Intel là nhà sản xuất chip tiên tiến nhất trên thế giới. Tuy nhiên gần đây, công ty đã không thể bắt kịp tốc độ thay đổi mà nhà đồng sáng lập Intel Gordon Moore đã dự đoán cho ngành công nghệ. Theo Bloomberg dẫn nguồn tin cho biết, chính quyền Biden đã từ chối kế hoạch tăng sản lượng của Intel tại Trung Quốc với lý do các vấn đề an toàn.
Định luật Moore được đề xuất bởi Gordon Moore, nội dung là: Khi giá vẫn giữ nguyên, số lượng bóng bán dẫn có thể sử dụng trên mạch tích hợp sẽ tăng gấp đôi sau mỗi 18 tháng và hiệu suất cũng sẽ tăng gấp đôi. Nói cách khác, hiệu suất máy tính có thể mua được với mỗi đô la sẽ tăng hơn gấp đôi sau mỗi 18 tháng.
Trang tài chính của CNBC đưa tin, ông Christopher Rolland, nhà phân tích của Heiner International Group, cho biết: “Intel là một công ty theo Định luật Moore và là một nhà lãnh đạo không thể tranh cãi, tuy nhiên những việc đáng lẽ mất thời gian 2 năm nhưng lại mất hơn 5 năm, hơn nữa hiện nay họ vẫn đang nỗ lực để khôi phục Định luật Moore.”
Mặc dù CPU Alder Lake mới ra mắt của Intel có khả năng cạnh tranh, nhưng công nghệ chip của hãng này lại lạc hậu so với công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan TSMC và Samsung. Trong 50 năm kể từ khi Intel lần đầu tiên giới thiệu CPU-4004 đầu tiên trên thế giới, công ty đã gặp phải vài lần cản trở bởi sự chậm trễ trong sản xuất.
Ông Pat Gelsinger, người đã đảm nhận vị trí giám đốc điều hành của Intel vào tháng 2 năm nay, cho biết: “Chúng tôi đã có một số sai lầm. Chiến lược của chúng tôi đã trở nên có chút rối loạn về việc cần phải đóng vai trò lâu dài trong ngành chế tạo sản xuất. Và bây giờ, chúng tôi đang quay trở lại lĩnh vực này với tư duy rõ ràng và cảm giác cấp bách rõ ràng.”
Ông Gelsinger đã đặt ra một lộ trình đầy tham vọng để bắt kịp và vượt qua Samsung và TSMC vào năm 2025. Mấu chốt của kế hoạch này là Intel đang xây dựng một loạt nhà máy sản xuất chip mới với quy mô lớn ở Mỹ, châu Âu và Israel. Tổng chi phí xây dựng của các nhà máy này sẽ vượt quá 44 tỷ đô la Mỹ.
Tăng cường đầu tư vào sản xuất là một trong những hành động lớn của ông Gelsinger kể từ khi ông nắm quyền lãnh đạo. Gần đây, ông cũng đã công bố các dịch vụ gia công của Intel, sẽ mở các cơ sở của Intel để sản xuất chip do Amazon, Qualcomm và các khách hàng khác thiết kế. Trong nhiều thập kỷ, thị trường đã khen thưởng những ‘gã khổng lồ’ không có nhà máy sản xuất chip như Apple và Qualcomm. Nhưng sự thiếu hụt chip làm cho ngành sản xuất chip trở thành một ngành hấp dẫn hơn, ví dụ, cho phép TSMC tăng giá chip lên tới 20%.
Ông Keyvan Esfarjani, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách sản xuất, chuỗi cung ứng và hoạt động của Intel, cho biết: “Cần có thời gian để xây dựng cơ sở hạ tầng này, nhưng tin tốt là toàn thế giới đang hỗ trợ xây dựng thêm năng lực sản xuất.”
Con chip nhỏ nhất và hiệu quả nhất trên thế giới thường được gọi là chip 5 nanomet, thuật ngữ này dùng để chỉ độ rộng của các bóng bán dẫn trên chip. Chúng cung cấp khả năng xử lý dữ liệu tiên tiến nhất và thế hệ iPhone mới nhất của Apple. TSMC và Samsung sản xuất tất cả các chip 5 nanomet này tại các nhà máy ở châu Á của họ.
Theo Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn quốc tế (SEMI), năm 1990, 37% chất bán dẫn trên thế giới được sản xuất tại Mỹ. Hiệp hội này cho biết, thị phần của Mỹ đã giảm xuống còn 12% vào năm ngoái. Chính phủ Mỹ hy vọng sẽ thay đổi tình trạng này thông qua “Đạo luật Chips” (Chips for America Act), đạo luật này sẽ trợ cấp 52 tỷ USD cho Intel và các công ty chip khác cam kết sẽ sản xuất tại Mỹ.
