Với dự toán nợ công năm 2021 lên đến 4 triệu tỷ đồng, bình quân mỗi người dân Việt Nam, từ trẻ sơ sinh tới người già, sẽ phải gánh hơn 40 triệu đồng nợ công.
Truyền thông nhà nước ngày 2/11 dẫn lời ông Bùi Đặng Dũng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng nợ công của Việt Nam đang là “vấn đề nhức nhối” khi thảo luận về kinh tế – xã hội, ngân sách năm 2020, kế hoạch năm 2021.
“Tại sao họ không làm gì mà con họ phải gánh 30 triệu đồng nợ công? – ông Dũng nhắc lại lời cử tri chất vấn ông vào thời điểm đầu nhiệm kỳ. Tới cuối nhiệm kỳ, con số này đã tăng lên hơn 40 triệu đồng/người.
Ông Dũng cũng đề nghị Chính phủ báo cáo kỹ hơn về con số trả nợ trực tiếp. Theo thông tin do ông này đưa ra, năm 2020, số trả nợ trực tiếp là hơn 318.000 tỷ đồng, chiếm hơn 27% thu ngân sách. Theo dự toán, số dùng trả nợ trực tiếp trong năm 2021 là hơn 368 nghìn tỷ đồng, chiếm 27,4% thu ngân sách. Mức trả nợ trực tiếp như trên tức là thu 100 đồng mà phải trả nợ 27 đồng, thì an ninh, an toàn tài chính quốc gia là rất khó khăn.
Trong khi đó, chi thường xuyên năm 2020 vẫn còn cao, theo báo cáo lên tới 63,4%. Còn chi đầu tư phát triển là “một câu chuyện buồn của năm 2020” khi sau 9 tháng, mới chỉ giải ngân 57,2% so với dự toán. Đặc biệt, giải ngân ODA chỉ đạt 24,8%, trong đó có 14 nghìn tỷ đồng chưa phân bổ được.
Cũng tại buổi thảo luận, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, Nguyễn Hữu Quang cho rằng còn nhiều vấn đề cần đánh giá như tốc độ tái cơ cấu và sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước đang giảm xuống, trong đó có việc thoái vốn chưa đạt hiệu quả…
Ông Quang cũng nêu vấn đề về an ninh tài chính khi nợ công đang ở mức cao và dự báo thời gian tới còn cao hơn nữa.
Đáng chú ý, theo ông Quang, báo cáo cho biết năm 2021, dự kiến GDP tăng 6% nhưng dự toán thu ngân sách lại giảm 11%. Ông Quang nhận định chưa bao giờ có con số lập dự toán năm sau lại thấp hơn năm trước như hiện nay.
Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH xác định thời gian tới sẽ có nhiều cạnh tranh, nền kinh tế Việt Nam sẽ còn bị ảnh hưởng lâu dài bởi đại dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) trên thế giới.
Đối với nợ công và bội chi ngân sách, ông Dung cho biết nếu tính tăng trưởng trên 4%, bội chi trên 6% thì nợ công sẽ rất cao và chắc chắn không an toàn.
Tại báo cáo về nợ công 2020, dự kiến 2021 do Chính phủ gửi Quốc hội vào giữa tháng 10/2020, nợ công năm 2020 dự kiến sẽ vượt 3,63 triệu tỷ đồng và nghĩa vụ trả nợ cả gốc lẫn lãi khoảng trên 360 nghìn tỷ đồng. Trung bình mỗi người dân gánh khoảng 37 triệu đồng nợ công (dân số khoảng 97,5 triệu người). Năm 2020, tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ nước ngoài/xuất khẩu là 34,6%, vượt gần 10% so với mức trần 25% mà Quốc hội cho phép. Theo dự kiến về dự toán ngân sách và phân bổ dự toán ngân sách năm 2021 đang trình Quốc hội tại kỳ họp này, Chính phủ phải vay khoảng 579.772 tỷ đồng để cân đối ngân sách trung ương, gồm: vay bù đắp bội chi ngân sách trung ương khoảng 318.870 tỷ đồng; vay để trả nợ gốc của ngân sách trung ương khoảng 260.902 tỷ đồng. Theo đó, lũy kế đến năm 2021, nợ công sẽ vượt mốc 4 triệu tỷ đồng. Năm 2021, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 368.276 tỷ đồng, chủ yếu là trả nợ trong nước với khoảng 323.093 tỷ đồng, bằng khoảng 27,4% thu ngân sách. Chỉ số này vượt ngưỡng Quốc hội cho phép với giai đoạn 2016 – 2020 là 25%, chủ yếu do các khoản trái phiếu chính phủ trong nước phát hành trong giai đoạn trước đáo hạn ở mức cao vào năm 2021 – khoảng 187.001 tỷ đồng, chiếm 13,9% thu ngân sách. Dự báo đến cuối năm 2021 nợ công khoảng 58,6% GDP chưa đánh giá lại, nhưng chỉ khoảng 46,1% GDP đánh giá lại, chưa vượt trần (mức trần Quốc hội cho phép là 65% GDP). Mặc dù vậy, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách có thể lên mức 27,4% – mức mà Chính phủ cho rằng “cần có biện pháp để kiểm soát”. |
Cuối tháng 7/2020, ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1130/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình quản lý nợ công 3 năm giai đoạn 2020-2022 và kế hoạch vay, trả nợ công năm 2020.
Tổng mức vay của Chính phủ trong 3 năm 2020-2022 khoảng 1.546,3 nghìn tỷ đồng. Trong đó, vay cho ngân sách trung ương khoảng 1.420,4 nghìn tỷ đồng, vay về cho vay lại khoảng 125,9 nghìn tỷ đồng.
Theo Kế hoạch vay, trả nợ công năm 2020, Chính phủ vay 501.461 tỷ đồng, gồm: vay trong nước 394.040 tỷ đồng và vay nước ngoài 107.421 tỷ đồng.
Trong đó, vay cho cân đối ngân sách trung ương là 458.046 tỷ đồng, gồm: vay để bù đắp bội chi 217.800 tỷ đồng, vay để trả nợ gốc 231.156 tỷ đồng và phát hành trái phiếu chính phủ để nhận nợ với Bảo hiểm Xã hội 9.090 tỷ đồng.
Vay về để cho vay lại khoảng 43.415 tỷ đồng.
Trong năm 2020, trả nợ của Chính phủ là 366.689 tỷ đồng, trong đó trả nợ trực tiếp của Chính phủ 337.122 tỷ đồng, trả nợ của các dự án cho vay lại 29.567 tỷ đồng.
Nguyễn Quân
Xem thêm:
Các nhà điều tra Ukraine đang nghiên cứu mảnh vỡ của một tên lửa đạn…
Hôm Chủ nhật (24/11), thủ đô Islamabad của Pakistan đã bị phong tỏa vì lý…
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã cam kết tăng cường lưu lượng…
Theo VKS, bản án quy kết bị cáo Trương Mỹ Lan tham ô 304.000 tỷ…
Theo thống kê, hơn 800.000 người nhập cư Venezuela đã đổ vào Mỹ trong 4…
Theo một báo cáo của Tạp chí Nature đăng vào ngày 8 tháng 11, hành…