Số liệu thống kê tổng phương tiện thanh toán và tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng trong tháng 4/2024, do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố, cho thấy lượng tiền gửi của cá nhân và tổ chức tăng mạnh. Trong đó, tiền gửi của dân cư tiếp tục lập kỷ lục mới.
Theo đó, tổng phương tiện thanh toán đến cuối tháng 4/2024 đạt hơn 16 triệu tỷ đồng, tăng 0,13% so với đầu năm. Tiền gửi của khách hàng tại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đạt hơn 13,4 triệu tỷ đồng, tăng hơn 120 nghìn tỷ đồng trong tháng 4/2024.
Như vậy, số dư tiền gửi tại các TCTD đã chính thức lập kỷ lục mới sau khi tăng trưởng âm so với cuối 2023 trong ba tháng đầu năm.
Trong đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng hơn 81 nghìn tỷ đồng, đạt hơn 6,7 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, tính chung trong 4 tháng đầu năm, tiền gửi của tổ chức kinh tế vẫn giảm hơn 133 nghìn tỷ đồng (tương đương giảm 1,95%).
Tiền gửi của dân cư tăng hơn 39,7 nghìn tỷ đồng trong tháng 4 và đạt hơn 6,7 triệu tỷ đồng, tiếp tục lập kỷ lục mới. Trái ngược với tiền gửi của các tổ chức kinh tế, lượng tiền gửi của dân cư lũy kế 4 tháng đầu năm tăng hơn 183 nghìn tỷ đồng (2,8%).
Đáng chú ý, tháng 4/2024 là thời điểm lãi suất huy động tại các ngân hàng vẫn rất thấp. Nhìn chung xu hướng lãi suất huy động giảm vẫn chiếm thế áp đảo. Lãi suất huy động chỉ thực sự tăng đồng loạt tại hầu hết ngân hàng thương mại từ tháng 5/2024 và kéo dài đến nay.
Tới thời điểm hiện tại, đã có một số ngân hàng niêm yết mức lãi suất huy động lên đến 6 – 6,1%/năm theo công bố, gồm HDBank, OceanBank, NCB và SHB.
Cụ thể, mức lãi suất huy động 6,1%/năm, cao nhất thị trường hiện nay, được HDBank niêm yết cho tiền gửi kỳ hạn 12 tháng; NCB và OceanBank niêm yết cho tiền gửi kỳ hạn 18 – 36 tháng và SHB niêm yết cho tiền gửi kỳ hạn từ 36 tháng.
Mức lãi suất huy động 6%/năm đang được OCB niêm yết cho tiền gửi kỳ hạn dài 36 tháng, trong khi BVBank vừa áp dụng mức lãi suất này cho tiền gửi kỳ hạn từ 18 – 36 tháng.
Tuy nhiên, mức tăng trưởng tiền gửi đang chậm hơn so với tốc độ tăng trưởng tín dụng trong những tháng đầu năm 2024. Cụ thể, theo theo số liệu từ NHNN, tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 4 đạt 2,01% so với đầu năm, trong khi huy động từ dân cư và tổ chức kinh tế chỉ là 0,4%.
Còn theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm 24/6/2024, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 1,5% so với cuối năm 2023; trong khi tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 4,45%.
Với tình hình hiện tại, theo dự báo của các chuyên gia, để đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế trong những tháng cuối năm, các tổ chức tín dụng sẽ tiếp tục tăng lãi suất huy động từ 0,5 đến 1 điểm %.
Đa số đều kỳ vọng lãi suất sẽ lên khoảng 5 – 6%/năm, về ngang với giai đoạn COVID. Dù vậy, mức lãi suất này vẫn tương đối thấp so với trung bình 10 năm qua.
Tuy nhiên, lãi suất cho vay sẽ tiếp tục đi ngang hoặc chỉ tăng nhẹ do các ngân hàng, đặc biệt là nhóm ngân hàng quốc doanh, phải thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ nền kinh tế.
Mưa lớn kéo dài những ngày qua khiến một số điểm ở huyện miền núi…
Hôm thứ Bảy (23/11), tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký một luật mới cấm…
Cuối ngày làm việc với Công an huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai), người đàn…
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Cell Metabolism (Chuyển hóa Tế bào) cho…
Các nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng số ca tử vong do ung thư…
Chính quyền Biden có thể công bố các hạn chế xuất khẩu mới sang Trung…