Bà Ann Kelleher, Phó chủ tịch cấp cao về phát triển công nghệ của Intel, cho biết: “Công ty đã bắt đầu xây dựng cơ sở sản xuất tại Mỹ, để Mỹ có thể tự cung tự cấp hơn.”
Theo số liệu của viện nghiên cứu Capital Economics, TSMC phụ trách 92% sản lượng chip 5 nanomet trên thế giới. Điều này khiến nguồn cung chip toàn cầu dễ bị ảnh hưởng bởi các thảm họa thiên nhiên như động đất và hạn hán hiện nay trong khu vực. Ngoài ra còn có căng thẳng địa chính trị leo thang giữa hai bờ eo biển, cũng như cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung.
Ông Gelsinger nói: “Mọi khía cạnh của quốc phòng, tình báo và hoạt động của chính phủ đang ngày càng số hóa hơn, tôi không nghĩ rằng chúng ta muốn dựa vào công nghệ nước ngoài cho những khía cạnh quan trọng của quốc phòng và an ninh quốc gia.”
Bước tiếp theo để triển khai của Intel bao gồm một con chip rất hiệu quả. Thay vì đo bằng nanomet, Intel sẽ sử dụng một đơn vị đo lường nhỏ hơn gọi là angstrom. Intel cho biết họ đang phát triển 18a vào năm 2025 để tăng tốc công ty vượt qua các đối thủ cạnh tranh.
Ông Gelsinger cho biết, “Về lâu dài, chúng tôi sẽ trở thành nhà sản xuất và thiết kế tích hợp silicon lớn nhất thế giới.”
“Đây là một nhiệm vụ khó khăn, tôi không kỳ vọng ông ấy sẽ làm được,” Roland thuộc tập đoàn Susquehanna cho biết. “Nhưng nếu ông ấy có thể hoàn thành nhiệm vụ này, theo tôi, thì nó sẽ đưa họ trở lại sánh ngang trình độ của TSMC”.
Bloomberg dẫn nguồn tin cho biết Intel, nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới Intel đã đề xuất sản xuất các tấm silicon tại một nhà máy ở Thành Đô, Trung Quốc. Ban đầu, việc sản xuất dự kiến sẽ tiến hành trước cuối năm 2022 để giảm bớt căng thẳng nguồn cung toàn cầu. Nhưng mặt khác, Intel đã và đang tìm kiếm sự hỗ trợ từ Chính phủ Mỹ để tăng cường nghiên cứu và sản xuất tại Mỹ.
Theo Bloomberg, những người quen thuộc với vấn đề này cho biết, kế hoạch mở rộng sản xuất ở Trung Quốc của Intel đã được báo cáo với các quan chức chính quyền Biden trong những tuần gần đây và họ đã mạnh mẽ ngăn cản.
Báo cáo chỉ ra rằng tình hình này làm nổi bật những thách thức do tình trạng thiếu chip gây ra. Nó cản trở sự phát triển của công nghệ và ngành công nghiệp ô tô, khiến các công ty mất hàng tỷ đô la doanh thu và buộc các nhà máy phải cho công nhân nghỉ việc. Chính phủ Mỹ đang nỗ lực để giải quyết vấn đề, và họ cũng đang nỗ lực để đưa việc sản xuất các thành phần quan trọng trở lại với Mỹ. Do đó, kế hoạch tại Trung Quốc của Intel đã không đạt được mục tiêu này.
Việc này xảy ra vào thời điểm Nhà Trắng đang tranh luận về vấn đề có nên hạn chế một số khoản đầu tư chiến lược vào Trung Quốc hay không. Cố vấn An ninh Quốc gia Sullivan nói rằng chính phủ đang xem xét thiết lập một cơ chế sàng lọc đầu tư nước ngoài.
Một đại diện của Nhà Trắng từ chối bình luận về các đàm phán hoặc đầu tư cụ thể, nhưng tuyên bố rằng chính phủ rất tập trung vào việc ngăn chặn Trung Quốc (Đảng Cộng sản Trung Quốc, ĐCSTQ) sử dụng công nghệ, kiến thức chuyên môn và đầu tư của Mỹ để phát triển các năng lực hiện đại. Bởi vì những khả năng đó có thể dẫn đến việc tạo điều kiện cho ĐCSTQ vi phạm nhân quyền hoặc đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ.
Nhà phân tích Stacy Rasgon của công ty Sanford C. Bernstein cho biết: “Một khi bạn ngã trên máy chạy bộ, thì sẽ rất khó đứng dậy từ trên chiếc máy đó. Đây là một ngành đầy sức sống và phát triển với tốc độ nhanh.”
Trí Đạt (t/h)
Xem thêm:
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…