Trước đề nghị của EVN muốn giảm mua 2 triệu tấn than trong năm nay, TKV cho biết điều này sẽ khiến 4.000 công nhân ngành than có nguy cơ mất việc làm, tương đương với một mỏ than hầm lò sẽ bị đóng cửa.
Ngày 19/6, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng có buổi làm việc với Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) kiểm tra việc thực hiện các giải pháp tăng trưởng ngành than.
Tại buổi làm việc, ông Đặng Thanh Hải – Tổng Giám đốc TKV cho biết ngày 26/5, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có báo cáo gửi Bộ Công Thương về việc cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện của EVN.
Theo báo cáo, EVN có đề xuất Bộ Công thương cắt giảm 2 triệu tấn than mua từ TKV (từ 19,92 triệu tấn giảm còn 17,92 triệu tấn), thay vào đó, EVN sẽ mua 2 triệu tấn than từ 2 công ty mới.
Đại diện ngành than cho hay với việc EVN giảm mua, TKV sẽ tăng lượng tồn kho than thêm 2 triệu tấn. Tính đến tháng 6/2017, Tập đoàn đang tồn kho 9,3 triệu tấn, cùng với 2 triệu tấn than sạch do Thủ tướng yêu cầu tăng thêm để tăng đóng góp cho tăng trưởng GDP cả năm, tổng lượng than tồn kho của TKV sẽ tăng lên tới 13,3 triệu tấn.
“Nếu tính toán theo năng suất lao động bình quân của TKV năm 2016 thì khoảng 4.000 người lao động sẽ mất việc làm, tương đương với một mỏ than hầm lò bị đóng cửa”, ông Hải nói.
Cùng với nguy cơ người lao động mất việc làm, TKV cho biết việc cắt giảm sản lượng sẽ gây thiệt hại cho Tập đoàn vì đã ký nhiều hợp đồng với các đối tác để thực hiện kế hoạch từ đầu năm 2017 như: hợp đồng thuê máy móc thiết bị phục vụ sản xuất, hợp đồng vận chuyển, hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng mua sắm vật tư,…
Đề cập đến giá thành sản phẩm than trong nước, ông Hải cho biết dù năng suất lao động của TKV trong năm 2016 đã tăng gấp 1,4 lần so với năm 2005 và tăng gần 4,2 lần so với năm 1995 nhưng do điều kiện khai thác khó khăn, đầu tư công nghệ và gánh nặng thuế, phí khiến giá thành sản xuất than vẫn có xu hướng tăng trong những năm qua.
Cụ thể, chi phí đầu tư công nghệ làm tăng giá thành so với năm 2011 là 1.800 tỷ đồng; chi phí khấu hao và lãi vay khiến tăng giá thành 1.900 tỷ đồng và thuế, phí làm tăng tới 3.200 tỷ đồng; ngoài ra tiền lương và các yếu tố đầu vào khác như xăng dầu cũng khiến than đội giá thành hàng nghìn tỷ đồng.
Do đó, lãnh đạo TKV đã đề xuất Chính phủ yêu cầu EVN và Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) chưa mua than của các công ty ngoài TKV và Tổng Công ty Đông Bắc; có chính sách ưu tiên sử dụng nguồn than Antraxit sản xuất trong nước, hạn chế nhập khẩu loại than này trong năm nay trong điều kiện đang bất bình đẳng về thuế, phí. Từ năm 2018, nếu các tập đoàn lớn không mua than của TKV, Tập đoàn sẽ cân đối lại.
Tại buổi làm việc, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn – Thứ trưởng Bộ Tài chính đề cập tới giá bán cạnh tranh theo nguyên tắc thị trường. Theo Thứ trưởng, để doanh nghiệp chủ động nhập khẩu theo thị trường, nhưng than trong nước phải ưu tiên, tuy nhiên, phải có giá bán cạnh tranh, ít ra phải bằng và thấp hơn doanh nghiệp nhập khẩu, đảm bảo ưu tiên theo đúng cam kết quốc tế về thị trường. Hiện mức chênh lệch giữa giá than trong nước và than nhập khẩu từ 500.000 đến 2 triệu đồng/tấn.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nêu ý kiến đề nghị Bộ Công thương có giải pháp tiêu thu lượng than tồn kho, theo Thủ tướng là không cắt giảm tiêu thụ lượng than do TKV cung cấp cho EVN. Với lượng than tồn kho, nếu đảm bảo than sau chế biến, than sạch thì đề nghị Bộ Công Thương xem xét hạn ngạch để xuất khẩu.
Trần Tâm
Xem thêm:
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…