Ngân hàng Chính sách Xã hội cho biết sau 2 tháng triển khai cho gói 7.500 tỷ đồng cho doanh nghiệp vay hỗ trợ trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất, hiện giải ngân được 382 tỷ đồng cho 730 doanh nghiệp.
Theo Ngân hàng Chính sách Xã hội, tính đến ngày 17/9, hệ thống ngân hàng này đã phê duyệt 746 hồ sơ đề nghị vay vốn của người sử dụng lao động (gọi chung là doanh nghiệp) với tổng số tiền hơn 392 tỷ đồng để trả lương cho 112.397 lượt người lao động (1).
Trong số trên, ngân hàng đã giải ngân được 382 tỷ đồng cho 730 doanh nghiệp để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 109.373 lượt người lao động tại 63 tỉnh, thành phố.
Một tháng trước đó, số liệu do ngân hàng này cung cấp tại ngày 17/8 cho biết hệ thống đã tiếp nhận 308 hồ sơ đề nghị vay vốn của doanh nghiệp với tổng số tiền 174,6 tỷ đồng để trả lương cho 50.175 lượt người lao động. Trong đó, 276 hồ sơ được phê duyệt với số tiền cho vay là gần 170,7 tỷ đồng để trả lương cho 49.043 lượt người lao động.
Số tiền ngân hàng đã giải ngân tính đến thời điểm trên gần 170 tỷ đồng cho 267 doanh nghiệp để trả lương cho 48.737 lượt người lao động.
Theo đó, trong một tháng qua, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã giải ngân thêm khoảng 212 tỷ đồng cho 463 doanh nghiệp vay để trả lương cho thêm 63.660 lượt người lao động.
Ngày 7/7, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký ban hành Quyết định số 23/2021 của Thủ tướng Chính phủ, cho phép các doanh nghiệp được vay vốn để trả lương ngừng việc cho người lao động và khi phục hồi sản xuất.
Trong đó, mức cho vay để trả lương ngừng việc tối đa là bằng mức lương tối thiểu vùng đối với số người lao động theo thời gian trả lương ngừng việc thực tế tối đa 3 tháng; thời hạn vay vốn dưới 12 tháng.
Với vay vốn trả lương cho người lao động khi phục hồi sản xuất, mức cho vay tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động đang làm việc theo hợp đồng lao động, hỗ trợ tối đa 3 tháng; thời hạn vay vốn dưới 12 tháng.
Tổng nguồn vay tái cấp vốn tối đa là 7.500 tỷ đồng, không có tài sản bảo đảm, lãi suất 0%/năm từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Nguồn vốn do Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội để cho doanh nghiệp vay. Việc giải ngân của Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ thực hiện đến hết ngày 5/4/2022 hoặc khi giải ngân hết 7.500 tỷ đồng. Quyết định 23 có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Theo đó, sau hơn 2 tháng thực hiện Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ, chỉ khoảng 5,2% số tiền doanh nghiệp đề nghị vay để trả lương được Ngân hàng Chính sách xã hội phê duyệt và giải ngân trong tổng quy mô gói hỗ trợ 7.500 tỷ đồng.
Quyết định 23 quy định các điều kiện để doanh nghiệp vay vốn từ gói hỗ trợ lãi suất 0% để trả lương công nhân gồm:
Đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để phục hồi sản xuất, kinh doanh, phải đủ các điều kiện:
|
Báo Hải Quan ngày 21/9 (2) dẫn lời một số lãnh đạo tại các chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội cho hay số lượng doanh nghiệp và người sử dụng lao động được phê duyệt gói vay còn ít chủ yếu do doanh nghiệp lúng túng trong việc xây dựng phương án, kế hoạch khôi phục sản xuất kinh doanh ảnh hưởng đến quá trình làm hồ sơ vay vốn.
Một số doanh nghiệp chưa có phương án, kế hoạch khôi phục sản xuất kinh doanh (do tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp) nên chưa được vay vốn.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp chưa hoàn thành quyết toán thuế nên chưa được thông báo quyết toán thuế để hoàn thiện hồ sơ vay vốn. Các chi nhánh công ty hoạt động phụ thuộc nên phải chờ tổng công ty ủy quyền vay vốn và hoàn thiện thủ tục quyết toán thuế mới có đủ hồ sơ.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp và giới chức tỉnh phản ánh vướng mắc chủ yếu là ở điều kiện doanh nghiệp “không có nợ xấu” và “hoàn thành quyết toán thuế 2020”.
Cơ sở may Phú Sinh (TP Thủ Đức, TP.HCM) không thể hoạt động trong 2 năm qua, song ông Nguyễn Thành Sinh, chủ cơ sở cho biết vẫn không đủ điều kiện để vay gói hỗ trợ lãi suất 0% để trả lương công nhân, vì vướng điều kiện là “không có nợ xấu”. “Thực sự yêu cầu này rất khó đáp ứng, bởi kinh doanh khó khăn, hầu như rất ít doanh nghiệp không có nợ xấu”, ông Sinh nói, theo báo Tiền Phong ngày 21/9 (3).
Cũng báo này dẫn lời ông Bùi Thế Duy, Giám đốc Công ty Du lịch L.V (quận 1, TP.HCM) cho hay một số doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, lữ hành đã liên hệ với cơ quan thuế ở TP.HCM thì được thông báo là cơ quan này chỉ xác nhận tờ khai thuế, nộp thuế của doanh nghiệp trong năm 2020, còn bản sao quyết toán thuế 2020 thì chưa có, vì quyết toán thuế chỉ được thực hiện sau vài năm.
Hiện trên thực tế, cơ quan thuế thường quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp trong khoảng thời gian 3-5 năm, không quyết toán từng năm, và các hoạt động quyết toán phụ thuộc vào cơ quan thuế. Điều này đang gây khó khăn khi doanh nghiệp cần hoàn thành quyết toán thuế năm 2020 để được tiếp cận gói hỗ trợ 7.500 tỷ đồng.
Một tháng trước, tại hội nghị trực tuyến do Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức hôm 17/8, vướng mắc về thủ tục quyết toán thuế đã được giới chức một số tỉnh nêu ra, báo Đầu Tư ngày 18/8 dẫn tin (4).
Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh Bùi Văn Khắng kiến nghị Tổng cục Thuế sớm có hướng dẫn tháo gỡ vướng mắc thủ tục quyết toán thuế. Tại thời điểm này, tỉnh Quảng Ninh có 20 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng có nhu cầu vay vốn trả lương phục hồi sản xuất kinh doanh nhưng không giải quyết được yêu cầu phải hoàn thành quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020.
Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng cho biết điều kiện vay vốn trả lương ngừng việc là không có nợ xấu, đã hoàn thành quyết toán thuế năm 2020 tại thời điểm đề nghị vay vốn nên sẽ rất khó để doanh nghiệp đáp ứng. Theo đó, ông Minh kiến nghị Chính phủ nên xem xét điều chỉnh điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay, sớm khôi phục hoạt động.
Báo Tiền Phong ngày 20/9 cho hay Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh TP.HCM – ông Trần Văn Tiên vào chiều 19/9 xác nhận các điều kiện doanh nghiệp phải có quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 và không có nợ xấu là “quá khó”. “Trong điều kiện dịch dã kéo dài, những yêu cầu đó là quá khó với doanh nghiệp”, ông Tiên nói, cho biết Bộ LĐ-TB&XH đang lấy ý kiến trình Chính phủ để sửa đổi những quy định này trong Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ.
Nguyễn Minh
Chú thích:
Xem thêm:
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…
Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Rounds đại diện tiểu bang Nam Dakota đã…