìn đảng viên ĐCSTQ được Big4 cũng như các đối tác của họ tuyển dụng. EY và Deloitte, mỗi công ty đã tiếp nhận hơn 800 thành viên ĐCSTQ.

Bà Yang Jie, một đối tác của KPMG Trung Quốc, trên trang Web ca ngợi chế độ cai trị của đất nước này, đã phát biểu rằng: “chúng tôi thường có những buổi tổ chức để học hỏi tinh thần của Đảng, và Chủ tịch Tập Cận Bình đã nghĩ đến việc cải tiến và trang bị kỹ thuật cho chúng tôi.” Tờ Telegraph đưa tin, bà này cũng tham gia Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 19 vào năm 2017 với tư cách là đại diện danh dự.

Sự thật này cũng không phải là điều gì quá mới mẻ. Hầu như bất kỳ nhân vật có ảnh hưởng nào ở Trung Quốc đều là thành viên của ĐCSTQ, bao gồm cả các giám đốc điều hành và doanh nhân giàu có (chẳng hạn như Jack Ma).

Tuy nhiên, chúng ta biết rằng ĐCSTQ đòi hỏi sự trung thành tuyệt đối từ các thành viên và việc ưu tiên lợi ích của Đảng là tối quan trọng. Điều này khiến vai trò của các kiểm toán viên tại Trung Quốc trở nên rất phức tạp, khi nhiệm vụ được ủy thác của họ vốn dĩ là phục vụ thị trường đại chúng và cổ đông độc lập của những công ty mà họ kiểm toán, chứ không phải là báo cáo cho ĐCSTQ.

Vy An (Theo The Epoch Times)

Xem thêm:

Vy An

Published by
Vy An

Recent Posts

BBC: Chuyên gia cảnh báo chiến tuyến Ukraine có thể sụp đổ

Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…

14 phút ago

Hà Nội: 150 bộ hài cốt được phát hiện khi cải tạo hệ thống thoát nước

Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…

40 phút ago

Nghiên cứu: Kẽm giúp chống lại tình trạng kháng kháng sinh ở vi khuẩn

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…

1 giờ ago

Tổng thống Putin cảnh báo sẽ trả đũa các quốc gia cung cấp vũ khí tấn công Nga

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…

2 giờ ago

Ông Trump chọn bà Pam Bondi là ứng cử viên mới cho chức tổng chưởng lý Hoa Kỳ

Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…

2 giờ ago

Gia Lai: Hiệu trưởng nhiều ngày không đến trường, giáo viên huyện biên giới bị chậm lương

Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…

2 giờ ago