Những vấn đề về chuyển đổi mô hình tăng trưởng, ngân sách, tài khóa và cải cách thể chế vừa được ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nêu ra.
Phát biểu tại phiên thảo luận về Tình hình Kinh tế – Xã hội Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 14 ngày 25/5, Chủ tịch VCCI đánh giá kinh tế – xã hội đã có những bước chuyển biến tích cực, song chủ yếu là nhờ vào các giải pháp mang tính ngắn hạn.
Trong khi đó, ông Lộc cho rằng nhiều vấn đề mang tính cơ cấu của nền kinh tế mới chỉ được nhận diện mà chưa có phương án giải quyết căn cơ.
Chẳng hạn về mô hình chuyển đổi tăng trưởng, Chủ tịch VCCI nhận định Việt Nam là nước nói nhiều nhất về “cách mạng 4.0”, nhưng đến nay, các chính sách về giáo dục, khoa học và công nghệ chưa có thay đổi căn bản, chưa tạo ra nguồn lực để ứng dụng vào sản xuất kinh doanh.
Về chính sách tài khóa, ông Lộc chỉ ra nổ lực cân bằng ngân sách, khống chế nợ công trước đây được thực hiện bằng các khoản thu một lần như: bán đất, bán tài sản công hay thu từ cổ tức của các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, khi các nguồn thu này cạn kiệt, việc chuyển sang tăng thu từ thuế lại được xem như một cứu cánh.
“Giải pháp này sẽ tạo nên một sự dịch chuyển nguồn lực từ khu vực tư đang hoạt động hiệu quả sang khu vực công kém hiệu quả hơn. Điều này không có lợi cho tăng trưởng kinh tế trong dài hạn”, Chủ tịch VCCI nhận định.
>> Giá xăng Việt Nam có thực sự thấp hơn nhiều nước?
Ông Lộc cho rằng nếu việc tinh giản bộ máy, giảm chi thường xuyên được thực hiện tốt thì sẽ không dẫn đến việc đánh thuế dồn dập theo kiểu tận thu khiến người dân bức xúc.
Một khía cạnh khác được đại diện VCCI nêu ra là việc cải cách thể chế, thủ tục hành chính còn mang tính chất đối phó, chạy theo vụ việc dẫn đến kết quả còn cách xa với điều cần làm.
“Những câu chuyện cười ra nước mắt, chỉ có ở Việt Nam, như ‘1 thỏi chocolate cõng 13 giấy phép’ hay chuyện ‘thời gian nuôi gà còn ngắn hơn thời gian xin được giấy phép bán gà’ vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi…“, đại biểu đến từ Thái Bình nói.
Theo ông Lộc, nguyên nhân của những mặt tồn tại trên là do chưa có một kế hoạch cải cách tổng thể nhằm xử lý gốc gác của vấn đề.
Dẫn ví dụ về quỹ Bảo hiểm xã hội, ông Lộc cho rằng việc tăng tuổi nghỉ hưu chỉ là một khía cạnh của vấn đề cân đối thu chi của quỹ, trong khi chưa thấy Chính phủ đề cập đến hiệu quả, khả năng sinh lời của quỹ…
Chủ tịch VCCI cho rằng vấn đề cốt lõi vẫn nằm ở cải cách thể chế, theo hướng đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa DNNN; tiết giảm chi phí chính thức lẫn phi chính thức, tạo môi trường thông thoáng cho doanh nghiệp hoạt động.
Tú Mỹ (T/h)
Xem thêm:
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…