Nợ đọng nghĩa vụ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên 180 tỷ đồng cùng với những áp lực đảm bảo công việc cho 24.000 lao động, Tập đoàn Mai Linh gửi văn bản đến Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, Bộ Tài chính, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam về tình hình kinh doanh khó khăn của doanh nghiệp.
Tập đoàn Mai Linh cho hay do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế cùng với mức lãi suất cho vay khá cao trong thời gian vừa qua, Mai Linh đã tìm giải pháp huy động mọi nguồn lực để chi trả các khoản nghĩa vụ thuế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và vốn vay cá nhân.
Tuy nhiên, Mai Linh cũng như các đơn vị kinh doanh vận tải hiện nay đang đứng trước sự cạnh tranh không công bằng của Uber, Grab. Do sự khác biệt giữa hai loại hình taxi truyền thống và Uber, Grab, doanh thu hoạt động kinh doanh của Tập đoàn giảm khoảng 30% so với các năm chưa có loại hình đang được thí điểm.
Tập đoàn cho hay nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước thì trong thời gian tới, doanh nghiệp này sẽ mất khả năng thanh toán do nguồn thu không thể trả kịp cho các khoản nợ đến hạn, quá hạn và các khoản nợ đọng nghĩa vụ thuế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cùng các khoản tiền phạt do nộp chậm.
Theo số liệu thống kê từ Tập đoàn, tính đến ngày 31/10/2017, số nợ đọng nghĩa vụ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của Mai Linh là hơn 180 tỷ đồng, trong đó, nợ gốc trên 150 tỷ đồng, lãi chậm nộp gần 77 tỷ đồng.
Đứng trước nguy cơ hàng vạn lao động mất việc và mất đi thương hiệu lớn, Mai Linh kiến nghị Ủy bản Các vấn đề xã hội của Quốc hội, Bộ Tài chính, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam giải quyết những khó khăn trước mắt để công ty có thể duy trì, phát triển lâu dài.
Theo văn bản gửi đến các cơ quan, để có thể vượt qua khó khăn, có điều kiện trả nợ gốc và đảm bảo công việc cho hơn 24.000 lao động hiện tại, Mai Linh mong Bảo hiểm Xã hội Việt Nam xem xét khoanh nợ, giảm nợ và kiến nghị được miễn tính lãi phát sinh trên số cũ (trên 150 tỷ đồng), cho từng công ty trong hệ thống Mai Linh được thực hiện nghĩa vụ trả nợ gốc trong 20 năm từ năm 2018, mỗi năm 6 tỷ đồng và miễn nghĩa vụ phạt nộp chậm.
Trong năm 2017, Mai Linh đã cắt giảm 6.000 nhân viên để giảm bớt khó khăn trong kinh doanh. Trước áp lực cạnh tranh từ Uber, Grab, Mai Linh cũng đã nghiên cứu và mở rộng dịch vụ hoạt động như cung cấp dịch vụ taxi công nghệ, xe ôm công nghệ.
Văn bản của Mai Linh gửi đến Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, Bộ Tài chính, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam trong bối cảnh từ ngày 1/1/2018, quy định mới về nợ bảo hiểm xã hội có hiệu lực. Theo đó, doanh nghiệp có hành vi gian lận, nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội được hình sự hóa và bị coi là tội phạm.
Điều 216 Bộ Luật Hình sự quy định Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động: 1.Người nào có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 06 tháng trở lên thuộc một trong những trường hợp sau đây, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm: a) Trốn đóng bảo hiểm từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng; b) Trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 người đến dưới 50 người lao động. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng năm đến 03 năm: a) Phạm tội 02 lần trở lên; b) Trốn đóng bảo hiểm từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng; c) Trốn đóng bảo hiểm cho từ 50 người đến dưới 200 người; d) Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản 1 Điều này. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: a) Trốn đóng bảo hiểm 1.000.000.000 đồng trở lên; b) Trốn đóng bảo hiểm cho 200 người trở lên; c) Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản 2 Điều này. 4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. 5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau: a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng; b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng; c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng. |
Nam Phong
Xem thêm:
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…