Chúng ta thường nghe những từ như “nghiên cứu cho thấy…” hay “các nhà khoa học nói rằng…” để chứng minh cho tính logic của các quyết định. Những nhà hoạch định chính sách dùng chúng. Các nhà hoạt động xã hội dùng chúng. Từ những người đi mua sắm chọn sản phẩm hữu cơ cho đến những bà mẹ quyết định loại nước uống an toàn cho đứa con của mình…
Nhưng một vài nghiên cứu được tài trợ bởi các tổ chức với lợi ích rõ ràng – họ sẽ muốn một kết quả nghiên cứu nào đó. Và có nhiều cách để “xào nấu” nghiên cứu nhằm cho ra kết luận mong muốn, phổ biến nhất là qua việc phân tích và thể hiện dữ liệu, có thể cố ý hay vô ý làm méo mó kết quả.
Công chúng cần hiểu rõ rằng khoa học không chỉ là những kết luận hào nhoáng được báo chí tô vẽ trên tiêu đề bài viết.
Để xem một nghiên cứu có bị sai lệch hay không, cần biết được nó có mâu thuẫn lợi ích tiềm tàng hay không, theo Tim Schwab – một nhà nghiên cứu tại Tổ chức theo dõi Thực phẩm và Nước. Nhưng không phải lúc nào cũng đơn giản như thế.
Mặc dù các tạp chí khoa học thường yêu cầu tác giả nghiên cứu ghi rõ những mâu thuẫn lợi ích tiềm tàng, nhưng điều này không được thực hiện khắt khe chặt chẽ.
Các nghiên cứu bỏ qua thông tin trên không phải là hiếm, theo một nghiên cứu của Johan Diels tại Khoa công nghệ sinh học, ĐH Công giáo Bồ Đào Nha. Họ đã so sánh những nghiên cứu về biến đổi gen (GMO) được và không được công ty trong ngành tài trợ.
Trong 44 nghiên cứu được xác định có mâu thuẫn lợi ích về tài chính hay chuyên môn, 43 nghiên cứu đã cho ra kết quả có lợi cho nhà tài trợ.
Trong 94 nghiên cứu được xem xét, có 49 dự án là không nhận được tài trợ. 41 nghiên cứu có ít nhất một tác giả là có mối quan hệ với ngành kinh doanh liên quan.
Vào ngày 15/12, các nhà nghiên cứu tại Viện sinh học nông nghiệp Sophia của Pháp đã công bố nghiên cứu tiếp nối trên 672 bài viết về GMO:
“Chúng tôi thấy rằng, nếu có mâu thuẫn lợi ích, tỷ lệ nghiên cứu cho ra kết quả có lợi cho công ty biến đổi gen tăng lên 50%.”
Ngoài ra, thú vị thay, còn có một nghiên cứu nữa về mâu thuẫn lợi ích trong nghiên cứu GMO, nhưng bản thân nghiên cứu này lại có mâu thuẫn lợi ích. Tác giả của nó là Miguel Angel Sànchez đang làm việc cho ChileBio vốn nhận tiền tài trợ của các công ty GMO. Nghiên cứu này kết luận rằng mâu thuẫn lợi ích không phải là vấn đề đáng chú ý trong nghiên cứu GMO.
>> Cựu chuyên gia từng ủng hộ thực phẩm biến đổi gen: GMO nguy hiểm như thế nào?
Tiền tài trợ không nhất thiết làm cho nghiên cứu sai lệch và nó còn mang lại lợi ích để thúc đẩy khoa học, theo GS. Donald Siegel, ĐH Syracuse.
Siegel đã tiến hành rất nhiều nghiên cứu do Quỹ khoa học quốc gia và tổ chức môi trường Sierra Club tài trợ. Nhưng tên của ông đã xuất hiện trên báo chí khi ông tiến hành một nghiên cứu do công ty Chesapeake Energy tài trợ năm 2010.
Nghiên cứu này đã kết luận rằng, các quá trình tự nhiên, chứ không phải fracking, mới là nguyên nhân chính gây ô nhiễm các giếng nước ở đông bắc Pennsylvania. Tạp chí Khoa học Công nghệ Môi trường sau này đã phải đăng lời xin lỗi vì không tiết lộ công ty Chesapeake đã chi tiền cho Siegel.
Fracking: phương pháp kỹ thuật dùng nước dưới áp lực cao bắn vỡ đá để lấy dầu. Fracking không chỉ tốn nước, mà nước còn bị nhiễm hóa chất và rất độc hại. Nồng độ nhiễm cao đến nỗi các nhà máy xử lý cũng không lọc sạch được.
Siegel thừa nhận rằng việc không tiết lộ nguồn gốc tiền tài trợ là một sơ sót. Nhưng ông nói rằng tiền tài trợ quá ít nên ông không xem nó đáng kể. Chesapeake chỉ trả cho ông số tiền tương đương lương 1 tháng hè của giáo sư.
Ông nói rằng mình chưa bao giờ bị áp lực phải cho ra kết quả có lợi cho Chesapeake.
“Đó không phải tiền dơ bẩn, đó là tiền sạch để nghiên cứu cơ bản,” Siegel nói.
Chesapeake đã cho Siegel quyền tiếp cận chưa từng có tiền lệ với các mẫu nước gần nơi công ty hoạt động fracking. Siegel nói rằng việc hợp tác này là một lợi ích khi làm việc với các công ty trong ngành.
