Categories: Kinh Tế

Gian lận thương mại: Hàng tỉ đô la hàng TQ được gắn mác Việt để né thuế Mỹ

Theo bài báo trên tờ Wall Street Journal (WSJ), hàng tỉ đô la giá trị hàng hóa Trung Quốc lẽ ra phải chịu thuế quan của Mỹ trong chiến tranh thương mại đang đi đường vòng vào Mỹ qua các nước khác ở Châu Á, đặc biệt là Việt Nam.

(Ảnh minh hoạ của Getty Image)

Hơn một năm qua, chính quyền của Tổng thống Trump đang tìm cách xoá sổ hình thức gian lận thương mại được gọi là “trung chuyển” (transhipment), theo đó hàng XK của Trung Quốc thường được xử lý tối thiểu hoặc thay đổi trong một lần dừng ngắn ở cảng thứ ba và sau đó tái xuất dưới dạng sản phẩm có nguồn gốc từ cảng thứ ba. Hiện Hoa Kỳ đang áp mức thuế 25% đối với khoảng 200 tỷ đô la hàng XK của Trung Quốc.

Trong 5 tháng đầu năm nay, hàng điện tử, máy tính, máy móc và các thiết bị khác xuất khẩu từ Trung Quốc sang Việt Nam đã tăng mạnh so với một năm trước đó. Ở chiều ngược lại, những mặt hàng hóa tương tự xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ cũng tăng.

Bài báo dẫn số liệu thương mại do Tổng cục Hải quan Việt Nam công bố cho biết, máy tính và hàng điện tử của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ tăng 71,6% trong 5 tháng đầu năm lên 1,8 tỉ đôla, hơn gấp 5 lần so với tốc độ xuất khẩu các sản phẩm như vậy trên toàn thế giới. Trong cùng giai đoạn này, hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt nam trong danh mục này tăng 80,8% lên 5,1 tỉ đôla, gấp 4 lần tốc độ được ghi nhận cho toàn thế giới.

Trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 5, máy móc và thiết bị từ Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ tăng 54,4% so với năm trước lên 1,7 tỉ đôla, so với mức tăng 6,7% toàn cầu, theo dữ liệu. Hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trong cùng khoảng thời gian tăng 29,2% lên 5,7 tỉ đôla, gấp khoảng hai lần tốc độ được báo cáo đối với hàng nhập khẩu trên toàn thế giới.

Người phát ngôn của Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ cho biết họ đã xác định được việc trung chuyển bất hợp pháp hàng hóa Trung Quốc qua một số quốc gia, chỉ ra các trường hợp trong những tháng gần đây tại Việt Nam, Malaysia và Philippines. Bà nói cơ quan này sẽ tiếp tục theo đuổi hành động né tránh thuế quan như vậy.

Bên ngoài châu Á, các quốc gia như Serbia và Mexico cũng đóng vai trò trung gian này. Nhưng các quan chức Hoa Kỳ và các nhà phân tích trong ngành công nghiệp nói rằng Việt Nam trong nhiều năm đã đóng một vai trò quan trọng trong việc nhập khẩu thép Trung Quốc, gia công lại một chút, và sau đó tái xuất khẩu sản phẩm như một loại hàng hóa của Việt Nam.

Vào tháng 5 năm 2018, Hoa Kỳ đã áp thuế hơn 250% đối với một số mặt hàng xuất khẩu thép của Việt Nam sau khi phát hiện ra chúng có chứa một lượng đáng kể thép của Trung Quốc. Phán quyết dựa trên kết luận của Bộ Thương mại Hoa Kỳ rằng chi phí Việt Nam bỏ ra để tăng giá trị sản phẩm chỉ gồm việc xử lý nhẹ và sơn phủ bổ sung là rất nhỏ và không đáng kể [để được coi là hàng Việt Nam].

Việt Nam, nước được hưởng lợi từ tranh chấp thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, đứng trước nguy cơ dễ bị mất một số cơ hội kinh doanh mới nếu quốc gia này được coi là một trung tâm “trung chuyển.”

Từ khi chiến tranh thương mại Mỹ – Trung nổ ra, Việt nam được dự đoán sẽ được hưởng lợi từ việc sắp xếp lại chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhiều công ty, bao gồm nhà cung cấp của Apple là Foxconn Technology Group và tập đoàn điện tử khổng lồ Sharp Corp đang cân nhắc kế hoạch di chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

Vào hôm 26/6, Tổng thống Trump đã đả kích Việt Nam bằng những lời lẽ gay gắt trong một cuộc phỏng vấn trực tiếp trên đài Fox Business.

“Rất nhiều công ty đang dời sang Việt Nam, nhưng Việt Nam lợi dụng chúng ta còn tệ hơn cả Trung Quốc,” ông Trump nói. “Việt Nam gần như là kẻ lạm dụng tồi tệ nhất.”

Trước bình luận của ông Trump, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định “Chính phủ Việt Nam kiên quyết ngăn chặn và sẽ xử lí nghiêm các hành vi gian lận thương mại, hàng hóa nước ngoài lấy danh nghĩa hàng Việt Nam xuất khẩu sang thị trường khác”.

Cơ quan Hải quan Việt Nam cho biết trong tháng này rằng họ đã chỉ đạo việc tăng cường kiểm tra và xác minh giấy chứng nhận xuất xứ – một tài liệu đi kèm với tất cả các lô hàng quốc tế.

Các chuyên gia thương mại cho biết việc thực hành “trung chuyển” đã trở nên lớn đến mức đã sinh ra nhiều cơ sở hạ tầng để hỗ trợ việc này.

Jeffrey Newman, người sáng lập Jeffrey Newman Law, một công ty luật có trụ sở tại Boston chuyên xử lý các trường hợp gian lận thương mại cho biết, “nhiều nhà máy đang được xây lên ở Việt Nam, nhưng thực chất là nơi lưu trữ hàng hoá Trung Quốc được gửi đến đây.”

Bảo Minh (theo WSJ)

Xem thêm:

Bảo Minh

Published by
Bảo Minh

Recent Posts

Sáu điều cần biết về bà Kristi Noem, ứng viên Bộ trưởng An ninh Nội địa của ông Trump

Tổng thống đắc cử Donald Trump đã đề cử bà Kristi Noem, Thống đốc tiểu…

19 phút ago

Ukraine nghiên cứu mảnh vỡ từ tên lửa đạn đạo mới của Nga

Các nhà điều tra Ukraine đang nghiên cứu mảnh vỡ của một tên lửa đạn…

1 giờ ago

Islamabad bị phong tỏa trước cuộc biểu tình đòi trả tự do cho cựu Thủ tướng Khan

Hôm Chủ nhật (24/11), thủ đô Islamabad của Pakistan đã bị phong tỏa vì lý…

1 giờ ago

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đưa ra cam kết mới với Tổng thống Nga Putin

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã cam kết tăng cường lưu lượng…

2 giờ ago

VKS: Bà Trương Mỹ Lan nộp 280.000 tỷ đồng mới có cơ sở xem xét giảm án tử hình

Theo VKS, bản án quy kết bị cáo Trương Mỹ Lan tham ô 304.000 tỷ…

2 giờ ago

Ông Trump xóa sổ băng đảng Venezuela ở Mỹ như thế nào sau khi nhậm chức?

Theo thống kê, hơn 800.000 người nhập cư Venezuela đã đổ vào Mỹ trong 4…

2 giờ ago