“Phải mất một thời gian để công ty Chesapeake tin tưởng tôi,” Siegel nói. Ông giải thích rằng công ty có lý do để e ngại các nhà nghiên cứu – những người có thể đào bới thông tin để chống lại họ.
Ví dụ, khi ĐH Duke hỏi Siegel về các mẫu nước lấy từ Chesapeake, Siegel và những người khác đã cáo buộc các nhà khoa học của ĐH Duke là có thành kiến với fracking.
“Dù dưới địa ngục có tuyết rơi thì tôi cũng sẽ chẳng đưa cho họ các mẫu nước,” Siegel nói. “Tôi ủng hộ triết lý chung của những người chống lại ngành xăng dầu, nhưng tôi không ủng hộ phương pháp của họ.”
Ông cũng cho rằng mối quan hệ giữa các công ty và giới hàn lâm là tốt, giúp các sinh viên có mối quan hệ và tìm được việc khi họ tốt nghiệp.
Khi đi qua khu Dịch vụ sinh viên Monsanto của ĐH Bang Iowa hay hội trường Monsanto của ĐH Missouri, bạn có thể thấy rõ các công ty như Monsanto đã để lại dấu ấn trong giới học thuật.
Nhà nghiên cứu Tim Schwab tại Tổ chức theo dõi Thực phẩm và Nước đã nhận được thông tin tiền tài trợ từ nhiều khoa nông nghiệp của các đại học Mỹ. Ông thấy rằng năm 2009, các công ty đã chi 800 triệu USD tiền tài trợ, so với 650 triệu USD của bộ Nông nghiệp Mỹ.
Bà Deni Elliott – GS. đạo đức học tại ĐH South Florida, cho rằng tiền tài trợ của các công ty đang làm méo mó đạo đức trong khoa học.
“Tôi thấy thú vị khi các trường học ‘dạy đạo đức’ trong giáo trình, nhưng họ không dừng lại suy nghĩ (như một tổ chức) xem những lựa chọn đạo đức của trường cũng đang hoàn toàn dạy cho sinh viên,” bà viết trong email.
Các công ty không phải luôn luôn là thủ phạm. Cũng có đủ loại thành kiến (bias) khác, như là “thành kiến mũ trắng” khi một nhà khoa học làm méo mó số liệu để phục vụ cho điều mà anh ta xem là chính nghĩa. Rồi có thành kiến trong giới xuất bản, khi các kết quả không có gì mới hay có vẻ đáng chú ý thì không được xuất bản, làm méo mó bức tranh tổng thể.
Bà Anastasia Thanukos, nhà sinh vật học và biên tập của trang “Understanding Science” thuộc ĐH Berkeley California, mô tả cách nhà nghiên cứu có thể thiên vị một cách tinh vi khi chọn dữ liệu.
“Cơ bản là bạn có thể tìm cớ để loại ra những điểm số liệu cụ thể,” bà nói.
Ngoài ra cũng cần biết nghiên cứu được xây dựng như thế nào, theo Mickey Rubin, phó chủ tịch phụ trách nghiên cứu tại National Dairy Council. Ông cho biết qua email: “2 nghiên cứu về dấu chân sinh thái của 1 thực phẩm có thể cho ra kết quả khác xa nhau, dựa vào việc mỗi nhà nghiên cứu xác định dấu chân sinh thái bao gồm những gì và phụ thuộc các biến số nào.”
Chính trị cũng có thể ảnh hưởng, theo cả 2 chiều. Chính trị ảnh hưởng khoa học, và khoa học ảnh hưởng chính trị.
Ví dụ, Robert Galbraith, một nhà phân tích cấp cao của tổ chức phi lợi nhuận Public Accountability Initiative, đã đánh giá danh sách nghiên cứu trình bày tại một cuộc họp của hạt Allegheny, bang Pennsylvania, để quyết định có nên cho thuê quyền khai khoáng tại một công viên quốc gia hay không. “Tên của các nghiên cứu được đặt trong một danh sách và ném trước mặt ủy ban của hạt,” ông nói. Chúng được “liệt kê cẩu thả và sơ sài. Rất ít được bình duyệt, một số còn chẳng phải nghiên cứu, chỉ là những bài thuyết trình PowerPoint được người vận động hành lang thu thập.”
Bà Thanukos nói rằng nhiều nhà làm chính sách có thể phân biệt nghiên cứu tốt và nghiên cứu thiên vị. “Nhưng vấn đề là những nhà làm chính sách và lãnh đạo… chọn những kết quả họ thích và ủng hộ cho mục tiêu của họ.”
Cho dù khoa học có nhiều đường để đi sai lệch, cũng có những cán cân đối trọng.
“Khoa học có các cơ chế để sửa lại những [thiên vị] này, nhưng phải mất thời gian,” Thanukos nói. “Khi một nghiên cứu thiên vị được đưa vào tài liệu in, xuất bản ra công chúng, phải mất một thời gian để các nhà khoa học theo kịp và gỡ rối nó.”
Theo Tara MacIsaac, ET,
Phong Trần biên dịch
Xem thêm:
Trước tình hình căng thẳng, Hungary đang lên kế hoạch triển khai hệ thống phòng…
Chuẩn Đô đốc Thomas Buchanan tuyên bố rằng Mỹ sẵn sàng sử dụng vũ khí…
Putin: Nếu Mỹ muốn chiến thì Nga cũng phải theo, và tên lửa bắn vào…
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…